Viêm gân xương bánh chè là tình trạng tổn thương gân nối giữa xương bánh chè và xương chày. Gân xương bánh chè hoạt động cùng với cơ trước đùi để thực hiện động tác duỗi đầu gối. Nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành động như đá, chạy và nhảy.
>> Gãy xương bàn tay có thể là vết nứt hoặc gãy một hay nhiều xương bàn tay của bạn. Chấn thương này có thể được gây ra bởi cú va chạm trực tiếp hoặc do té ngã. Bạn có thể có nguy cơ bị gãy bàn tay cao hơn nếu bạn tham gia các môn thể thao tiếp xúc như bóng chuyền hoặc tình trạng giảm chất lượng xương như loãng xương.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Viêm gân xương bánh chè còn được gọi là “đầu gối của vận động viên nhảy xa”. Lý do là vì bệnh này hay gặp nhất ở các vận động viên thường xuyên có động tác nhảy như khi chơi bóng rổ và bóng chuyền. Tuy nhiên, viêm gân xương bánh chè vẫn có thể xuất hiện cả ở những người không tham gia những môn thể thao này.
Viêm gân xương bánh chè biểu hiện ra những triệu chứng gì?
Triệu chứng xuất hiện đầu tiên là đau. Vị trí đau thường ở giữa xương bánh chè và nơi gân bám vào xương chày.
Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy đau ở đầu gối khi hoạt động hay ngay sau khi tập luyện cường độ cao. Theo thời gian, cơn đau ngày càng nhiều hơn và bắt đầu cản trở việc chơi thể thao. Cuối cùng, ngay cả những cử động hằng ngày như leo cầu thang hoặc đứng lên khỏi ghế cũng gây đau.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ liên quan đến ra bệnh này là gì?
Viêm gân xương bánh chè là một dạng chấn thương phổ biến do tình trạng cử động một bộ phận cơ thể quá mức. Do phải chịu áp lực lặp đi lặp lại, gân sẽ xuất hiện những vết rách nhỏ. Ban đầu, cơ thể sẽ cố gắng sửa chữa những vết rách này. Nhưng khi vết rách tích tụ ngày càng nhiều, chúng sẽ gây viêm gân dẫn đến cảm giác đau và làm gân yếu đi.
Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc viêm gân xương bánh chè:
- Các hoạt động thể chất. Động tác chạy và nhảy thường gây ra viêm gân xương bánh chè. Đột ngột tăng tần suất và cường độ tập luyện thể thao cũng làm tăng áp lực lên các gân và có thể gây ra bệnh này. Đôi khi việc thay đổi giày chạy cũng là một yếu tố nguy cơ.
- Căng các cơ ở chân. Căng cơ đùi trước (cơ tứ đầu đùi) và cơ đùi sau làm tăng áp lực lên gân xương bánh chè.
- Sức cơ không cân bằng. Nếu một số cơ chân mạnh hơn những cơ khác, bên mạnh hơn sẽ kéo gân xương bánh chè nhiều hơn và gây ra viêm gân.
- Một số bệnh lý mạn tính. Những bệnh ảnh hưởng lượng máu nuôi vùng gối có thể làm gân xương bánh chè yếu đi. Chẳng hạn như suy thận, các bệnh tự miễn như lupus hay viêm khớp dạng thấp và các bệnh chuyển hoá như đái tháo đường có thể gây ra viêm gân vùng gối.
Viêm gân xương bánh chè nguy hiểm đến mức nào?
Nếu người bệnh vẫn cố gắng tập khi đang đau, việc tập luyện có thể gây những vết rách lớn hơn trên gân. Nếu bệnh nhân vẫn không đi khám dù bị đau, về lâu dài cơn đau đầu gối ảnh hưởng chức năng sẽ trở nên dai dẳng, thậm chí xuất hiện những bệnh khác liên quan đến gân nghiêm trọng hơn.
Do đó khi xuất hiện đau vùng gối, bạn có thể thử những phương pháp như chườm lạnh và hạn chế hoạt động gây đau. Tuy nhiên, nên đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng như:
- Cơn đau không giảm hay càng ngày càng nặng
- Đau làm cản trở các hoạt động hằng ngày
- Xuất hiện đau kèm với sưng đỏ vùng khớp gối
Lời khuyên bác sĩ về phòng ngừa bệnh này
Để giảm nguy cơ bị viêm gân xương bánh chè, mọi người nên làm theo những bước sau đây:
- Ngừng động tác hay ngừng tập luyện nếu gây đau. Nếu xuất hiện cơn đau đầu gối do tập thể dục, hãy chườm đá vùng đó và nghỉ ngơi. Nên tránh các hoạt động tạo áp lực lên gân cho đến khi cơn đau biến mất.
- Tăng cường cơ bắp. Cơ đùi khoẻ sẽ giúp giảm áp lực lên gân xương bánh chè. Các bài tập giãn cơ như hạ chân xuống từ từ rất hữu ích trong giảm nguy cơ bị bệnh này.
- Nâng cao kỹ thuật. Nếu bắt đầu tập một môn thể thao, bạn nên xem những bài hướng dẫn chuẩn và chuyên nghiệp để có tư thế và kỹ thuật đúng.
Cách chẩn đoán viêm gân xương bánh chè
Bác sĩ sẽ khám bằng cách sờ vùng gối để tìm điểm đâu. Vị trí đau do viêm gân xương bánh chè thường ở phía trước đầu gối, ngay bên dưới xương bánh chè.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề nghị thêm những xét nghiệm sau để xác định chẩn đoán:
- Chụp X-quang: Phim X-quang giúp loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây đau gối.
- Siêu âm: sử dụng sóng âm để tìm các vết rách trong gân xương bánh chè.
- MRI: sử dụng từ trường và sóng vô tuyến. Những sóng này giúp tạo ra hình ảnh chi tiết để quan sát những tổn thương rất nhỏ trong gân.
Những phương pháp điều trị bệnh này là gì?
Sử dụng thuốc
Thuốc giảm đau như ibuprofen hay naproxen sodium giúp giảm cơn đau do viêm gân trong thời gian ngắn.
Liệu pháp vật lý trị liệu
Những kỹ thuật và liệu pháp vật lý giúp giảm triệu chứng do viêm gân xương bánh chè gồm:
- Bài tập giãn cơ. Tập những bài tập kéo căng cơ thường xuyên và đều đặn giúp giảm tình trạng co thắt. Tuy nhiên, trong khi tập đừng thực hiện động tác quá nhanh hay đột ngột.
- Bài tập nâng cao sức cơ. Cơ đùi yếu góp phần tạo áp lực lên gân xương bánh chè. Các bài tập như động tác hạ chân xuống từ từ sau khi duỗi thẳng giúp tăng sức cơ đùi. Ngoài ra, những bài tập để tăng cường các cơ vùng chân cũng rất hữu ích trong điều trị bệnh này.
- Băng đeo bảo vệ gân xương bánh chè. Một dây đeo quanh gối có tác dụng phân tán lực ra khỏi gân và truyền vào dây đeo. Nhờ tác dụng này, băng đeo làm giảm đau vùng gối khi cử động.
- Phương pháp điện ion (iontophoresis). Phương pháp này gồm quá trình bôi thuốc chứa corticosteroid lên da và sử dụng thiết bị tạo điện tích thấp có tác dụng đẩy thuốc ngấm qua da.
Phẫu thuật và những phương pháp xâm lấn
Nếu điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ đề nghị những phương pháp khác như:
- Tiêm corticosteroid thông qua siêu âm định hướng vào vỏ bọc quanh gân để giảm đau. Tuy nhiên, những loại thuốc này cũng có thể làm gân yếu đi và dễ đứt hơn.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). Phương pháp này hiện đang được nghiên cứu. Mũi tiêm chứa huyết tương giàu tiểu cầu có thể thúc đẩy hình thành mô mới và giúp tổn thương gân hồi phục.
- Phẫu thuật. Trong một số ít trường hợp, nếu các phương pháp khác không thành công, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ vùng gân tổn thương.
Lối sống và hướng dẫn tại nhà dành cho người bệnh
Nếu bị đau vùng gối, bệnh nhân có thể làm theo những bước sau để giảm đau tại nhà:
- Dùng thuốc giảm đau. Có thể dùng những thuốc như ibuprofen hay naproxen sodium giúp giảm đau trong thời gian ngắn.
- Tránh những hoạt động gây đau. Người bệnh có thể cần phải tập luyện ít lại hoặc đổi sang môn thể thao khác nhẹ hơn. Nếu xuất hiện đau khi tập luyện, bệnh nhân nên dừng lại và nghỉ ngơi, tránh việc tiếp tục khi đã bị đau vì có thể tạo những tổn thương nặng nề hơn lên gân.
- Chườm lạnh. Người bệnh có thể chườm đá lạnh lên vùng bị đau. Nên để đá trong một túi nhựa, sau đó bọc túi nhựa trong khăn rồi chườm lên da. Ngoài ra, người bệnh có thể làm đông nước trong một cốc bằng xốp và giữ cốc khi áp nước đã đông trực tiếp lên da. Nhiệt độ lạnh có thể giúp giảm sưng và đau.
Viêm gân xương bánh chè thường gặp ở các vận động viên hay những người thường có động tác nhảy. Bệnh sẽ gây ra những cơn đau vùng gối làm ảnh hưởng đến việc luyện tập thể thao cũng như cuộc sống hằng ngày. Do đó khi xuất hiện những triệu chứng trên, bạn nên đến bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh để xảy ra những biến chứng nặng nề sau này. Ngoài ra, mọi người cũng nên có ý thức phòng bệnh bằng cách nghỉ ngơi khi đau, tăng cường cơ bắp và tập luyện đúng kỹ thuật.
>> Viêm cột sống dính khớp là một bệnh có yếu tố di truyền. Bệnh này có khả năng gây tàn phế cho người mắc nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách. Cùng xem thêm tại đây nha.
Bác sĩ Vũ Thành Đô