Làm gì để phòng ngừa bệnh gai cột sống thắt lưng?

Gai cột sống thắt lưng là bệnh khá thường gặp hiện nay. Để hạn chế khả năng mắc bệnh bạn cần tránh các yếu tố nguy cơ và thực hiện chế độ phòng ngừa hợp lý. Vậy hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về các biện pháp phòng ngừa gai cột sống thắt lưng qua bài viết dưới đây.

Ai dễ bị gai cột sống lưng?

  • Gai cột sống thường gặp ở độ tuổi trung niên trở lên, có cả ở nam và nữ. Nguyên nhân gai cột sống thắt lưng chủ yếu là do sự lão hoá của tuổi tác. Vì vậy nguy cơ mắc gai cột sống tăng theo tuổi tác. Người lớn tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
  • Những người trong quá khứ đã từng bị tai nạn, chấn thương nghiêm trọng. Nhất là chấn thương ở vùng cột sống.
  • Những công việc có cần đi đứng nhiều hoặc ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, tài xế lái xe đều dễ gây tổn thương đến cột sống và tăng nguy cơ bệnh.
  • Người đã hoặc đang có các bệnh viêm cột sống dính khớp hay bệnh có gây viêm khớp cột sống.
  • Tình trạng béo phì, lao động nặng, hút thuốc lá và sử dụng rượu bia,… Càng có nhiều yếu tố này, nguy cơ mắc bệnh gai cột sống càng cao hơn.

Gai cột sống thắt lưng.

Những công việc có cần đi đứng nhiều hoặc ngồi nhiều dễ gây tổn thương đến cột sống tăng nguy cơ bệnh

Cần làm gì khi có triệu chứng gai cột sống lưng?

Trước hết bạn cần đến khám tại bệnh viện chuyên khoa. Tại đây các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và mức độ nặng nhẹ của tổn thương liên quan đến gai cột sống.

Khi đã được chẩn đoán chính xác bệnh gai cột sống, bạn nên thực hiện theo toa thuốc và các hướng dẫn của bác sĩ.

Người bệnh gai cột sống thắt lưng cần hình thành thói quen tập thể dục đều đặn. Không nên cố định một động tác quá lâu như đứng hay ngồi. Thay vào đó hãy xen kẽ vài động tác như cử động vùng cổ, xoay đầu, cúi người ra trước.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Không khuân vác các vật nặng và hạn chế các môn thể thao có nguy cơ chấn thương cột sống. Thực hiện tốt các hoạt động này giúp bệnh thuyên giảm nhanh hơn.

Cách phòng ngừa bệnh gai cột sống thắt lưng

Gai cột sống vẫn có thể tái phát sau khi đã điều trị. Do đó bất kể người đã bị gai cột sống hay chưa đều cần biết cách phòng ngừa bệnh gai cột sống.

Một số các biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh gai cột sống:

  • Giữ đường cong sinh ly của cột sống: Cấu trúc tự nhiên của cột sống tạo thành 1 đường cong gọi là đường cong sinh lý. Mục đích là để giảm sức nặng cột sống phải chịu. Khi bạn ngồi sai tư thế vô tình cột sống trở nên thẳng đứng, áp lực dồn vào cột sống nhiều hơn gây nguy cơ chấn thương và đẩy nhanh quá trình thoái hoá cột sống.
  • Tập thể dục: Việc tập thể dục giúp chúng ta làm chậm quá trình lão hoá của cơ thể. Người bệnh gai cột sôngs thắt lưng nên chọn các môn vận động nhẹ nhàng bởi các môn thể thao nặng có nguy cơ làm tổn thương thêm vùng. Thể thao còn giúp bạn vận động tốt các cơ và đốt sống linh hoạt hơn, tăng sự uyển chuyển, dẻo dai, phát triển khu vực cơ và xương cứng chứng.
  • Dinh dưỡng phù hợp: Dinh dưỡng phù hợp là vấn đề chắc chắn không thể thiếu được, đặc biệt với những cơ địa gai cột sống do thoái hoá. Chế độ dinh dưỡng cần bổ sung thêm nhiều thực phẩm có chứa vitamin D và Canxi, các khoáng chất này là nguyên liệu cho việc tạo xương. Người bệnh cần tăng cường ăn thêm nhiều loại rau củ quả và trái cây để bổ sung khoáng chất cần thiết.
  • Không hút thuốc lá: Thuốc lá đẩy nhanh tiến trình lão hoá và giảm hiệu quả của thuốc điều trị.

Gai cột sống thắt lưng và cách điều trị

Lựa chọn phương pháp điều trị gai cột sống thắt lưng tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu gai cột sống vô tình được phát hiện qua các xét nghiệm hình ảnh (Xquang, CT Scan, MRI) mà không gây đau thì người bệnh không cần điều trị.

Gai cột sống chỉ điều trị khi có triệu chứng, nhất là khi làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh.

Điều trị gai cột sống thắt lưng bao gồm điều trị bảo tồn và điều trị can thiệp phẫu thuật.

1. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn không xâm lấn trong điều trị gai cột sống thắt lưng là ưu tiên hàng đầu. Phẫu thuật cắt bỏ gai cột sống không hiệu quả vì gai xương vẫn có thể mọc trở lại. Bởi đó là cơ chế tự nhiên để bù trừ lại khi các đốt xương bị thoái hoá.

Điều trị bảo tồn bao gồm:

  • Nghỉ ngơi.
  • Tránh các yếu tố nguy cơ.
  • Dinh dưỡng hợp lý.
  • Thuốc giảm đau.
  • Vật lý trị liệu.

Khi các triệu chứng gai cột sống trầm trọng, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Hoạt động nhiều có thể gây đau nhiều hơn và chậm hồi phục bệnh.

Nên hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ của gai cột sống đã nêu ở phần trên. Triệu chứng đau sẽ tiếp tục diễn tiến nặng hơn khi còn tồn tại các yếu tố nguy cơ này.

Người bệnh nên tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng. Bơi lội là môn thể thao được khuyến khích. Khi bơi trong hồ, nước vừa giúp giảm sức nặng của cơ thể lên cột sống vừa giúp người bệnh có thể vận động một cách nhẹ nhàng, tăng độ chắc khoẻ của các cơ.

2. Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật chỉ được chỉ định khi gai cột sống chèn ép nhiều gây đau nhức ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh hoặc chèn ép vào các dây thần kinh, gây ra các biến chứng liên quan đến thần kinh. Lúc này cần sớm phẫu thuật để giảm nguy cơ tổn thương thêm các dây thần kinh.

Sau phẫu thuật gai cột sống thắt lưng, người bệnh cần tiếp tục thực hiện chế độ nghỉ ngơi, vận động theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh cần giảm các yếu tố nguy cơ gai cột sống trước đây. Vì bệnh vẫn có khả năng tái phát nếu các yếu tố nguy cơ này còn tồn tại.

Bệnh gai cột sống gây rất nhiều cản trở trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Vì vậy sớm nhận biết và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giúp bạn giảm nguy cơ bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *