Y học thường thức: Gãy xương đòn

Gãy xương đòn (xương quai xanh) là một chấn thương thường gặp nhất ở vùng vai. Thường gặp trong các chấn thương vai trong tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn do tập luyện thể thao. Gãy xương có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật. Hãy cùng tìm hiểu về chấn thương này ở bài viết dưới đây

gãy xương đòn 1

Gãy xương đòn là gì?

Xương đòn hay còn được gọi là xương quai xanh. Là xương nối giữa xương ức và xương bả vai. Một chấn thương vào vùng vai có thể làm cho xương đòn bị gãy.

Gãy xương đòn

Gãy xương đòn là một loại chấn thương bả vai thường thấy

Gãy xương được phân làm nhiều dạng khác nhau. Sự phân loại này dựa vào phần nào của xương đòn bị gãy và kiểu gãy.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Triệu chứng của gãy xương đòn

Triệu chứng của gãy xương thường gặp như :

  • Đau tại vùng xương đòn, đặc biệt đau tăng khi cử động cánh tay
  • Sưng vùng chấn thương
  • Bầm tím vùng chấn thương
  • Cứng, hạn chế vận động vùng vai
  • Cảm nhận được tiếng gãy xương khi cử động vai

Gãy xương đòn có thể làm cho xương đòn biến dạng có thể quan sát được ngoài da.

Chẩn đoán gãy xương đòn

Bác sĩ sẽ cần hỏi những thông tin về hoàn cảnh và cơ chế chấn thương. Cùng với thăm khám lâm sàng thì việc chụp phim X Quang là cần thiết

agy4 xương đòn 5

Hình ảnh gãy xương đòn trên phim X Quang

Điều trị gãy xương đòn

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào dạng gãy xương và mức độ nặng của đường gãy. Bác sĩ sẽ điều trị giảm đau. Nếu bệnh nhân đau dữ dội hoặc có đường gãy phức tạp, có thể cần dùng đến những loại thuốc giảm đau mạnh hơn. Nếu đường gãy đơn giản, việc điều trị giảm đau có thể chỉ cần dùng đến các thuốc giảm đau không kê đơn.

Ở những bệnh nhân có đường gãy phức tạp, đó là những đường gãy dài hoặc di lệch nhiều có thể cần đến phẫu thuật. Phẫu thuật gãy xương đòn sẽ được các phẫu thuật viên điều chỉnh xương đòn trở lại vị trí bình thường.

Điều trị gãy xương đòn tại nhà

Đối với các trường hợp gãy xương nhẹ, đường gãy đơn giản có thể được điều trị tại nhà với:

  • Chườm đá lạnh: Bệnh nhân có thể dùng đá lạnh để chườm vào vùng chấn thương mỗi 1 – 3 tiếng, mỗi lần kéo dài khoảng 20 – 30 phút. Lưu ý nên dùng khăn mềm hoặc các vật liệu chứa đá lạnh để chườm, tránh chườm đá trực tiếp lên da. Việc chườm đá kéo dài 6 giờ sau chấn thương hoặc kéo dài đến 3 ngày sau chấn thương cho thấy có hiệu quả trong điều trị.
  • Đeo đai. Mục tiêu của việc đeo đai trong điều trị là giữ cố định xương đòn, giảm các cử động quá mức ảnh hưởng đến sự liền xương. Để giữ cố định vị trí của xương đòn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đeo đai, thường gặp nhất là dạng đai số 8.

gãy xương đòn

Dùng băng băng kiểu số 8 để cố định xương đòn

Sau khi xương đòn đã liền xương, bác sĩ điều trị có thể yêu cầu bệnh nhân tiếp tục tập vật lý trị liệu. Việc này giúp cho bệnh nhân vận động khớp vai, khớp cổ tay và cánh tay để hồi phục hoàn toàn

Gãy xương đòn bao lâu thì lành?

Gãy xương đòn lành cần đến hàng tuần hoặc hàng tháng tùy thuộc vào dạng và mức độ nặng của đường gãy. Khi lành, vị trí gãy thường hóa can xương. Can xương là bình thường hình thành do xương lành. Ở trẻ em, can xương thường có thể biến mất sau đó, tuy nhiên ở người lớn can xương thường tồn tại kéo dài sau lành xương.

gãy xương đòn

Để cho xương đòn có thể khỏi hoàn toàn thì cần phải mất khoảng từ 2 đến 4 năm

Gãy xương đòn mang đai số 8 bao lâu?

Bệnh nhân sẽ mang đai trong 4 – 8 tuần, trong thời gian này xương sẽ có can xương. Thời gian lành xương cũng khác nhau ở những bệnh nhân khác nhau. Ở trẻ em khỏe mạnh thì tốc độ lành xương thường nhanh hơn so với người lớn tuổi có nhiều vấn đề sức khỏe khác kèm theo.

Gãy xương đòn nên ăn gì

Điều quan trọng nhất là tuân thủ tốt những hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Hạn chế vận động và ăn uống giúp ích cho quá trình lành xương.

gãy xương đòn

Bạn cần có một chế độ tập luyện và ăn uống hợp lý

Ăn uống theo thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, calcium, vitamin D và protein.

Ngừng hút thuốc, việc hút thuốc làm cho đường gãy xương đòn chậm lành hơn.

Biến chứng của gãy xương đòn

Biến chứng ở bệnh nhân gãy xương đòn có thể do tác động của lực chấn thương vào vị trí gãy xương và tổ chức phần mềm xung quanh. Nó cũng có thể do phương pháp điều trị không đúng hay quá trình phục hồi sai nguyên tắc. Các biến chứng thường gặp của gãy xương đòn như:

  • Xương chậm liền: Rõ được trên phim chụp X-Quang. Quá 3 tháng mà xương chưa lành được cần theo dõi tình trạng xương chậm liền.
  • Xương không liền: Quá 6 tháng mà bệnh nhân vẫn còn biểu hiện tại vị trí gãy xương còn đau, có cử động bất thường hay trên X-Quang không có dấu hiệu xương liền. Tình trạng này cần được theo dõi xương không liền, cần phải có phương pháp điều trị thay thế.
  • Xương liền bị lệch: Do trong quá trình nắn chỉnh xương hay do các di lệch thứ phát sau khi nắn chỉnh, kết hợp xương. Sự liền lệch này không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm giảm chức năng của chi thể.
  • Đứt, dập mạch máu: Các mạch máu có thể bị xương làm đứt rách do chọc vào hay do mạch máu tình cờ nằm giữa hai đầu xương gãy. Làm máu chảy nhiều, thương tổn thêm nặng nề.
  • Tổn thương thần kinh lân cận: Có thể do quá trình chấn thương mạnh làm đụng giập, đứt rách dây thần kinh hay do sai sót trong quá trình xử trí chấn thương mà làm tổn thương thêm thần kinh. Thần kinh bị đứt rất khó phục hồi sẽ làm giảm khả năng vận động, dinh dưỡng, cảm giác của chi thể sau này.

Gãy xương đòn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Quay lại tái khám

Không phải tất cả các trường hợp gãy xương đòn đều có quá trình lành xương thuận lợi. Do đó bạn cần phải quay lại bệnh viện kiểm tra khi : 

  • Đau dữ dội, sưng vùng chấn thương tăng nhiều.
  • Tê hoặc dị cảm vùng ngón tay.
  • Các đầu ngón tay tím hoặc xanh.
  • Yếu hoặc sưng cánh tay hoặc bàn tay.
  • Có mủ chảy ra từ vùng chấn thương.
  • Da xung quanh vùng chấn thương đổi máu, sưng tấy, kích ứng.

Trên đây là những thông tin cơ bản về gãy xương đòn. Hy vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về loại gãy xương thường gặp này.

Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.
(*) Bài viết chỉ mang tính tham khảo, vui lòng liên hệ bác sĩ của bạn để có thêm thông tin.

Bác sĩ Ngô Minh Quân

>> Ngoài những thông tin về gãy xương đòn. Hãy cùng Youmed tìm hiểu thêm về kinh nghiệm bệnh nhân cần nắm để đi khám chấn thương gãy xương mũi. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *