Phẫu thuật thay khớp gối là phẫu thuật khá phổ biến hiện nay. Phương pháp này mang lại cho nhiều bệnh nhân hư khớp gối chất lượng cuộc sống tốt hơn. Để góp phần vào thành công chung của cuộc mổ, thì sự chuẩn bị trước mổ, cách chăm sóc, theo dõi sau mổ là rất quan trọng. Và thay khớp gối bao lâu thì đi được? Sau đây, mời các bạn cùng với Bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng tìm hiểu câu trả lời và một số lưu ý quan trọng dành cho bệnh nhân thay khớp gối nhé!
Trước khi phẫu thuật thay khớp gối cần chuẩn bị gì?
Trước khi biết được thay khớp gối bao lâu thì đi được, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những việc cần chuẩn bị trước khi tiến hành phẫu thuật khớp gối. Một số điều mà người bệnh cần lưu ý và chuẩn bị trước khi phẫu thuật thay khớp gối bao gồm:1 2
Khám đánh giá tổng trạng
Nếu bạn quyết định phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ chỉ định bạn đi khám sức khỏe tổng quát vài tuần trước khi phẫu thuật. Bạn cần được kiểm tra sức khỏe toàn diện. Điều này đảm bảo bạn sẵn sàng cho cuộc mổ lớn và hồi phục sau đó một cách tốt nhất. Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, cũng có thể được các bác sĩ chuyên khoa khác, chẳng hạn như bác sĩ tim mạch, đánh giá trước khi phẫu thuật.
Làm xét nghiệm
Bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm tiền phẫu (trước mổ) như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp x- quang tim phổi, đo điện tâm đồ,…
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Xem lại các thuốc có thể đang dùng
Bạn hãy cho bác sĩ chỉnh hình của mình biết về các loại thuốc bạn đang dùng. Họ sẽ cho bạn biết loại thuốc nào bạn nên ngừng dùng và loại thuốc nào bạn nên tiếp tục dùng trước khi trải qua cuộc phẫu thuật.
Kiểm tra răng miệng
Mặc dù tỷ lệ nhiễm trùng sau khi thay khớp gối là rất thấp, nhưng nhiễm trùng có thể xảy ra nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu của bạn. Nếu bạn cần nhổ răng hay làm thủ thuật nha chu thì nên làm hoàn tất sớm trước khi thực hiện phẫu thuật thay khớp.
Tầm soát nhiễm khuẩn đường tiểu
Những bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu gần đây, hoặc có tiền sử bị trước đó nên được điều trị dứt hẳn trước phẫu thuật thay khớp. Bệnh nhân nam lớn tuổi thường đi kèm bệnh về tuyến tiền liệt cũng cần được điều trị kỹ càng trước khi lên bàn mổ.
Lên kế hoạch trước cho việc đi lại, sinh hoạt và chăm sóc sau mổ
Bạn sẽ có thể đi lại ngay bằng gậy, nạng hoặc khung tập đi sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn sẽ cần người khác giúp trong vài tuần với những việc như nấu ăn, giặt giũ,…
Sắp xếp nhà cửa
Bạn cần sắp xếp, lắp đặt thêm những vật dụng như sau ở trong nhà. Điều này hỗ trợ bạn sinh hoạt thoải mái nhất:1 3
- Tay vịn an toàn đặt trong nhà tắm.
- Tay vịn chắc chắn dọc theo cầu thang của bạn.
- Ghế ngồi có chiều cao phù hợp với bạn. Ghế cũng nên có đệm ngồi và lưng tựa cứng đi kèm 2 gác tay, bục để chân.
- Tay nâng bệ ngồi toilet, nếu bạn có toilet thấp.
- Ghế tắm chắc chắn để ngồi tắm.
- Loại bỏ tất cả thảm lót sàn và dây nhợ khỏi các khu vực bạn đi lại trong nhà. Ví dụ: như dây cáp, dây điện lỏng lẻo,… Có thể dùng thảm chống trượt ở những nơi trơn trượt như nhà tắm.
- Chuẩn bị nơi ở tạm thời trên cùng một tầng. Việc đi bộ lên hoặc xuống cầu thang sẽ khó khăn hơn trong thời gian đầu phục hồi.
- Để điều khiển từ xa của ti vi, điện thoại, điện thoại di động, thuốc, khăn giấy và sọt rác ở gần giường của bạn. Có thể lắp thêm đèn để khu vực bạn ở thêm ánh sáng.
- Đặt các vật dụng khác mà bạn sử dụng hàng ngày ngang tầm tay. Điều đó giúp bạn có thể dễ dàng lấy chúng.
- Hạn chế ở chung với thú cưng như chó mèo cho đến khi bạn bình phục hoàn toàn. Chúng có thể làm bạn té ngã trong quá trình phục hồi.
- Có thể lắp chuông báo nguy hiểm hoặc mang theo điện thoại để gọi cho người giúp đỡ khi bạn bị té ngã.
Chuẩn bị khác
Hạn chế, ngưng uống rượu bia. Nếu bạn hút thuốc lá thì bạn cần ngưng hút bởi vì thuốc lá sẽ làm chậm lành vết thương
Gặp chuyên viên vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập trước phẫu thuật thay khớp. Các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng nạng, khung tập đi đúng cách.
Vào ngày phẫu thuật
Bạn thường sẽ được yêu cầu không ăn hay uống bất cứ thứ gì trong vòng 6 đến 12 giờ trước khi lên bàn mổ. Uống thuốc nếu bạn được bác sĩ chỉ định chỉ với một lượng nước nhỏ.2
Trong quá trình phẫu thuật thay gối khớp
Bạn có thể nhập viện để mổ vào buổi sáng và xuất viện ngay trong ngày. Bạn nên trao đổi ý kiến về thời điểm xuất viện với bác sĩ mổ cho mình trước phẫu thuật.
Phương pháp vô cảm (gây tê/ gây mê trong lúc mổ)
Khi nhập viện, bác sĩ gây mê sẽ đánh giá xem bạn phù hợp với phương pháp vô cảm nào. Các phương pháp vô cảm phổ biến là gây mê toàn thân (ngủ hoàn toàn) hay gây tê tủy sống, ngoài màng cứng hoặc gây tê vùng thần kinh (bạn vẫn tỉnh nhưng cơ thể được gây tê từ thắt lưng trở xuống). Bác sĩ gây mê sẽ quyết định cách thức, loại gây mê nào phù hợp nhất cho bạn.1 2
Quá trình phẫu thuật1 2
Thời gian phẫu thuật thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ loại bỏ sụn và xương bị hư, sau đó đặt các mảnh ghép kim loại và mảnh ghép nhựa vào để tạo ra khớp gối mới cho bạn.
Ngay sau mổ, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi tỉnh để theo dõi sát trong vài giờ. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chuyển về phòng bệnh hoặc xuất viện. Nếu ở lại bệnh viện, bạn thường sẽ ở từ một đến ba ngày sau mổ.
Sau mổ thay khớp gối bao lâu thì đi được?
Một trong những vấn đề được bệnh nhân quan tâm là thay khớp gối bao lâu thì đi được. Các chuyên viên vật lí trị liệu, phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân đứng dậy và đi bộ nhanh nhất có thể. Bạn có thể bắt đầu đứng và đi trên khớp gối mới của mình gần như ngay lập tức – chỉ vài giờ sau khi phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách đi bộ với khung hoặc nạng. Bạn sẽ được các chuyên viên hoặc bác sĩ hướng dẫn các bài tập để tăng cường sức mạnh cho cơ bắp ở gối. Lúc đầu, bạn có thể sẽ đi bộ được một quãng ngắn. Ví dụ: từ giường đến phòng tắm và xung quanh phòng của bạn.4
Điều quan trọng là bạn nên theo các hướng dẫn của bác sĩ, chuyên viên vật lý trị liệu để tránh các biến chứng, nhất là trật khớp gối mới thay. Cảm thấy đau và khó chịu ban đầu khi đi bộ và tập các bài tập là bình thường. Đa số bệnh nhân dùng thiết bị hỗ trợ để đi lại – gậy, nạng hoặc khung tập đi, trong 1 đến 3 tuần sau khi phẫu thuật. Sau đó, đa số có thể tự đi lại khoảng 4 đến 8 tuần sau khi phẫu thuật. Việc tập luyện phục hồi chức năng sau mổ là chìa khoá để bệnh nhân có thể đi lại và trở lại các hoạt động hàng ngày sớm nhất có thể.4
Chăm sóc sau mổ thay khớp gối
Ngoài vấn đề thay khớp gối bao lâu thì đi lại được, các chăm sóc sau mổ cũng cần được quan tâm. Điều này giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh, bệnh nhân sớm quay lại với cuộc sống bình thường.
Đau sau mổ1
Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy hơi đau. Tuy nhiên, đây là diễn biến tự nhiên của quá trình lành vết thương sau mổ. Bác sĩ sẽ điều trị giảm đau cho bạn, bớt đau sau mổ sẽ giúp bạn hồi phục tốt hơn.
Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc để giảm đau sau phẫu thuật, một số loại thuốc có thể kể đến như thuốc giảm đau opioid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), paracetamol và gây tê giảm đau cục bộ.
Ngăn ngừa huyết khối (cục máu đông)1
Bác sĩ có thể cho thuốc ngăn ngừa huyết khối. Bác sĩ cũng có thể sử dụng máy ép hơi ngắt quãng đặt vào 2 chân để ngăn ngừa tạo huyết khối.
Bệnh nhân nên tập vận động các ngón chân và cổ chân ngay sau khi phẫu thuật. Nó giúp tăng lưu lượng máu ở 2 chân, giúp ngăn ngừa phù chân và hình thành cục máu đông.
Vật lý trị liệu1
Hầu hết bệnh nhân có thể bắt đầu tập cử động đầu gối vài giờ sau khi phẫu thuật. Các bác sĩ, kĩ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn các bài tập cụ thể để tăng cường sức mạnh cho chân và phục hồi cử động đầu gối để có thể đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày bình thường khác ngay sau khi phẫu thuật.
Để có thể phục hồi sớm vận động khớp gối mới thay của bạn, bác sĩ sẽ sử dụng một khung giá đỡ đầu gối nhằm tập cử động đầu gối với tốc độ chậm rãi ngay khi bạn nằm trên giường. Thiết bị này được gọi là máy tập chuyển động thụ động liên tục (CPM). Một số bác sĩ tin rằng máy CPM làm giảm phù chân bằng cách nâng cao chân và cải thiện lưu thông máu bằng cách di chuyển các cơ của chân.
Phòng ngừa bệnh viêm phổi1
Bệnh nhân thường thở ngắn, nông trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật. Nguyên nhân có thể do tác dụng của thuốc gây mê, thuốc giảm đau và thời gian nằm trên giường kéo dài.
Việc thở nông này có thể gây ra xẹp một phần phổi, làm cho bệnh nhân dễ bị viêm phổi. Hít thở sâu thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa xẹp phổi. Điều dưỡng có thể cho bạn một thiết bị tập thở đơn giản gọi là phế dung kế để khuyến khích bạn hít thở sâu.
Quá trình phục hồi tại nhà
Sự thành công của cuộc phẫu thuật sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc bạn tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại nhà như thế nào trong vài tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Thời gian phục hồi hoàn toàn có thể sẽ mất từ 4 tháng đến 1 năm.
Chăm sóc vết thương1 3
Tránh ngâm vết thương trong nước cho đến khi vết thương đã kín và khô. Giữ cho băng vết mổ của bạn luôn sạch sẽ và khô ráo. Bạn có thể tiếp tục băng vết thương để tránh tiếp xúc với quần áo hoặc vớ phòng huyết khối.
Chỉ thay băng nếu bác sĩ phẫu thuật yêu cầu thay. Bạn nên được thay băng bởi điều dưỡng của mình. Bạn cũng có thể tự thay hoặc nhờ người nhà giúp. Tuy nhiên, bạn và người thân phải được hướng dẫn kỹ lưỡng các nguyên tắc thay băng. Nếu bác sĩ khâu vết thương bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ. Nếu không, việc cắt chỉ hoặc tháo ghim bấm da sẽ diễn ra sau khoảng 10 đến 14 ngày.
Bạn có thể tắm sau 5 đến 6 ngày sau khi phẫu thuật nếu vết thương khô và kín, nhưng phải hỏi ý kiến bác sĩ mổ cho bạn. Khi bạn được bác sĩ cho phép có thể tắm, bạn có thể để nước chảy qua vết mổ nhưng không chà mạnh vào vết mổ hoặc để nước dội xuống vết mổ. Không ngâm mình trong bồn tắm, bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi.
Có thể bạn có bầm tím, hơi đỏ da quanh vết thương. Điều này là bình thường, và nó sẽ tự biến mất. Bạn không nên hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc. Thuốc lá ảnh hưởng không tốt đến sự lành vết thương.
Chế độ ăn1
Bạn có thể chán ăn vài tuần sau khi phẫu thuật. Nhưng bạn nên ăn uống cân bằng, đầy đủ chất và chú ý bổ sung chất sắt, rất quan trọng để giúp vết thương của bạn mau lành và phục hồi sức mạnh cơ bắp.
Hoạt động
Tập thể dục là một phần quan trọng của chăm sóc tại nhà. Điều này đặc biệt quan trọng trong vài tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Bạn sẽ có thể quay trở lại gần như hầu hết các hoạt động bình thường của cuộc sống hàng ngày trong vòng 3 đến 6 tuần sau mổ. Chương trình vận động:1
- Tập đi bộ từ từ, lúc đầu ở trong nhà và sau đó ra ngoài trời.
- Tiếp tục các hoạt động trong nhà bình thường khác, chẳng hạn như ngồi, đứng và leo cầu thang.
Trong quá trình tập vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu, để ngăn ngừa chấn thương cho khớp gối mới thay trong giai đoạn sớm sau mổ, bạn nên:3
- Không vặn hoặc xoay người khi bạn đang sử dụng khung tập đi.
- Không trèo lên thang hoặc bậc thang.
- Không quỳ xuống để nhặt bất cứ thứ gì.
- Khi nằm trên giường, hãy kê một chiếc gối dưới gót chân hoặc mắt cá chân, không kê gối dưới đầu gối. Điều quan trọng là phải giữ cho đầu gối của bạn thẳng. Cố gắng giữ tư thế không gập đầu gối.
- Không mang xách bất cứ thứ gì quá 2,25 đến 4,5 kg.
- Chườm lạnh đầu gối của bạn 30 phút trước và 30 phút sau khi hoạt động hoặc tập các bài tập. Chườm lạnh sẽ làm giảm sưng tấy.
Bạn sẽ được hướng dẫn tập các bài tập vận động vài lần một ngày. Việc này giúp phục hồi vận động và sức mạnh cho các cơ đầu gối. Bạn có thể tự tập các bài tập này một mình. Hoặc, bạn có thể nhờ chuyên gia vật lý trị liệu giúp bạn tại nhà hoặc tại trung tâm trị liệu trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật. Chăm chỉ luyện tập các bài tập mà bạn được hướng dẫn. Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu sẽ cho bạn biết khi nào bạn có thể bắt đầu tăng cường độ bằng tập có kháng lực với tạ.
Trước hết hãy đi bộ bước nhỏ. Bạn nên mang giày vừa vặn với chân và tránh mang giày cao gót trong giai đoạn đầu sau mổ. Cố gắng không ngồi liên tục 45 phút. Hãy đứng dậy và đi lại sau 45 phút nếu bạn phải ngồi lâu hơn. Theo thời gian bạn sẽ trở lại với các hoạt động hàng ngày như trước kia. Nhưng bạn cần tránh những môn thể thao cường độ cao như bóng đá hay nhảy cao và hãy lắng nghe cơ thể của mình chơi những môn thể thao nhẹ nhàng vừa với sức của mình như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, tennis, golf…
Bạn có thể lái xe ô tô khi khớp gối của bạn có thể gập vào đủ để bạn ngồi vào trong xe hơi và cơ chân bạn đủ linh hoạt để phản ứng đạp thắng và đạp ga. Hầu hết khoảng 4-6 tuần sau mổ, các bệnh nhân có thể quay lại lái xe được.1
Các vấn đề cần lưu ý sau phẫu thuật thay khớp gối
Nhận biết các dấu hiệu của cục máu đông
Bạn hãy làm theo các hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận. Điều này là để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong vài tuần đầu sau mổ. Bác sĩ có thể cho bạn tiếp tục dùng thuốc làm loãng máu mà bạn đã bắt đầu dùng lúc ở bệnh viện. Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kì dấu hiệu cảnh báo sau đây:1 3
- Đau ngày càng tăng ở bắp chân.
- Ấn đau hoặc thấy đỏ da ở trên hoặc dưới đầu gối của bạn.
- Sưng nề mới xuất hiện hoặc ngày càng tăng ở bắp chân, mắt cá chân và bàn chân.
Dấu hiệu cảnh báo thuyên tắc phổi (cục máu đông đã di chuyển đến phổi)
Các dấu hiệu bao gồm:1
- Khó thở đột ngột.
- Đau ngực đột ngột.
- Đau khu trú tại một vùng ngực kèm theo ho.
Ngăn ngừa nhiễm trùng1
Nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối là từ vi khuẩn xâm nhập vào máu trong quá trình làm thủ thuật nha khoa, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng da. Những vi khuẩn này có thể cư trú xung quanh các mảnh ghép khớp gối nhân tạo của bạn và gây ra nhiễm trùng.
Sau khi thay khớp gối, những bệnh nhân có một số yếu tố nguy cơ có thể phải dùng thuốc kháng sinh trước khi làm răng, bao gồm ngay cả lấy vôi răng hoặc trước bất kì thủ thuật, phẫu thuật nào có thể để vi khuẩn xâm nhập vào máu. Vì vậy, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng sinh.1
Dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng
Thông báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn gặp bất kì dấu hiệu nào sau đây gợi ý nhiễm trùng khớp gối nhân tạo:1
- Sốt dai dẳng (cao hơn 38.3°C);
- Ớn lạnh;
- Vết mổ ở gối càng đỏ, sưng và sờ vào đau;
- Tiết dịch từ vết mổ ở gối;
- Đau tăng ở gối cả khi hoạt động và nghỉ ngơi.
Đề phòng té ngã1
Trong vài tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không may té ngã. Việc này có thể làm hỏng khớp gối mới thay và có thể cần phải mổ lại. Bạn nên dùng gậy, nạng, khung tập đi, thanh vịn. Bạn cũng có thể nhờ người khác giúp cho đến khi bạn giữ thăng bằng tốt hơn. Việc lên xuống cầu thang cũng cần hạn chế tối đa trong vài tuần đầu.
Bác sĩ phẫu thuật và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ chỉ định khi nào bỏ được các dụng cụ hỗ trợ đi đứng một cách an toàn nhất cho bệnh nhân.
Một số dấu hiệu có thể gặp khác1
Sau khi thay khớp gối, tầm vận động gập duỗi của khớp được cải thiện tốt. Tuy nhiên, để trở lại tầm vận động tối đa thì khó đạt được. Đa số bệnh nhân sẽ duỗi thẳng gối hoàn toàn được và gập gối lại đủ để đi cầu thang và ra vào xe hơi. Động tác quỳ gối đôi khi cũng gây cảm giác khó chịu. Điều này không có hại cho gối nhân tạo mới.
Đa số bệnh nhân đều sẽ cảm thấy tê vùng da xung quanh vết mổ hoặc nghe thấy tiếng lách cách của kim loại chạm vào nhựa khi gập gối hay đi bộ. Điều này là bình thường. Ban đầu bệnh nhân có thể thấy khó chịu nhưng dần dà sẽ quen dần và cảm thấy tốt hơn hẳn khi so sánh với việc bị đau và cứng khớp mà họ đã trải qua trước khi phẫu thuật.
Khớp gối nhân tạo có thể kích hoạt máy dò kim loại ở khu kiểm tra an ninh sân bay. Lúc này, hãy cho nhân viên an ninh biết bạn có gối nhân tạo bằng kim loại trong cơ thể.
Bảo vệ gối mới thay của bạn
Sau khi phẫu thuật, bạn hãy lưu ý những vấn đề sau:1 5
- Tham gia các chương trình tập thể dục nhẹ thường xuyên. Nó giúp duy trì sức mạnh và khả năng vận động của khớp gối.
- Phòng ngừa, tránh té ngã và chấn thương,
- Hãy nói với bác sĩ nha khoa về việc bạn đã phẫu thuật thay khớp gối. Hỏi ý kiến với bác sĩ về việc bạn có cần dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa hay không.
- Tái khám bác sĩ mổ cho bạn định kỳ để kiểm tra khớp gối của bạn. Bác sĩ phẫu thuật cho bạn sẽ lên lịch hẹn thời gian của những lần thăm khám này.
Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo
Hiện tại, hơn 90% tổng số ca thay khớp gối hiện đại vẫn hoạt động tốt sau hơn 15 năm kể từ khi phẫu thuật. Bạn hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sau khi mổ và tận hưởng chất lượng cuộc sống cải thiện cùng với khớp gối mới của mình.1
Qua bài viết trên, hi vọng đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc thay khớp gối bao lâu thì đi được, cũng như cung cấp một số thông tin liên quan về việc chuẩn bị và chăm sóc sau phẫu thuật thay khớp gối. Sự thành công chung của cuộc mổ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phục hồi sau mổ. Vì vậy, bạn nên tuân theo những hướng dẫn từ bác sĩ điều trị để việc hồi phục diễn ra tốt nhất.