Nguyên nhân vẹo cột sống có thể bạn chưa biết

Cong vẹo cột sống là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Chúng có thể gặp ở mọi lứa tuổi và để lại những di chứng nguy hiểm. Những người mắc bệnh lý này bị ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Chính vì thế, chúng ta cần hiểu rõ về bệnh lý này để điều trị sớm cũng như phòng ngừa một cách hiệu quả. Vậy vẹo cột sống là gì? Nguyên nhân gây ra vẹo cột sống? Những ai có nguy cơ bị vẹo cột sống? Cũng như cách cải thiện và phòng ngừa chúng ra sao? Bài viết dưới đây của bác sĩ Hứa Minh Luân sẽ trả lời cho bạn tất cả các câu hỏi trên. Nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Vẹo cột sống là gì?

Cột sống là một cấu trúc trung tâm của cơ thể con người. Chúng có chức năng giữ cho cơ thể đứng thẳng. Cột sống được tạo thành từ một chuỗi xương nhưng lại rất linh hoạt nhờ hệ thống dây chằng và đĩa đệm. Cột sống có một độ cong tự nhiên. Độ cong hình chữ S giúp cho cột sống ổn định và giữ thăng bằng khi chúng ta ở tư thế thẳng đứng.1

Nếu cột sống bị cong gập ra trước gọi là còng cột sống. Ngược lại, nếu cột sống cong ngửa ra sau thì gọi là ưỡn cột sống. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cột sống bị biến dạng kết hợp nhiều kiểu như: vừa vẹo vừa xoay, vừa vẹo vừa còng hoặc vừa vẹo vừa ưỡn…1

Vậy vẹo cột sống là gì? Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường (sang phải hoặc trái) so với trục xương sống. Đây là một bệnh lý xương khớp thường gặp và xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau.2 3

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, cũng như có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Việc lựa chọn các phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng vẹo cột sống.2

Phân biệt cột sống bình thường (Normal spine) và tình trạng vẹo cột sống sang một bên (Scoliosis)

Phân biệt cột sống bình thường (Normal spine) và tình trạng vẹo cột sống sang một bên (Scoliosis)

Nguyên nhân cong vẹo cột sống

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống thường không thể xác định được. Trường hợp được chẩn đoán sau khi loại trừ tất cả nguyên nhân khác được gọi là vẹo cột sống vô căn. Nó chiếm khoảng 80% tổng số các trường hợp vẹo cột sống. Tình trạng này không thể phòng ngừa và cũng không liên quan đến những thói quen xấu về tư thế, tập thể dục hoặc chế độ ăn uống.2 3

Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vẹo cột sống hiện nay, bao gồm:

Nguyên nhân do bệnh lý, di truyền2 3

Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng khoa học khẳng định vẹo cột sống liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh bệnh lý cong vẹo cột sống liên quan mật thiết đến vấn đề di truyền. Khi bố hoặc mẹ bị vẹo cột sống bẩm sinh thì con sẽ có nguy cơ mắc bệnh vẹo cột sống cao hơn những đứa trẻ khác.4

Một vài bệnh lý có thể gây nên tình trạng cong vẹo cột sống như: thoái hoá cột sống, bệnh lý thần kinh cơ, bệnh lý rối loạn mô liên kết, loãng xương, loạng dưỡng cơ…

Ngoài ra các yếu tố lúc mang thai cũng ảnh hưởng đến tình trạng vẹo cột sống như: bào thai phát triển quá nhanh và không kịp thích ứng với cơ thể mẹ khiến cho chúng bị chèn ép và xương sống bị cong vẹo.

Xem thêm: Những thông tin cơ bản về bệnh mô liên kết hỗn hợp

Nguyên nhân do thói quen xấu5

Những nguyên nhân do thói quen xấu chủ yếu liên quan đến lứa tuổi học đường. Một số thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến tình trạng vẹo cột sống như:

  • Ngồi học sai tư thế.
  • Mang cặp sách quá nặng.
  • Bàn ghế ngồi học không phù hợp với chiều cao của học sinh.
  • Thói quen cúi cong lưng để nâng đồ vật, khiêng đò quá nặng.
  • Trẻ nhỏ bố mẹ cho ngồi hoặc đứng quá sớm.

Ngồi sai tư thế trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ cong vẹo cột sống

Ngồi sai tư thế trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ cong vẹo cột sống

Những ai có nguy cơ bị vẹo cột sống?

Những đối tượng dễ mắc bệnh lý vẹo cột sống cao hơn người khác như:2 5

  • Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị vẹo cột sống.
  • Giới tính: Nữ giới có tỉ lệ cao hơn nam giới.
  • Tuổi: Thường xảy ra trong độ tuổi tăng trưởng, trước tuổi dậy thì và lứa tuổi học đường.
  • Tư thế: Người có tư thế ngồi hoặc đi đứng sai.
  • Ăn uống thiếu dinh dưỡng.
  • Bàn ghế ngồi có kích thước không phù hợp hoặc tập thể dục sai cách cũng ảnh hưởng đến cong vẹo cột sống.

Cách cải thiện và phòng ngừa vẹo cột sống

Các biện pháp giúp cải thiện tình trạng vẹo cột sống2 3

Sử dụng đai hỗ trợ: Đai hỗ trợ sẽ giúp cho cột sống được định hình về đúng vị trí sinh lý của chúng.

Đeo nẹp: Khi tình trạng vẹo cột sống nặng hơn thì các bác sĩ sẽ cho bạn đeo nẹp để ổn định đường cong của cột sống. Giúp cải thiện dần tình trạng vẹo cột sống và tránh nặng hơn.

Tập thể dục thường xuyên và đúng đắn: Các bài tập thể dục dành riêng cho những người bị vẹo cột sống. Chúng giúp cải thiện được tình trạng vẹo cột sống cũng như giúp nâng cao sức khoẻ cho người bệnh.

Xem thêm: 8 bài tập yoga cho người thoái hóa đốt sống cổ

Đeo nẹp có thể giúp hỗ trợ điều trị cong vẹo cột sống

Đeo nẹp có thể giúp hỗ trợ điều trị cong vẹo cột sống

Phòng ngừa vẹo cột sống6

Như đã đề cập trước đó, nguyên nhân gây vẹo cột sống thường không thể xác định rõ. Vì vậy, không có phương pháp cụ thể nào có thể giúp phòng tránh vẹo cột sống.

Việc thay đổi lối sống và tập cho trẻ những thói quen tốt từ khi còn nhỏ có thể giúp hạn chế tình trạng vẹo cột sống. Một số cách mà phụ huynh có thể thực hiện bao gồm:

  • Tránh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, còi xương ở trẻ nhỏ.
  • Bàn ghế ngồi học phù hợp với chiều cao của trẻ.
  • Bàn học được bố trí ở nơi đầy đủ ánh sáng.
  • Tránh mang vác vật nặng sai tư thế.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao đều đặn.
  • Đối với trẻ nhỏ bố mẹ cần tập cho trẻ ngồi và đi đứng một cách khoa học.

Tóm lại, vẹo cột sống là một bệnh lý phổ biến và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về nguyên nhân cong vẹo cột sống, giúp bạn hiểu rõ hơn về chúng cũng như phòng ngừa một cách hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *