Loãng xương là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Đây là một rối loạn chuyển hóa gây giảm sức mạnh của bộ xương. Gãy xương do loãng xương là một biến chứng trầm trọng của loãng xương, gây giảm chất lượng sống, gia tăng nguy cơ tử vong. Việc nhận biết sớm nhóm các bệnh nhân có nguy cơ góp phần dự phòng và điều trị sớm bệnh loãng xương. Bài viết này, hãy cùng Bác sĩ Hà Phạm Trọng Khang tìm hiểu về cách phân loại các cấp độ của bệnh loãng xương.
Loãng xương là gì?
Loãng xương là một bệnh đặc trưng bởi khối lượng xương thấp, sự suy giảm mô xương và phá vỡ vi cấu trúc của xương. Nó có thể dẫn đến sức mạnh của xương bị tổn hại và tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương là loại bệnh xương phổ biến nhất, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn. Loãng xương ảnh hưởng đến rất nhiều người, ở cả hai giới và mọi chủng tộc và tỷ lệ hiện mắc của nó sẽ tăng lên khi dân số già đi. Đây là một căn bệnh thầm lặng cho đến khi gãy xương, gây ra các vấn đề sức khỏe thứ cấp quan trọng và thậm chí tử vong.1
Phân loại loãng xương
Bệnh loãng xương nói chung được chia thành hai dạng là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Loãng xương nguyên phát chủ yếu bao gồm hai loại: sau mãn kinh và người già, trong khi loãng xương thứ phát chủ yếu do một số lượng lớn bệnh và thuốc gây ra.1
Loãng xương nguyên phát – gồm 2 loại1
Loại 1: Loãng xương sau mãn kinh
Thống kê cho thấy tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình ở các nước phát triển là 51 tuổi, so với ở các nước nghèo đang phát triển là 48 tuổi. Với tuổi thọ trung bình kéo dài đến 70 tuổi, hầu hết phụ nữ sẽ trải qua hơn một phần ba cuộc đời vào giai đoạn sau mãn kinh. Ở tuổi mãn kinh, chu chuyển xương bình thường bị suy yếu do thiếu hụt estrogen. Các tế bào hủy xương gia tăng hoạt động, trong khi chức năng của tế bào tạo xương suy giảm, dẫn đến sự gia tăng tiêu xương tổng thể do giảm estrogen.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Có hai giai đoạn mất xương ở phụ nữ trải qua quá trình mãn kinh.
- Giai đoạn đầu tiên xảy ra chủ yếu ở xương xốp và bắt đầu ở tuổi mãn kinh. Đây là kết quả của sự thiếu hụt estrogen, dẫn đến sự gia tăng không cân đối trong quá trình tiêu xương so với quá trình hình thành xương. Giai đoạn này có thể được định nghĩa là mất xương liên quan đến thời kỳ mãn kinh.
- Giai đoạn thứ hai (sau 4 – 8 năm), biểu hiện sự mất xương liên tục, từ từ của cả hai loại xương đặc và xương xốp. Chủ yếu là do giảm sự hình thành xương. Trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh, mật độ xương có thể giảm trung bình khoảng 10%. Khoảng một nửa số phụ nữ bị mất xương thậm chí còn nhanh hơn, có thể lên tới 10% – 20% trong 5 – 6 năm xung quanh thời kỳ mãn kinh.2
Loại 2: Loãng xương tuổi già
Các bằng chứng gần đây chứng minh rằng sự già đi của các tế bào mô đệm của tủy xương là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra loãng xương ở người cao tuổi. Đây là hiện tượng các tế bào ngừng phân chia do các tác động khác nhau gây ra tổn thương ở mức độ DNA. Sau đó, các tế bào bị tổn thương này này tiết ra các hoạt chất có hại, tạo ra một môi trường không thuận lợi. Môi trường này sẽ ảnh hưởng đến các tế bào bình thường lân cận, dẫn đến ngày càng tích tụ các tế bào già hóa, do đó, làm hỏng cả một vùng mô cơ quan.3
Các tế bào mô đệm này có khả năng biệt hóa thành tế bào tạo xương, tế bào xương và tế bào mỡ, từ đó có vai trò cấu tạo nên xương, sụn và mô mỡ. Tuy nhiên, ở tuổi lão hóa, các tế bào bắt đầu ít phát triển thành tế bào tạo xương hơn, nhưng lại có xu hướng biến thành tế bào mỡ, đây là một trong những nguyên nhân chính gây loãng xương ở tuổi già. Kết quả là ở những người lớn tuổi, số lượng tế bào tạo xương giảm, trong khi số lượng tế bào mỡ tăng lên, cuối cùng dẫn đến giảm mật độ chất khoáng của xương. Khi bước vào tuổi 70, khối lượng xương có thể giảm tới 30% đến 40% so với lúc trưởng thành.4
Loãng xương thứ phát
Loãng xương thứ phát được định nghĩa là khối lượng xương thấp với sự thay đổi vi cấu trúc trong xương dẫn đến gãy xương dễ gãy khi có bệnh lý hoặc thuốc có từ trước. Điều quan trọng là loại trừ các nguyên nhân thứ phát gây loãng xương vì cách điều trị của những bệnh nhân này có thể khác nhau và đáp ứng của bệnh có thể bị hạn chế nếu rối loạn cơ bản không được phát hiện và không được điều trị.5
Nguyên nhân gây loãng xương thứ phát
Tình trạng bệnh
- Glucocorticoid gây ức chế sự sao chép và biệt hóa của nguyên bào xương, tăng quá trình chết tế bào theo chu trình tự nhiên của nguyên bào xương và tăng cường tiêu xương.
- Bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ hệ thống gây ra sự giải phóng hệ thống các cytokine gây viêm do đó thúc đẩy hoạt động của tế bào hủy xương.
- Viêm cột sống dính khớp gây tiêu xương qua trung gian hủy cốt bào và rối loạn quá trình hình thành xương.
- Cường giáp gây ra tăng chu chuyển xương, làm cho chu kỳ tái tạo xương rút ngắn. Cường cận giáp nguyên phát gây ra sự gia làm tăng quá trình tiêu xương qua trung gian nguyên bào xương.6
Các bệnh có thể dẫn đến loãng xương thứ phát5
- Bệnh lý nội tiết: cường giáp, suy sinh dục, cường cận giáp, đái tháo đường, thiếu hormone tăng trưởng, chứng to đầu chi,…
- Bệnh lý hệ tiêu hóa, gan mật và dinh dưỡng: bệnh celiac, bệnh viêm ruột, đã phẫu thuật cắt dạ dày, chán ăn tâm thần, bệnh ứ sắt và các bệnh gan mãn tính,…
- Bệnh lý huyết học: bệnh đa u tủy, tăng bạch cầu mast hệ thống, Beta thalassemia thể nặng,…
- Bệnh lý thận niệu: tăng canxi niệu vô căn, nhiễm toan ống thận, bệnh thận mạn tính,…
- Bệnh lý miễn dịch: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm cột sống dính khớp, đa xơ cứng,…
Các thuốc có thể gây loãng xương5
Nội tiết tố và thuốc có tác dụng lên hệ nội tiết
- Glucocorticoid.
- Hormone tuyến giáp.
- Thuốc gây thiểu năng sinh dục: Ức chế men aromatase, Medroxyprogesterone axetat, Thuốc chủ vận GnRH.
- Thiazolidinediones.
Thuốc có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc chống co giật.
Thuốc có tác dụng lên hệ miễn dịch
- Chất ức chế calcineurin.
- Điều trị kháng retrovirus.
Các thuốc khác
- Thuốc chống đông máu.
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc có tác dụng trên đường tiêu hóa.
- Thuốc ức chế bơm proton.
Biến chứng của loãng xương
Loãng xương làm cho xương trở nên yếu và giòn – dễ gãy và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Các biến chứng bệnh thường gặp nhất ở người già bao gồm:7 8
Gãy xương
Gãy xương, đặc biệt là ở cột sống hoặc xương đùi, là những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Gãy xương đùi thường do ngã và có thể dẫn đến tàn tật và thậm chí tăng nguy cơ tử vong trong năm đầu tiên sau chấn thương. Trong một số trường hợp, gãy xương cột sống có thể xảy ra ngay cả khi chưa té ngã. Các xương đốt sống có thể suy yếu đến mức bị lún xẹp, dẫn đến đau lưng, giảm chiều cao và tư thế gập người về phía trước.
Hạn chế khả năng di chuyển
Loãng xương có thể gây tàn phế và hạn chế hoạt động thể chất. Giảm hoạt động có thể khiến bạn tăng cân, lại càng làm tăng áp lực lên các cấu trúc xương, đặc biệt là đầu gối và xương đùi. Tăng cân cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch và đái tháo đường.
Trầm cảm
Ít hoạt động thể chất có thể dẫn đến mất độc lập trong sinh hoạt. Những hoạt động yêu thích giờ đây có thể gây đau đớn, kèm thêm nỗi sợ hãi có thể bị gãy xương, có thể dẫn đến trầm cảm.
Đau
Gãy xương do loãng xương có thể gây ra đau đớn và suy nhược nghiêm trọng, do các dây thần kinh bị chèn ép. Gãy cột sống có thể dẫn đến:
- Mất chiều cao.
- Tư thế khom lưng.
- Đau lưng và cổ dai dẳng.
Nhập viện và chi phí y tế
Hầu hết các trường hợp gãy xương đều cần được chăm sóc tại bệnh viện. Phẫu thuật thường được thực hiện và có thể cần thời gian nằm viện kéo dài và gia tăng chi phí y tế.
Thói quen xấu gây hại cho xương
Sai tư thế
Các triệu chứng căng cơ, lệch cột sống và làm tình trạng loãng xương nặng hơn có thể gặp ở người sinh hoạt sai tư thế. Để điều chỉnh, cần ngồi (hoặc đứng) thẳng, đảm bảo máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác được hiển thị ngang tầm mắt, đặt cả hai chân xuống đất và vị trí nâng đầu của bạn cao hơn vai.
Ăn nhiều muối
Bổ sung càng ăn nhiều muối, cơ thể càng đào thải nhiều canxi. Những thực phẩm chứa nhiều muối bao gồm bánh mì, pho mát, khoai tây chiên và thịt nguội.
Không luyện tập thể dục
Các bài tập với sức nặng tự nhiên của cơ thể như đi bộ, leo núi, tập aerobics giúp tăng khối lượng xương và mật độ xương.
Rượu bia nhiều
Hạn chế đồ uống có cồn ở mức 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ. Uống quá nhiều rượu sẽ cản trở quá trình hấp thụ canxi làm giảm mật độ xương.
Hút thuốc lá
Những người hút thuốc có xu hướng có nguy cơ cao bị gãy xương và các vết nứt xương chậm lành hơn. Hút thuốc càng lâu, tiên lượng của bạn càng xấu.9
Phòng ngừa bệnh loãng xương ở người già
Dinh dưỡng tốt và tập thể dục thường xuyên là điều cần thiết để giữ cho bộ xương khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.7
Cung cấp đủ Canxi
Nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 50 cần 1.000 mg canxi mỗi ngày. Lượng canxi hàng ngày này tăng lên 1.200 miligam khi phụ nữ bước sang tuổi 50 và nam giới bước sang tuổi 70.
Các thực phẩm có nhiều canxi bao gồm:
- Các sản phẩm từ sữa ít béo.
- Rau có lá xanh đậm.
- Cá hồi hoặc cá mòi.
- Các sản phẩm từ đậu nành, chẳng hạn như đậu phụ.
- Ngũ cốc tăng cường canxi và nước cam.
Nếu cảm thấy khó có đủ canxi từ chế độ ăn uống của mình, hãy cân nhắc việc bổ sung canxi. Tuy nhiên, quá nhiều canxi có liên quan đến sỏi thận.
Bộ phận Y tế và Sức khỏe của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tổng lượng canxi tiêu thụ, từ các chất bổ sung và chế độ ăn uống kết hợp, không nên quá 2.000 miligam mỗi ngày đối với những người trên 50 tuổi.
Cung cấp đủ Vitamin D
Vitamin D cải thiện khả năng hấp thụ canxi của cơ thể và cải thiện sức khỏe của xương theo những cách khác nhau. Các nguồn cung cấp vitamin D trong chế độ ăn uống bao gồm dầu gan cá, cá hồi. Nhiều loại sữa và ngũ cốc chứa nhiều vitamin D.
Hầu hết nhu cầu một người trưởng thành cần ít nhất 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên 800 IU mỗi ngày sau 70 tuổi.
Hầu hết các sản phẩm vitamin tổng hợp chứa từ 600 đến 800 IU vitamin D. Lên đến 4.000 IU vitamin D mỗi ngày là an toàn cho hầu hết mọi người.
Luyện tập thể dục
Tập thể dục có thể giúp xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương. Tập thể dục sẽ có lợi cho xương của bạn bất kể bắt đầu từ khi nào, nhưng sẽ đạt được nhiều lợi ích nhất nếu bắt đầu tập thể dục thường xuyên khi còn trẻ và tiếp tục tập thể dục trong suốt cuộc đời.
Kết hợp các bài tập rèn luyện sức bền với các bài tập gánh tạ và giữ thăng bằng. Tập luyện sức mạnh giúp tăng cường cơ bắp và xương ở cánh tay và cột sống. Các bài tập chịu sức nặng – chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, chạy, leo cầu thang, nhảy dây, trượt tuyết và các môn thể thao tác động mạnh – ảnh hưởng chủ yếu đến xương ở chân, hông và xương sống dưới. Các bài tập thăng bằng như thái cực quyền có thể làm giảm nguy cơ ngã, đặc biệt là khi già đi.
Các biện pháp khác10
- Ngừng hút thuốc những người hút thuốc có mật độ xương thấp hơn những người không hút thuốc.
- Phơi nắng – da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào hầu hết các ngày trong tuần cho phép sản xuất đủ vitamin D (nhưng chú ý các khuyến nghị về phơi nắng và phòng ngừa ung thư da).
- Uống rượu ở mức độ vừa phải, nếu uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Uống không quá hai ly tiêu chuẩn mỗi ngày và có ít nhất hai ngày không rượu mỗi tuần.
- Hạn chế đồ uống có chứa caffeine – quá nhiều caffein có thể ảnh hưởng đến lượng canxi mà cơ thể hấp thụ. Uống không quá hai đến ba tách trà hoặc cà phê mỗi ngày.
Loãng xương là một trong những bệnh lý đặc trung ở người cao tuổi. Đây là bệnh lý diễn tiến âm thầm, có thể chỉ được phát hiện khi có biến chứng gãy xương. Việc nhận ra những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần chẩn đoán, điều trị sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.