Tiếp nối bài viết gãy xương bàn chân, YouMed mang đến cho độc giả bài viết về gãy xương ngón chân. Triệu chứng đau thay đổi tùy theo ngón gãy, đau dữ dội ở ngón cái, ít nhất ở ngón út. Bên cạnh đó, gãy xương ngón chân cũng ảnh hưởng việc đi lại, khả năng chịu lực và giữ thăng bằng. Ngoài ra, phần xương gãy có thể làm ảnh hưởng dây chằng, mạch máu, thần kinh… gây các biến chứng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu kĩ hơn về gãy xương ngón chân nhé!
1. Định nghĩa
Gãy xương ngón chân là những tổn thương ở xương ngón chân. Có thể có nhiều mức độ khác nhau, từ vết nứt xương không di lệch, đến gãy nát, di lệch nhiều. Gãy xương ngón chân tương đối phổ biến, chiếm khoảng 9% các gãy xương xảy ra trong cơ thể. Điều trị không đúng cách có thể dẫn đến đau và các biến chứng nghiêm trọng. Điều trị nói chung là đơn giản và đạt kết quả tốt.
Sơ lược về giải phẫu
Có tất cả 14 đốt ngón chân. Ngón chân thứ hai đến thứ năm thường có ba đốt, trong khi ngón chân cái chỉ có hai đốt ngón. Gân và dây chằng bám vào nền của mỗi đốt ngón chân. Lực tác động bởi các cấu trúc này có thể góp phần làm di lệch các mảnh gãy. Động mạch và thần kinh ngón chân đi cùng nhau dọc theo cạnh bên của mỗi ngón. Gãy xương ngón chân có thể ảnh hưởng đến những bó mạch thần kinh này.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Các nguyên nhân gây gãy xương ngón chân
Vị trí của ngón chân nằm ở phía trước của bàn chân, do đó chúng là phần dễ bị tổn thương nhất của bàn chân. Có rất nhiều nguyên nhân gây gãy xương ngón chân, bao gồm:
- Tai nạn giao thông: là nguyên nhân phổ biến của gãy xương ngón chân. Chúng thường gây ra những tổn thương nghiêm trọng, như gãy nát ngón chân. Đa số chúng cần phải phẫu thuật cấp cứu.
- Vấp ngã khi đang đi bộ, chạy, nhảy, tham gia các môn thể thao như bóng đá, trượt patin, múa ba-lê …
- Va chạm đầu ngón chân vào vật cứng, hay vật nặng từ trên cao rơi xuống.
- Các hoạt động lặp đi lặp lại, kéo dài lên ngón chân có thể gây ra gãy xương do mỏi. Thường gặp ở những vận động viên điền kinh, vũ công, người lính đi bộ đường dài. Ở những người loãng xương hoặc các rối loạn khác về xương có thể dễ dàng gãy xương ngón chân do mỏi. Chẳng hạn như, việc sử dụng giày không đúng cách cũng có thể làm gãy xương.
3. Các yếu tố nguy cơ
Những yếu tố nguy cơ cao xảy ra gãy xương ngón chân, bao gồm:
- Chơi các môn thể thao dùng chân nhiều, như: đá bóng, thể dục dụng cụ, múa ba lê…
- Mang giày không vừa vặn, không đúng cách và không phù hợp với hoạt động, thể dục thể thao.
- Tăng cường độ tập luyện đột ngột, kéo dài gây ra gãy xương do mỏi
- Làm việc trong môi trường bừa bộn, thiếu ánh sáng, hay các công trình lao động.
- Mắc các bệnh về xương, như loãng xương, bệnh xương thủy tinh…
- Trẻ nhỏ xương chưa phát triển hoàn chỉnh cũng dễ gây gãy xương.
4. Triệu chứng gãy xương ngón chân
Đau ngón chân có thể xuất hiện ngay sau chấn thương gãy xương ngón chân. Đau có thể gây ra khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là đau ngón chân cái. Điều này là do ngón chân cái chịu phần lớn trọng lượng cơ thể khi đi bộ. Gãy ngón chân út gây đau, nhưng thường không giới hạn khả năng đi lại. Đau ngón chân cũng gây nên khó khăn trong việc mang giày. Ở những bệnh nhân có bệnh lý thần kinh cảm giác (như do nguyên nhân đái tháo đường), triệu chứng đau có thể không hiện diện. Đau tăng lên khi đi lại hoặc cơ thể ở tư thế đặt trọng lượng lên ngón chân.
Sưng và bầm tím ngón chân thường xuất hiện và tiến triển trong vài giờ đầu sau chấn thương. Khi ngón chân bị sưng và đau lan tỏa sẽ gây khó khăn trong việc sờ nắn, nhằm xác định vị trí gãy xương.
Biến dạng ngón chân có thể xảy ra đối với các trường hợp gãy xương di lệch và trật khớp.
Ngón chân cũng có thể trở nên tê, xanh xao, lạnh, thậm chí mất cảm giác. Đó là biểu hiện của sự chèn ép hoặc tổn thương mạch máu gây tưới máu không đầy đủ.
Hạn chế cử động ngón chân.
Vết thương rách da thông vào ổ gãy xương sẽ biến gãy xương kín thành gãy xương hở. Tổn thương mô mềm xung quanh như móng và giường móng có thể xảy ra kèm theo.
5. Chẩn đoán gãy xương ngón chân
5.1 Thăm khám lâm sàng
Để chẩn đoán gãy xương ngón chân, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn chấn thương, cũng như thăm khám vùng xương gãy một cách kỹ càng. Người bệnh cần cung cấp những thông tin cần thiết cho bác sĩ. Bao gồm:
- Hoàn cảnh và thời gian xảy ra chấn thương.
- Các triệu chứng xuất hiện sau chấn thương và vị trí xảy ra các triệu chứng đó.
- Tiền căn có chấn thương vùng ngón chân trước đó không? Có các bệnh lý liên quan đến xương, như loãng xương không?
Các dấu hiệu chẩn đoán chắc chắn gãy xương bao gồm: biến dạng, cử động bất thường và lạo xạo xương. Dấu hiệu nghi ngờ gãy xương gồm: sưng, đau, bầm tím, mất khả năng vận động ngón chân.
5.2 Chẩn đoán phân biệt
Các triệu chứng của gãy xương ngón chân, cũng có thể là triệu chứng của các tình trạng sau:
- Trật khớp ngón chân.
- Bong gân khớp bàn ngón chân cái.
- Viêm khớp ngón chân cái.
- Gout.
- Nhiễm trùng mô mềm quanh ngón chân, viêm tủy xương ngón chân.
5.3 Cận lâm sàng
Sau khi đã thăm khám bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị một số cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm:
- X-quang bàn ngón chân tư thế thẳng, nghiêng, chếch. Đây là cận lâm sàng hình ảnh đầu tay và phổ biến nhất, giúp chẩn đoán hầu hết các tổn thương gãy xương ngón chân.
- Các cận lâm sàng hình ảnh khác ít phổ biến như siêu âm, CT, MRI.
6. Điều trị gãy xương ngón chân
Tùy thuộc vào vị trí cũng như mức độ trầm trọng của gãy xương ngón chân mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Ngón chân gãy có thể được nắn chỉnh lại đúng vị trí, sau đó nẹp hoặc bó bột. Nếu có vết thương hở có thể cần tiêm ngừa uốn ván và kháng sinh.
6.1 Chăm sóc ban đầu tại nhà
Sau khi chấn thương ngón chân, có thể tự chăm sóc tại nhà đối với những tổn thương nhẹ. Các phương pháp sau đây có thể giúp giảm đau, giảm sưng nề và lành xương đúng cách:
- Nghỉ ngơi: cần tránh vận động mạnh hoặc đi đứng kéo dài. Khi đi lại có thể dùng nạng để hỗ trợ nhằm tránh tác động nặng đến ngón chân bị thương.
- Chườm lạnh: Đặt túi đá lạnh vào ngón chân bị thương trong khoảng 15 – 20 phút, cách nhau 1 – 2 giờ, trong 1 – 2 ngày đầu sau chấn thương.
- Kê cao chân: có thể giúp giảm đau, giảm sưng nề sau chấn thương. Giữ cho bàn chân cao hơn mức tim càng nhiều càng tốt. Ví dụ, có thể gác chân lên chăn gấp cao hoặc một vài chiếc gối khi ngủ.
6.2 Thuốc
Thuốc giảm đau như aceteminophen (paracetamol) và kháng viêm như ibuprofen có thể giúp giảm đau, giảm sưng nề. Đối với các trường hợp gãy xương hở có thể dùng thêm thuốc kháng sinh, uốn ván để dự phòng và điều trị nhiễm trùng.
6.3 Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật)
Đối với các gãy xương không di lệch có thể điều trị bằng cách bất động ngón chân gãy. Cố định ngón chân gãy vào ngón chân bên cạnh bằng băng keo. Cần lót gòn gạc vào giữa 2 ngón chân để tránh lở loét hoặc mụn nước.
Phương pháp này đơn giản có thể thực hiện tại nhà. Ngoài ra cũng có thể bó bột cẳng bàn chân để cố định ngón chân gãy. Đối với các trường hợp gãy ngón chân di lệch, đơn giản, bác sĩ sẽ cần phải nắn chỉnh ngón chân gãy về đúng trục giải phẫu và ngón chân gãy không bị xoay. Sau khi nắn chỉnh sẽ phải cố định ngón chân gãy bằng cách bó bột cẳng bàn chân. Thời gian cố định đối với gãy xương ngón chân thường từ 4 đến 6 tuần.
6.4 Điều trị phẫu thuật
Đối với một số trường hợp nặng có thể cần thiết phải phẫu thuật. Phẫu thuật bằng cách nắn và xuyên kim Kirschner nhằm cố định ngón chân gãy, chống xoay và di lệch thứ phát. Ngoài ra đối với trường hợp tổn thương móng chân, có thể cần khâu lại móng chân và giường móng. Sau phẫu thuật cần tái khám theo dõi biến chứng, sự lành xương. Rút kim Kirschner sau 4 – 6 tuần, khi sự lành xương vững.
7. Biến chứng
Các biến chứng của gãy xương ngón chân có thể xảy ra ngay sau chấn thương (vài giờ, vài ngày) hoặc có thể muộn hơn (vài tuần đến nhiều năm). Bao gồm:
- Khối máu tụ dưới móng chân: thường xảy ra khi chấn thương vùng giường móng. Khối máu tụ lớn có thể dẫn lưu lấy máu tụ. Những trường hợp nặng, tụ máu nhiều, gây đau có thể cần cắt bỏ toàn bộ móng chân.
- Chậm lành xương, can lệch: phẫu thuật là cần thiết để tránh đau mạn tính và không liền xương
- Thoái hóa khớp, viêm khớp, cứng khớp: xảy ra khi gãy xương gây cấp kênh mặt khớp. Lâu ngày, vận động sẽ gây bào mòn, hủy hoại mặt khớp, gây đau mạn tính và hạn chế vận động. Cần phẫu thuật để sửa chữa mặt khớp.
- Tổn thương thần kinh, mạch máu, viêm xương tủy. Biến chứng này có thể gây hoại tử ngón chân, mất cảm giác và vận động ngón chân. Xảy ra sau khi gãy xương hở, gãy nát xương ngón chân.
8. Cách phòng ngừa gãy xương ngón chân
Các mẹo sau đây sẽ giúp bạn phòng tránh những chấn thương ngón chân đáng tiếc xảy ra:
- Mang giày phù hợp và sử dụng đúng cách trong từng hoàn cảnh, công việc cụ thể. Ngoài ra, cần thay giày khi có những dấu hiệu hao mòn như rách mũi giày, mòn đế giày.
- Cung cấp các chất dinh dưỡng để phòng ngừa loãng xương, như canxi, vitamin D, sữa, phô mai…
- Sử dụng đèn trong phòng, nhà hay công ty khi đi lại, khi cảm thấy tối.
- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, nhất là những vật dụng dưới nền nhà, vì dễ va chạm khi đi lại.
Tóm lại, gãy xương ngón chân tương đối thường gặp. Điều trị gãy xương ngón chân đơn giản và đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm và đúng cách, nó có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn. Sau bài viết này, YouMed hy vọng độc giả có thể nhận biết được dấu hiệu của gãy xương ngón chân. Khi có những va chạm, chấn thương ngón chân, khó khăn khi đi lại… hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ thăm khám để xác định chẩn đoán và đưa ra điều trị hiệu quả nhất.