Giảm đau trong các bệnh cơ xương khớp

Đau là một trong những triệu chứng gây khó chịu nhất của người có bệnh lý cơ xương khớp. Đau âm ỉ, từ từ hay đau cấp tính, dữ dội đều ảnh hưởng lớn tới công việc cũng như chất lượng cuộc sống của chúng ta. Hãy cùng với YouMed tìm hiểu làm thế nào để giảm đau cho người có bệnh lý cơ xương khớp.

1. Những nguyên nhân nào gây đau ở bệnh nhân cơ xương khớp?

Đau trong bệnh cơ xương khớp có rất nhiều nguyên nhân. Có thể đau do tổn thương ở khớp, ở xương, ở cơ, túi thanh dịch hay đau do gân,…

Đau là triệu chứng của nhiều bệnh như Gout, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp phản ứng, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm quanh khớp vai, viêm cân gan chân,… Ở mỗi bệnh lý, mà đau có từng đặc điểm đặc trưng riêng. Tùy thuộc vào mức độ, giai đoạn bệnh và ngưỡng chịu đau mà từng người trong chúng ta có cảm nhận về cái đau không giống nhau.

Nguyên nhân nào gây đau ở bệnh nhân cơ xương khớp

Nguyên nhân nào gây đau ở bệnh nhân cơ xương khớp

2. Làm thế nào để giảm đau trong bệnh lý cơ xương khớp?

Để giảm đau có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng tựu chung lại chia thành hai nhóm chính: phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Ngày nay, khi đời sống vật chất được cải thiện, cùng với những tiến bộ vượt bậc của ngành y, việc điều trị theo hướng cá thể hóa, và áp dụng phối hợp nhiều biện pháp điều trị với nhau được chú trọng hơn trước giúp hiệu quả điều trị được nâng cao.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

3. Phương pháp dùng thuốc

Dùng thuốc là phương pháp giúp giảm đau nhanh chóng, hiệu quả. Các loại thuốc thường dùng là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, giãn cơ,… Tùy từng bệnh, giai đoạn và mức độ của bệnh mà có chỉ định dùng thuốc khác nhau. Khi cảm thấy đau và có các triệu chứng khác, không nên tự dùng thuốc tại nhà, hãy đến gặp bác sĩ của bạn để được chẩn đoán chính xác và kịp thời, được dùng thuốc đúng cách và điều trị hiệu quả.

4. Các phương pháp không dùng thuốc

4.1 Giáo dục

Giáo dục giúp cho chúng ta hiểu về bệnh, hiểu về tình hình sức khỏe của mình, để từ đó có thái độ đúng đắn, tiếp nhận thông tin, và phối hợp tốt trong quá trình điều trị, tuân thủ điều trị tốt hơn, và kết quả là nâng cao hiệu quả điều trị nói chung, giúp giảm đau nói riêng.

Bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn bác sĩ của bạn, đặc biệt là các chuyên gia về lĩnh vực cơ xương khớp, để có được những kiến thức đúng đắn, và những lời khuyên khoa học.

4.2 Cân đối lại chế độ làm việc và sinh hoạt

Cơn đau xuất hiện làm mọi thứ trong cuộc sống của bạn đảo lộn. Đi lại đau. Khi làm việc đau. Thậm chí nếu nặng, đang ngủ cũng phải thức dậy vì đau. Hiệu quả làm việc thì sa sút. Chất lượng cuộc sống suy giảm nhanh chóng.

Nghỉ ngơi sẽ giúp giảm đau hiệu quả. Những lúc như vậy, bạn đừng lo lắng quá nhiều. Hãy dành ra cho bản thân mình khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Trong khi hệ cơ xương khớp của bạn đang bị tổn thương, nếu vẫn tiếp tục vận động hoặc lao động với cường độ như trước thì thời gian và khả năng hồi phục sẽ kém hơn, thậm chí tổn thương còn nặng hơn.

Đồng thời, cần tránh các động tác xấu đối với cơ quan đó. Ví dụ, bạn bị đau do thoái hóa khớp gối thì không nên ngồi xổm, không ngồi khoanh chân; nếu bạn đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng nên hạn chế đứng lâu, ngồi lâu,…

4.3 Giảm cân

Cân nặng có ảnh hưởng lớn đến cơn đau trong bệnh cơ xương khớp. Thể trạng thừa cân, béo phì làm cho các khớp bị quá tải, đặc biệt là với khớp háng, khớp gối và bàn chân. Nếu bạn thừa cân hay béo phì, giảm cân sẽ giúp giảm đau, cải thiện khả năng vận động các khớp, đồng thời hạn chế nguy cơ có thêm tổn thương khớp trong tương lai.

4.4 Tập thể dục

Cơn đau như một rào cản ngăn bạn tập thể dục. Tuy nhiên, việc tập thể dục giúp chúng ta giảm đau, nâng cao sức bền, tăng sự linh hoạt, có được một cơ thể cân đối, và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, thể dục còn giúp giảm trầm cảm và lo âu, làm cho bạn cảm thấy sảng khoái và tự tin hơn.

4.5 Chườm ấm và chườm lạnh

Chườm ấm và chườm lạnh đều giúp giảm đau, nhưng sử dụng phương pháp nào tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau trong bệnh lý cơ xương khớp. Ví dụ cơn đau thắt lưng do co cứng khối cơ cạnh sống, bạn có thể dùng túi chườm ấm hoặc chai nhỏ đựng nước ấm chườm sẽ giúp giảm đau rõ rệt. Hay như đau mỏi toàn thân, đau và cứng nhiều khớp, việc xông hơi hay tắm nước ấm buổi sáng cũng giúp cơn đau và cứng khớp cải thiện rõ rệt. Hoặc nếu khớp của bạn sưng nóng, đỏ và đau lên nhanh chóng, bạn có thể dùng khăn vải bọc bên ngoài túi nước đá chườm cũng giúp giảm sưng, giảm đau rõ rệt.

Dù chườm ấm hay chườm lạnh có giúp giảm đau hiệu quả, nhưng mỗi biện pháp đều chỉ áp dụng trong những trường hợp cụ thể, nên việc tham khảo ý kiến chuyên gia cơ xương khớp của bạn là điều cần thiết

4.6 Massage

Massage giúp chúng ta thư giãn và giảm đau hiệu quả, đồng thời cải thiện khả năng vận động. Hãy gặp và nhận sự tư vấn từ chuyên gia vật lý trị liệu của bạn, thêm vào đó, bạn có thể học được cách tự massage cho chính mình. Điều này giúp bạn vừa chủ động được thời gian, vừa tiết kiệm đươc chi phí.

4.7 Omega-3

Một chế độ ăn có bổ sung Omega-3 đúng cách mang lại nhiều lợi ích giúp chúng ta nâng cao sức khỏe. Đặc biệt Omega-3 đã được chứng minh là có hiệu quả chống viêm, giảm đau. Omega-3 có nhiều trong cá thu, cá hồi, các mòi, cá trích, dầu gan cá tuyết, hàu, quả óc chó, đậu nành,…

Mỗi phương pháp trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Các phương pháp này không đối nghịch nhau mà khi phối hợp chúng lại trong quá trình điều trị, sẽ khắc phục nhược điểm của nhau, cùng đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho chúng ta.

Xem thêm bài viết liên quan:

  • Làm cách nào để giảm đau nhức xương khớp khi trời trở lạnh?
  • Top 7 bệnh viện và phòng khám cơ xương khớp chất lượng tốt và uy tín tại TP.HCM
  • 3 loại vitamin quan trọng cho xương khớp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *