Giãn dây chằng cổ tay là một chấn thương thường gặp trong tập luyện thể dục thể thao. Tình trạng trên không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách thì vẫn có thể để lại những di chứng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Vậy giãn dây chằng cổ tay là gì? Các biểu hiện của nó và làm sao để điều trị? Mời bạn cùng Bác sĩ Hồ Đức Việt tìm hiểu về giãn dây chằng cổ tay qua bài viết sau.
Giãn dây chằng cổ tay là gì?
Trong cơ thể chúng ta, vùng tay là nơi uyển chuyển giúp thực hiện mọi việc hàng ngày. Tuy nhiên đây cũng là nơi dễ bị chấn thương do khi té ngã chúng ta rất hay có xu hướng để chống đỡ lại. Hay khi luyện tập thể dục thể thao thì việc có những va chạm đến cổ tay cũng là điều không thể tránh khỏi.
Từ những va chạm trên gân – cơ – dây chằng ở vùng cổ tay sẽ bị vặn xoắn, kéo giãn, co rút đột ngột,… quá mức gây ra những chấn thương phần mềm quen thuộc đối với mọi người như giãn dây chằng cổ tay và bong gân.
Nguyên nhân giãn dây chằng cổ tay
Một số nguyên nhân thường gặp mà chúng ta có thể kể đến như:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Tai nạn trong luyện tập thể thao gây chấn thương: nguyên nhân thường gặp nhất. Đặc biệt là các môn dùng tay nhiều (cầu lông, tennis, bóng bàn…).
- Tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày như té ngã khi lên xuống cầu thang.
- Tai nạn giao thông.
Các mức độ giãn dây chằng cổ tay và triệu chứng?
Giãn dây chằng cổ tay có thể chia làm 3 mức độ. Tuỳ theo đó mỗi mức độ sẽ có những biểu hiện khác nhau. Bệnh nhân rất cần lưu ý đến các dấu hiệu này. Từ đó để có thể lựa chọn phương pháp điều trị cho phù hợp.
Các triệu chứng của mức độ 1
Trong mức độ 1 chấn thương sẽ làm dây chằng, gân cơ bị kéo giãn nhẹ. Trong mức độ này bệnh nhân sẽ thấy các triệu chứng giãn dây chằng cổ tay như:
- Đau ít hoặc có thể chỉ đau thoáng qua.
- Không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ vận động, bệnh nhân vẫn có thể vận động nhẹ cổ tay sau chấn thương.
Các triệu chứng của mức độ 2
Ở mức độ này các dây chằng, gân cơ sẽ bị tổn thương nhiều hơn mức độ đầu tiên. Dẫn đến các triệu chứng của giãn dây chằng cổ tay là:
- Sưng bầm, đau nhiều, đau tăng khi ấn vào cổ tay.
- Bệnh nhân bị hạn chế vận động, tuy nhiên vẫn có thể vận động bình thường.
Các triệu chứng của mức độ 3
Mức độ 3 là mức độ nặng nhất. Trong những trường hợp này bệnh nhân cực kỳ cần chú ý xử trí sơ cứu đúng cách và phải đến ngay bác sĩ sau đó. Các triệu chứng của độ 3 là:
- Các dấu hiệu của độ 2 tăng lên nhiều (sưng, bầm, đau nhiều hơn) .
- Khớp sưng nhiều, mất vững và có thể bị kèm trật khớp.
- Đứt hoàn toàn số sợi cơ hay dây chằng.
Cách điều trị giãn dây chằng cổ tay
Việc điều trị bong gân hay giãn dây chằng cổ tay sẽ bao gồm xử trí cấp cứu ban đầu khi chấn thương vừa xảy ra. Sau đó tuỳ theo mức độ mà từng bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị phù hợp:
Xử trí cấp cứu ban đầu
Xử trí cấp cứu ban đầu khi chấn thương gây giãn dây chằng xảy ra bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép vùng vai bị thương và kê cao chi. Bệnh nhân có thể thực hiện theo các bước như sau:
Nguyên tắc RICE
- R (rest): nghỉ ngơi, khi bị chấn thương phải ngừng ngay tập luyện, thi đấu.
- I (ice): chườm lạnh bằng nước đá lên vị trí tổn thương ngay sau chấn thương. Điều này sẽ giúp người bệnh giảm đau. Đồng thời có tác dụng giảm sưng, đau, chảy máu, và chống viêm.
- C (compression): để giảm phù nề nên đặt băng ép ở chỗ bị chấn thương. Băng ép có thể tiến hành đồng thời với chườm lạnh.
- E (elevation): Giữ phần cơ thể bị thương cao hơn đầu của bạn, nhằm giảm tích tụ dịch và máu xuất hiện do các mô và tổ chức bị tổn thương và viêm nhiễm. Giữ chỗ bị chấn thương ở tư thế nâng lên từ 24 – 72 giờ.
Sử dụng thuốc: Thuốc chống viêm và thuốc giảm đau không kê đơn, uống khi cần thiết, có thể giúp giảm đau và sưng.
Đặc biệt trong giai đoạn này bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, NSAIDs để kiểm soát cơn đau. Tuy nhiên các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) này chỉ giúp giảm đau hiệu quả tạm thời; chúng hoàn toàn không có tác dụng đối với việc chữa lành dây chằng và xương.
Nếu sau 24 đến 72 giờ đầu vùng cổ tay vẫn chưa giảm tình trạng viêm tấy thì các bạn cần đến ngay các bác sĩ cũng như trung tâm y tế gần nhất để được xử trí đúng cách, kịp thời.
Phương pháp điều trị tuỳ theo từng mức độ
- Độ 1: điều trị viêm tấy cấp tính trong 2 – 3 ngày, hết đau thì tập vận động khớp
- Độ 2: cố định khớp và bất động bằng nẹp bột trong 6 – 8 tuần. Sau đó tập lên các gân cơ bị bất động và vận động các khớp được bảo vệ
- Độ 3: phẫu thuật khâu áp kín 2 đầu đứt rồi bất động vùng tổn thương 4 – 6 tuần. Tiếp đó cho tập vận động sớm có kiểm soát, tăng dần.
Các chấn thương do luyện tập thể dục thể thao gây ra giãn dây chằng cổ tay hay bong gân là điều vô cùng phổ biến. Do đó khi luyện tập các bạn cần phải tuyệt đối chú ý tập vừa sức, cũng như an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu.