Té ngã ở người cao tuổi: Cách xử trí và phòng chống

Té ngã là một trong các hội chứng lão hóa thường gặp ở người cao tuổi. Té ngã có thể gây nên các hậu quả nghiêm trọng, làm giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe người cao tuổi. Việc nhận diện, đánh giá sớm để phòng ngừa đóng vai trò quan trọng. Sau đây, hãy cùng Bác sĩ Hà Phạm Trọng Khang tìm hiểu vấn đề té ngã ở người cao tuổi nhé.

Sự phổ biến của té ngã ở người cao tuổi

Ngã là sự dịch chuyển cơ thể xuống mặt đất đột ngột, không chủ ý và ở độ cao thấp hơn. Té ngã là nguyên nhân gây ra bệnh tật, bất động và tử vong đáng kể ở người cao tuổi. Do đó, té ngã ở người cao tuổi được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn.1

Hậu quả nghiêm trọng của té ngã là tăng nguy cơ nhập viện và với thời gian phục hồi kéo dài, dẫn đến tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Ngã là kết quả của sự tương tác của nhiều yếu tố nguy cơ và tình huống khác nhau. Sự tương tác này được thay đổi theo độ tuổi, bệnh tật và môi trường.

Té ngã ở người già

Té ngã ở người già

Té ngã là nguyên nhân hàng đầu của những lần đến các khoa cấp cứu liên quan đến chấn thương ở Hoa Kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chính của các ca tử vong do tai nạn ở những người trên 65 tuổi.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Tại Việt Nam, khoảng 1,5 – 1,9 triệu người cao tuổi bị té ngã mỗi năm. Trong đó, có 5% bệnh nhân phải nhập viện vì các loại chấn thương.3

Tỷ lệ tử vong do ngã tăng đáng kể theo độ tuổi ở cả hai giới và ở tất cả các nhóm chủng tộc và dân tộc. Trong đó, té ngã chiếm 70% số ca tử vong do tai nạn ở những người từ 75 tuổi trở lên.

Ngã có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe kém và suy giảm chức năng, nó thường liên quan đến bệnh tật đáng kể. Hơn 90% trường hợp gãy xương hông xảy ra do ngã, hầu hết xảy ra ở những người trên 70 tuổi.2

Các yếu tố nguy cơ gây té ngã ở người cao tuổi bao gồm tuổi tác ngày càng cao, sử dụng thuốc, suy giảm nhận thức và suy giảm cảm giác.

Nguyên nhân té ngã ở người cao tuổi

Không nên cho rằng té ngã là một phần tất yếu của quá trình lão hóa. Nguyên nhân gây ngã có thể được phân chia thành hai nhóm:1

  • Yếu tố nội tại (do bản thân bệnh nhân).
  • Các yếu tố bên ngoài (do môi trường).

Các nguyên nhân nội tại có thể được chia thành các thay đổi sinh lý liên quan đến tuổi và các tình trạng bệnh lý.

Yếu tố nội tại bản thân1 4 5

Tiền sử té ngã

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị té ngã nếu đã từng té ngã trước đó.

Tuổi

Tỷ lệ ngã tăng theo tuổi.

Giới tính

Đối với những người trẻ tuổi, tỷ lệ ngã ở nam và nữ là tương đương nhau. Nhưng ở những người lớn tuổi, nữ thường bị ngã nhiều hơn nam và dễ bị gãy xương hơn khi té ngã.

Sống một mình

Sống một mình đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ dẫn đến té ngã, mặc dù một phần của tác động này dường như liên quan đến loại nhà ở mà người lớn tuổi sinh sống.

Thuốc

Sử dụng benzodiazepine ở người lớn tuổi có liên quan đến việc tăng 44% nguy cơ gãy xương hông và té ngã vào ban đêm.

Nguy cơ té ngã tăng lên đáng kể khi sử dụng các loại thuốc như thuốc hướng thần, thuốc chống loạn nhịp tim loại 1a, digoxin, thuốc lợi tiểu và thuốc an thần. Với cơ sở bằng chứng ngày càng mở rộng về các loại thuốc trong quản lý bệnh mạn tính, số lượng các loại thuốc được kê đơn đã tăng lên. Nguy cơ tăng lên đáng kể nếu một người sử dụng nhiều hơn bốn loại thuốc, không phân biệt loại thuốc.

Việc sử dụng bốn loại thuốc trở lên có liên quan đến nguy cơ suy giảm nhận thức và sợ té ngã tăng gấp 9 lần.

Một số thuốc tăng nguy cơ té ngã bao gồm:1 4

  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc chống loạn thần.
  • Benzodiazepine.
  • Thuốc ngủ, thuốc an thần.
  • Thuốc hạ huyết áp.
  • Thuốc kháng viêm không steroid.
  • Thuốc lợi tiểu.
  • Thuốc chống động kinh.
  • Thuốc giảm đau opioid.
  • Thuốc kháng cholinergic.
  • Thuốc hạ đường huyết.

Các bệnh lý nền:

Bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trầm cảm và viêm khớp đều có liên quan đến tăng nguy cơ thêm 32%. Tỷ lệ té ngã tăng lên cùng với gánh nặng bệnh mạn tính gia tăng. Rối loạn chức năng tuyến giáp dẫn đến dư thừa hormone tuyến giáp lưu thông. Bệnh đái tháo đường và viêm khớp dẫn đến mất cảm giác ngoại vi cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trầm cảm và tiểu không tự chủ cũng là nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân té ngã.

Lối sống ít vận động

Bệnh nhân bị té ngã có xu hướng ít hoạt động hơn và có thể làm teo cơ. Người bị giảm các hoạt động bình thường vì vấn đề sức khỏe trong 14 ngày trước đó, có nguy cơ té ngã.

Tình trạng tâm lý – sợ té ngã

Có tới 70% những người té ngã gần đây và tới 40% những người không báo cáo bị ngã gần đây, thừa nhận họ sợ bị ngã. Hoạt động thể chất và chức năng giảm, liên quan đến sự sợ hãi và lo lắng việc bị ngã. Có tới 50% số người sợ ngã phải hạn chế hoặc loại bỏ các hoạt động xã hội và thể chất. Các mối quan hệ chặt chẽ đã được tìm thấy giữa nỗi sợ hãi và hoạt động tư thế kém, tốc độ đi bộ chậm hơn và yếu cơ. Tự đánh giá sức khỏe kém và chất lượng cuộc sống giảm. Phụ nữ có tiền sử đột quỵ có nguy cơ té ngã và sợ té ngã.

Suy dinh dưỡng

Chỉ số khối cơ thể thấp cho thấy suy dinh dưỡng có liên quan đến tăng nguy cơ té ngã. Thiếu vitamin D đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi trong các cơ sở chăm sóc. Có thể dẫn đến dáng đi bất thường, yếu cơ, nhuyễn xương và loãng xương.

Suy giảm nhận thức

Thiếu hụt nhận thức có liên quan đến tăng nguy cơ. Ví dụ, bệnh mắc từ 5 điểm trở lên trong bảng câu hỏi trạng thái tâm thần ngắn, điểm

Suy giảm thị lực

Thị lực, mức tương phản thị giác, trường thị giác, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng đều góp phần vào nguy cơ té ngã.

Các vấn đề về chân

Biến dạng ngón chân, dị tật ngón chân, loét, móng biến dạng và đau nói chung khi đi bộ. Những vấn đề này làm tăng khó khăn trong việc giữ thăng bằng và nguy cơ té ngã.

Yếu tố bên ngoài

Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng từ 30% – 50% trường hợp ngã ở người cao tuổi trong cộng đồng là do nguyên nhân môi trường.4

Người cao tuổi thường gặp vấn đề về trượt hoặc vấp ngã, giảm các cơ chế giữ thăng bằng hoặc cân bằng tốt để ngăn ngừa té ngã. Các nguy cơ bên ngoài bao gồm:1 4 5

  • Môi trường (ánh sáng kém, sàn trơn trượt, bề mặt không bằng phẳng, nhà tắm không có thanh nắm,…)
  • Giày dép và quần áo không phù hợp.
  • Dụng cụ hỗ trợ hoặc thiết bị hỗ trợ đi bộ không phù hợp.

Hậu quả khi té ngã ở người cao tuổi

Gãy xương hông

Một trong những chấn thương té ngã nghiêm trọng nhất là gãy xương hông. Bệnh nhân khó phục hồi sau gãy xương hông và sau đó nhiều người không thể tự sinh hoạt được.6

Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có hơn 300.000 người lớn tuổi (> 65 tuổi), nhập viện vì gãy xương hông. Hơn 95% trường hợp gãy xương hông là do ngã. Phụ nữ chiếm 3/4 số ca gãy xương hông do thường bị loãng xương và dễ gãy hơn.6

Té ngã có thể gây chấn thương đầu

Đặc biệt nghiêm trọng nếu người đó đang dùng một số loại thuốc (như thuốc chống đông máu). Người lớn tuổi bị ngã và va đập đầu nên đến gặp bác sĩ ngay để đảm bảo không bị chấn thương sọ não.7

Nhiều người sợ bị ngã tái phát sau té ngã lần đầu, ngay cả khi họ không bị thương. Nỗi sợ hãi này có thể khiến một người cắt giảm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày do mất tự tin khi di chuyển. Khi ít hoạt động hơn, người cao tuổi trở nên yếu hơn, điều này lại làm tăng khả năng bị ngã.7

Hậu quả xã hội

Người sau té ngã mất tính độc lập và phụ thuộc vào gia đình, bạn bè. Hoặc có thể cần được đưa đến trung tâm chăm sóc chuyên biệt cho người già.

Gánh nặng về tài chính và y tế

Chi phí chăm sóc y tế trực tiếp liên quan đến thương tích được thể hiện bằng chi phí cho các dịch vụ phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, chăm sóc tại bệnh viện và chăm sóc xã hội.

Tăng nguy cơ chấn thương và nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong

Té ngã, đặc biệt là ngã nhiều lần, làm tăng nguy cơ bị chấn thương, nhập viện và tử vong. Đặc biệt ở những người già yếu và có các bệnh đi kèm (ví dụ: loãng xương) và thiếu hụt trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ví dụ như tiểu tiện không tự chủ).

Xử trí khi người già bị té ngã

Nên làm gì nếu ở một mình và bị ngã?8

  • Cố gắng giữ bình tĩnh. Kiểm tra cẩn thận xem mình có bị thương/ bị đau hay không. Nếu không bị thương và cảm thấy đủ mạnh, hãy đứng dậy từ từ.
  • Đưa tay và đầu gối tìm kiếm một món đồ nội thất ổn định, chẳng hạn như ghế hoặc giường. Giữ chặt đồ đạc bằng cả hai tay để nâng bản thân và từ từ đứng dậy.
  • Ngồi xuống và nghỉ ngơi một lúc trước khi tiếp tục các hoạt động hàng ngày.
  • Nếu bị thương hoặc không thể đứng dậy, hãy cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người bằng cách kêu cứu, đập vào tường hoặc sàn nhà hoặc sử dụng nút gọi trợ giúp (nếu có). Nếu có thể, hãy tìm điện thoại và gọi yêu cầu xe cấp cứu.
  • Cố gắng với lấy thứ gì đó ấm áp như chăn mền đắp lên người, đặc biệt là vùng chân và bàn chân.

Sơ cấp cứu người cao tuổi bị té ngã9

Tiếp cận một cách bình tĩnh, cảnh giác với bất kỳ nguy hiểm nào cho người hỗ trợ hoặc nạn nhân

Đừng vội di chuyển người bệnh – Cần đánh giá ngay lập tức

  • Người đó có phản ứng hay không?
  • Nếu không phản ứng  – cần xem nạn nhân có thở không?
  • Nếu nạn nhân vẫn thở. Quan sát kỹ cách họ té ngã và cẩn thận đưa họ vào tư thế giữ cho đường thở của họ được thông thoáng.
  • Nếu nạn nhân không thở. Bắt đầu hô hấp nhân tạo ngay lập tức và yêu cầu máy khử rung tim ngay lập tức nếu có.

Nếu nạn nhân có phản ứng

  • Nói chuyện với họ. Cố gắng xác định xem tai nạn đã xảy ra như thế nào, và liệu có thể có bất kỳ nguyên nhân bệnh lý nào như đột quỵ hay không – không nên hỏi dồn dập, hay gây căng thẳng nếu họ đang bối rối.
  • Xác định điểm đau nhất và quan sát kỹ xem có vết thương nào rõ ràng, bầm tím hoặc co cứng cho thấy một chấn thương nào không.
  • Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và bạn nghĩ rằng họ có thể bị ngã từ độ cao hoặc có thể bị thương ở cổ hoặc cột sống – Không nên di chuyển họ, không đặt nạn nhân nằm sấp, không vác hay cõng nạn nhân, không đưa nạn nhân đến bệnh viện bằng xe máy, ô tô. Cố gắng giữ cột sống – cổ càng yên càng tốt và không để uốn gập lại. Gọi xe cấp cứu và bình tĩnh trấn an nạn nhân cho đến khi nhân viên y tế đến.
  • Nếu nhận thấy bất kỳ vết chảy máu nào, hãy ấn mạnh bằng một miếng gạc sạch trong khi chờ sơ cứu.
  • Nếu nạn nhân bắt đầu có dấu hiệu sốc – hãy cho họ nằm ngửa, nâng cao chân và nhận trợ giúp y tế.

Nếu không có chấn thương hoặc nguyên nhân y tế rõ ràng

  • Cẩn thận và rất chậm rãi hỗ trợ nạn nhân ngồi dậy – quan sát họ cẩn thận để xem có bất kỳ dấu hiệu đau đớn, khó chịu hoặc chóng mặt nào không.
  • Kiểm tra thật cẩn thận để đảm bảo rằng không có vết thương nào chưa nhìn thấy – điều này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường khi họ có thể không cảm thấy đau rõ ràng.
  • Theo dõi nạn nhân cẩn thận trong 24 giờ tới.

Tại cơ sở y tế10

Nạn nhân sẽ được hồi sức cấp cứu nếu tình trạng sinh hiệu, tri giác không ổn định.

Đánh giá và xử trí các chấn thương nguy hiểm tính mạng.

Ở những người ổn định, nhân viên y tế tiếp tục hỏi nguyên nhân và các nguy cơ gây ra té ngã. Bệnh nhân sẽ được thăm hỏi về tiền sử về triệu chứng, số lần té ngã trước đây, các bệnh lý sẵn có, và thuốc đang sử dụng.

Sau đó, bệnh nhân được đánh giá về:

  • Tư thế, dáng bộ, khả năng giữ thăng bằng.
  • Các bệnh lý tăng nguy cơ té ngã về chức năng thần kinh – nhận thức, Parkinson, bệnh lý tim mạch, trầm cảm, tiêu tiểu không tự chủ.
  • Sức cơ, trương lực cơ.
  • Tình trạng nhịp tim, huyết áp tư thế.
  • Đánh giá thị lực.
  • Kiểm tra bàn chân và giày dép.
  • Tình trạng dinh dưỡng.
  • Đánh giá môi trường sống, an toàn nhà ở.

Phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi

Một số biện pháp giúp phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi bao gồm:10

Dáng đi, sức mạnh và sự cân bằng

Các biện pháp can thiệp bao gồm các liệu pháp vật lý để thực hành các bài tập phù hợp (chẳng hạn như Thái cực quyền). Nếu bệnh nhân cần thiết bị hỗ trợ di chuyển hoặc sử dụng không đúng cách, bệnh nhân cần đến bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn sử dụng thiết bị hỗ trợ.

Thuốc men

Tối ưu hóa điều trị bằng thuốc có thể cải thiện sự an toàn của bệnh nhân. Cố gắng ngừng, chuyển hoặc giảm bớt các loại thuốc làm tăng nguy cơ té ngã. Cân nhắc loại bỏ các loại thuốc không có chỉ định hiện tại. Một số loại thuốc, chẳng hạn như benzodiazepine, cần phải giảm liều dần để ngừng sử dụng một cách an toàn.

An toàn nhà ở

  • Loại bỏ những thứ có thể gây vấp ngã.
  • Cố định dây điện sát tường, gắn thêm ổ cắm điện.
  • Cố định để giữ cho các tấm thảm không bị trượt.
  • Cất giữ các vật dụng thường được sử dụng ở nơi có thể lấy dễ dàng.
  • Đặt các thanh vịn bên cạnh và bên trong bồn tắm cũng như bên cạnh nhà vệ sinh.
  • Đặt thảm chống trượt trong bồn tắm và trên sàn nhà tắm.
  • Tăng độ sáng của bóng đèn trong nhà.
  • Mang giày vừa vặn, hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ phù hợp khi di chuyển trong và ngoài nhà.

Lắp đặt tay vịn trong nhà tắm

Lắp đặt tay vịn trong nhà tắm

Phòng ngừa hạ huyết áp tư thế

Nói với bác sĩ nhằm điều chỉnh giảm các thuốc hạ huyết áp. Bên cạnh đó, người bệnh nên thay đổi tư thế chậm, uống đủ nước.

Cải thiện thị lực

Nếu bệnh nhân bị giảm thị lực, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt vì bệnh nhân có tăng nguy cơ té ngã. Nếu thị lực giảm do đục thủy tinh thể, phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể làm giảm nguy cơ té ngã.

Giày dép phù hợp

Bệnh nhân được khuyến khích luôn mang giày hỗ trợ cả trong và ngoài nhà. Nên lựa chọn giày dép vừa vặn, đế thấp, cứng, có dây buộc. Nếu có vấn đề về bàn chân, hãy đến bác sĩ chuyên khoa chi dưới.

Lựa chọn giày phù hợp

Lựa chọn giày phù hợp

Bổ sung vitamin D

Bệnh nhân có nhiều nguy cơ té ngã nên bổ sung vitamin D nếu họ không nhận được đủ vitamin D trong chế độ ăn uống, hoặc nếu mức vitamin D bị suy giảm.

Ổn định các bệnh lý đồng mắc

Bệnh nhân Parkinson cần tập vật lý trị liệu cải thiện di chuyển, các vấn đề tim mạch nên được tầm soát và điều trị.

Bệnh nhân trầm cảm nên được sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả và tái đánh giá thường xuyên, người tiêu tiểu không tự chủ cần luyện tập cơ sàn chậu, và được điều trị bởi bác sĩ sàn chậu.

Tóm lại, việc nhận diện sớm các yếu tố nguy cơ của bản thân và môi trường để được tư vấn, điều trị góp một phần quan trọng trong dự phòng té ngã ở người cao tuổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *