Rối loạn vận động: những dạng phổ biến bạn nên biết!

Thuật ngữ “rối loạn vận động” dùng để chỉ một nhóm các bất thường hệ thần kinh gây ra tăng hoặc giảm động một cách bất thường. Rối loạn có thể ảnh hưởng vận động tự chủ hoặc vận động không tự chủ. Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây của YouMed về những dạng rối loạn vận động phổ biến nhé!

Thất điều 

Thất điều là tình trạng giảm khả năng kiểm soát cơ hoặc phối hợp vận động tự chủ. Chẳng hạn như giảm khả năng đi bộ hoặc nhặt một đồ vật.

Thất điều thường do một bệnh nào đó gây ra. Chứng này vừa ảnh hưởng đến những cử động khác nhau; vừa gây khó nói, bất thường vận nhãn và khó nuốt.

Giảm khả năng kiểm soát, phối hợp cơ trong thất điều gây khó khăn khi đi lại

Thất điều dai dẳng thường do tổn thương tiểu não (phần não kiểm soát phối hợp cơ). Ngoài ra, có nhiều bệnh lý khác cũng có thể gây thất điều.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Tình trạng này có thể do lạm dụng rượu, một số loại thuốc, đột quỵ, khối u, bại não, thoái hoá não và đa xơ cứng. Các khiếm khuyết về mặt di truyền cũng có thể là nguyên nhân.

Việc điều trị thất điều tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân. Những dụng cụ hỗ trợ như khung tập đi hoặc gậy chống có thể giúp người bệnh tự thực hiện những sinh hoạt hằng ngày. Vật lý trị liệu, liệu pháp vận động, liệu pháp ngôn ngữ và tập thể dục cũng mang lại nhiều lợi ích.

Bệnh Huntington

Bệnh Huntington là một bệnh di truyền hiếm gặp, gây thoái hoá các tế bào thần kinh trong não. Tình trạng thoái hoá gây ảnh hưởng nhiều chức năng khác nhau và dẫn đến rối loạn vận động, nhận thức và rối loạn tâm thần:

  • Rối loạn vận động: múa giật, loạn trương lực cơ; bất thường vận nhãn, khó nói hay khó nuốt.
  • Rối loạn nhận thức: khó khăn khi sắp xếp công việc, khó tập trung; dễ hành động thiếu suy nghĩ, khó khăn khi học những thứ mới.
  • Rối loạn tâm thần: cáu kỉnh, buồn bã hoặc thờ ơ; xa lánh xã hội, mệt mỏi và mất ngủ; thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc cố tự tử.

Các triệu chứng do bệnh Huntington gây ra có thể xuất hiện bất cứ độ tuổi nào, nhưng thường khởi phát trong những năm 30 hay 40 tuổi nhất. Nếu người bị bệnh trước 20 tuổi, bệnh có tên gọi là Huntington vị thành niên. Khi đó, các triệu chứng có thể khác với Huntington dạng điển hình và thường tiến triển nhanh hơn.

Bệnh Huntington gây các triệu chứng rối loạn vận động, nhận thức và tâm thần

Sử dụng thuốc giúp kiểm soát triệu chứng nhưng không thể ngăn chặn quá trình suy giảm về thể chất, tâm thần và hành vi do bệnh gây ra. Có thể sử dụng những thuốc kiểm soát vận động hoặc thuốc chống loạn thần trong điều trị.

Run vô căn

Run vô căn là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi run không kiểm soát và có nhịp độ đều. Nhìn chung, run có thể xuất hiện ở hầu hết các bộ phận cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở tay. Đặc biệt, run thường xuất hiện khi người bệnh làm những công việc đơn giản như cầm ly nước hoặc buộc dây giày.

Run vô căn thường ở tay, xuất hiện khi thực hiện động tác nào đó

Đối với đa số trường hợp, run vô căn thường không gây nguy hiểm. Nhưng theo thời gian, nó có thể ngày càng tệ và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khi bị nặng, run có thể khiến người bệnh không thể ăn một cách bình thường; khó khăn khi nói do ảnh hưởng lưỡi hoặc thanh quản; khó khăn khi viết hay thường xuyên bị đổ khi cầm ly nước. Đôi khi run vô căn bị nhầm với bệnh Parkinson

Nếu run vô căn chỉ nhẹ thì có thể không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, bác sĩ có thể dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật để điều trị run vô căn.

Hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên (RLS – Restless leg syndrome) là một rối loạn thần kinh và còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom.

RLS gây cảm giác khó chịu ở chân và cảm giác thôi thúc phải di chuyển chân. Với hầu hết bệnh nhân, cảm giác thôi thúc này càng dữ dội hơn khi đang thư giãn hoặc đang chuẩn bị ngủ.

Những người mắc hội chứng chân không yên thường bị mất ngủ dẫn tới buồn ngủ và mệt mỏi suốt ngày. RLS và thiếu ngủ có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc những bệnh lý khác nếu không được điều trị, bao gồm trầm cảm.

Ở Mỹ, RLS ảnh hưởng khoảng 10% dân số. Hội chứng này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường nặng nề và nghiêm trọng nếu xảy ra ở độ tuổi trung niên trở lên. Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ mắc RLS cao gấp đôi nam giới.

Ít nhất 80% những người bị RLS cũng bị một bệnh có liên quan là cử động chân theo chu kỳ khi ngủ (PLMS). Khi bị PLMS, người bệnh thường co và duỗi chân vô tình khi ngủ và không ý thức được hành động của bản thân khi đó. Tình trạng này xảy ra mỗi 15-40 giây và kéo dài hết đêm, đôi khi gây ra tình trạng thiếu ngủ.

Hội chứng chân không yên có thể gây mất ngủ, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống

Hội chứng chân không yên kéo dài suốt đời và không có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, sử dụng thuốc như thuốc tăng dopamine, nhóm opioid hay thuốc ngủ có thể giúp kiểm soát triệu chứng

Bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một rối loạn thần kinh tiến triển theo thời gian với khởi phát là những bất thường vận động.

Các chuyển động có thể nhịp nhàng và phối hợp với nhau được nhờ một chất trong não gọi là dopamin. “Chất nền” là nơi sản xuất dopamin trong não. Trong bệnh Parkinson, các tế bào của chất nền bắt đầu chết dần. Do hiện tượng này, nồng độ dopamin ngày càng giảm. Khi nồng độ dopamin chỉ còn khoảng 60-80% bình thường, các triệu chứng của bệnh Parkinson bắt đầu xuất hiện.

Bệnh Parkinson có nguyên nhân từ sự thiếu hụt chất dopamin trong não

Bệnh Parkinson có thể gây ra:

  • Run (xảy ra khi nghỉ, khác với run trong run vô căn);
  • Chuyển động chậm, cứng cơ ở tay, chân và thân mình;
  • Dễ té ngã khi đi và giảm khả năng giữ thăng bằng.
  • Giảm trí nhớ và chú ý, rối loạn giấc ngủ;
  • Tăng nguy cơ ung thư tế bào hắc tố, viêm da tiết bã;
  • Ảo giác, rối loạn tâm thần, lo âu, trầm cảm và rối loạn định hướng không gian, thời gian.

Điều trị bệnh Parkinson kết hợp giữa thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và có thể phẫu thuật. Sử dụng những thuốc có tác dụng tăng nồng độ dopamin trong não.

Điều này góp phần kiểm soát triệu chứng và các vấn đề tâm thần. Nghỉ ngơi đầy đủ, tập luyện thể thao cũng như chế độ ăn phù hợp cũng quan trọng không kém để kiểm soát bệnh.

Loạn trương lực cơ

Loạn trương lực cơ là một rối loạn vận động đặc trưng bởi tình trạng các cơ co lại không kiểm soát. Gây ra các cử động lặp đi lặp lại hoặc tư thế vặn mình.

Bệnh ảnh hưởng một phần cơ thể (loạn trương lực khu trú), từ hai bộ phận liền kề trở lên (loạn trương lực cơ phân đoạn). Hoặc ảnh hưởng tất cả bộ phận trên cơ thể (loạn trương lực cơ toàn thể).

Những dấu hiện sớm của loạn trương lực cơ thường biểu hiện ở một bộ phận hay một vùng cơ thể. Có thể gặp những triệu chứng nh:

  • chuột rút ở chân
  • giật không tự chủ ở cổ
  • nháy mắt không kiểm soát
  • khó nói

Tình trạng co thắt cơ có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, gây đau đớn. Tệ hơn là có thể cản trở sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.

Hiện chưa có phương pháp có thể điều trị khỏi hoàn toàn loạn trương lực cơ. Tuy nhiên, sử dụng thuốc có thể cải thiện triệu chứng và làm chậm diễn tiến bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ một số dây thần kinh hoặc những vùng não nhất định ở những trường hợp nặng.

Những dạng rối loạn vận động khác

  • Hội chứng Tourette: đây là một bất thường thần kinh xuất hiện từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên. Hội chứng này gây ra các chuyển động lặp đi lặp lại (Tic vận động). Và co giật dây thanh tạo ra những âm thanh không mong muốn (Tic âm thanh)
  • Bệnh Wilson: là một rối loạn di truyền hiếm gặp khiến một lượng kim loại đồng tích tụ quá mức trong cơ thể, gây ra các vấn đề thần kinh.
  • Loạn động chậm: là một bất thường về cơ do sử dụng lâu dài một số loại thuốc dùng để điều trị các bệnh tâm thần. Loạn động chậm gây ra các cử động lặp đi lặp lại và không thể kiểm soát như nhăn mặt, chớp mắt hay các cử động khác.

Rối loạn vận động có nhiều dạng khác nhau, gây ra rất nhiều biểu hiện và triệu chứng tuỳ vào nguyên nhân là gì. Những bệnh này đôi khi rất nhẹ và ít ảnh hưởng, nhưng cũng đôi khi rất nghiêm trọng. Điều này tác động nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như giảm khả năng sinh hoạt. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *