Vì sao người già hay bị loãng xương? Câu trả lời từ bác sĩ

Loãng xương là bệnh lý thầm lặng thường gặp ở người cao tuổi. Cùng với quá trình lão hóa, chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống, các bệnh lý đồng mắc, các thuốc đang sử dụng cũng có thể làm bệnh loãng xương trở nên trầm trọng hơn. Nhận biết sớm các yếu tố này giúp chẩn đoán, điều trị loãng xương hiệu quả, nhằm ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Hà Phạm Trọng Khang tìm hiểu vì sao người già hay bị loãng xương và cách điều trị nhé.

Nguyên nhân người già hay bị loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương trở nên mỏng manh và dễ gãy, dẫn đến nguy cơ gãy cao hơn. Điều này xảy ra khi xương mất các khoáng chất như canxi nhanh hơn mức mà cơ thể có thể thay thế.

Ở Úc, bệnh loãng xương ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới trên 50 tuổi.1 Loãng xương ảnh hưởng đến khoảng 54 triệu người ở Hoa Kỳ.2

Mặc dù bệnh này xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới bốn lần.3

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Bệnh loãng xương được gọi là một căn bệnh thầm lặng. Vì bệnh thường không có triệu chứng và hiếm khi được chẩn đoán cho đến khi xương bị gãy hoặc nứt vỡ. Xương mô sống và luôn trong trạng thái đổi mới. Khi ta già đi, phần lớn xương trong trạng thái hủy xương hơn là được thay thế bằng xương mới. Do đó, xương ngày càng mỏng và dễ gãy hơn khi già đi.

Điều này đặc biệt đúng trong thời kỳ mãn kinh đối với phụ nữ, và nam giới có nồng độ hormone steroid sinh dục (như testosterone) thấp hơn.

Về cơ bản, loãng xương được chia thành 2 nhóm chính:

Loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát là tình trạng mất xương có thể do lão hóa, hoặc do hậu quả nội tiết tố đã biết của quá trình lão hóa, chẳng hạn như sự suy giảm estrogen và testosterone. Các hormone này ban đầu giúp điều chỉnh quá trình đổi mới xương diễn ra tự nhiên. Khi mức độ các hormone này suy giảm từ khoảng 50 tuổi ở phụ nữ và khoảng 60 tuổi ở nam giới, tốc độ phân hủy xương nhanh hơn tốc độ phát triển của xương mới để thay thế.

Theo thời gian, điều này dẫn đến xương yếu hơn và mỏng hơn. Nguy cơ loãng xương và mất xương – mật độ xương thấp chưa thuộc phạm vi loãng xương – cao hơn ở phụ nữ vì xương phụ nữ thường nhỏ hơn và ít đặc hơn xương nam giới. Nguy cơ loãng xương tăng lên từ thời kỳ mãn kinh, đồng thời với sự sụt giảm đáng kể mức lưu hành của estrogen.

Loãng xương thứ phát

Loãng xương thứ phát xảy ra do hậu quả của một bệnh khác (chẳng hạn như bệnh ruột mạn tính với kém hấp thu canxi). Hoặc là hậu quả bất lợi của việc điều trị cho một bệnh khác mà thuốc có thể gây ra.

Một số bệnh lý có thể đe dọa sức mạnh của xương trực tiếp, hoặc do tác động của thuốc và các phương pháp điều trị khác, bao gồm tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp hoạt động quá mức, bệnh phổi mạn tính, ung thư, lạc nội mạc tử cung, thiếu hụt vitamin D và các loại thuốc như prednisone. Xương mỏng có cấu trúc chất lượng kém hơn sẽ dễ bị gãy hơn. Phần lớn gãy xương xảy ra do ngã từ độ cao đứng.

Triệu chứng của bệnh loãng xương

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loãng xương giai đoạn đầu4 5

Các dấu hiệu mất xương sớm có thể phát hiện được là rất hiếm. Thông thường, người cao tuổi không biết mình bị loãng xương cho đến khi họ bị gãy xương hông, cổ tay hoặc một số vị trí khác. Tuy nhiên, một số dấu hiệu và triệu chứng có thể chỉ ra khả năng mất xương, chẳng hạn như:

  • Bị tụt nướu: nướu có thể bị tụt lại nếu xương hàm bị tiêu xương. Tình trạng này cần đến nha sĩ tầm soát tình trạng tiêu xương hàm.
  • Giảm sức cơ: sức bóp của cơ tay giảm có liên quan đến mật độ khoáng của xương thấp ở phụ nữ sau mãn kinh. Ngoài ra, độ bền cơ tay giảm có liên quan đến tăng nguy cơ té ngã.6
  • Móng tay yếu và dễ gãy: độ chắc của móng có thể báo hiệu sức khỏe của xương. Nhưng bạn cũng nên xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến móng tay của bạn. Chẳng hạn như tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, sử dụng thường xuyên chất tẩy sơn móng tay hoặc móng tay acrylic, hoặc ngâm trong nước trong thời gian dài.

Những thay đổi về mật độ xương, loãng xương thường không gây ra nhiều triệu chứng ban đầu. Việc tốt nhất để phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu là thảo luận với bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt ở người có tiền sử gia đình bị loãng xương.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loãng xương giai đoạn muộn4 5

Khi khối lượng xương đã giảm đi hơn nữa, người cao tuổi có thể bắt đầu gặp các triệu chứng rõ ràng hơn, chẳng hạn như:

  • Mất chiều cao. Gãy xương nén ở vùng cột sống có thể khiến bệnh nhân trở nên thấp hơn. Đây là một trong những triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh loãng xương.
  • Gãy xương do té ngã. Gãy xương là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng xương yếu đi. Gãy xương có thể xảy ra khi ngã hoặc do cử động nhỏ như bước ra lề đường. Một số trường hợp gãy xương do loãng xương thậm chí có thể do hắt hơi mạnh hoặc ho.
  • Đau lưng hoặc cổ. Loãng xương có thể gây ra những tổn thương chèn ép vùng cột sống. Những chỗ gãy này có thể rất đau vì đốt sống xẹp xuống có thể chèn ép các dây thần kinh tỏa ra từ tủy sống. Các triệu chứng đau có thể từ đau nhẹ đến dữ đội.
  • Tư thế khom lưng: sự chèn ép của các đốt sống cũng có thể khiến lưng trên bị cong nhẹ, có thể gây đau lưng và cổ. Tư thế này thậm chí có thể ảnh hưởng đến hô hấp do tạo thêm áp lực cho đường thở và hạn chế sự giãn nở của phổi.

    Loãng xương gây giảm chiều cao ở người cao tuổi

    Loãng xương gây giảm chiều cao ở người cao tuổi

Biến chứng của bệnh loãng xương

Gãy xương

Gãy xương, đặc biệt là ở cột sống hoặc xương đùi, là những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Gãy xương đùi thường do ngã và có thể dẫn đến tàn tật và thậm chí tăng nguy cơ tử vong trong năm đầu tiên sau chấn thương.

Các xương đốt sống có thể suy yếu đến mức bị lún xẹp, dẫn đến đau lưng, giảm chiều cao và tư thế gập người về phía trước. Khoảng 30% người lớn tuổi bị ngã ít nhất một lần mỗi năm. Người càng ít bị ngã, càng ít bị gãy xương.7

Té ngã gây gãy xương ở người cao tuổi

Té ngã gây gãy xương ở người cao tuổi

Hạn chế khả năng di chuyển

Loãng xương có thể gây tàn phế và hạn chế hoạt động thể chất. Giảm hoạt động có thể khiến bạn tăng cân, làm tăng áp lực lên các cấu trúc xương, đặc biệt là đầu gối và xương đùi. Tăng cân cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lí tim mạch và đái tháo đường.

Đau

Gãy xương do loãng xương có thể gây ra đau đớn và suy nhược nghiêm trọng. Nguyên nhân do các dây thần kinh bị chèn ép. Gãy cột sống có thể dẫn đến: mất chiều cao, tư thế khom lưng, đau lưng và cổ dai dẳng.

Nhập viện và chi phí y tế

Hầu hết các trường hợp gãy xương đều cần được chăm sóc tại bệnh viện. Phẫu thuật thường được thực hiện, và có thể cần thời gian nằm viện kéo dài và gia tăng chi phí y tế. Những người từ 70 tuổi trở lên chiếm 70% tổng chi phí điều trị nội trú. Gãy xương hông là gánh nặng cao nhất cả về chi phí và suy giảm chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe.3

Điều trị bệnh loãng xương

Điều trị nhằm mục đích:

  • Làm chậm hoặc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh loãng xương.
  • Duy trì mật độ khoáng xương và khối lượng xương khỏe mạnh.
  • Ngăn ngừa gãy xương.
  • Giảm đau.
  • Tối đa hóa khả năng tiếp tục với cuộc sống hàng ngày.

Những người có nguy cơ loãng xương và gãy xương có thể sử dụng các biện pháp phòng ngừa trong lối sống, thực phẩm bổ sung và một số loại thuốc để đạt được những mục tiêu này.

Điều trị loãng xương bằng thuốc

Các loại thuốc có thể giúp điều trị bệnh loãng xương:8

  • Bisphosphonates: đây là loại thuốc làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Thuốc chủ vận hoặc đối kháng estrogen (SERMS): Raloxifene là một ví dụ, có thể làm giảm nguy cơ gãy xương cột sống ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh.
  • Calcitonin: thuốc giúp ngăn ngừa gãy xương cột sống ở phụ nữ sau mãn kinh và có thể giúp kiểm soát cơn đau sau khi gãy xương.
  • Hormone tuyến cận giáp, chẳng hạn như teriparatide, the Food and Drug Administration – FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã phê duyệt hormone này để điều trị những người có nguy cơ gãy xương cao vì nó kích thích sự hình thành xương.9 Abaloparatide là một phương pháp điều trị PTH tổng hợp khác được phê duyệt vào năm 2017.10 Giống như teriparatide, loại thuốc này có sẵn dưới dạng tiêm tự dùng hàng ngày. Tuy nhiên, thuốc tốn kém và thường được sử dụng cho những người bị loãng xương nặng khi không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.
  • Kháng thể đơn dòng (denosumab, romosozumab): đây là liệu pháp miễn dịch mà một số bệnh nhân bị loãng xương thực hiện sau khi mãn kinh.
  • Canxi và vitamin D: ngay cả khi bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào được liệt kê ở trên, các bác sĩ khuyên nên bổ sung nhiều canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống. Canxi và vitamin D kết hợp với nhau có thể giúp làm chậm quá trình mất xương. The Institute of Medicine – IOM (Viện Y học Hoa Kỳ) khuyến nghị phụ nữ từ 51-70 tuổi và tất cả mọi người trên 70 tuổi nên bổ sung 1.200 mg canxi mỗi ngày. IOM cũng khuyến cáo rằng người dưới 70 tuổi nên bổ sung 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Người trên 70 tuổi nên bổ sung 800 IU vitamin D mỗi ngày.11

Cách phòng ngừa và điều trị loãng xương ở người cao tuổi không dùng thuốc

Cung cấp đủ Canxi

Nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 50 cần 1.000 mg canxi mỗi ngày. Lượng canxi hàng ngày này tăng lên 1.200 miligam khi phụ nữ bước sang tuổi 50 và nam giới bước sang tuổi 70.13

Các thực phẩm có nhiều canxi bao gồm:

  • Các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Rau có lá xanh đậm.
  • Cá hồi hoặc cá mòi.
  • Các sản phẩm từ đậu nành, chẳng hạn như đậu phụ.
  • Ngũ cốc tăng cường canxi và nước cam.

Nếu cảm thấy khó có đủ canxi từ chế độ ăn uống của mình, hãy cân nhắc việc bổ sung canxi. The Health and Medicine Division (Bộ phận Y tế và Sức khỏe) của the National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine (Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ) khuyến cáo rằng tổng lượng canxi tiêu thụ, từ các chất bổ sung và chế độ ăn uống kết hợp, không nên quá 2.000 miligam mỗi ngày đối với những người trên 50 tuổi.12

Cung cấp đủ Vitamin D

Vitamin D cải thiện khả năng hấp thụ canxi của cơ thể và cải thiện sức khỏe của xương theo những cách khác nhau. Các nguồn cung cấp vitamin D trong chế độ ăn uống bao gồm dầu gan cá, cá hồi. Nhiều loại sữa và ngũ cốc chứa nhiều vitamin D.

Hầu hết nhu cầu một người trưởng thành cần ít nhất 600 IU vitamin D mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên 800 IU mỗi ngày sau 70 tuổi. Hầu hết các sản phẩm vitamin tổng hợp chứa từ 600 đến 800 IU vitamin D. Lên đến 4.000 IU vitamin D mỗi ngày là an toàn cho hầu hết mọi người.12

Luyện tập thể dục

Tập thể dục có thể giúp xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương. Tập thể dục sẽ có lợi cho xương của bạn bất kể bắt đầu từ khi nào. Nếu bắt đầu tập thể dục thường xuyên khi còn trẻ và tiếp tục tập thể dục trong suốt cuộc đời sẽ đạt được nhiều lợi ích nhất.

  • Kết hợp các bài tập rèn luyện sức bền với các bài tập gánh tạ và giữ thăng bằng.
  • Tập luyện sức mạnh giúp tăng cường cơ bắp và xương ở cánh tay và cột sống.
  • Các bài tập chịu sức nặng – chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, chạy, leo cầu thang, nhảy dây, trượt tuyết và các môn thể thao tác động mạnh ảnh hưởng chủ yếu đến xương ở chân, hông và xương sống dưới.

Các bài tập thăng bằng như thái cực quyền có thể làm giảm nguy cơ ngã, đặc biệt là khi già đi.

Tập thể dục có thể giúp xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương

Tập thể dục có thể giúp xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương

Các biện pháp khác

  • Ngừng hút thuốc những người hút thuốc có mật độ xương thấp hơn những người không hút thuốc.
  • Phơi nắng. Da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào hầu hết các ngày trong tuần cho phép sản xuất đủ vitamin D. Cần chú ý các khuyến nghị về phơi nắng và phòng ngừa ung thư da.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải, nếu uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Uống không quá hai ly tiêu chuẩn mỗi ngày và có ít nhất hai ngày không rượu mỗi tuần.
  • Hạn chế đồ uống có chứa nhiều caffein vì có thể ảnh hưởng đến lượng canxi mà cơ thể hấp thụ. Uống không quá hai đến ba tách trà hoặc cà phê mỗi ngày.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu được vì sao người già hay bị loãng xương. Những thay đổi sinh lý theo tuổi khiến cho người cao tuổi dễ mắc loãng xương hơn người trẻ. Khi có các yếu tố nguy cơ, người bệnh nên được thăm khám, tầm soát để chẩn đoán và tư vấn điều trị loãng xương kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *