Gai cột sống gây ra các triệu chứng đau nhức, làm cản trở trong việc sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Để hiểu hơn về bệnh gai cột sống, hãy cùng You med tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Gai cột sống là bệnh gì ?
Gai cột sống là sự nhô ra của các mảnh xương trên các đốt sống của cột sống. Bất kỳ vị trí nào của đốt sống đều có thể xuất hiện gai cột sống. Vị trí gai đốt sống thường gặp nhất là đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng.
Các gai đốt sống này thường gây đau vùng lưng và tê bì tay chân nếu chèn ép nhiều vào các dây thần kinh.
Gai cột sống là hậu quả của sự thoái hoá, tình trạng viêm khớp, chấn thương,… Ở tuổi càng cao, khả năng xuất hiện gai xương càng tăng. Độ tuổi thường được chẩn đoán chủ yếu từ 60 tuổi trở lên.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Tại sao bị gai cột sống thắt lưng?
Trước hết chúng ta cần hiểu, các gai xương (gai cột sống) này không phải là sự mọc lên của xương từ các đốt sống rồi chèn ép vào các mô cơ gây đau. Thực tế gai xương này là những cấu trúc trơn tru và nhẵn. Những gai xương này được hình thành và phát triển trong thời gian dài. Gai xương hình thành do sự mở rộng của những cấu trúc xương cột sống bình thường.
Cột sống là khung xương vững chắc nhất, chịu toàn bộ lực trên cơ thể. Trong cuộc sống thường ngày, có thể gặp phải những áp lực hoặc các chấn thương lên cột sống. Hậu quả là gây tình trạng thoái hoá đĩa đệm và các đốt sống.
Những yếu tố ảnh hưởng đến cột sống:
- Sự thoái hóa do tuổi tác,
- Các sang chấn lên cột sống do lực tác động (chấn thương).
- Sai thư thế trong sinh hoạt hàng ngày và lao động, nhất là lao động nặng.
Tất cả những yếu tố này tạo nên sự phá huỷ dần dần lên xương và khớp cột sống.
Để bù trừ các tổn thương trên, cơ thể đáp ứng bằng cách tăng cường các dây chằng xung quanh cột sống. Dây chằng dày lên tạo sự vững chắc cho xương trước các lực tác động. Lâu ngày các dây chằng này “hoá xương” tạo nên các gai xương.
Khi đã tạo thành các gai xương cứng, có thể chèn ép vào thần kinh xung quanh đốt sống. Từ đó tạo các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Những triệu chứng gai cột sống
Gai cột sống được hình thành trong thời gian dài, không phải là bệnh cấp tính. Một số người bệnh có thể vô tình phát hiện qua khi được chụp Xquang cột sống khi chưa có triệu chứng. Phần lớn các triệu chứng nếu có cũng chưa thật sự rõ ràng.
Tuy nhiên khi đã đến giai đoạn gai xương phát triển nhiều và các cọ xát với phần mềm xung quanh, nhất là các dây thần kinh. Lúc này gây các triệu chứng đau thắt lưng, đau vai hoặc tê tay cho bệnh nhân.
Một số các triệu chứng thường gặp của gai cột sống:
- Đau: đây là triệu chứng thường gặp nhất ở đa số các bệnh nhân. Chủ yếu đau nhiều ở vùng cổ và thắt lưng, đau nhiều hơn khi đứng hoặc đi lại. Nếu đau tại vị trí cổ hoặc thắt lưng có thể có gai cột sống ở vị trí tương ứng.
- Đau nhiều khi đi lại, hoạt động và cảm giác dễ chịu hơn khi người bệnh nghỉ ngơi.
- Tê: người bệnh đau tê tay, lan đến cổ tay hoặc bàn tay, có thể đau lưng hay lan xuống hai chân.
- Một phần của cột sống bị mất cảm giác.
Cách chẩn đoán bệnh gai cột sống
Bác sĩ chuyên khoa thăm khám tình trạng cột sống, kết hợp với các triệu chứng của người bệnh. Nếu nghi ngờ bệnh gai cột sống sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm sau nhằm chẩn đoán chính xác hơn.
- Chụp Xquang cột sống: mục đích xác định chính xác vị trí xuất hiện của gai xương trên đốt sống, mức độ tổn thương xương khớp xung quanh, đánh giá mức độ thoái hoá cột sống.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): cho thấy hình ảnh trực quan hơn, đánh giá chính xác mức độ chèn ép của thần kinh để đưa ra phương pháp điều trị hợp lý nhất, đặc biệt khi cần thiết để đưa ra quyết định có phẫu thuật không.
- Điện cơ học: xét nghiệm này giúp theo dõi tốc độ truyền của thần kinh, từ đó xác định mức độ tổn thương do chèn ép của cột sống vào thần kinh hoặc loại trừ các nguyên gây đau khác.
Những phương pháp trị gai cột sống
Có nhiều phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường gai cột sống được điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu. Nếu các gai xương gây chèn ép nhiều vào thần kinh, giảm chức năng vận động và cảm giác của tay chân, người bệnh sẽ được điều trị phẫu thuật.
Điều trị nội khoa
Người bệnh gai cột sống cần nghỉ ngơi để vùng tổn thương phục hồi. Nên hạn chế làm việc nặng, nhất là khuân vác các vật nặng vì làm tăng áp lực lên cột sống và gây đau nhiều hơn. Giảm áp lực lên cột sống cũng giúp người bệnh giảm được các diễn tiến nặng hơn.
Một số loại thuốc giảm đau được bác sĩ kê toa giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn, bớt đau nhức khi hoạt động.
Ngoài ra để giảm đau hiệu quả hơn và giảm phụ thuộc vào thuốc giảm đau, người bệnh nên kết hợp vật lý trị liệu, chân cứu. Các phương pháp này có hiệu quả khi người bệnh duy trì trong nhiều tháng.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng được đặt ra. Khi tình trạng đau trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có chèn ép nặng vào các rễ thần kinh ở cột sống.
Nếu người bệnh có các triệu chứng mất cảm giác hoàn toàn, rối loạn trong tiểu tiện có khả năng gai xương chèn ép nhiều sẽ cần được phẫu thuật.
Tuy nhiên phẫu thuật không thể giải quyết triệt để. Các gai xương vẫn tiếp tục phát triển trở lại bởi tác động của chấn thương và lão hoá. Do đó người bệnh cần lưu ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và tránh hạn chế các tư thế sai gây ảnh hưởng đến cột sống trong sinh hoạt hằng ngày.
Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh gai cột sống nên hạn chế khuân vác các đồ vật nặng, không nên đứng ngồi quá lâu. Hãy tích cực điều trị kết hợp cùng các biện pháp tập luyện hỗ trợ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.