Bạn thường xuyên đau vùng lưng, cứng lưng và khó vận động vùng lưng? Ngoài triệu chứng tại lưng, bạn cũng khó chịu ở vai, tay hay chân? Nếu vậy, có thể bạn đang mắc hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát. Hãy cùng YouMed đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về hội chứng này nhé.
1. Tổng quát về hội chứng tăng tạo xương lan tỏa
Hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát (DISH) là tình trạng dây chằng bám vào cột sống bị xơ cứng.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Nó còn được gọi là bệnh Forestier. Bệnh lý này có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào, cũng như có thể không cần điều trị. Nếu bệnh gây ra các triệu chứng, phổ biến nhất là đau nhẹ đến trung bình vùng lưng và cứng, khó vận động ở lưng trên. DISH cũng có thể ảnh hưởng đến cổ và lưng dưới của bạn. Một số người bị DISH ở các vùng khác, chẳng hạn như vai, khuỷu tay, đầu gối và gót chân.
DISH có thể tiến triển nặng thêm. Khi nặng hơn, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân
Hội chứng tăng tạo xương lan tỏa là do sự tích tụ của canxi và các chất cấu tạo từ canxi trong dây chằng và gân. Đồng thời, xương cứng lại và phát triển các gai xương, đặc biệt là gai cột sống. Nhưng điều gì làm cho những điều này xảy ra là không rõ.
Các yếu tố nguy cơ
Các bác sĩ đã liệt kê ra những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh này. Các yếu tố rủi ro bao gồm:
- Giới tính. Đàn ông có nhiều khả năng mắc DISH hơn phụ nữ.
- Người lớn tuổi. DISH phổ biến nhất ở những người lớn tuổi, đặc biệt là ở những người trên 50 tuổi.
- Bệnh đái tháo đường và các bệnh lý khác. Những người bị bệnh đái tháo đường loại 2 có thể có nhiều khả năng mắc DISH hơn những người không bị bệnh. Các bệnh lý khác có thể làm tăng nồng độ insulin trong cơ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm tăng insulin máu, tiền đái tháo đường và béo phì.
- Một số loại thuốc. Sử dụng lâu dài các loại thuốc gọi là retinoids, chẳng hạn như isotretinoin (Amnesteem, Claravis, những loại khác), được sử dụng để điều trị các bệnh về da như mụn trứng cá, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Các triệu chứng
Bạn có thể không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của hội chứng tăng tạo xương lan tỏa. Đối với những người có các dấu hiệu và triệu chứng, phần trên của lưng thường bị ảnh hưởng nhất. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Cứng vùng lưng. Cứng các đốt sống vùng lưng có nhiều mức độ và vị trí. Có thể dễ nhận thấy nhất vào buổi sáng.
- Đau. Bạn có thể cảm thấy đau ở lưng hoặc ở các vùng bị ảnh hưởng khác, chẳng hạn như vai, khuỷu tay, đầu gối hoặc gót chân.
- Giảm sự khả năng vận động. Bạn có thể nhận thấy điều này nhiều nhất khi duỗi người sang bên.
- Khó nuốt hoặc giọng nói khàn. Bạn có thể có những thứ này nếu có DISH ở cổ.
Các biến chứng
Những người bị hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát có nguy cơ bị một số biến chứng, chẳng hạn như:
- Khuyết tật. Giảm khả năng vận động ở khớp bị tổn thương có thể gây khó khăn trong các vận động liên quan đến khớp đó. Ví dụ, hội chứng tăng tạo xương lan tỏa ở vai có thể gây khó khăn cho việc sử dụng cánh tay của bạn.
- Khó nuốt. Các gai xương ở cổ có thể chèn ép lên thực quản gây ra cảm giác khó nuốt. Áp lực từ các gai xương cũng có thể gây ra khàn giọng hoặc ngưng thở khi ngủ, một chứng rối loạn giấc ngủ khiến bạn ngừng thở liên tục trong khi ngủ. Vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng và có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ các gai xương, nhưng thường hiếm khi cần can thiệp.
- Gãy cột sống. DISH có thể làm tăng nguy cơ gãy xương cột sống, đặc biệt nếu bạn mắc bệnh mức độ trung bình đến nặng. Ngay cả những chấn thương nhỏ cũng có thể gây ra gãy xương. Các đoạn gãy có thể cần được can thiệp phẫu thuật để sửa chữa.
4. Chẩn đoán hội chứng tăng tạo xương lan tỏa
Để xác định xem bạn có mắc bệnh DISH hay không, bác sĩ có thể khám cột sống và khớp xung quanh rất cẩn thận. Bác sĩ sẽ ấn nhẹ vào cột sống và các khớp để cảm nhận những bất thường. Sau đó sẽ kiểm tra phạm vi vận động của các khớp đó.
Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI, để tìm kiếm những thay đổi trong cột sống của bạn.
5. Điều trị
Mặc dù vẫn chưa có cách chữa trị cho hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát, bạn có thể thực hiện các bước để giảm đau và cứng khớp. Điều trị cũng nhằm mục đích giữ cho tình trạng không trở nên tồi tệ hơn và ngăn ngừa các biến chứng.
Do mối liên quan giữa DISH và các tình trạng như béo phì, kháng insulin và bệnh đái tháo đường loại 2, việc điều trị những tình trạng đó có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của DISH.
Điều trị nội khoa
Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau thông thường, chẳng hạn như acetaminophen (Paracetamol) hoặc ibuprofen. Cơn đau nghiêm trọng hơn có thể được điều trị bằng cách tiêm corticosteroid.
Liệu pháp trị liệu
Vật lý trị liệu có thể làm giảm độ cứng cột sống liên quan đến hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát. Các bài tập cũng có thể làm tăng phạm vi chuyển động ở các khớp. Hỏi bác sĩ về các bài tập cụ thể mà bạn có thể làm. Họ có thể giới thiệu bạn đến một nhà trị liệu vật lý để được hướng dẫn thêm.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể cần thiết trong một số trường hợp hiếm hoi khi hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Những người gặp khó khăn khi nuốt do các gai xương lớn ở cổ có thể cần phẫu thuật để loại bỏ các gai xương. Phẫu thuật cũng có thể làm giảm áp lực lên tủy sống do DISH gây ra.
Việc chẩn đoán và điều trị thường không gặp khó khăn đối với hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát. Tập vật lý trị liệu giúp bạn tăng khả năng vận động và hạn chế các triệu chứng.
Bác sĩ Vũ Thành Đô