Viêm xương sụn khớp háng nguyên phát (hay còn gọi là bệnh Legg-Calve-Perthes) là một bệnh xảy ra từ lúc còn trẻ. Bệnh xảy ra khi khả năng cung cấp máu cho đầu xương đùi bị giới hạn. Chính vì thế, xương ở vùng này sẽ bắt đầu chết đi. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về căn bệnh này.
1. Tổng quan về bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát
Người mắc bệnh có xương bị suy yếu, dần dần bị gãy và có thể mất luôn cấu trúc hình tròn của đầu xương. Nếu cơ thể có thể phục hồi nguồn cung cấp máu cho đầu xương đùi thì nó sẽ hồi phục. Nhưng nếu đầu xương không còn bình thường sau khi được hồi phục, nó sẽ gây đau và cứng khớp. Tiến trình xương chết, gãy và tái tạo có thể mất nhiều năm.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Để giữ cho phần đầu xương đùi tròn trịa nhất có thể, các bác sĩ sử dụng nhiều phương pháp điều trị để giữ cho nó vừa khía với phần ổ của khớp chậu. Ổ khớp đóng vai trò như một cái khuôn để đầu xương đùi lành lại.
2. Triệu chứng của bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát bao gồm:
- Đi khập khiễng.
- Đau hoặc cứng khớp ở hông, háng, đùi hoặc đầu gối.
- Bị giới hạn vận động ở khớp háng.
- Đau nặng hơn khi vận động và cải thiện khi nghỉ.
Bệnh thường chỉ xuất hiện ở một bên hông. Ở trẻ em thì thường bị cả hai bên hông, tuy nhiên chúng không bị ảnh hưởng cùng lúc.
Khi nào cần đến khám bác sĩ?
Hãy đến khám bác sĩ nếu bé bắt đầu đi khập khiễng hoặc than đau hông, háng hoặc đầu gối. Nếu bé bị sốt hoặc không đứng vững, hãy đưa bé đi cấp cứu gấp.
3. Nguyên nhân gây bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát là gì?
Bệnh xảy ra khi quá ít máu cung cấp cho phần đầu xương đùi của khớp háng. Bởi vì không đủ máu nuôi nên phần xương này trở nên suy yếu và dễ gãy. Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân của việc giảm lưu lượng máu đến đầu xương đùi.
4. Yếu tố nguy cơ nào khiến người bệnh dễ mắc chứng bệnh này?
Yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm:
- Tuổi tác. Mặc dù có thể ảnh hưởng đến trẻ em ở hầu hết mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi từ 4 đến 10 tuổi.
- Giới tính. Bệnh gặp ở bé trai nhiều gấp 4 lần so với bé gái.
- Chủng tộc. Người da trắng có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn là người da đen.
- Đột biến gen. Trong một nhóm nhỏ dân số, bệnh cho thấy có liên quan tới các yếu tố đột biến ở một số gen nhất định, nhưng cần nghiên cứu thêm.
5. Biến chứng của bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát
Trẻ mắc bệnh có nguy cơ cao bị viêm khớp háng ở tuổi trưởng thành, đặc biệt nếu khớp háng lành lại với hình dạng bất thường. Nếu đầu xương và ổ khớp không khớp với nhau sau khi lành, khớp có thể bị mòn sớm.
Nói chung, những đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát sau 6 tuổi có nhiều khả năng hình thành những vấn đề về khớp hông sau này. Vào thời điểm chẩn đoán, trẻ càng nhỏ thì càng có nhiều cơ hội để khớp háng lành lại ở hình dạng bình thường.
6. Chẩn đoán bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể di chuyển chân của bé sang nhiều vị trí khác nhau để kiểm tra tầm vận động và xem liệu có vị trí nào gây đau không.
Xét nghiệm hình ảnh
Những loại xét nghiệm này rất quan trọng để chẩn đoán bệnh, có thể bao gồm:
- Chụp X-Quang. Chụp X-quang ban đầu có thể trông bình thường bởi vì sau khi các triệu chứng khởi phát có thể cần một đến hai tháng để những thay đổi liên quan đến bệnh xuất hiện trên X-Quang. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-Quang nhiều lần theo thời gian để theo dõi diễn tiến của bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Xét nghiệm này dùng sử dụng sóng radio và từ trường để tạo nên hình ảnh rất chi tiết về xương và mô mềm bên trong cơ thể. MRI thường có thể giúp hình dung tổn thương xương rõ ràng hơn so với chụp X-Quang. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần chụp MRI.
7. Điều trị bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát
Trong bệnh viêm xương sụn khớp háng nguyên phát, quá trình chết của xương, gãy xương và tái tạo có thể mất đến vài năm. Những phương pháp điều trị bệnh sẽ dựa vào:
- Độ tuổi xuất hiện triệu chứng.
- Giai đoạn của bệnh.
- Mức độ tổn thương của vùng hông.
Khi bệnh tiến triển, phần đầu xương đùi trở nên yếu đi và dễ vỡ. Trong quá trình lành xương, phần ổ khớp có thể đóng vai trò như một cái khuôn để giúp những mảnh xương của chỏm xương đùi vẫn giữ được hình dạng tròn của nó.
Để cái khuôn này hoạt động tốt, đầu xương đùi phải nằm vừa khít trong ổ khớp. Đôi khi, điều này có thể được thực hiện bằng một loại bó bột đặc biệt để giữ cho hai chân ở đúng vị trí trong 4 đến 6 tuần.
Một số trẻ cần phải phẫu thuật để giúp cho đầu xương đùi vừa khít với ổ khớp. Quá trình này có thể liên quan đến việc tạo các vết cắt ở xương đùi hoặc xương chậu để sắp xếp lại khớp.
Trẻ em dưới 6 tuổi thường không cần phẫu thuật. Ở nhóm tuổi này, ổ khớp sẽ dễ uốn nắn một cách tự nhiên. Vì vậy, đầu xương đùi và ổ khớp thường sẽ khớp với nhau mà không cần phẫu thuật.
Một số phương pháp điều trị khác
Một số trẻ, đặc biệt là những bé rất nhỏ, có thể chỉ cần theo dõi hoặc điều trị bảo tồn. Đối với trường hợp theo dõi, có thể cần:
- Hạn chế vận động. Không chạy nhảy hoặc thực hiện các hoạt động có tác động mạnh gây tổn thương vùng hông.
- Sử dụng nạng. Trong một số trường hợp, bé có thể cần phải tránh đè nặng lên phần hông bị ảnh hưởng. Sử dụng nạng có thể giúp bảo vệ khớp.
- Vật lý trị liệu. Khi hông bị cứng lại, các cơ và dây chằng xung quanh có thể ngắn lại. Các bài tập kéo giãn có thể giúp cho hông linh hoạt hơn.
- Thuốc kháng viêm. Bác sĩ có thể kê ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen natri (Aleve) để giúp giảm đau cho bé.
8. Chuẩn bị gì trước khi đưa bé đến khám bệnh?
Trước tiên, có thể bạn sẽ trình bày mối quan tâm về tình trạng của bé. Sau khi đánh giá ban đầu, bé có thể được bác sĩ giới thiệu đến bác sĩ chuyên về xương khớp ở trẻ em.
Bạn có thể chuẩn bị gì trước?
Trước khi đến khám bác sĩ, bạn nên viết ra câu trả lời cho những câu hỏi sau để không bỏ sót chi tiết nào về bệnh của bé.
- Các triệu chứng này xuất hiện từ khi nào?
- Một vị trí hoặc hoạt động cụ thể nào ở chân có thể làm cơn đau nặng hơn?
- Người thân trong gia đình có ai có triệu chứng tương tự khi còn nhỏ không?
- Bé có mắc các bệnh lý nào khác không?
- Những loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung nào mà bé được dùng thường xuyên?
Ngoài ra, bác sĩ có thể hỏi về một số câu hỏi sau:
- Bé có những triệu chứng gì?
- Các triệu chứng có nặng hơn theo thời gian hay không?
- Các triệu chứng xuất hiện rồi mất đi hay kéo dài dai dẳng?
- Bé có hiếu động không?
- Bé có bị chấn thương hoặc tai nạn nào gây tổn thương vùng hông không?
- Nếu bé có bị đau thì bé đau chỗ nào?
- Vận động có làm triệu chứng của bé nặng hơn không?
- Nghỉ ngơi có làm dịu đi khó chịu của bé không?
Qua bài viết trên, mong gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích. Hãy đưa bé đến khám bác sĩ nếu có những triệu chứng bất thường nêu trên, để từ đó đưa ra chẩn đoán sớm và tiến hành điều trị. Điều đó sẽ làm cho hiệu quả của việc điều trị tăng cao và mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bé.
ThS.BS Vũ Thành Đô