Loạn trương lực cơ cổ: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Loạn trương lực cơ cổ là bệnh lý khiến bạn thường bị co cứng cơ vùng cổ, và các cơn co cứng cơ này gây đau rất nhiều. YouMed xin gửi đến bạn đọc bài viết cung cấp những thông tin cơ bản về hội chứng này.

1.    Tổng quan về loạn trương lực cơ cổ

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Loạn trương lực cơ cổ là một rối loạn vận động đặc trưng bởi sự co thắt cơ không tự chủ. Gây ra các chuyển động bất thường như cổ và đầu bị quay sang một bên.

Loạn trương lực cổ cũng có thể khiến đầu bạn nghiêng về phía trước hoặc phía sau không kiểm soát được.

Là một rối loạn hiếm gặp và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng loạn trương lực cổ thường xảy ra ở người trung niên, nữ nhiều hơn nam. Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần và sau đó đạt đến mức nặng nhất.

Chưa có phương pháp điều trị được cho là đặc trị chứng loạn trương lực cổ. Rối loạn này đôi khi tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng hầu hết các trường hợp, bệnh thường không thuyên giảm. Tiêm độc tố botulinum vào các cơ bị ảnh hưởng thường làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của chứng loạn trương lực cổ. Phẫu thuật có thể thích hợp trong một số trường hợp.

>>> Loạn trương lực cơ là một bệnh lý gây đau bất thường và khó chịu trong sinh hoạt. Tìm hiểu thêm Loạn trương lực cơ và các điều cần biết!

                                                             Cứng cố là triệu chứng thường gặp

2.    Nguyên nhân

Ở hầu hết những người bị loạn trương lực cổ, nguyên nhân không rõ. Một số người bị loạn trương lực cổ có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn này. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đột biến gen liên quan đến chứng loạn trương lực cổ. Chứng loạn trương lực cổ đôi khi cũng liên quan đến chấn thương đầu, cổ hoặc vai.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ đối với chứng loạn trương lực cổ, bao gồm:

  • Tuổi tác. Mặc dù rối loạn có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường bắt đầu sau 30 tuổi.
  • Giới tính của bạn. Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển chứng loạn trương lực cổ hơn nam giới.
  • Tiền căn gia đình. Nếu một thành viên trong gia đình bị loạn trương lực cơ cổ hoặc một số loại loạn trương lực khác, bạn có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn này.

3.    Các triệu chứng

Các cơn co thắt cơ liên quan đến chứng loạn trương lực cổ có thể khiến đầu bạn xoay theo nhiều hướng khác nhau, bao gồm:

  • Cằm xoay về phía vai
  • Hoặc hướng lên trên
  • Cằm hướng xuống dưới

Hướng xoay phổ biến nhất liên quan đến chứng loạn trương lực cổ là khi cằm bị xoay về phía vai. Một số người từng trải qua các hướng xoay được kết hợp giữa hai hay nhiều hướng xoay cơ bản lại với nhau. Chuyển động giật của phần đầu cũng có thể xảy ra.

Nhiều người bị loạn trương lực cổ cũng bị đau cổ có thể lan xuống vai. Rối loạn này cũng có thể gây đau đầu. Ở một số người, cơn đau do loạn trương lực cổ có thể gây mệt mỏi và giảm khả năng sinh hoạt.

Các biến chứng loạn trương lực cơ cổ

Trong một số trường hợp, các cơn co thắt cơ không tự chủ liên quan đến chứng loạn trương lực cổ có thể lan sang các vùng lân cận của cơ thể bạn. Các vị trí phổ biến nhất bao gồm mặt, hàm, cánh tay và thân mình.

Những người bị loạn trương lực cơ cổ cũng có thể bị gai đốt sống như đốt sống cổ, ngực, lưng hay thắt lưng. Điều này có thể gây ngứa ran, tê và yếu ở cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân.

4.    Chẩn đoán loạn trương lực cơ cổ

Mặc dù khám lâm sàng thường có thể xác định chẩn đoán chứng loạn trương lực cổ, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để loại trừ bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trên.

                                                      Khám lâm sàng đủ để chẩn đoán bệnh

5.    Điều trị

Không có cách chữa trị đặc hiệu cho chứng loạn trương lực cổ. Ở một số người, các dấu hiệu và triệu chứng có thể biến mất mà không cần điều trị. Nhưng tình trạng tái phát thường phổ biến hơn. Điều trị thường tập trung vào việc làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng.

Điều trị nội khoa

Độc tố botulinum, một chất gây tê liệt thường được sử dụng để làm phẳng các nếp nhăn trên khuôn mặt. Được sử dụng để tiêm trực tiếp vào các cơ cổ bị ảnh hưởng bởi chứng loạn trương lực cổ. Các loại thuốc độc tố botulinum bao gồm Botox, Dysport, Xeomin và Myobloc.

Hầu hết những người bị loạn trương lực cổ đều thấy sự cải thiện khi tiêm nhóm thuốc này. Và thường phải lặp lại sau mỗi ba đến bốn tháng.

Để cải thiện kết quả hoặc để giúp giảm liều lượng và tần suất tiêm độc tố botulinum, bác sĩ cũng có thể đề xuất các loại thuốc uống có tác dụng giãn cơ.

                                                       Tiêm thuốc đang trở nên phương pháp điều trị phổ biến

Phương pháp trị liệu loạn trương lực cơ cổ

  • Vật lý trị liệu hoặc liệu pháp nghề nghiệp giúp giảm triệu chứng và cải thiện chức năng của cơ.
  • Ngôn ngữ trị liệu nếu bệnh ảnh hưởng đến giọng nói.
  • Kéo giãn hoặc xoa bóp để giảm đau cơ.
  • Kiểm soát căng thẳng. Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng loạn trương lực cổ có xu hướng xấu đi khi bạn căng thẳng. Vì vậy việc học các kỹ thuật quản lý căng thẳng cũng rất quan trọng

Phẫu thuật và các thủ thuật khác

Nếu triệu chứng trở nên trầm trọng, bệnh nhân có thể cần đến phẫu thuật:

  • Kích thích não sâu. Khi loạn trương lực cơ gây tàn phế thì kích thích não sâu sẽ là một lựa chọn hữu ích. Các điện cực được cấy vào một vùng cụ thể trong não và kết nối với một bộ kích điện chạy bằng pin được cấy vào ngực. Bộ kích điện sẽ gửi các xung điện đến não giúp kiểm soát các cơn co thắt. Có thể điều chỉnh được tần số và cường độ của các xung điện.
  • Phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc. Phẫu thuật này bao gồm việc cắt các dây thần kinh giúp kiểm soát cơn co thắt. Được sử dụng nếu các phương pháp điều trị khác thất bại.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Những biện pháp tại nhà sau có thể làm giảm các ảnh hưởng:

  • Kích thích cảm giác để giảm co thắt. Chạm vào một số bộ phận của cơ thể có thể khiến cơn co thắt tạm thời mất đi.
  • Nhiệt hoặc lạnh. Chườm nóng hoặc lạnh có thể giúp giảm đau cơ.
  • Kiểm soát căng thẳng. Thông thường bằng cách hít thở sâu, thiền, yoga, tập suy nghĩ tích cực và tham gia các hoạt động xã hội.

Dù không có phương pháp điều trị triệt để, nhưng những phương pháp hiện tại vẫn có hiệu quả trong việc hạn chế các triệu chứng cũng như biến chứng của bệnh. Vì vậy, nếu bạn đang mắc chứng bệnh này, hãy tuân thủ điều trị. Và đặc biệt là những phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp bạn cải thiện cuộc sống hơn.

Bác sĩ ĐÀO THỊ THU HƯƠNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *