Khi bước vào tuổi trung niên, đa phần các bộ phận trên cơ thể đã có dấu hiệu lão hóa. Một trong những bộ phận hay gặp vấn đề là bàn tay. Do tuổi trẻ chúng ta lao động và bàn tay là nơi hoạt động tần suất cao, nên thường mắc bệnh ngón tay bật, việc mắc bệnh này khiến ta vô cùng khó chịu. Vậy bệnh lý Ngón tay bật này là gì?
1. Thông tin chung
Bệnh ngón tay bật (Trigger finger) còn được gọi bằng các tên khác như: ngón tay cò súng, ngón tay lò xo, ngón tay bật, viêm bao gân gấp, viêm gân gấp ngón tay,…
Ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Do lực duỗi ngón tay thường không thắng được phần tắc nghẽn này nên ngón tay thường ở tư thế gấp. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra. Khi người bệnh cố gắng gập ngón tay lại hoặc duỗi ra, ngón tay sẽ bật ra như lò xo. Vì vậy, bệnh có tên là ngón tay lò xo hay ngón tay bật.
Bệnh thường gặp ở người hơn 40 tuổi, trong đó nữ giới gặp nhiều hơn nam. Gặp nhiều ở những người vận động cổ bàn tay nhiều, do lực chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại nhiều lần, tiền căn tiểu đường, viêm khớp dạng thấp… Ngón tay cò súng thường xảy ra đơn độc ở ngón trỏ, ngón giữa, ngón nhẫn, ngón cái. Tuy nhiên có thể xuất hiện nhiều ngón cùng lúc hoặc cả hai tay.
2. Cơ chế bệnh ngón tay bật
Để bạn dễ hình dung về bệnh ngón tay bật, chúng tôi xin giải thích như sau: Bình thường gân gấp ngón tay được bao bọc bởi một bao xơ gọi là bao gân. Giữa hai tổ chức này có lớp dịch mỏng bôi trơn làm gân trượt dễ dàng trong bao gân. Trường hợp có viêm gân hoặc bao gân gấp gây phì đại và quá sản sợi xơ chủ yếu tại gốc ngón tay. Từ đó hình thành cục xơ ở gân làm chít hẹp đường hầm bao quanh (bao gân), khiến gân di động trong bao gân sẽ khó khăn, dễ bị mắc kẹt làm ngón tay không cử động được.
Do lực gấp ngón tay thường mạnh hơn nên dễ thắng được sự mắc kẹt. Điều này làm bệnh nhân gấp được ngón tay. Ngược lại lực duỗi ngón tay thường yếu nên bệnh nhân không tự duỗi được. Vì vậy ngón tay hay bị mắc lại ở tư thế gấp. Nếu cố duỗi hoặc dùng ngón tay khác kéo ra thì cục xơ sẽ vượt được qua chỗ hẹp nhưng gây đau và tạo ra tiếng “cụp”.
3. Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố phổ biến làm bệnh lý ngón tay bật phát triển nhanh bao gồm:
- Việc lặp đi lặp lại việc gấp các ngón như là một thói quen hoặc thú vui. Việc bẻ các khớp ngón tay kêu “rắc” cũng là một yếu tố nguy cơ.
- Có bệnh nền sẵn. Những người bị đái tháo đường hoặc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Giới tính: thường gặp ở nữ hơn nam.
- Có tiền sử phẫu thuật. Thường là những người bệnh đã phẫu thuật hội chứng ống cổ tay. Sau phẫu thuật, việc dây dính các khớp làm bệnh nặng thêm và khó cử động hơn. Đặc biệt là trong 6 tháng đầu sau phẫu thuật.
Việc sử dụng điện thoại di động thường xuyên, cũng như làm việc với máy vi tính mỗi ngày đều tang nguy cơ thoái hóa và viêm các khớp ngón tay.
4. Các dấu hiệu nhận biết bệnh ngón tay bật
- Đau ngón tay tại vị trí bao gân bị viêm và tại cục xơ, khó cử động ngón tay.
- Triệu chứng này nặng hơn vào buổi sáng và cải thiện vào cuối ngày.
- Bệnh nhân cảm giác được tiếng “bật” ở gân khi gấp hoặc duỗi ngón tay.
- Ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng.
Sau đó, nếu không được điều trị thi nó trở nên nặng hơn, bạn phải dùng lực của bàn tay khác để kéo ra khi ngón tay đó bị kẹt. - Trong trường hợp nặng thì ngón tay không thể duỗi thẳng được ngay cả khi có sự trợ giúp.
- Thông thường hơn, ngón tay cò súng diễn ra đối với những ngón tay hay vận động hơn, chẳng hạn như ngón cái, ngón trỏ, có thể xuất hiện cùng một lúc nhiều ngón tay và có thể xảy ra trên hai bàn tay.
Khi bác sĩ thăm khám:
- Ngón tay bật có thể có sưng.
- Có thể sờ thấy cục viêm xơ trên gân gấp ngón tay ở vị trí khớp đốt bàn ngón tay. Cục viêm xơ di động khi gấp duỗi ngón tay.
- Ngoài ra, sử dụng siêu âm với đầu dò tần số 7,5 – 20 MHz có thể thấy gân dày lên và có dịch bao quanh.
- Chụp Xquang bàn tay bình thường. Hình ảnh X-quang chỉ có giá trị phân biệt với các tổn thương viêm khớp bàn ngón tay.
5. Điều trị
Có hai phương pháp điều trị bệnh ngón tay cò súng: là Điều trị không phẫu thuật (bao gồm: Nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid, Tiêm corticoid) và Điều trị phẫu thuật (áp dụng khi điều trị không phẫu thuật thất bại).
Các phương pháp không dùng thuốc
- Khi mắc bệnh Ngón tay bật, bạn nên hạn chế vận động ngón tay có gân bị tổn thương, nẹp duỗi ngón tay về đêm để tránh đau do co quắp ngón tay khi ngủ.
- Chườm lạnh nếu có sưng nóng đỏ.
- Siêu âm điều trị.
Dùng thuốc
- Thuốc chống viêm bôi tại chỗ hoặc đường uống
- Thuốc giảm đau
- Tiêm thuốc kháng viêm tại chỗ
- Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm
Điều trị ngoại khoa
- Phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ nếu điều trị nội khoa thất bại.
6. Theo dõi và quản lý
Tránh các yếu tố nguy cơ, tránh các vi chấn thương.
Phát hiện và điều trị đúng các bệnh lý như: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp, gout, thoái hóa khớp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn.
Đối với những trường hợp mắc bệnh ngón tay bật nhẹ (hơi khó khăn khi duỗi, gập ngón tay) hoặc lúc có lúc không thì có thể thực hiện những cách sau:
- Nghỉ ngơi: nếu công việc hiện tại đang làm là nguyên nhân gây bệnh, người bệnh có thể tạm dừng công việc trong vòng 4 đến 6 tuần, hoặc giảm thời gian làm việc với bàn tay đó. Nếu không thể tạm dừng công việc, giảm bớt công việc hoặc tình trạng bệnh không bớt, người bệnh cần đi điều trị ngay.
- Tránh ít nhất 3 đến 4 tuần, không nên cầm nắm chặt, không nên làm những máy rung.
- Tập vật lý trị liệu.
Những trường hợp nặng hơn (khó khăn khi duỗi, gập ngón tay hoặc không thể tự duỗi, gập ngón tay). Đối với những trường hợp này, bác sĩ có thể có các chỉ định điều trị sau:
- Uống thuốc kháng viêm giảm đau.
- Chích kháng viêm giảm đau, chích trực tiếp vào bao gân gập thường rất hiệu quả nếu như điều trị sớm.
- Nếu các phương pháp điều trị nội khoa không đáp ứng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện tiểu phẫu. Người bệnh thực hiện xong có thể về nhà, không cần nằm viện.
- Chỉnh các dị tật gây lệch trục của chi.
Thận trọng khi sử dụng thuốc nhóm quinolon và phát hiện sớm khi có triệu chứng bệnh lý Ngón tay bật như đã gợi ý.