Thoát vị hoành là bệnh lý thường gặp của cơ hoành. Bệnh liên quan tới cấu trúc, bất thường vị trí cơ quan khác. Bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về cơ hoành và bệnh lý thoát vị hoành. Từ đó có thể có thái độ xử trí phù hợp khi nghi ngờ mắc bệnh.
Thoát vị hoành là gì?
Thoát vị hoành là tình trạng nhô lên của các cơ quan trong ổ bụng vào trong lồng ngực. Sự di chuyển bất thường này do cấu trúc không liên tục của cơ hoành tạo khoảng trống. Khoảng trống cơ hoành này được gọi là lỗ thoát vị. Tùy vị trí lỗ thoát vị mà tạng chui qua sẽ khác nhau. Cơ quan bị thoát vị thường gặp nhất là dạ dày, nhưng cũng có thể gặp ở ruột.
Bệnh thường chiếm tỉ lệ 1/12500 trẻ mới sinh ra, tỉ lệ tử vong là khoảng 30 – 50%.
Cấu trúc giải phẫu của cơ hoành như thế nào?
1. Cấu trúc cơ hoành
Cơ hoành (Diaphragm) là một cơ vân dẹt, rộng, hình vòm, che kín chu vi dưới lồng ngực. Vị trí này làm thành một vách gân – cơ ngăn giữa lồng ngực và ổ bụng. Cơ hoành có vai trò quan trọng trong sinh lý hô hấp. Khi cơ hoành co thì vòm hoành hạ xuống, lồng ngực giãn, áp lực trong lồng ngực giảm. Áp suất trong lồng ngực nhỏ hơn áp suất khí quyển giúp không khí được hít vào.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Cơ gồm hai phần: xung quanh là cơ, ở giữa là gân. Phần cơ được xem là nguyên ủy (nơi bắt đầu) và gân được xem là nơi bám cơ hoành. Nguyên ủy ở phía ngoài bám vào xương ức, xương sườn và cột sống. Từ nguyên ủy, các thớ cơ chạy hướng lên trên rồi vòng ngang thành vòm. Sau đó chúng hội tụ về một tấm gân ở giữa gọi là gân trung tâm. Gân trung tâm được xem như là nơi bám tận của cơ hoành.
2. Các lỗ cơ hoành
Cơ hoành có nhiều lỗ để cho thực quản và các mạch máu thần kinh đi qua.
- Lỗ tĩnh mạch chủ: nằm ở trung tâm gân, không co giãn được. Tĩnh mạch chủ dính chặt vào chu vi của lỗ. Đôi khi, thần kinh hoành phải cũng qua lỗ này.
- Lỗ động mạch chủ: nằm ngay trước cột sống, không co dãn. Tương tự như lỗ tĩnh mạch chủ, khi cơ hoành co lỗ không bị hẹp và không đè vào mạch máu. Đi qua lỗ có động mạch chủ xuống và ống ngực nằm ở sau động mạch.
- Lỗ thực quản: ở phần cơ, nằm phía trước lỗ ĐM chủ, hơi lệch sang bên trái cột sống và ngang mức đốt sống ngực X.
- Các khe thực quản: cơ hoành có 3 khe do các trụ cơ tách ra tạo thành cho các cấu trúc thần kinh và mạch máu đi qua.
Sự hoàn chỉnh vách ngăn cơ hoành xảy ra vào tuần thứ 8 – 10 của thời kì bào thai. Nếu quá trình hình thành cơ hoành không được hoàn thiện sẽ tạo thành hoặc nới rộng khe hở. Các khe cho lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn và các tạng trong ổ bụng. Từ đó các tạng này có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành gây ra bệnh thoát vị hoành. Ngoài ra, ở người lớn tuổi, các lỗ thoát vị còn do suy yếu gân cơ hoành do tuổi tác.
Nguyên nhân gây thoát vị hoành là gì?
Thoát vị hoành thường không có nguyên nhân rõ ràng. Chủ yếu là các nguyên nhân làm tồn tại hay suy yếu các cấu trúc lỗ của cơ hoành. Các nguyên nhân có thể là:
- Dị tật cơ hoành bẩm sinh. Cơ hoành sinh ra không liên tục hoặc gân cơ bị yếu, thường xảy ra ở trẻ nhỏ.
- Thoái hóa cơ hoành do tuổi già.
- Áp lực mạnh và lâu dài vào do hoạt động cơ thể. Chẳng hạn như khi ho, nôn mửa, táo bón, hoặc trong khi nâng vật nặng. Những hoạt động này tăng cao áp lực trong ổ bụng làm cơ hoành phải co với cường độ mạnh hơn khi hoạt động,
- Tổn thương trực tiếp cơ hoành. Chấn thương để lại tổn thương trên cơ hoành, nếu không lành hoàn toàn sẽ tạo nên lỗ thoát vị.
Yếu tố nguy cơ thoát vị hoành là gì?
Ngoại trừ những trẻ thoát vị hoành bấm sinh, ai cũng có nguy cơ thoát vị hoành. Nguy cơ tăng dần theo tuổi, hoạt động gắng sức, cân nặng, hoạt động hô hấp. Một số đối tượng có nguy cơ như:
- Người cao tuổi (> 50 tuổi).
- Người thừa cân. Cân nặng làm hoạt động hô hấp cũng như chuyển hóa cần nhiều năng lượng hơn.
- Mắc các bệnh lý hô hấp mãn tính. Ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các bệnh này làm tốn công hô hấp hơn, về lâu dài dễ làm yếu cơ hoành.
- Người làm công việc nặng nhọc, mang vác nặng.
- Người bị táo bón lâu ngày, rặn nhiều.
- Ngoài ra, phụ nữ cũng có nguy cơ thoát vị hoành cao hơn nam giới.
Triệu chứng thoát vị hoành như thế nào?
1. Trẻ sơ sinh
- Dấu hiệu suy hô hấp: thở nhanh, tím tái.
- Phổi: phế âm giảm một bên, tiếng ruột trong lồng ngực.
- Tim: mỏm tim lệch phải.
- Bụng: lõm.
Nếu không được điều trị kịp thời, tỉ lệ tử vong ở trẻ là rất cao. Điều này cần sự nhạy bén và chính xác trong chẩn đoán để can thiệp kịp thời.
2. Người lớn
- Những dấu hiệu ban đầu có thể liên quan đến trào ngược dạ dày. Triệu chứng bao gồm: ợ nóng, ợ chua, khó nuốt, đầy hơi, ợ hơi, hoặc đau, khó chịu ở dạ dày hay thực quản.
- Đau ngực. Thoát vị hoành có thể bị đau ngực và dễ dàng bị nhầm lẫn với một cơn đau tim.
- Đôi lúc bệnh nhân có kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn, bí đại tiện hoặc trung tiện. Dấu hiệu này cho thấy đường tiêu hóa bị tắc nghẽn, thì có thể đó là một thoát vị nghẹt.
Chẩn đoán thoát vị hoành như thế nào?
Chẩn đoán thoát vị hoành cần phối hợp hỏi bệnh, khám lâm sàng và cận lâm sàng. Tuỳ theo tuổi, dấu hiệu bệnh mà bác sĩ sẽ có các xét nghiệm phù hợp. Các cận lâm sàng thường dùng để chẩn đoán là:
- Siêu âm bụng. Đây là phương pháp đơn giản và hữu ích trong thực hành lâm sàng. Siêu âm ngực bụng thấy hình ảnh của các tạng ổ bụng nằm trong lồng ngực. Siêu âm thường được áp dụng hiệu quả ở giai đoạn bào thai và trẻ nhỏ để đánh giá thoát vị hoành bẩm sinh.
- X – quang. Giúp quan sát toàn bộ các cơ quan trong ổ bụng.
- Chụp X – quang dạ dày cản quang.
- X – quang phổi: có bóng hơi dạ dày hay ruột trong lồng ngực, trung thất bị đẩy về bên đối diện.
- Chụp cắt lớp vi tính và chụp cắt lớp có tiêm kết hợp uống thuốc cản quang hiện nay được áp dụng khá phổ biến trong chẩn đoán thoát vị hoành. Đặc biệt thoát vị hoành ở người lớn. Qua hình ảnh thu được từ các lát cắt sẽ cho đánh giá chi tiết về thoát vị. Điều này không những giúp chẩn đoán còn góp phần định hướng phương pháp xử trí và điều trị.
Điều trị thoát vị hoành như thế nào?
Các phương pháp điều trị chủ yếu với mục tiêu cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
1. Điều trị nội khoa
- Nằm gối đầu cao 10 – 15 cm tránh trào ngược dạ dày thực quản.
- Giảm cân.
- Ăn chậm, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Tránh ăn các thực phẩm chua, cay, nóng…
- Điều trị thuốc dạ dày như: antacid, ức chế bơm proton, ức chế histamin… để giảm sản xuất a xít dạ dày.
- Tránh mang vác các vật nặng, uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh đề phòng táo bón.
2. Điều trị ngoại khoa
Khi nào thoát vị hành được chỉ định phẫu thuật?
Các triệu chứng không giảm bớt hoặc xảy ra biến chứng thì mới có chỉ định phẫu thuật thoát vị hoành. Các biến chứng có thể bao gồm: loét dạ dày – thực quản, sẹo thực quản, xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột hoại tử… Đặc biệt thoát vị lỗ nhỏ gây nghẹt hoặc có khả năng gây nghẹt cũng nên được phẫu thuật sớm.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể qua đường nội soi hay mổ hở. Nội soi mổ thoát vị hoành thường được chỉ định nếu không có yếu tố nguy cơ. Các bước chính trong mổ thoát vị hoành như sau:
- Tái cấu trúc vị trí các tạng. Đưa các phần của tạng thoát vị vào lồng ngực trở về lại ổ bụng. Các cơ quan thoát vị như dạ dày, ruột… là tạng rỗng nên có khả năng di chuyển cao. Tuy nhiên, nếu lỗ thoát vị hẹp hay có sự dây dính của các tạng vào cơ quan lân cận, cần bóc tách. Quá trình này cần cẩn thận, tránh làm sang chấn, thủng vỡ thêm cơ hoành và các cơ quan xung quanh.
- Sửa chữa cơ hoành. Nếu lỗ thoát vị nhỏ thì tiến hành khép miệng và khâu đóng lỗ thoát vị vĩnh viễn. Nếu lỗ thoát vị lớn, xem xét việc cần sử dụng mảnh ghép, che chắn lại lỗ thoát vị.
- Thám sát ổ bụng và kết thúc. Kiểm tra lại các cơ quan trong ổ bụng và cơ hoành tránh thoát vị tái phát.
Thoát vị hoành là một bệnh lý nguy hiểm nhưng không phải hiếm gặp. Triệu chứng bệnh có thể nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt bệnh có tỉ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, hiện nay phác đồ điều trị thoát vị hoành thường có kết quả tốt nếu như chưa xảy ra biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt phẫu thuật thoát vị hoành có khả năng thành công tốt và ít khi tái phát. Điều tiên quyết là phải nhận diện sớm thoát vị hoành để được điều trị kịp thời.