Trật khớp háng là loại trật khớp ít gặp chỉ chiếm 5% tổn số về trật khớp. Tuy nhiên, hậu quả mà nó để lại khá nặng nề. Tỉ lệ nam nữ bị trật khớp ghi nhận là 5/1. Nếu không điều trị đúng sẽ gây biến chứng nghiêm trọng về sau. Vì vậy, trang bị những kiến thức cơ bản rất quan trọng. Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị qua bài viết sau.
Trật khớp háng là gì?
Khớp háng bao gồm chỏm xương đùi và ổ cối của xương cánh chậu. Đây là khớp dạng chỏm cầu..là khi chỏm xương đùi bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng.
Các loại trật khớp háng:
- Trật ra sau.
- Trật ra trước.
- Trật trung tâm: chỏm xương đùi lún sâu vào đáy hõm.
Có thể bạn quan tâm:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Trật khớp háng bẩm sinh xảy ra khi trẻ nhỏ chào đời với tình trạng khớp háng không ổn định. Tỉ lệ mắc dị tật này vào khoảng 1/800 – 1/1000 trẻ sơ sinh. Dị tật này xảy ra ở nữ nhiều hơn ở nam. Trật khớp háng bẩm sinh rất dễ bị bỏ sót. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Vì vậy, trang bị những kiến thức cơ bản về trật khớp háng bẩm sinh là vô cùng quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ em qua bài viết: “Trật khớp háng bẩm sinh ở trẻ em có điều trị được không?“
Nguyên nhân của trật khớp háng
Khớp háng là khớp lớn nhất, nằm sâu trong cơ thể, rất vững chắc. Lực chấn thương phải rất mạnh mới gây trật khớp. Các nguyên nhân hay gặp đó là:
- Do tai nạn giao thông: đây là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Chấn thương thể thao: bóng đá, bóng rổ, trượt tuyết…
- Tai nạn sinh hoạt hàng ngày.
- Bẩm sinh.
Trong một số trường hợp, một chuyển động bất thường hay chỉ té ngã đơn giản cũng có thể gây nên. Ví dụ: người già, loãng xương, người đã thay khớp háng…
Triệu chứng của trật khớp háng
Các triệu chứng thường gặp:
- Đau: Đau dữ dội vùng khớp háng.
- Sưng, phù nề.
- Co thắt cơ.
- Biến dạng.
- Chân bên sẽ ngắn hơn bên đối diện.
- Nếp lằn mông, đùi ở chân trật khớp sẽ ít hơn và cao hơn chân lành.
- Tiếng “lục cục” khi cử động.
- Hạn chế vận động khớp háng.
- Dáng đi khập khiễng, khó khăn trong đi lại.
- Hạn chế gấp, duỗi, dạng, khép khớp háng.
Chẩn đoán trật khớp háng bằng cách nào
1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ thăm khám và một số nghiệm pháp lâm sàng. Mục đích:
- Xác định có hay không?
- Mức độ.
- Có biến chứng gì không?
2. Hình ảnh học
- X-quang: Đây là phương tiện rẻ tiền, đơn giản nhất.
- Chụp CT scan: xác định có trật khớp không, mức độ chấn thương.
Biến chứng do trật khớp háng
Nếu không được điều trị sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Những biến chứng thường gặp:
- Tổn thương dây thần kinh: Dây thần kinh chạy phía sau khớp háng. Có thể gây căng hoặc phá hủy dây thần kinh.
- Hoại tử chỏm xương đùi: Khiến mạch máu bị chèn ép hoặc bị đứt. Do đó, máu không lưu thông đến chỏm xương đùi được. Chỏm xương đùi sẽ bị hoại tử nếu không được cấp máu đầy đủ.
- Thoái hóa khớp háng.
- Trật khớp háng tái hồi: Các cấu trúc cố định khớp háng cũng bị tổn thương. Chúng có thể không lành tốt. Điều này dẫn đến khớp háng dễ bị trật hơn.
Điều trị trật khớp háng như thế nào?
1. Nắn kín
Cần nắn càng sớm càng tốt, trước 12 giờ. Cần đưa chỏm xương đùi về đúng vị trí trong khớp háng.
2. Phẫu thuật
Một số trường hợp cần phẫu thuật để đặt lại khớp. Đó là:
- Nắn không thành công.
- Tới khám muộn, quá 21 ngày, hình thành sẹo xơ, chắc.
- Có mảnh xương gãy kẹt vào khe khớp.
- Trật khớp háng kèm gãy cỏm xương đùi.
3. Thuốc
Bạn thường rất đau, sưng và bị co thắt cơ. Do vậy, thuốc giảm đau, kháng viêm hay giãn cơ là rất cần thiết. Hãy uống theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
4. Phục hồi chức năng – vật lí trị liệu
Mục đích:
- Bảo vệ mô mềm, phòng tránh tái phát.
- Giảm đau, giảm viêm.
- Phòng chống hình thành cục máu đông.
- Khôi phục tầm vận động khớp háng.
- Khôi phục dáng đi.
Tùy vào mức độ tổn thương, giai đoạn điều trị mà có kế hoạch điều trị khác nhau. Các phương pháp thường gặp như:
- Các bài tập vận động các khớp, tập thở: ngừa cứng khớp, ngừa cục máu đông.
- Các bài tập đạp xe đạp tại chỗ: lực cản tăng dần.
- Các bài tập mạnh cơ vùng háng.
- Bài tập ngồi xổm, đi bộ.
Điều quan trọng là bạn cần được hướng dẫn bởi các chuyên gia. Không tự ý luyện tập ở nhà.
Trật khớp háng tuy không thường gặp nhưng gây nhiều hậu quả nặng nề. Cần được điều trị càng sớm càng tốt. Khi có dấu hiệu bị trật khớp háng, bạn cần được các chuyên gia thăm khám và điều trị. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin cơ bản . Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.