Viêm khớp phản ứng thường gặp ở người trẻ từ 20-40 tuổi. Đây là độ tuổi hoạt động nhiều, nên bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sinh hoạt và làm việc. YouMed chia sẻ một số hiểu biết về bệnh viêm khớp phản ứng. Hy vọng những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phát hiện và phòng bệnh.
1. Bệnh viêm khớp phản ứng là gì?
Là tình trạng sưng đau khớp phát triển sau một nhiễm trùng từ bộ phận khác của cơ thể. Thường bắt nguồn từ nhiễm trùng ở hệ tiêu hóa, bộ phận sinh dục hoặc đường tiết niệu. Trình trạng viêm có thể ở một đến nhiều khớp. Viêm khớp thường xảy ra ở các khớp lớn chi dưới, khớp cùng chậu, viêm các điểm bám gân…
Đây là quá trình đáp ứng quá mẫn của hệ miễn dịch với tình trạng nhiễm trùng của cơ thể. Triệu chứng viêm khớp xảy ra sau nhiễm trùng một vài tuần, một vài tháng, hoặc một vài năm. Đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Đa số bệnh thường xuất hiện ở nam giới và những người trong độ tuổi từ 20 đến 40. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng vài tháng.
2. Nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng
Nguyên nhân của bệnh được xác định là do một số loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục hoặc được tiêu hóa.Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy một phần là do di truyền: Khoảng 75% những người mắc bệnh có xét nghiệm máu dương tính với dấu hiệu di truyền HLA-B27.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Một vài loại vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra viêm khớp phản ứng. Có khoảng 20% các trường hợp không tìm nguyên nhân.
2.1. Vi khuẩn
- Đường tiêu hóa: thường do Salmonelle, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia…
- Đường tiết niệu – sinh dục: thường do Chlamydia Trachomatis.
Một vài trường hợp thấy ở bệnh nhân bị lao hệ thống. Virus cũng được cho là nguyên nhân gây bệnh như: Rubella, virus viêm gan, Parvovirus, HIV… Viêm khớp không truyền nhiễm. Vi khuẩn gây ra nó có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc trong thực phẩm bị ô nhiễm. Chỉ một số ít người tiếp xúc với các vi khuẩn này mắc bệnh.
2.2. Yếu tố nguy cơ
-
Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở đối tượng 20-40 tuổi, đa số ở nam giới. Bệnh ở trẻ em và người cao tuổi thường hiếm gặp.
-
Tình dục: nam – nữ có thể bị viêm khớp phản ứng như nhau trong trường hợp nhiễm trùng từ đường tiêu hóa. Khi vi khuẩn lây lan qua đường tình dục, nam giới thường viêm khớp hơn nữ giới.
-
Yếu tố di truyền: Dấu hiệu di truyền HLA-B27 có liên quan đến viêm khớp. Có đến 30% – 60% bệnh nhân có kháng nguyên HLA- B27. Triệu chứng bệnh thường nặng hơn, có xu hướng chuyển thành mạn tính cao hơn khi có HLA –B27 (+). Mặc khác, nhiều người có dấu hiệu này không bao giờ mắc bệnh
3. Triệu chứng viêm khớp phản ứng
Triệu chứng của viêm khớp thường bắt đầu từ 1-4 tuần sau nhiễm trùng tiên phát. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là bệnh nhân có tiền sử viêm nhiễm đường tiết niệu – sinh dục hoặc đường tiêu hóa trước khi có biểu hiện viêm khớp. Có khoảng 10% các trường hợp viêm nhiễm thường nhẹ, ít chú ý đến, nhất là ở nữ.
3.1. Triệu chứng toàn thân
Mệt mỏi, sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn, gầy sút
3.2. Triệu chứng tại chỗ
-
Đau và cứng khớp: Đau khớp liên quan đến viêm khớp phản ứng thường ở đầu gối, mắt cá chân và bàn chân. Ngoài ra cũng có thể bị đau ở gót chân, lưng thấp hoặc mông.
-
Đau thắt lưng: Cơn đau có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc buổi sáng
-
Viêm mắt: Nhiều người bị viêm khớp cũng bị viêm mắt (viêm kết mạc mắt, viêm màng bồ đào)
-
Vấn đề đường tiết niệu: Đi tiểu thường xuyên, tiểu lắt nhắt, gắt buốt do viêm tuyến tiền liệt hoặc cổ tử cung.
-
Viêm mô mềm nơi vi khuẩn xâm nhập vào xương (viêm nhiễm): Có thể xảy ra bao gồm cơ, gân và dây chằng.
-
Ngón chân sưng hoặc ngón tay: Trong một số trường hợp, ngón chân, ngón tay có thể bị sưng đến mức giống với xúc xích.
-
Vấn đề về da: Viêm khớp có thể ảnh hưởng đến làn da theo nhiều cách khác nha Bệnh nhân có thể phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn tay và lở miệng.
4. Chẩn đoán bệnh viêm khớp
4.1. Lâm sàng
Bác sĩ sẽ khám các khớp của bệnh nhân để tìm các dấu hiệu và triệu chứng viêm. Khớp bị viêm sẽ sưng, nóng, đỏ, đau. Ngoài ra, bác sĩ sẽ khám giới hạn chuyển động ở cột sống và các khớp bị ảnh hưởng. Bác sĩ cũng sẽ khám mắt xem có bị viêm và da bạn có bị phát ban không.
4.2. Cận lâm sàng
-
Xét nghiệm máu
– Tốc độ lắng máu, CRP, yếu tố bổ thể huyết thanh C3,C4 tăng cao vào giai đoạn đầu của bệnh.
– Bạch cầu tăng nhẹ, có thể có thiếu máu nhẹ.
– Yếu tố dạng thấp RF (-).
-
Xét nghiệm dịch khớp
Thường biểu hiện viêm cấp không đặc hiệu. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán phân biệt với viêm khớp nhiễm trùng Bác sĩ sử dụng kim để rút dịch khớp từ bên trong khớp bị ảnh hưởng. Dịch khớp sẽ được kiểm tra:
– Nhuộm Gram và cấy dịch khớp
– Số lượng bạch cầu trong dịch khớp. Bạch cầu tăng lên thể hiện một tình trạng viêm nhiễm
– Có vi khuẩn trong dịch khớp thể hiện viêm khớp nhiễm trùng. Bên cạnh đó thể dẫn đến tổn thương khớp nghiêm trọng.
– Các tinh thể acid uric trong dịch khớp hiện diện trong bệnh gout. Loại viêm khớp này rất đau, thường ảnh hưởng đến ngón chân cái.
- X quang khớp
Khớp viêm trong giai đoạn cấp tính thường không có tổn thương trên X quang. Một số trường hợp mạn sẽ có tổn thương calci hóa các điểm bám gân, dây chằng, khớp cùng chậu. Hình ảnh X quang có thể giúp chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm cột sống dính khớp.
Một số xét nghiệm khác bao gồm:
- Có thể tìm tác nhân gây bệnh từ phân, dich tiết ở họng và đường tiết niệu.
- Test huyết thanh chẩn đoán có thể dương tính với Samonella, Campylobacter, Chlamydia…
- Kháng nguyên HLA-B27 có thể (+) 30-60% các trường hợp
Hiện nay chưa có tiêu chuẩn chẩn xác định bệnh viêm khớp phản ứng nào được thống nhất. Quá trình chẩn đoán chủ yếu dựa vào:
- Biểu hiện lâm sàng
- Cận lâm sàng
- Tiền sử nhiễm khuẩn (chủ yếu là đường tiết niệu – sinh dục, đường tiêu hóa)
5. Điều trị bệnh viêm khớp phản ứng
Điều trị bệnh viêm khớp phản ứng là một điều trị phối hợp:
5.1. Kháng sinh
Nếu viêm khớp phản ứng do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh. Những loại kháng sinh được kê phụ thuộc vào vi khuẩn hiện diện. Chỉ dùng khi bệnh nhân có bằng chứng nhiễm trùng.
5.2. Giảm đau, kháng viêm
Điều trị viêm hệ cơ xương khớp bằng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) là chính, một vài trường hợp đặc biệt có thể sử dụng corticoid tại chỗ hoặc toàn thân (thường rất ít sử dụng)
-
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có thể làm giảm viêm và đau do viêm khớp phản ứng.
-
Corticosteroid: Tiêm corticosteroid vào các khớp bị viêm có thể làm giảm viêm và trở lại mức hoạt động bình thường.
-
Steroid tại chỗ: Được sử dụng cho phát ban da do viêm khớp.
-
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp: Thuốc giúp giảm đau và cứng khớp cho một số người bị viêm khớp phản ứng.
5.3. Điều trị khác
- Tổn thương ngoài khớp: điều trị các tổn thương mắt bằng corticoid tại chỗ hoặc toàn thân (cần phải có ý kiến của chuyên khoa có liên quan), tổn thương da…
- Điều trị nguyên nhân gây bệnh nếu xác định được nguyên nhân
5.4. Vật lý trị liệu
Tăng cường các bài tập hỗ trợ các cơ xung quanh khớp bị ảnh hưởng , làm tăng sự vững của khớp. Các bài tập chuyển động có thể làm tăng tính linh hoạt của khớp và giảm độ cứng.
6. Tiên lượng và biến chứng
Tiên lượng cho viêm khớp phản ứng khác nhau. Đa số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày đến vài tuần, có khi kéo dài vài tháng. Tuy nhiên bệnh cũng có thể tái phát thành nhiều đợt. Các viêm nhiễm đường tiết niệu – sinh dục, viêm đường tiêu hóa cũng có thể tái diễn.
Ở bệnh nhân có HLA-B27 (+) thì tỉ lệ tái phát và tiến triến thành mạn tính thường cao hơn. Có khoảng 15 – 30% bệnh nhân tiến triển mạn tính thành viêm cột sống dính khớp.
7. Phương pháp phòng ngừa bệnh
Việc vệ sinh phòng ngừa sự lây nhiễm các tác nhân vi khuẩn gây bệnh viêm khớp phản ứng là cần thiết.
Yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò trong khả năng bị viêm khớp phản ứng. Nên chú ý hơn đối với các cá nhân và gia đình có kháng nguyên HLA-B27 (+).
7.1. Chế độ ăn uống phải hợp lý
Hãy chắc chắn thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp và được nấu đúng cách. Cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nên chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm. Phải ăn chín uống sôi để ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Khi có các nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp hoặc tiết niệu nên đến khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ khám, điều trị sớm giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
7.2. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao
Tập thể thao tăng cường sức khỏe, cải thiện độ linh hoạt của khớp, hạn chế tình trạng co cứng.
7.3. Thực hiện quan hệ tình dục an toàn
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể kích hoạt viêm khớp phản ứng. Sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Hãy nhớ rằng tình dục không an toàn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.
Viêm khớp phản ứng khiến người bệnh phải gánh chịu các cơn đau nhức kéo dài dai dẳng. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và suy giảm chất lượng cuộc sống. Hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa nếu có các triệu chứng nghĩ nhiều đến viêm khớp phản ứng. Bên cạnh việc điều trị, phòng ngừa bệnh cũng là một việc làm không thể thiếu.