Theo thời gian và tuổi tác, các đốt sống thoái hoá. Từ đó hình thành nên gai cột sống với đặc trưng là đau nhức vùng cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ. Vậy các thuốc trị gai cột sống có tác dụng ra sao, có ảnh hưởng như thế nào. Hãy cùng Bác sĩ Hồ Đức Việt tìm hiểu về tác dụng của các thuốc trị gai cột sống qua bài viết.
Nguyên tắc điều trị gai cột sống
Điều trị bệnh gai cột sống dựa trên 2 nguyên tắc sau:1
- Điều trị triệu chứng bệnh với các thuốc trị gai cột sống: thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ. Kết hợp với các thuốc chống thoái hoá có tác dụng chậm.
- Ưu tiên điều trị nội khoa và phục hồi chức năng. Phẫu thuật là phương pháp chọn lựa sau cùng. Khi gai cột sống có nhiều biến chứng hoặc đã điều trị nội khoa 2 – 3 tháng không đáp ứng.
- Cần phối hợp giữa thuốc trị gai cột sống và các phương pháp điều trị khác như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để tăng hiệu quả điều trị và giảm phụ thuộc thuốc.
Các thuốc chữa gai cột sống
Thuốc giảm đau theo bậc thang1
Bác sĩ kê toa thuốc giảm đau tăng dần tuỳ theo mức độ đáp ứng của người bệnh với thuốc. Ban đầu sử dụng thuốc ở liều thấp, nếu không đáp ứng sử dụng phối hợp hoặc thay thế thuốc để tăng hiệu quả hơn.
Sử dụng paracetamol 500 mg mỗi viên uống 4 đến 6 lần một ngày.Paracetamol có thể gây hại cho gan nếu sử dụng quá liều.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nếu không đáp ứng phối hợp thuốc paracetamol với codein hoặc tramadol để tăng hiệu quả giảm đau.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)1
Các loại thuốc chống viêm không steroid sau được sử dụng:
- Diclefenac.
- Meloxicam.
- Piroxicam.
- Celecoxib.
- Các thuốc bôi ngoài da: diclofenac gel, profenid gel,…
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có hiệu quả giảm viêm, giảm đau nhanh. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài có nguy cơ gây loét dạ dày, ảnh hưởng gan thận ở những người đã có tiền căn bệnh trước đó. Vì vậy cần lưu ý thận trọng khi dùng, nếu dùng thời gian dài nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Thuốc bôi ngoài da có ưu điểm giảm đau tại chỗ. Thuốc bôi ít gây tác dụng phụ hơn thuốc uống nếu sử dụng đúng liều khuyến cáo.
Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ giúp giảm căng cứng cơ xung quanh vùng lưng hoặc cổ do ảnh hưởng của gai cột sống. Nhờ đó bạn có thể linh hoạt hơn trong vận động.
Thuốc giãn cơ: eperison, tolperison,…
Thuốc chống thoái hoá tác dụng chậm
Thuốc chống thoái hoá được bổ sung với mục đích phục hồi phần xương khớp đã tổn thương. Làm chậm quá trình thoái hoá để ngăn sự hình thành của gai cột sống.
Các thuốc chống thoái hoá tác dụng chậm sau thường được sử dụng:
- Piascledine.
- Glucosamine sulfate.
- Chondroitin sulfate.
- Diacerein.
Tiêm corticoid tại chỗ
Tiêm corticoid tại chỗ là liệu pháp được thực hiện khi tình trạng đau kéo dài, đau nhiều và không giảm khi sử dụng thuốc.
Tiêm corticoid cho hiệu quả rất nhanh. Sau tiêm có thể bạn không giảm hoàn toàn cơn đau nhưng đủ để vận động trở lại như bình thường mà ít gặp phải sự cản trở.
Tuy nhiên corticoid có nhiều tác dụng phụ, không nên quá lạm dụng. Chỉ tiêm khi thực sự cần thiết và được cho phép bởi bác sĩ điều trị. Thời gian giữa 2 lần tiêm cách nhau tối thiểu 3 tháng. Một năm không quá 3 lần để tránh các tác dụng phụ của thuốc như huỷ xương, mòn xương.
Phòng ngừa bệnh gai cột sống tái phát
Bệnh gai cột sống dù đã được điều trị tốt bởi thuốc trị gai cột sống vẫn có thể tái phát nhiều lần. Vì thế điều quan trọng là bạn cần tránh các nguyên nhân tạo gai cột sống. Từ đó việc điều trị có kết quả tốt hơn và phòng ngừa bệnh gai cột sống tái phát.
Bạn cần lưu ý các hoạt động sau trong sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa bệnh:
- Hình thành thói quen tập thể dục thường xuyên và đều đặn. Chú trọng nhiều hơn vào các động tác cho vùng cổ và thắt lưng.
- Người bị gai cột sống vẫn có thể tập thể dục nhẹ nhàng và ngừng tập những động tác gây đau.
- Ngồi làm việc quá lâu trong nhiều giờ và tư thế ngồi chưa đúng là một phần nguyên nhân làm cho tình trạng cột sống thoái hoá nhanh hơn và diễn tiến đến gai cột sống. Vì vậy lưu ý nên xen kẽ hoạt động, tránh cố định tư thế quá lâu.
- Hạn chế khuân vác vật nặng ở những người đã bị gai cột sống. Nếu cần thiết khuân vật nặng phải thực hiện đúng tư thế ngồi xổm rồi nâng vật lên từ từ bằng hai sức nâng của hai gối. Tuyệt đối tránh tư thế đứng khom lưng để nâng một vật nặng lên khi khuân vác vì lúc này trọng lực của vật nặng dồn toàn bộ vào đốt sống khi cúi người.
- Trong quá trình chơi thể thao hay sinh hoạt thường ngày cần tránh va chạm vào vị trí đau của gai cột sống.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh gai cột sống
Chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ là rất quan trọng trong quá trình điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh gai cột sống.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gai cột sống cần bổ sung các loại thức ăn giàu canxi để giúp xương chắc khỏe.2
Các loại thực phẩm giàu canxi như thịt, cá, trứng, sữa,… Sữa là là thực phẩm rất giàu canxi, được khuyến cáo bổ sung ít nhất một ly sữa mỗi ngày ở những ai có tình trạng thoái hoá xương hoặc người lớn tuổi nhằm tạo xương khỏe mạnh.
Bên cạnh đó cũng cần bổ sung vitamin D, loại vitamin giúp hấp thu canxi vào xương.2
Những chất dinh dưỡng khác như vitamin E, axit béo omega-3, các loại rau xanh, trái cây giúp phục hồi tốt hơn tình trạng gai cột sống. Chất chống oxy hóa trong những rau xanh, trái cây còn giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hoá cột sống.2
Ngoài ra bạn cũng nên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung được những chất cần thiết cho cột sống và đĩa đệm khỏe mạnh, từ đó giảm sự diễn tiến đến quá trình thoái hoá và hình thành gai cột sống.
Cần sử dụng thuốc trị gai cột sống an toàn và hiệu quả bằng cách sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống vì chỉ giúp giảm đau nhất thời và có thể tăng nặng trong thời gian sau. Mong rằng những nội dung đã được Bác sĩ … chia sẻ trong bài viết sẽ có ích với bạn!