Thoái hóa khớp háng: Nguy cơ, biểu hiện và cách phòng ngừa

Các bộ phận trên cơ thể con người theo thời gian đều dần dần bị thoái hóa. Các khớp xương chính là những vị trí chịu ảnh hưởng của sự thoái hóa nhiều nhất. Trong đó, thoái hóa khớp háng là một phiền toái rất thường gặp ở người lớn tuổi. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về bệnh lý này nhé.

1. Khớp háng nằm ở đâu?

Bạn hãy sờ vào vùng bẹn của mình và thử xoay đùi. Vị trí bạn cảm thấy sự chuyển động bên dưới tay của mình đó chính là khớp háng. Các khớp luôn có cấu tạo bao gồm 2 đầu xương áp vào nhau và một miếng sụn ở giữa.

Chúng ta sử dụng khớp háng hàng ngày trong việc di chuyển. Đồng thời, khớp háng cũng phải chịu sức ép rất lớn mỗi ngày do trọng lượng cơ thể của chúng ta. Chính vì thế, thoái hóa khớp háng là một vấn đề rất thường gặp.
thoai-hoa-khop-hang

Khớp háng là nơi chỏm xương đùi áp vào xương chậu (như trên hình minh họa).

2. Nguyên nhân thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng có nguyên nhân chủ yếu là sự thoái hóa do tuổi già. Người càng lớn tuổi thì các khớp đã phải chịu quá nhiều tác động suốt bao năm tháng. Khi thoái hóa khớp, miếng sụn của khớp sẽ teo đi dần. Điều này dẫn đến việc 2 đầu xương sẽ cọ xát vào nhau, gây khó chịu cho người bệnh và làm nặng thêm tình trạng thoái hóa khớp.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Người trẻ cũng có thể bị thoái hóa khớp do một số nguyên nhân sau:

  • Viêm, nhiễm trùng ở khớp.
  • Trước đây đã từng bị bệnh về khớp như: thấp khớp, lao khớp…
  • Trước đây đã từng bị chấn thương khớp do tập luyện thể thao, tai nạn…
  • Bất thường bẩm sinh về cấu trúc giải phẫu ở chân hoặc ngay tại khớp háng
  • Do một bệnh khác gây ra, ví dụ như: bệnh gút, bệnh tiểu đường
  • Nếu trong gia đình có người bị viêm xương khớp thì cũng làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp háng.

béo phì cũng là nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp

Béo phì cũng là nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp.

3. Thoái hóa khớp háng có biểu hiện như thế nào?

Đau khớp chắc chắn là một dấu hiệu không thể thiếu trong thoái hóa khớp háng. Triệu chứng đau thường tăng khi đi lại, khi cử động khớp háng. Cảm giác đau thường tăng dần từ từ. Đau thường nặng hơn vào buổi sáng, hoặc khi phải ngồi lâu. Một số dấu hiệu khác bao gồm:

  • Đau háng hoặc đau vùng đùi, cảm giác đau có thể lan lên mông hoặc xuống đầu gối.
  • Đau tăng lên nhiều với những hoạt động thể lực mạnh.
  • Khớp bị đơ cứng khiến cho người bệnh khó đi lại hoặc xoay người.
  • Cảm giác được tiếng kêu lắc rắc của các khớp xương.
  • Cử động của khớp bị hạn chế, khiến cho bạn  không thể co duỗi đùi tối đa được.
  • Đôi khi các cơn đau tăng nhiều vào mùa mưa.

>>> Xem thêm: Những điều cần biết về bệnh viêm khớp phản ứng

4. Chẩn đoán thoái hóa khớp háng

Nếu bạn nghi ngờ mình bị thoái hóa khớp, nên đến các cơ sở phòng khám, bệnh viện để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Khi đến khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn các câu hỏi xoay quanh vấn đề làm bạn khó chịu. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám khớp và đưa ra các xét nghiệm phù hợp.

Xét nghiệm phổ biến nhất của các bệnh lý về khớp đó chính là chụp Xquang xương khớp. Qua hình ảnh chụp phim, bác sĩ sẽ nhìn thấy các dấu hiệu của thoái hóa khớp, ví dụ như khớp bị hẹp lại, các đầu xương bị dày lên… Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định chụp thêm phim MRI hoặc CT-scan để đánh giá tình trạng xương và mô mềm xung quanh vùng khớp của bạn. Các xét nghiệm này thì chi phí sẽ đắt hơn nhưng bù lại có độ chính xác rất cao, giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các bất thường vùng khớp.

5. Phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng

Đối với thoái hóa khớp xương nói chung và thoái hóa khớp háng nói riêng thì hiện tại chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị sẽ chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề. Đó là giảm đau và tăng cường khả năng vận động. Các phương pháp điều trị được chia thành 2 nhóm: điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.

>>> Xem thêm cách Giảm đau trong các bệnh cơ xương khớp

5.1 Điều trị không phẫu thuật

Thay đổi lối sống. Cũng như các loại khớp khác thì ban đầu sẽ không có can thiệp phẫu thuật. Bằng cách thay đổi lối sống, khớp háng sẽ được bảo vệ hơn và làm chậm đi quá trình thoái hóa khớp.

  • Giảm thiểu các hoạt động làm nặng thêm tình trạng bệnh, ví dụ như leo cầu thang
  • Chuyển từ các hoạt động va chạm nhiều (như đi bộ, đánh tennis) sang các hoạt động nhẹ nhàng hơn (như bơi lội, đạp xe). Điều này làm giảm đi sức ép lên khớp háng.
  • Giảm cân cũng góp phần giảm sức ép lên khớp háng. Giảm cân giúp giảm đau và cải thiện chức năng của khớp.

Vật lý trị liệu: Những bài tập đặc biệt có thể tăng khả năng vận động và độ dẻo dai, cũng như tăng cường sức mạnh của cơ ở chân và háng.
Tập vật lý trị liệu giúp cải thiện tình trạng thoái hóa khớp.

Tập vật lý trị liệu giúp cải thiện tình trạng thoái hóa khớp.

Thuốc: Nếu các cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, hoặc đau không giảm sau khi sử dụng các biện pháp trên thì thầy thuốc có thể kê cho bạn một số thuốc giúp giảm đau và hạn chế quá trình viêm.

5.2 Điều trị phẫu thuật

Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bạn có thể phải tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật hiện nay phổ biến nhất đó là mổ thay thế khớp háng bằng vật liệu nhân tạo.

>>> Xem danh sách: Top 7 bệnh viện và phòng khám cơ xương khớp chất lượng tốt và uy tín tại TP.HCM.

Cần phát hiện sớm và có phương pháp điều trị tốt để ngăn chặn diễn biến xấu của bệnh thoái hóa khớp háng. Hi vọng qua bài viết trên, các bạn có thể nhận biết được các dấu hiệu của thoái hóa khớp háng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như những người thân trong gia đình.

Bác sĩ Trần Thanh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *