Gai cột sống dần trở thành gánh nặng của người bệnh do sự cản trở trong sinh hoạt và lao động. Nếu không sớm điều trị, bệnh có nguy cơ tổn thương các dây thần kinh khi các nguyên nhân gây bệnh vẫn còn tiếp diễn. Hiểu được quá trình chữa gai cột sống giống người bệnh hợp tác hơn trong điều trị. Vậy hãy cùng tìm hiểu về các phương pháp chữa gai cột sống qua bài viết dưới đây của ThS.BS Vũ Thành Đô.
Chữa gai cột sống dễ hay khó
Đa phần các bệnh nhân gai cột sống ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Ở mức độ này có thể kiểm soát cơn đau hiệu quả bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Quan trọng là người bệnh cần tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.
Chữa gai cột sống đơn thuần bằng thuốc không mang lại hiệu quả cao, chỉ là điều trị các triệu chứng tạm thời. Người bệnh cần kết hợp các thêm các phương pháp khác như thể dục hợp lý, vật lý trị liệu, châm cứu,…
Hơn hết người bệnh cần thay đổi tính chất lối sống và môi trường có ảnh hưởng đến cột sống.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Những yếu tố sau cần được thay đổi khi chữa gai cột sống:
- Bốc vác hay đội các vật nặng.
- Ngồi sai tư thế.
- Thời gian ngồi nhiều, ít vận động.
- Béo phì.
- Sai tư thế trong lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Cách trị bệnh gai cột sống không phẫu thuật
Mục đích của phương pháp điều trị gai cột sống không phẫu thuật là giảm tình trạng viêm đau. Các phương pháp chữa gai cột sống không phẫu thuật gồm:
1. Thuốc
Thuốc giảm đau, giãn cơ được kê toa để làm giảm các cơn đau ở bệnh nhân. Thuốc chỉ giúp làm giảm triệu chứng và không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Sử dụng các thuốc giảm đau kéo dài trong nhiều tháng có nguy cơ gây viêm loét dạ dày. Những bệnh nhân sẵn tiền căn bệnh lý dạ dày trước đó dễ dẫn đến viêm loét hơn.
Ngoài sử dụng thuốc nên kết hợp với các phương pháp điều trị khác để đem lại hiệu quả tích cực hơn, tránh phụ thuộc thuốc.
2. Tiêm nội khớp
Ở những bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng hoặc đáp ứng ít với các loại thuốc giảm đau có thể chuyển sang tiêm nội khớp.
Tiêm corticoid có hiệu quả giảm đau nhanh. Thuốc được tiêm trực tiếp vào vùng đau đã được xác định có sự xuất hiện của gai cột sống. Tiêm corticoid có thể không làm hết đau hoàn toàn. Tuy nhiên tiêm thuốc giúp giảm đau nhanh và nhiều hơn so với các loại thuốc giảm đau uống.
Bên cạnh đó, mức độ giảm đau khi nội khớp đủ để người bệnh thực hiện dễ dàng các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày mà không bị cản trở bởi cơn đau.
Corticoid có nhiều tác dụng phụ khi sử dụng quá liều. Vì vậy rất hạn chế sử dụng trừ khi người bệnh không đáp ứng vào các thuốc giảm đau. Lạm dụng thuốc gây các biến chứng hoại tử xương, nhiễm trùng vùng tiêm, suy giảm miễn dịch,…
Tiêm nội khớp được khuyến cáo không tiêm quá 3 mũi vào cùng 1 vị trí trong vòng một năm. Mục đích để tránh các nguy cơ về tác dụng phụ của thuốc corticoid.
3. Giảm cân
Cột sống là bộ khung nâng đỡ toàn bộ nửa thân trên của cơ thể. Sức nặng và trọng lượng của cơ thể dồn vào cột sống, nhất là ở tư thế đứng hay ngồi. Như vậy giảm trọng lượng cơ thể ở những cơ địa thừa cân béo phì cũng là cách giảm bớt áp lực lên cột sống.
Việc giảm cân giúp giảm trọng lực cơ thể vào cột sống, từ đó giảm đau và nhanh phục hồi vùng xương khớp cột sống bị tổn thương.
Giảm cân đặt biệt có ý nghĩa trong chữa gai cột sống thắt lưng vì đây là đoạn cột sống chịu nhiều lực của cơ thể nhất.
Người bệnh gai cột sống cần giảm cân hợp lý sao cho vẫn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Cần bổ sung đủ các khoáng chất thiết yếu như Canxi, vitamin D, bởi đây là những chất có giá trị cốt lõi tạo xương. Bên cạnh đó không nên chọn môn thể thao nặng để giảm cân nhanh vì nguy cơ tổn thương vào cột sống nhiều hơn.
4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu trong chữa gai cột sống là phương pháp mang đến nhiều hiệu quả. Vừa giúp giảm triệu chứng, vừa giúp giảm sự lệ thuộc vào các thuốc giảm đau.
Vật lý trị liệu kết hợp với các bài tập thể dục giúp cải thiện tư thế của cột sống. Từ đó giảm chèn ép của vùng gai cột sống và thần kinh, mang lại sự linh hoạt trong các hoạt động cho người bệnh.
5. Tập thể dục
Các phương pháp điều trị ngoài thuốc như vật lý trị liệu, tập thể dục giúp người bệnh gai cột sống phục hồi được chức năng tầm vận động của một số vùng trước đó bị hạn chế do những cơn đau.
Người bệnh gai cột sống, nên ưu tiên chọn các môn thể dục nhẹ nhàng, thư giãn vùng cơ như bơi lội, yoga, dưỡng sinh. Các môn thể thao này giúp giảm sức nặng của cơ thể. Hơn nữa giúp thư giãn vùng cơ bị hạn chế hoạt động gần khu vực đau của gai cột sống.
Không nên tham gia các môn thể thao có cường độ hoạt động mạnh. Vì không những không giúp giảm các cơn đau mà còn có nguy cơ tổn thương thêm.
Cách điều trị gai cột sống bằng phẫu thuật
Chữa gai cột sống bằng phương pháp phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi người bệnh đã áp dụng hết các phương pháp trị liệu phối hợp trên nhưng không hiệu quả.
Phẫu thuật gai cột sống còn được đặt ra khi có các biến chứng nghiêm trọng như tê bì tay chân, yếu cơ, rối loạn tiểu tiện. Phẫu thuật sớm ở những trường hợp này giúp hạn chế di chứng về sau cho người bệnh.
Các chỉ định phẫu thuật:
- Đau nghiêm trọng kéo dài.
- Mất hoặc giảm chức năng vận động, cảm giác ở một số vùng trên cơ thể.
- Rối loạn tiểu tiện, đại tiện hay mất cảm giác do có sự chèn ép vào tuỷ xương, hẹp ống sống hoặc chèn ép rễ thần kinh ở cột sống.
Sau khi đã phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục hạn chế các yếu tố có thể gây tổn thương cột sống, thay đổi các tư thế đúng trong sinh hoạt để tránh tái phát.
Lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào tình trạng gai cột sống ở mỗi bệnh nhân. Do vậy nếu bị gai cột sống, hãy đến ngay các bệnh viện để được hỗ trợ điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.