Y học thường thức: Chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống là một loại chấn thương thường gặp. Thường xảy ra do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và cả tai nạn gặp phải khi chơi thể thao. Khi gặp phải những tai nạn này, bệnh nhân có thể gặp phải những tổn thương từ nhẹ đến rất nặng. Ở những bệnh nhân chấn thương chúng ta dễ bỏ sót các chấn thương cột sống. Chính vì thế mà các động tác cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân không đúng có thể làm cho các chấn thương nặng thêm.

Bệnh chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống là một loại chấn thương thường gặp

1. Mở đầu

Chấn thương cột sống ngày càng trở nên thường gặp trong xã hội hiện đại. Những nguyên nhân thường gặp gồm có :

  • Tai nạn giao thông
  • Ngã cao do tai nạn sinh hoạt hoặc lao động
  • Đả thương
  • Tai nạn khi chơi thể thao

Chấn thương cột sống đa số gặp ở nam giới. Phần lớn bệnh nhân vào viện trong tình trạng sử dụng rượu bia. Chấn thương dễ xảy ra ở những bệnh nhân có các bệnh lý cột sống sẵn có như :

  • Thoái hóa cột sống cổ
  • Loãng xương
  • Có các bất thường cột sống bẩm sinh
  • Cột sống mất vững

>>>Có thể bạn quan tâm: “Gai cột sống và những kiến thức bạn cần biết“. 

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

2. Chấn thương cột sống là gì?

Chấn thương cột sống là gì ?

(Nguồn : uptodate.com) Vertebrae : Xương cột sống – Spinal canal : ống sống -Disc : đĩa đệm – Ligaments : Dây chằng – Nerve : Dây thần kinh.

Chấn thương cột sống là các tổn thương xương cột sống có thể có các tổn thương tủy sống hoặc dây thần kinh kèm theo. Các tổn thương xương cột sống thường gặp như

  • Gãy một hoặc nhiều xương đốt sống
  • Di lệch một hoặc nhiều khớp giữa các xương đốt sống
  • Đứt dây chằng cột sống
  • Rách hoặc thoát vị đĩa đệm đi kèm

Chấn thương cột sống là các tổn thương xương cột sống

(Nguồn:https://scireproject.com) Fractured vertebral : Gãy xương đốt sống –   Compressed Spinal cord Segment : Chèn ép khoanh tủy sống

Tổn thương xảy ra do các tác động trực tiếp vào vùng lưng như ngã cao. Loại tổn thương và mức độ vững chắc của xương cột sống sau chấn thương cũng là yếu tố nguy cơ của các tổn thương tủy sống trong tương lai.

3. Xử trí tại thời điểm chấn thương 

Ở thời điểm ngay sau chấn thương, cần luôn giả định bệnh nhân có chấn thương cột sống đi kèm khi:

  • Chấn thương đầu
  •  Bệnh nhân ngất hoặc lơ mơ, 
  • Đau vùng cột sống dữ dội,
  •  Yếu liệt 
  •  Tê bì tay chân

Xử trí tại thời điểm chấn thương giả định có chấn thương cột sống

Cần luôn giả định bệnh nhân có chấn thương cột sống kèm theo một số  chấn thương khác(Nguồn : https://workerscompensationlawyerga.com)

 

 Ở những bệnh nhân trên thì cần được bất động tốt để tránh tổn thương thêm tủy sống. Để bất động tốt bệnh nhân cần được nằm cố định trên một tấm ván cứng. Sử dụng các dụng cụ cố định cột sống sẵn có tại hiện trường. Quan trọng không nên tự ý khuân vác hoặc di chuyển bệnh nhân khi nghi ngờ có tổn thương cột sống.

Tại cơ sở y tế, bệnh nhân chấn thương được cấp cứu và xử lý các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng đầu tiên. Bên cạnh đó để chẩn đoán  bệnh nhân cần được thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng. Các dấu hiệu sinh tồn như (mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ,…) luôn cần được theo dõi liên tục.

4. Triệu chứng chấn thương cột sống

Các triệu chứng có thể gặp phải thay đổi tùy thuộc vào

  • Mức độ tổn thương,
  • Vị trí tổn thương
  • Có chèn ép các cấu trúc tủy sống, thần kinh hay không.

Các triệu chứng thường gặp như

  • Đau tại nơi tổn thương: Đau lan xuống hai tay hoặc hai chân tùy vị trí tổn thương
  • Triệu chứng cảm giác: Cảm giác tê bì song hành cùng triệu chứng đau hoặc giảm cảm giác hoặc tăng cảm giác các vùng da chuyên biệt tùy vị trí thương tổn, 
  • Các triệu chứng vận động: Yếu hoặc liệt hai chi dưới hoặc tứ chi
  • Triệu chứng phản xạ: xuất hiện các bất thường khi khám các phản xạ ở tay và chân
  • Rối loạn tình trạng cơ vòng: tiểu tiện và đại tiện mất tự chủ

5. Hình ảnh học của chấn thương cột sống

Hình ảnh học của chấn thương cột sống

Nguồn :https://cdemcurriculum.files.wordpress.com. Hình ảnh chấn thương cột sống cổ trên phim cắt lớp vi tính  – CTs

Bên cạnh việc thăm khám thì thực hiện các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học là cần thiết cho chẩn đoán. Bệnh nhân thường cần được khảo sát cột sống cổ khi nghi ngờ. Ngoài ra cột sống ngực và thắt lưng cũng cần được khảo sát tùy thuộc vào than phiền của bệnh nhân hoặc các triệu chứng khám được.

Ở những bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ thường được chụp Quang hoặc cắt lớp vi tính – CTs vùng cột sống nghi ngờ để khảo sát các tổn thương của xương cột sống nếu có. Đôi khi bệnh nhân cũng cần khảo sát cộng hưởng từ – MRI cột sống nếu tình trạng cột sống vững. Khảo sát MRI giúp cung cấp thông tin về tổn thương tủy sống nếu có vì CTs khảo sát tủy sống rất hạn chế

6. Điều trị chấn thương cột sống

6.1. Theo dõi và điều trị bằng thuốc

  • Điều trị giảm đau: các bệnh nhân sau chấn thương cột sống thường được sử dụng thuốc để giảm đau. Có nhiều loại thuốc giảm đau có thể được lựa chọn cho bệnh nhân. Tuy nhiên cần đặc biệt chú ý khi sử dụng các loại thuốc giảm đau có tính chất an thần trên các bệnh nhân có đồng thời chấn thương đầu. Những bệnh nhân này cần phải được thăm khám và đánh giá thường xuyên.
  • Bất động thương tổn: đây cũng là một cách giúp giảm các cơn đau của bệnh nhân
  • Glucocorticoid – Methylprednisolone là thuốc duy nhất được cho rằng có thể cải thiện được sự hồi phục các chức năng thần kinh nếu có tổn thương tủy sống. Tuy nhiên các bằng chứng cho hiệu quả của thuốc này vẫn còn giới hạn.

6.2. Phẫu thuật giảm áp và làm vững cột sống

Điều trị chấn thương cột sống

Trong một số trường hợp bệnh nhân bị chấn thương cột sống phải tiến hành phẫu thuật. (Nguồn ảnh: Internet)

Một số bệnh nhân chấn thương cột sống có chèn ép tủy sống có thể cần phẫu thuật giải áp tủy sống và làm vững cột sống. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn nào về vai trò, thời gian cũng như phương pháp giải áp cột sống trong các trường hợp có tổn thương tủy cấp tính

Mục tiêu của phẫu thuật trong chấn thương cột sống có chèn ép tủy sống kèm theo gồm có giảm bớt sự di lệch của xương cột sống, giải áp lên các cấu trúc thân kinh và làm vững cột sống. Vì chưa có tiêu chuẩn thống nhất nên việc phẫu thuật đặc biệt là ở đoạn cổ và ngực phụ thuộc vào kinh nghiệm các nhân của phẫu thuật viên và các điều kiện cơ sở vật chất tại các đơn vị phẫu thuật thần kinh cụ thể.

Hiện nay tại các trung tâm có phẫu thuật thần kinh – cột sống vẫn thường lựa chọn thời gian thực hiện phẫu thuật nên có chèn ép tủy ở bệnh nhân chấn thương cột sống trong vòng 72 giờ sau chấn thương hoặc mổ muộn vào thời điểm sau 5 ngày.

Trên đây là những thông tin cơ bản về chấn thương cột sống. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về loại chấn thương phổ biến này

Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.

(*) Bài viết chỉ mang tính tham khảo, vui lòng liên hệ bác sĩ của bạn để có thêm thông tin.

 Bác sĩ Ngô Minh Quân 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *