Loãng xương đang ngày càng phổ biến trong dân số, đặc biệt ở nữ giới sau mãn kinh và người cao tuổi. Đi cùng với sự phát triển của xã hội, sự già hóa dân số và lối sống ít vận động của con người, các yếu tố nguy cơ thúc đẩy loãng xương trở nên nặng nề hơn. Loãng xương và hậu quả do nó gây ra (gãy xương cổ tay, gãy cổ xương đùi, sụp lún đốt sống, tàn phế, tử vong…) đang là gánh nặng lớn cho bản thân người lớn tuổi, gia đình và xã hội. Mời bạn cùng Bác sĩ Trần Thị Minh Hiếu tìm hiểu tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và ngăn ngừa loãng xương ở người cao tuổi qua bài viết sau nhé!
Tổng quan về loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương ở người cao tuổi là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa của bộ xương, đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương và tổn thương vi cấu trúc xương (giảm chất lượng xương), dẫn đến giảm sức mạnh của xương và dễ gãy.1
Theo World Health Organization – WHO (Tổ chức y tế thế giới), loãng xương được định nghĩa khi mật độ xương tại cột sống thắt lưng hoặc đầu trên xương đùi (T-score) của bệnh nhân, được đo bằng phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA – Dual Energy X-ray Absorptiometry), thấp hơn hoặc bằng -2.5 so với giá trị trung bình của dân số. Khi trị số T-score dao động từ -2.5 đến -1 được gọi là thiếu xương.2
Cơ thể người bình thường luôn diễn ra song song hai quá trình tạo xương và hủy xương, tùy vào giai đoạn phát triển mà sẽ chiếm ưu thế nhiều hơn. Vì lí do nào đó khi quá trình hủy xương xảy ra mạnh mẽ hơn tạo xương, người bệnh sẽ tăng nguy cơ loãng xương.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nguyên nhân gây loãng xương ở người cao tuổi
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, loãng xương được chia thành: loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.
Loãng xương nguyên phát
Loãng xương nguyên phát, chiếm phần lớn trong số bệnh nhân loãng xương, là tình trạng mất xương thường do các rối loạn sinh lý diễn tiến theo tuổi bao gồm sự sụt giảm chức năng hệ sinh dục ở phụ nữ sau mãn kinh – tuýp I và loãng xương ở người già (ở cả 2 giới) – tuýp II.1
Loãng xương thứ phát
Loãng xương thứ phát do một số nguyên nhân sau đây:3
- Việc sử dụng thuốc điều trị kéo dài: thuốc chống động kinh, corticoids, heparin, ức chế miễn dịch như tacrolimus, cyclosporine, lithium, hormon tuyến giáp,…
- Sử dụng rượu bia một thời gian dài.
- Một số bệnh lý hệ thống mạn tính: Amyloidosis, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm cột sống dính khớp, HIV, viêm ruột (IBD), đa u tủy, suy thận, viêm đa khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, hội chứng Cushing, đái tháo đường tuýp I, vô kinh ở vận động viên (Athletic amenorrhea),…
- Rối loạn chuyển hóa nội tiết: cường tuyến thượng thận, cường giáp, cường tuyến cận giáp nguyên phát, ứ sắt, suy sinh dục, giảm phosphat máu di truyền,…
- Dinh dưỡng: thiếu vitamin D, mắc bệnh ruột Celiac.
- Phẫu thuật cắt dạ dày,…
Đối tượng dễ mắc loãng xương
Để ngăn ngừa các biến chứng nặng nề do loãng xương gây ra, việc định vị nhóm bệnh nhân có khả năng mắc bệnh cao để tầm soát và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Các yếu tố nguy cơ thường gặp gây loãng xương:1 4 5
- Tuổi cao, giới nữ, da trắng, mãn kinh sớm, mất trí nhớ.
- Trọng lượng cơ thể thấp
- Gia đình có cha mẹ hoặc người thân bị loãng xương hoặc gãy xương.
- Từng bị gãy xương trong quá khứ (sau 30 tuổi).
- Chế độ dinh dưỡng không thích hợp (giảm nhập calcium, thiếu vitamin D3 do ít vận động ngoài trời, sử dụng thực phẩm hàm lượng dinh dưỡng thấp, dùng nhiều coffee, rượu, thuốc lá,…)
- Lối sống tĩnh tại do bệnh tật hoặc nghề nghiệp.
- Suy yếu thị lực, hay bị té ngã.
- Sử dụng các thuốc kéo dài và mắc các bệnh lý gây loãng xương thứ phát.
Theo National Osteoporosis Foundation – NOF (Hiệp hội Loãng xương quốc gia), cần đo mật độ xương BMD (T-Score) trên các đối tượng bệnh nhân bao gồm:6
- Phụ nữ ≥ 65 tuổi hoặc nam giới ≥ 70 tuổi.
- Phụ nữ tiền mãn kinh, sau mãn kinh hoặc nam giới 50 – 69 tuổi, có yếu tố nguy cơ gãy xương trên lâm sàng.
- Người lớn từ 50 tuổi trở lên có gãy xương.
- Người lớn có bệnh lý (ví dụ như viêm khớp dạng thấp) hoặc sử dụng thuốc (sử dụng glucocorticoid liều ≥ 5mg/ngày prednisone hoặc tương đương trong ≥ 3 tháng) liên quan đến mật độ xương thấp hoặc mất xương.
Triệu chứng loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương là căn bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng và thường chỉ được nhận biết khi đã có biến chứng, hoặc biểu hiện của bệnh lý gây loãng xương thứ phát. Cần đánh giá đầy đủ các chỉ số chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể người bệnh mỗi lần thăm khám.1Một số dấu hiệu gợi ý trên lâm sàng:7
- Chiều cao sụt giảm (do sụp lún đốt sống).
- Tư thế dáng đi thay đổi (gù lưng, vẹo cột sống).
- Hơi thở ngắn đi, đau ngực, ăn uống chậm tiêu (ảnh hưởng độ giãn nở của phổi).
- Gãy xương.
- Đau lưng cấp và mạn tính.
Chẩn đoán loãng xương ở người cao tuổi
Để xác định phương pháp điều trị và theo dõi cụ thể, loãng xương cần được chẩn đoán xác định qua hỏi bệnh, khám lâm sàng nhằm đánh giá triệu chứng (nếu có), các yếu tố nguy cơ, các bệnh lý phối hợp và kết quả cận lâm sàng hình ảnh học.1
Loãng xương có thể biểu hiện bởi tình trạng gãy xương do chấn động nhẹ (té ngã trên mặt phẳng hoặc ngã từ độ cao thấp) hoặc gãy xương tự phát.
Hiện nay, chỉ số mật độ xương BMD đo bằng chụp DEXA trung tâm vùng xương hông, đầu trên xương đùi và cột sống thắt lưng là tiêu chuẩn vàng được sử dụng để chẩn đoán xác định loãng xương (T-Score thấp hơn -2.5).
Ngoài ra, CT-scan định lượng, siêu âm định lượng đo ở xương gót và DEXA ngoại vi cũng được sử dụng rộng rãi vì kĩ thuật đơn giản, chi phí thấp hơn và có thể dự đoán nguy cơ gãy xương hiệu quả. Tuy nhiên, vai trò trong chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị của DEXA vùng trung tâm vẫn không thể thay thế được.3
Các xét nghiệm sinh hóa máu (công thức máu, tốc độ máu lắng, chức năng gan, thận, ion đồ, canxi máu, CRP), nước tiểu và các thăm dò khác có thể được đề nghị để tìm các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát (phosphatase kiềm, albumin, FT4, FT3, TSH, PTH, 25-OH-vitamin D, phospho máu, cortisol máu, điện di đạm, tủy đồ, hoocmon sinh dục,…); nhằm chẩn đoán phân biệt và tìm các bệnh lý phối hợp khác. Tìm các dấu ấn chu chuyển xương hiện chưa được khuyến cáo.1
Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương theo WHO của phụ nữ sau mãn kinh và nam giới sau 50 tuổi:1 8
- Xương bình thường: T-Score ≥ -1.
- Thiếu xương hoặc giảm mật độ xương: -2.5
- Loãng xương: T-Score ≤ -2.5.
- Loãng xương nặng: T-Score ≤ -2.5 kèm tiền sử hoặc hiện tại có gãy xương do xương yếu.
Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh của Hội Nội tiết Hoa Kỳ 2020:9
- T-score ≤ – 2.5 ở vị trí cột sống lưng và/hoặc cổ xương đùi và/hoặc đầu trên xương đùi (total hip) và/hoặc 1/3 dưới xương quay.
- Gãy xương đốt sống hoặc cổ xương đùi do chấn thương nhẹ (bất kể mật độ xương).
- -2.5 xương chậu, đầu xa xương cẳng tay.
- -2.5
Điều trị loãng xương ở người cao tuổi
Kế hoạch theo dõi và điều trị loãng xương ở người cao tuổi (dùng thuốc, không dùng thuốc hay phối hợp) cụ thể ở từng cá thể là khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh và các yếu tố nguy cơ mà người bệnh hiện có. Nhìn chung, mục tiêu điều trị ở các bệnh nhân loãng xương bao gồm:1
- Giảm nguy cơ gãy xương.
- Giảm nguy cơ gãy xương tái diễn nếu có tiền sử gãy xương.
- Giảm mất xương.
- Giảm nguy cơ tử vong liên quan đến gãy xương.
Các hiệp hội loãng xương trên thế giới đề nghị nên bắt đầu khởi động chương trình điều trị ở phụ nữ mãn kinh và nam giới trên 50 tuổi có:1
- Gãy xương đùi, hoặc gãy xương đốt sống do xương yếu;
- Hoặc được chẩn đoán loãng xương với chỉ số T-Score ≤ -2.5 sau khi đã loại trừ các nguyên nhân thứ phát;
- Hoặc có tình trạng thiếu xương (-2.5
- Đối với loãng xương thứ phát, loãng xương ở người trẻ nên điều trị bệnh lý nền tích cực và sử dụng thuốc khi có T-Score
Điều trị không dùng thuốc
Chế độ dinh dưỡng1 3
Hầu hết phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi đều nạp không đủ lượng canxi cần thiết từ chế độ ăn hằng ngày.
Một số kết quả nghiên cứu đã chứng minh được sự hiệu quả của việc bổ sung canxi và vitamin D làm giảm đáng kể tỷ lệ gãy xương do loãng xương gây ra.
Hàm lượng canxi nguyên tố cần cung cấp qua đường uống khoảng 1000 – 1200 mg kết hợp 800 – 1000 IU vitamin D mỗi ngày. Thời điểm bổ sung canxi nên cách thời điểm uống các nhóm thuốc levothyroxine, flouroquinolones, tetracycline, phenytoin, ức chế men chuyển, sắt, biphosphonate vài giờ tránh tình trạng giảm hấp thu thuốc qua đường ruột.
Canxi Carbonate rẻ tiền hơn, dễ hấp thu trong môi trường acid nên được uống trong bữa ăn. Canxi Citrate có giá thành đắt hơn nhưng dễ dàng hấp thu không bị ảnh hưởng bởi môi trường trong lòng ruột.3
Người bệnh nên được đo định lượng nồng độ vitamin D trong máu trước khi điều trị để tránh ngộ độc do quá liều vitamin D. Nếu thiếu hụt vitamin D, bổ sung vitamin D2 đường uống (ergocalciferol) với liều 50,000 UI mỗi tuần trong 8 tuần; sau đó tiếp tục duy trì 50,000 UI mỗi 2 đến 4 tuần với vitamin D3 đường uống (cholecalciferol) cùng liều lượng 1,000 UI 1 lần mỗi ngày. Mục tiêu duy trì nồng độ 25-hydroxyvitamin D trên 30 ng/mL (74 nmol/L).3
Sinh hoạt, vận động
Trong hoạt động sinh hoạt thường ngày, việc ngăn ngừa té ngã, đặc biệt ở người cao tuổi bị loãng xương là vấn đề rất quan trọng. Về môi trường sống, để giúp hạn chế nguy cơ té ngã cần:
- Cải thiện độ sáng không gian xung quanh.
- Tránh đặt giường quá xa toilet.
- Hạn chế để nhiều vật dụng nhỏ trên sàn nhà, hay để vật dụng ở những nơi quá cao.
- Lắp đặt các thanh vịn trong phòng tắm, cầu thang để hỗ trợ di chuyển.
Về thăm khám lâm sàng, các đánh giá thị lực, bất thường tư thế dáng bộ, sa sút trí tuệ, và chóng mặt vô cùng cần thiết. Người bệnh được kiểm tra toa thuốc định kỳ, giảm tối đa các thuốc có khả năng gây té ngã (thuốc hạ áp, lợi tiểu, giãn mạch, thuốc hạ đường huyết, an thần, chống trầm cảm, giảm đau, thuốc nhuận tràng,…).
Bên cạnh đó, bệnh nhân được hướng dẫn tập thể dục đơn giản tại nhà, hoặc tập vật lý trị liệu nếu có các vấn đề bệnh lý về khớp, tránh bất động tại chỗ quá lâu.
Điều trị dùng thuốc và liệu pháp hormon
Các nhóm thuốc điều trị loãng xương bao gồm thuốc chống hủy xương, thuốc tăng tạo xương và có tác dụng kép, các nhóm thuốc khác.
Thuốc chống hủy xương1 3
Biphosphonates (alendronate, zoledronic acid, ibandronate, risedronate) là nhóm thuốc đầu tay điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, người già, loãng xương thứ phát.
Alendronate (fosamax) với liều điều trị uống 10 mg mỗi ngày, hoặc 70 mg mỗi tuần 1 lần; và risedronate (actonel) với liều uống 35 mg mỗi tuần 1 lần, hoặc 75 mg 2 ngày mỗi tháng hoặc 150 mg mỗi tháng 1 lần; được chứng minh có hiệu quả trong ngăn ngừa gãy xương cột sống và đầu trên xương đùi. Ngoài ra còn hiệu quả trên loãng xương ở nam giới và do sử dụng corticoid kéo dài.
Các phác đồ điều trị với ibandronate (boniva) uống 2,5 mg mỗi ngày, hay ngắt quãng 150 mg mỗi tháng 1 lần, đều chỉ có hiệu quả trên ngừa gãy xương cột sống do loãng xương.
Các nhóm thuốc sử dụng bằng đường tiêm được FDA phê duyệt cho loãng xương sau mãn kinh là zoledronic acid (reclast) 5 mg truyền tĩnh mạch 1 năm truyền 1 lần duy nhất, và ibandronate (boniva) tiêm 3 mg mỗi 3 tháng 1 lần.2Mặc dù chi phí cao hơn đường uống, đường tiêm tỏ ra có hiệu quả trên các đối tượng có nguy cơ cao, nhưng không dung nạp được bằng đường uống hoặc đang điều trị gãy cổ xương đùi nội viện.
Cần kiểm tra chức năng thận và nồng độ canxi máu khi dùng các thuốc nhóm biphosphonates. Thuốc chống chỉ định ở phụ nữ có thai và cho con bú, hạ canxi máu, suy thận nặng (eGFR thực quản, người không thể duy trì tư thế ngồi hoặc đứng sau uống thuốc. Cần uống đủ nước khi dùng các thuốc biphosphonates, cần uống lúc đói, thường vào buổi sáng, không ăn uống, hoặc không nằm sau uống thuốc ít nhất 30 phút với alendronate và 60 phút với ibandronate.1
Các thuốc biphosphonates cần được điều trị liên tục, ít nhất 3 năm với đường tĩnh mạch và 5 năm với đường uống. Sau đó, đánh giá hiệu quả bằng đo mật độ xương T-Score tại vùng cột sống thắt lưng, hoặc đầu trên xương đùi để cân nhắc tiếp tục điều trị hay ngưng một thời gian. Hoại tử xương hàm là tác dụng phụ nghiêm trọng đang được nghiên cứu xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý nền ung thư khi sử dụng biphosphonates đường tiêm truyền.
Calcitonin dạng xịt mũi (miacalcin) với liều 200 UI xen kẽ mỗi bên mũi luân phiên, hoặc calcitonin dạng tiêm dưới da 50 – 100 UI mỗi ngày được sử dụng cho phụ nữ sau mãn kinh. Calcitonin có hiệu quả giảm đau do gãy lún đốt sống cấp tính và ngăn ngừa gãy lún xương đốt sống do loãng xương nhưng không làm giảm tỷ lệ gãy ngoài cột sống, gãy cổ xương đùi. Thuốc thường ít được sử dụng đầu tay vì các tác dụng phụ của thuốc và giá thành cao. Do đó không nên dùng kéo dài, thông thường khoảng 2-3 tuần.
Raloxifene (evista): là chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen, được chấp thuận cho điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Raloxifene có tác dụng hiệp đồng với estrogen trên mô xương và mô mỡ nhưng lại đối kháng trên mô vú và tử cung. Việc điều trị với raloxifene giúp giảm thiểu tần suất gãy xương đốt sống do loãng xương.
Mặc dù có khả năng tạo huyết khối tĩnh mạch và các triệu chứng về vận mạch, raloxifene giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú do di căn ở phụ nữ sau mãn kinh có loãng xương. Vì vậy, raloxifene được chỉ định đứng hàng thứ 2 nếu bệnh nhân không dung nạp nhóm biphosphonates, không có dấu hiệu rối loạn vận mạch, không có tiền sử thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Liều 60 mg uống hàng ngày, trong thời gian dưới 2 năm.
Denosumab (prolia, xgeva): kháng thể đơn dòng kháng RANKL, nhóm thuốc mới có hiệu quả trong điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và loãng xương nam giới, là chọn lựa khởi đầu cho các đối tượng không thể dùng đường uống và nguy cơ gãy xương rất cao.
Liều 60 mg, tiêm dưới da một lần mỗi 6 tháng. Denosumab được sử dụng an toàn cho bệnh nhân suy thận (không cần chỉnh liều thuốc với giai đoạn 1 – 4, không khuyến cáo với giai đoạn 5/lọc máu), suy gan. Chống chỉ định ở người bệnh hạ canxi máu (suy tuyến cận giáp, nhuyễn xương). Thời gian điều trị có thể kéo dài tới 10 năm, sau khi ngưng thuốc hiệu quả bảo vệ giảm nhanh nên chuyển sang sử dụng các nhóm thuốc khác. Viêm mô tế bào, quá mẫn là các tác dụng phụ thường gặp.
Thuốc tăng tạo xương3
Teriparatide (forteo): với liều 20 mcg tiêm dưới da mỗi ngày, thời gian tối đa 2 năm, thuốc làm giảm tỷ lệ gãy xương cột sống và ngoài cột sống do loãng xương.
Các tác dụng phụ bao gồm hạ huyết áp tư thế, tăng canxi máu thoáng qua, nôn ói, đau khớp và chuột rút. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy sử dụng teriparatide kéo dài gây tăng nguy cơ ung thư xương. Vì vậy, teriparatide chống chỉ định với những bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư xương như bệnh Paget, tiền sử chiếu xạ xương, tăng ALP chưa rõ nguyên nhân,…
Teriparatide được khuyến cáo dùng cho phụ nữ sau mãn kinh với tình trạng mất xương nặng, điều trị loãng xương nam giới nguy cơ gãy xương cao và với các đối tượng không dung nạp biphosphonates.
Không dùng đồng thời biphosphonates và teriparatide. Tuy nhiên, sau khi ngưng teriparatide có thể chuyển sang biphosphonates để duy trì chất lượng xương ổn định.
Các nhóm thuốc khác
- Liệu pháp hormone1 3
The Women’s Health Initiative – WHI (Tổ chức hành động vì sức khỏe phụ nữ) đã xác định việc sử dụng estrogen đơn thuần, hoặc kết hợp với progesteron đều làm giảm nguy cơ gãy cổ xương đùi và xương đốt sống do loãng xương.10Nhưng đồng thời cũng làm tăng tỉ lệ các tác dụng phụ như đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch, bệnh mạch vành và ung thư vú.
FDA đề nghị chỉ nên dùng liệu pháp hormon với liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn ở phụ nữ loãng xương, cùng triệu chứng vận mạch mức độ trung bình – nặng.3
- Vitamin K2.
- Nhóm thuốc mới romosozumab (kháng thể kháng sclerostin).
- Ngoài ra, các nhóm thuốc điều trị như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giảm đau thông thường (đơn thuần hoặc phối hợp, opioids), thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau thần kinh (gabapentin, pregabalin), vitamin nhóm B,…
- Các phương pháp hỗ trợ triệu chứng như các dụng cụ nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế nếu có chèn ép rễ thần kinh cột sống.
Theo dõi đáp ứng sau điều trị
Hiện nay vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể chương trình theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh nhân loãng xương.
Thông thường các bác sĩ lâm sàng sẽ đo khối lượng xương mỗi 1-2 năm để đánh giá kết quả điều trị, khoảng cách giữa 2 lần thực hiện có thể ngắn lại nếu người bệnh có tình trạng mất xương diễn tiến nhanh, đặc biệt trong các trường hợp dùng thuốc corticoids kéo dài.
Có thể xét nghiệm một số markers chu chuyển xương để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, tiên lượng gãy xương.
Điều trị thành công là khi tần suất gãy xương giảm đi đáng kể, và trị số T-Score cải thiện.
Người bệnh cần được theo dõi định kỳ để đánh giá lại các yếu tố nguy cơ, bảo đảm sự tuân thủ và thực hành các biện pháp phòng tránh té ngã và gãy xương. Nếu trị số T-Score sụt giảm, ngoài những vấn đề trên cần xác định các yếu tố gây loãng xương thứ phát bệnh nhân có thể có để điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa nguy cơ loãng xương
Biến chứng do loãng xương gây ra là vô cùng nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của người già. Khuyến khích người cao tuổi nên thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, tập dưỡng sinh, bơi lội,… giúp cơ thể tăng hấp thu canxi và cải thiện độ linh hoạt dẻo dai của hệ cơ xương, giảm nguy cơ gây té ngã.
Bên cạnh đó, việc bổ sung sớm các sản phẩm chứa canxi như thuốc, sữa,… đặc biệt ở người cao tuổi có các yếu tố nguy cơ cao gây loãng xương, có hiệu quả đã được chứng minh cải thiện rõ rệt.
Người cao tuổi cần có môi trường sống lành mạnh cả về thể lực và tinh thần, cần được đánh giá toàn diện mỗi lần thăm khám, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và các vấn đề bệnh lý hiện có, đo mật độ xương định kỳ để được điều trị kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa các tác động xấu làm chứng loãng xương ở người cao tuổi tiến triển nặng hơn.