Viêm khớp dạng thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mà các khớp thường xuyên đau nhức, gây khó chịu cho người bệnh trong một thời gian dài. Nguyên nhân gây bệnh là gì? Liệu bệnh này có thể được điều trị hết hoàn toàn không? Có những cách gì để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu? Những câu hỏi này sẽ được ThS.BS Vũ Thành Đô giải đáp trong bài viết phía dưới đây.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp, còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến khớp. Triệu chứng thường gặp là đau và sưng các khớp xương trên cơ thể. Trong vài trường hợp, bệnh có thể tấn công đến những cơ quan khác ngoài khớp như mắt, tai, phổi, tim mạch.

Tỉ lệ mắc bệnh là khoảng 0.24 – 1% dân số. So với nam giới, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh này thường cao hơn từ 2 tới 3 lần.1

Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi và cao nhất ở độ tuổi 60.2

viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp?

Thủ phạm gây bệnh xuất phát từ hệ miễn dịch của cơ thể. Hệ miễn dịch bình thường đóng vai trò như một “vệ sĩ” bảo vệ cơ thể. Nhưng đối với những người bệnh viêm khớp dạng thấp thì hệ miễn dịch lại tấn công chính cơ thể họ. Hệ miễn dịch của người bệnh nhầm tưởng lớp màng bao quanh các khớp là vật thể lạ, và sẽ phá hủy luôn các thành phần của khớp.

Tại sao lại có hiện tượng này vẫn là một ẩn số mà các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu. Tuy nhiên các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể xác định được bao gồm:2

  • Giới tính: Nữ.
  • Tuổi trung niên.
  • Gia đình từng có người bị bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Hút thuốc lá.
  • Thừa cân, béo phì.

Viêm khớp dạng thấp có triệu chứng như thế nào?

Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường trải qua 4 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Sưng và đau khớp do hiện tượng viêm của màng bao quanh khớp.
  • Giai đoạn 2: Thành phần sụn bên trong khớp bắt đầu bị ảnh hưởng. Mất sụn sẽ làm cho khớp nhỏ lại. Tuy nhiên, ở giai đoạn này khớp chưa bị biến dạng.
  • Giai đoạn 3: Sụn khớp bị mất hoàn toàn, làm cho các đầu xương tiếp xúc trực tiếp với nhau. Cử động khớp không còn mềm mại và đặc biệt là hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng.
  • Giai đoạn 4: Các khớp bị xơ cứng lại và hoàn toàn mất chức năng.

Bệnh có thể phòng ngừa được không?

Bạn cần đi khám sức khỏe định kì, đặc biệt nếu nằm trong đối tượng có nguy cơ cao. Nhờ đó có thể tìm ra bệnh sớm và có biện pháp điều trị thích hợp.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Trong giai đoạn sớm, khá khó để phát hiện ra bệnh vì triệu chứng bệnh không có nhiều và thường nhầm lẫn với các bệnh khác. Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Mỹ (ACR) giúp chẩn đoán viêm khớp dạng thấp bao gồm:3

  • Cứng khớp từ 1 tiếng trở lên vào buổi sáng;
  • Viêm từ 3 khớp trở lên. Các khớp này thuộc khớp ở tay và ở chân;
  • Viêm khớp ở bàn tay;
  • Khớp bị viêm đối xứng 2 bên cơ thể;
  • Nổi những nốt dưới da;
  • Xét nghiệm máu dương tính với một loại yếu tố gọi là yếu tố dạng thấp;
  • Có hình ảnh điển hình của bệnh trên X-quang.

Nếu thỏa được 4 tiêu chuẩn trở lên là có thể chẩn đoán bệnh. Thời gian tối thiểu bạn bị viêm khớp phải là 6 tuần thì mới có thể chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp.

viêm khớp dạng thấp

Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Đối với những bệnh lý mạn tính nói chung và viêm khớp dạng thấp nói riêng, thường không có một phương pháp đặc biệt nào có thể trị dứt điểm hoàn toàn. Hiện nay, các cách điều trị chủ yếu hướng tới việc xoa dịu cảm giác khó chịu và giúp người bệnh có thể sinh hoạt được như người bình thường.

Sau đây là một số biện pháp giúp điều trị viêm khớp dạng thấp:

Uống thuốc

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tùy thuộc vào mức độ nặng và giai đoạn diễn tiến của bệnh. Phần lớn các thuốc điều trị là thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau và hạn chế sự bùng phát quá mức của tình trạng viêm. Tuy nhiên cần chú ý các tác dụng phụ của thuốc: như đau dạ dày, tổn thương lên tim và thận, rối loạn động máu…

Các tác dụng phụ của thuốc có thể được phòng ngừa bằng cách:

  • Dùng kèm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc các thuốc giảm tiết. Bác sĩ có thể kê thêm các thuốc giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc làm cho dạ dày giảm tiết axit. Tái khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
  • Bổ sung canxi, vitamin D – là những hoạt chất không thể thiếu đối với những người bị bệnh về xương khớp.
  • Nếu bạn bị thiếu máu, cần chú ý ăn những thực phẩm có thể cải thiện được lượng sắt, vitamin B12 trong cơ thể.

Phẫu thuật

Nếu sử dụng thuốc đến liều tối đa mà vẫn không hiệu quả thì bác sĩ có thể cân nhắc cho người bệnh được phẫu thuật. Phẫu thuật được thực hiện có thể là loại bỏ đi lớp màng viêm của khớp, chỉnh lại các gân của khớp hoặc thậm chí thay thế toàn bộ khớp bằng vật liệu nhân tạo.

Các biện pháp hỗ trợ khác:

  • Gân bị co lại, khớp quá cứng hay các cơ bị teo lại do không được sử dụng nhiều. Vì vậy cần tập vận động các khớp để ngăn chặn tình trạng này. Khi khớp đang sưng đau, cần cho khớp được nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái. Khi các khó chịu qua đi, tiếp tục tập luyện khớp, bản thân người bệnh có thể tự tập hoặc có thể nhờ người khác hỗ trợ.
  • Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tắm suối khoáng.
  • Dụng cụ tập luyện cũng có thể có ích.

Bài viết vừa trình bày cho độc giả những kiến thức vô cùng cơ bản và quan trọng về bệnh viêm khớp dạng thấp. Rất mong những gì bài viết YouMed đem lại sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về viêm khớp dạng thấp.

Khi đến gặp bác sĩ Cơ xương khớp để khám bệnh Viêm khớp dạng thấp, bạn đã biết mình cần chuẩn bị những gì chưa? Tìm hiểu ngay nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *