Mũi là một bộ phận quan trọng và nổi bật trên gương mặt mỗi người. Mũi có nhiều chức năng về hô hấp cũng như thẩm mỹ. Đây cũng là một bộ phận dễ chấn thương trong những tai nạn thường ngày. Gãy xương mũi là loại gãy xương phổ biến nhất trong các xương ở vùng hàm mặt. Có thể gãy đơn thuần hoặc liên quan các tổn thương khác. Gãy xương mũi có nhiều mức độ. May mắn là phần lớn trường hợp không nguy hiểm tính mạng và có tiên lượng tốt. Mặc dù vậy một số trường hợp cần phải thăm khám và điều trị kịp thời nếu không sẽ để lại di chứng về sau.
>> Nghẹt mũi là một triệu chứng vô cùng phổ biến, hầu như ai cũng từng gặp phải. Triệu chứng nghẹt mũi có thể là sinh lý bình thường hoặc cũng có thể là bệnh lý. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến nghẹt mũi.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Tổng quan về gãy xương mũi
Xương mũi là 2 xương nhỏ nằm ở vị trí 1/3 trên của mũi. Cùng với các sụn mũi là sụn mũi bên, sụn cánh mũi lớn, sụn cánh mũi nhỏ và sụn vách ngăn. Xương mũi tạo nên bộ khung định hình cho mũi. Gãy xương mũi xảy ra nếu có một tác động đủ mạnh làm mất liên tục của 2 xương này.
Xương mũi nằm ở vị trí nhô cao và trước nhất của khuôn mặt kèm theo việc thiếu các cấu trúc nâng đỡ khiến nó dễ bị tổn thương khi va chạm. Gãy xương mũi thường gặp nhất trong các gãy xương vùng hàm mặt. Độ tuổi thường ở người trẻ với tỉ lệ nam giới gấp đôi nữ giới.
Những nguyên nhân thường gặp gây gãy xương mũi
Xương mũi có thể bị gãy nếu có một lực đủ mạnh tác động vào mũi. Trường hợp này có thể kèm theo những tổn thương ở vùng mặt hoặc cổ khác. Một số nguyên nhân thông thường là:
- Tai nạn giao thông
- Va đập vào mũi khi chơi các môn thể thao có tính đối kháng
- Té ngã hoặc đập mũi vào các vật cố định như cánh cửa, bức tường…
- Bị đánh vào mũi trong các cuộc ẩu đả
Gãy xương mũi thường biểu hiện ra sao?
Khi xương mũi bị gãy, các biểu hiện thường gặp là:
- Đau, cảm giác căng tức vùng mũi, tăng lên khi sờ nắn
- Sưng nề mũi và vùng xung quanh
- Chảy máu mũi hoặc chảy dịch nhầy từ mũi
- Mũi bị méo mó, biến dạng
- Khó thở, cảm giác nghẹt mũi một hay hai bên
- Tiếng ‘crắc’ khi dùng tay chạm vào phần xương mũi bị gãy
Biến chứng có thể gặp
Gãy xương mũi có thể gây ra những biến chứng sau:
- Ảnh hưởng chức năng hô hấp: nếu không được xử trí đúng cách, các biến dạng mũi sẽ ảnh hưởng tới con đường dẫn khí gây các triệu chứng như nghẹt mũi.
- Ảnh hưởng thẩm mỹ: xương mũi gãy có thể hình thành can xương. Khi đó chúng lành thương theo một cách bất thường. Hậu quả là thay đổi hình dạng mũi.
- Vẹo vách ngăn: gãy xương mũi có thể dẫn tới vẹo vách ngăn. Vách ngăn mũi là một cấu trúc gồm sụn và xương phân cách 2 lỗ mũi. Khi vách ngăn mũi bị vẹo, một bên mũi thường bị hẹp dẫn tới nghẹt mũi. Thường cần phải phẫu thuật để giải quyết tình trạng này.
- Tụ máu: sau khi gãy xương mũi, máu có thể bị ứ lại, gây tắc một hoặc hai bên mũi. Ngoài ra khối máu tụ cần dẫn lưu sớm nếu không sẽ gây phá hủy sụn mũi.
Gãy xương mũi được chẩn đoán như thế nào?
Ngoài những dấu hiệu sưng đau của người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám thêm để có nhận định chính xác. Thông thường việc khám được thực hiện bằng cách ấn nhẹ vùng mũi để tìm điểm đau nhói và mất liên tục xương. Có thể kết hợp thêm dụng cụ quan sát bên trong mũi để tìm các dấu hiệu như rách niêm mạc, gãy vách ngăn, tắc nghẽn, đọng máu trong hốc mũi. Vì xương mũi nằm ở vị trí trung tâm và gần các cấu trúc quan trọng nên cần kiểm tra kĩ lưỡng để không bỏ sót gãy các xương hàm mặt khác.
Cận lâm sàng thường dùng là hình ảnh học:
- X quang có thể bỏ sót 50% trường hợp. Độ nhạy và độ đặc hiệu của X quang không cao. Vì vậy nó không được chỉ định thường quy nếu chỉ nghi ngờ gãy xương mũi đơn thuần. Thường chụp X quang nếu có khả năng tổn thương các xương khác ở vùng mặt.
- CT scan nên được thực hiện nếu có điều kiện vì có thể kiểm tra những tổn thương khác kèm theo. Đây là phương tiện cung cấp nhiều thông tin cho việc chẩn đoán nhất. Mặc dù vậy các tổn thương sụn vẫn có thể bị bỏ sót.
Hình ảnh gãy xương mũi trên phim X quang
Cách xử trí gãy xương mũi
Nếu bạn va đập vùng mũi và có triệu chứng nghi ngờ gãy xương mũi, trước tiên cần cầm máu mũi nếu có. Sau đó là điều trị giảm đau và phù nề. Tùy vào tình hình tiếp theo mà có cần tới bệnh viện hay không.
>> Chảy máu cam hay chảy máu mũi là một tình trạng phổ biến, bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chảy máu cam, nhưng đa số không nghiêm trọng và bạn có thể tự xử trí tại nhà.
- Giữ cơ thể là tư thế ngồi thẳng để mũi nằm ở mức cao hơn tim.
- Thở qua đường miệng và cúi người ra trước. Điều này hạn chế máu chảy xuống họng gây khó chịu hoặc sặc vào đường thở. Tránh nuốt máu vào bụng.
- Bóp cánh mũi bằng ngón trỏ và ngón cái và giữ trong khoảng 5 phút. Nếu vẫn chảy máu, tiếp tục thêm 10 phút.
Giảm đau và phù nề
- Chườm đá vào vùng chấn thương trong 10 tới 15 phút để giảm đau và sưng nề. Cẩn thận không dùng lực quá mạnh vì có thể làm tăng tổn thương tới xương mũi. Lặp lại 3 tới 4 lần một ngày nếu cần.
- Dùng giảm đau nếu cần, như acetaminophen, ibuprofen…
- Nằm với tư thế đầu cao, nhất là khi ngủ, bằng cách kê thêm gối.
Trường hợp nào cần phải khám ngay?
Nếu chỉ có đau và phù nề ở mức độ nhẹ tới trung bình, bạn có thể theo dõi ở nhà. Các triệu chứng có thể dần cải thiện mà không cần tới bệnh viện. Tuy nhiên có một số tình huống cần đi khám càng sớm càng tốt, có thể kể tới như:
- Gãy xương mũi kèm theo một chấn thương khác ở đầu và cổ. Biểu hiện thường là đau đầu dữ dội, đau cổ, nôn ói, mất ý thức.
- Khó thở
- Chảy máu khó cầm
- Chảy dịch loãng, trong từ mũi sau chấn thương. Đây có thể là dấu hiệu của rò dịch não tủy, một tình trạng rất nguy hiểm
- Sau 3 tới 5 ngày theo dõi, sưng đau không cải thiện hoặc có cải thiện nhưng mũi biến dạng hay có sốt.
Điều trị chuyên khoa
Tùy theo mức độ tổn thương qua thăm khám và dấu hiệu hình ảnh học mà điều trị cũng khác nhau. Có thể chỉ cần uống thuốc và theo dõi nhưng cũng có thể cần tới phẫu thuật. Quyết định can thiệp được đưa ra sau vài ngày theo dõi và điều trị để mũi bớt sưng nề. Sau đó, có thể lựa chọn giữa nắn chỉnh thông thường hay cần tới phẫu thuật.
- Nắn chỉnh thông thường: thường được thực hiện trong vòng 1 tới 2 tuần sau chấn thương. Thời gian này đủ để giảm sưng nề, đồng thời không quá muộn để chỗ gãy tự lành, gây khó khăn cho việc thực hiện. Thuốc giảm đau được sử dụng trước đó. Tiếp theo các dụng cụ được đưa qua đường mũi. Kết hợp với việc nắn bằng tay bên ngoài, chỗ gãy sẽ được điều chỉnh về vị trí ban đầu. Cuối cùng chỗ gãy sẽ được cố định để tự lành bằng cách đặt một miếng vật liệu cố định vào trong mũi và băng ép ở phía ngoài. Việc cố định này thường kéo dài khoảng 1 tuần. Kháng sinh có thể được sử dụng để phòng ngừa nhiễm trùng.
- Phẫu thuật: thường được lựa chọn nếu xương mũi bị gãy nghiêm trọng, gãy thành nhiều mảnh hoặc không được điều trị quá 14 ngày.
Phòng tránh gãy xương mũi thế nào?
- Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy
- Thắt dây an toàn nếu đi ô tô, đặc biệt cho trẻ nhỏ
- Sử dụng đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm có mặt nạ khi chơi những môn thể thao có tính va chạm.
Gãy xương mũi là một tình huống không hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày. Việc chẩn đoán không khó, chủ yếu dựa vào các biểu hiện sưng đau tại chỗ kết hợp với hình ảnh học. Phần lớn các trường hợp gãy xương mũi không ảnh hưởng tới tính mạng. Trong những trường hợp nhẹ chỉ có sưng đau mà không biến dạng mũi thì chỉ cần theo dõi đơn thuần. Những trường hợp nặng hơn sẽ cần tới nắn chỉnh hoặc phẫu thuật. Điều quan trọng nhất là nhận biết những tình huống nguy hiểm và thời điểm cần tới bệnh viện. Xử trí kịp thời sẽ bảo tổn được chức năng hô hấp và thẩm mỹ của mũi. Ngược lại sẽ để lại những biến chứng gây ảnh hưởng xấu về sau.
>> Bạn cần phải nhanh chóng nhập viện khi gặp những loại chấn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu chấn thương ở mũi của bạn chỉ bao gồm sưng tấy kèm mức độ đau vừa phải, bạn có thể đến khám bác sĩ.
Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh