Trật khớp vai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Khớp vai có biên độ hoạt động rộng và di động được ở nhiều mặt phẳng. Do đó, khớp vai đóng vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Trật khớp vai không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Điều này làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về trật khớp vai, mời bạn cùng Bác sĩ Lâm Thị Xuân Nguyệt tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Định nghĩa trật khớp vai

Đai vai được cấu tạo bởi 3 xương: xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Hoạt động vùng vai là sự tham gia của 4 khớp. Bao gồm: khớp ổ chảo cánh tay, khớp ức đòn, khớp cùng đòn và khớp bả vai lồng ngực.

Khi nói đến khớp vai chung thì đó có nghĩa là khớp ổ chảo cánh tay. Khớp ổ chảo cánh tay là sự kết nối giữa ổ chảo của xương bả vai và chỏm của xương cánh tay. Xung quanh khớp ổ chảo cánh tay là hệ thống các dây chằng, bao khớp và gân cơ. Chúng có chức năng bảo vệ và giữ ổn định khớp khi vận động.

Vậy, trật khớp vai diễn ra khi chỏm xương cánh tay không còn nằm ở vị trí bình thường trong ổ chảo xương bả vai, có thể đi kèm tổn thương mô mềm bao quanh khớp.1

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Trật khớp vai rất thường gặp, chiếm đến 50% trong tất cả các loại trật khớp lớn.2Nếu trật khớp vai không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng. Ví dụ như: đau mạn tính, teo cơ, cứng khớp, giới hạn vận động, trật khớp tái diễn,… Từ đó gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh.

Hình ảnh giải phẫu khớp vai

Hình ảnh giải phẫu khớp vai

Phân loại chứng trật khớp vai

Có 3 dạng trật khớp vai trên lâm sàng:2

Trật khớp vai ra trước

Trật khớp vai ra trước là phổ biến nhất, chiếm tới 97% các trường hợp trật khớp vai:

  • Cơ chế của chấn thương thường là một lực tác động mạnh làm cánh tay duỗi, dạng và xoay ngoài.
  • Nó cũng có thể xảy ra với lực từ phía sau xương cánh tay hoặc ngã ở tư thế cánh tay bị kéo quá căng.
  • Khi khám, cánh tay thường bị dạng và xoay ra ngoài, mỏm cùng vai lộ rõ.
  • Có tới 40% trường hợp trật khớp vai ra trước có tổn thương đi kèm. Bao gồm tổn thương dây thần kinh, rách sụn viền, gãy xương vùng ổ chảo xương vai hoặc chỏm xương cánh tay.

Trật khớp vai ra sau

Trật khớp vai ra sau chiếm 2% đến 4% các trường hợp trật khớp vai:

  • Thông thường là do một lực mạnh tác động vào mặt trước vai trong khi cánh tay đang chống đỡ chịu lực ở tư thế khép và xoay trong.
  • Nó cũng có thể là kết quả của các cơn co thắt cơ dữ dội (co giật, điện giật).
  • Khi khám bệnh, cánh tay thường được giữ tư thế khép và xoay bên trong, Bệnh nhân không thể xoay ra bên ngoài.
  • Nguy cơ cao có các chấn thương đi kèm. Chẳng hạn như: gãy cổ phẫu thuật xương cánh tay hoặc lồi củ xương cánh tay, tổn thương Hill-Sachs đảo ngược và chấn thương của sụn viền hoặc gân cơ chóp xoay.

Trật khớp thành dưới

Trật khớp thành dưới là loại không phổ biến nhất (dưới 1%):

  • Thường xảy ra khi cánh tay dạng quá mức hoặc cánh tay chống đỡ chịu lực dọc trục ở tư thế dạng.
  • Khi kiểm tra, cánh tay được giữ tư thế ở trên và sau đầu, bệnh nhân không thể khép cánh tay.
  • Thường liên quan đến tổn thương dây thần kinh, gân cơ chóp xoay, vết rách bao khớp bên trong. Đây là trường hợp có tỷ lệ tổn thương dây thần kinh nách và động mạch nách cao nhất trong tất cả các chấn thương ở vai.

Các dạng trật khớp vai

Các dạng trật khớp vai

Triệu chứng trật khớp vai

Khi trật khớp vai sẽ có những triệu chứng trên lâm sàng để bác sĩ có thể thăm khám, nhận diện và chẩn đoán tình trạng tổn thương. Dưới đây là 2 nhóm triệu chứng của trật khớp vai.

Các dấu hiệu chắc chắn trật khớp vai:3

  • Biến dạng khớp: thay đổi hình dạng vùng vai, điển hình là dấu vai vuông.
  • Dấu hiệu lò xo hoặc cử động đàn hồi: khi kéo cánh tay ra khỏi vị trí trật khớp, rồi thả cánh tay ra nó sẽ về tư thế ban đầu.
  • Ổ khớp rỗng: sờ được hõm khớp của ổ chảo, bình thường mặt khớp này gắn với chỏm xương cánh tay. Dấu hiệu này rất đặc hiệu để chẩn đoán nhưng khó khám được do tình trạng sưng nề sau chấn thương.

Dấu vai vuông trong trật khớp vai

Dấu vai vuông trong trật khớp vai

Các dấu hiệu gợi ý trật khớp vai:1

  • Sưng nề.
  • Bầm tím.
  • Đau vùng vai.
  • Hạn chế vận động khớp vai.
  • Tê, yếu hoặc dị cảm vùng lân cận như cổ, cánh tay.
  • Co thắt cơ vùng vai.

Trong quá trình chẩn đoán và điều trị, ngoài việc dựa vào các triệu chứng trên, bác sĩ có thể chụp một số hình ảnh như X-quang, CT scan hoặc MRI vùng vai. Mục đích là để kiểm tra và đánh giá lại tình trạng trật khớp cũng như là các thương tổn mô mềm xung quanh.

Nguyên nhân trật khớp vai

Trật khớp vai có thể do các nguyên nhân sau:4

  • Các chấn thương trong thể thao. Trật khớp vai là một chấn thương phổ biến trong các môn thể thao tiếp xúc. Chẳng hạn như bóng đá và khúc côn cầu và trong các môn thể thao có thể bị ngã như trượt tuyết xuống dốc, thể dục dụng cụ và bóng chuyền.
  • Chấn thương không liên quan đến thể thao (tai nạn giao thông hoặc lao động). Một lực tác động mạnh, trực tiếp vào vai trong tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến gây ra trật khớp. Ngoài ra, khuân vác hay mang đồ vật nặng không đúng tư thế cũng có thể gây ra trật khớp vai.
  • Tai nạn sinh hoạt. Bạn có thể bị trật khớp vai khi té ngã. Ví dụ như ngã từ trên cầu thang xuống hoặc ngã trên sàn nhà trơn trượt.

Biến chứng trật khớp vai nếu trì hoãn hoặc không điều trị

Bạn có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng tay phía bên khớp vai bị trật một cách hiệu quả như trước đây nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này có thể trở thành một khiếm khuyết chức năng vĩnh viễn. Một số biến chứng có thể gặp nếu không điều trị sau trật khớp vai:5

  • Cản trở một số hoạt động sinh hoạt hàng ngày có thể do đau khớp vai, cứng khớp vai,…
  • Tổn thương mạch máu thần kinh.
  • Viêm gân cơ, viêm bao khớp.
  • Rách gân, dây chằng.
  • Thoái hóa khớp vai.
  • Đau cổ, đau lưng.
  • Mất vững khớp vai đa hướng, trật khớp vai tái diễn.

Điều trị và phục hồi chức năng cho trật khớp vai

Điều trị

Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng xác định phương thức điều trị nào là tối ưu. Tuy nhiên, ban đầu có thể ưu tiên điều trị không phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp thất bại sau điều trị bảo tồn, có tổn thương đi kèm (đứt gân cơ, gãy xương, tổn thương thần kinh và mạch máu) hoặc có nhu cầu sử dụng chi trên nhiều (như là vận động viên chuyên nghiệp). 

Biện pháp can thiệp không phẫu thuật cho trật khớp vai là nắn kín khớp vai. Một số kỹ thuật nắn kín khớp vai có thể được sử dụng là kỹ thuật xoay ngoài, nắn chỉnh qua xương bả vai, kỹ thuật Cunningham, Hippocrates, Milch, Kocher,… Trong quá trình nắn khớp vai, bệnh nhân có thể được tiêm thuốc tê hoặc sử dụng thuốc an thần để giảm đau, giãn cơ. Sau khi nắn thành công, một số thuốc như thuốc giảm đau, kháng viêm được sử dụng. Nếu có chỉ định phẫu thuật thì sẽ tiến hành sửa chữa các phần gân cơ, dây chằng, bao khớp bị tổn thương giúp làm vững, ổn định khớp vai.

Phục hồi chức năng

Sau khi điều trị phẫu thuật hay không phẫu thuật, thì đều cần lập chương trình phục hồi chức năng. Chương trình này là tương tự nhau ở hai phương pháp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được phẫu thuật thì bác sĩ cần biết loại phẫu thuật đã được thực hiện, cũng như những lưu ý sau phẫu thuật. Chẳng hạn như, nếu gân cơ dưới vai bị cắt thì không được xoay trong có đề kháng trong 4 – 6 tuần, xoay ngoài ban đầu thường giới hạn ở 30°, sau đó 45° lúc 6 tuần.

1. Trật khớp vai ra trước

Một nghiên cứu đã đề xuất một chương trình phục hồi chức năng gồm ba giai đoạn như sau:6

  • Giai đoạn 1 (0 – 6 tuần)

Mục tiêu là duy trì sự ổn định phía trước – dưới khớp vai.

Bất động:

  • Trước đây, người ta sẽ cho bất động tư thế xoay trong. Tuy nhiên, theo Miller sự bất động có lợi trong tư thế xoay ngoài.7
  • Nghiên cứu của Itoi cho thấy bất động ở 10° xoay ngoài có tỷ lệ trật khớp tái phát thấp hơn bất động ở tư thế xoay trong 10°.8
  • Hiện chưa có sự thống nhất về thời gian bất động trong lúc mang đai treo tay. Tuy nhiên, khoảng thời gian thường áp dụng cho người dưới 40 tuổi là 3 – 6 tuần và 1 – 2 tuần nếu trên 40 tuổi. 
  • Trong thời gian bất động, tập trung vào tập vận động chủ động các khớp khuỷu, cổ tay, bàn tay và điều trị giảm đau. Bài tập gồng cơ (co cơ đẳng trường) cho các cơ chóp xoay và cơ nhị đầu cánh tay.

Bài tập quả lắc (Codman): vận động thụ động cánh tay nhiều hướng và xoay tròn.

Vận động chủ động có trợ giúp tư thế xoay ngoài vai (0° – 30°) và gấp cánh tay tới trước (0° – 90°).

Bài tập Codman

Bài tập Codman
  • Giai đoạn 2 (6 – 12 tuần)

Mục tiêu là khôi phục hết tầm vận động, đặc biệt là động tác xoay ngoài.

Tập vận động chủ động có trợ giúp để đạt được hết tầm vận động ở các cử động khớp vai. Khi đủ điều kiện cho phép, tiến hành kéo giãn bao khớp sau bằng kỹ thuật di động khớp hoặc tự kéo giãn.

Không nên bắt đầu các bài tập mạnh cơ cho đến khi đạt hết tầm vận động bình thường.

  • Giai đoạn 3 (12 – 24 tuần)

Giai đoạn trở lại với các hoạt động thể thao hoặc thể chất trong cuộc sống hàng ngày.

Bắt đầu tập mạnh cơ. Các bài tập này nên dựa trên mức độ suy giảm và nhóm cơ bị ảnh hưởng. Thông thường, bắt đầu tập mạnh cơ trong tầm vận động không gây đau để ổn định. Đầu tiên tập trung vào tập nhóm cơ chóp xoay và nhóm cơ ổn định xương bả vai, bao gồm cơ thang, cơ răng cưa, cơ nâng vai và cơ hình thoi. Sau đó, tiến triển đến các cơ lớn hơn như cơ delta, lưng rộng, cơ ngực.

Nhóm cơ chóp xoay (cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé)

Nhóm cơ chóp xoay (cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé)

Cuối cùng sẽ tập trung vào các bài tập chức năng bao gồm tập luyện cảm giác bản thể (cảm giác này giúp chúng ta biết vị trí và cử động các khớp trong không gian cho dù ta đang nhắm mắt), điều chỉnh một số yếu tố để thúc đẩy bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày và tham gia vào xã hội.

  • Lưu ý

Chương trình tập luyện trên đây có thể sẽ điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với từng cá nhân. Để an toàn và đạt hiệu quả trong phục hồi chức năng sau trật khớp vai, các bạn nên đến khám bác sĩ để có kế hoạch tập luyện cho riêng mình và được hướng dẫn cụ thể cho từng bài tập.

2. Trật khớp vai ra sau

Chương trình phục hồi chức năng trật khớp vai ra sau tương tự như phác đồ trật khớp vai ra trước. Tuy nhiên có một số lưu ý sau:

  • Chống chỉ định trượt chỏm xương cánh tay ra sau.
  • Tránh các động tác mà cử động gập vai, khép và xoay trong khớp vai đồng thời.
  • Bất động 3-6 tuần nếu dưới 40 tuổi và 2-3 tuần nếu trên 40 tuổi.
  • Tập mạnh cơ sẽ tập trung chủ yếu vào các cơ phía sau vai như: cơ dưới gai, cơ tròn bé và cơ delta sau.

3. Trật khớp vai xuống dưới

Đây là loại hiếm gặp trong 3 loại trật khớp vai. Hiện nay, chưa có chương trình phục hồi chức năng cụ thể cho nhóm này. Tuy nhiên, quá trình phục hồi chức năng cũng sẽ tương tự như 2 nhóm trên và dựa theo quá trình lành thương. Nếu trật khớp vai xuống dưới có đi kèm tổn thương mạch máu và thần kinh thì quá trình tập luyện sẽ điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Phòng ngừa chứng trật khớp vai

Để phòng ngừa bị trật khớp vai, cần lưu ý những điều sau:4

  • Cẩn thận trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày, tránh té ngã và các lực tác động làm tổn thương vùng vai. Chẳng hạn như dùng thảm chống trượt hoặc thanh vịn trong nhà vệ sinh.
  • Mặc hoặc đeo dụng cụ bảo hộ khi chơi các môn thể thao và đảm bảo an toàn trong lao động
  • Chấp hành các quy định về an toàn giao thông
  • Tập thể dục đều đặn để cơ, xương, khớp dẻo dai, khỏe mạnh và linh hoạt giúp giảm nguy cơ chấn thương

Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đọc đã có thêm thông tin về chứng trật khớp vai. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh khá đa dạng. Người bị trật khớp vai cần được thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng để tránh bỏ sót tổn thương. Sau khi điều trị, bệnh nhân trật khớp vai cần phục hồi chức năng sớm và đúng cách để nhanh chóng lấy lại chức năng vùng vai cũng như là hạn chế các thương tật thứ cấp sau chấn thương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *