Gãy cổ xương đùi thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt khi mật độ xương bị loãng. Có thể nói gãy cổ xương đùi là một thảm họa với người cao tuổi. Bởi bệnh rất khó điều trị và để lại nhiều di chứng nặng nề. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân. Việc trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị gãy cổ xương đùi phần nào giúp giải tỏa những thắc mắc và lo âu của bạn. Vì vậy, hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!
1. Gãy cổ xương đùi là gì?
Cổ xương đùi là nơi nối chỏm xương đùi vào thân xương đùi. Do đặc điểm cấu tạo xương, vùng cổ xương đùi chưa một vùng điểm yếu nhất, gọi là tam giác Ward. Đây là điểm dễ gãy nhất.
Hệ thống động mạch nuôi dưỡng chỏm xương đùi khá nghèo nàn. Hơn nữa nó lại còn vắt qua cổ xương đùi. Khi gãy cổ xương đùi, đa số các mạch máu nuôi chỏm bị tổn thương. Nếu không có máu nuôi dưỡng, mô xương sẽ bị chết đi (gọi là hoại tử vô mạch). Gãy xương xảy ra ở nơi có cung cấp máu đầy đủ sẽ có cơ hội lành xương tốt hơn.
Những đặc điểm giải phẫu, chức năng này làm cho gãy cổ xương đùi là gãy xương nặng, khó điều trị, để lại nhiều di chứng.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Gãy cổ xương đùi là loại gãy trong bao khớp. Bao khớp là mô sợi bao quanh khớp, là nơi chứa dịch khớp. Dịch khớp là chất có vai trò bơi trơn và nuôi dưỡng khớp. Gãy xương ở khu vực này được phân loại dựa trên vị trí gãy dọc theo cổ xương đùi:
- Gãy dưới chỏm: nơi nối giữa chỏm xương đùi và cổ xương đùi
- Gãy cổ chính danh: gãy ở phần giữa cổ xương đùi
- Gãy nền cổ: gãy phần nền của cổ xương đùi
Vì những nguyên nhân này, điều trị một bệnh nhân lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ phụ thuộc vào vị trí ổ gãy và chất lượng máu cung cấp cho xương.
2. Nguyên nhân của gãy cổ xương đùi là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây nên gãy cổ xương đùi đã được xác nhận. Tuy nhiên, chấn thương là nguyên nhân thường gặp nhất. Một số ít còn lại liên quan đến các bệnh lí nào đó.
Trên 50 tuổi hoặc có tình trạng bệnh làm suy yếu xương, chẳng hạn như loãng xương, làm tăng nguy cơ gãy cổ xương dùi đáng kể. Ung thư xương cũng là một yếu tố nguy cơ gây gãy cổ xương đùi.
Té ngã là nguyên nhân phổ biến nhất của gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi. Ngoài ra, một chấn thương gián tiếp cũng có thể gây gãy cổ xương đùi. Lực tác động vào gối hoặc bàn chân ở tư thế đùi khép gây ra một lực lớn dồn lên làm gãy cổ xương đùi. Có thể nói, ở người già chỉ cần một chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy cổ xương đùi.
Ở những người trẻ tuổi, gãy xương này thường xảy ra do chấn thương năng lượng cao. Chẳng hạn như va chạm xe cộ hoặc rới tự độ cao lớn.
Gãy cổ xương đùi thường hiếm gặp ở trẻ em. Cùng với chấn thương năng lượng cao, gãy xương cũng có thể xảy ra bởi mật độ khoáng xương thấp, chẳng hạn như loãng xương. Hoặc một số tình trạng bệnh lý khác như bại não, loạn dưỡng cơ.
>> Xem thêm: Bại não là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa ra sao?
3. Ai dễ bị gãy cổ xương đùi hơn?
Có thể nói bất kì ai cũng có thể bị gãy cổ xương đùi. Tuy nhiên, những người lớn tuổi thường dễ bị gãy cổ xương đùi hơn. Đặc biệt là những người có mật độ khoáng của xương thấp. Gãy cổ xương đùi chiếm khoảng 1/5 tổng số các gãy xương ở người cao tuổi do chấn thương nhẹ như ngã đập hông trên nền cứng.
Theo một thống kê cho thấy hơn 90% gãy cổ xương đùi xảy ra ở những người lớn hơn 50 tuổi. Hơn nữa, gãy cổ xương đùi phổ biến ở phụ nữ hơn đàn ông.
4. Triệu chứng của gãy cổ xương đùi là gì?
Triệu chứng phổ biến nhất của gãy cổ xương đùi là đau. Đau tại vùng háng. Cơn đau trầm trọng hơn khi bạn chống chân xuống đất hoặc cố gắng xoay khớp háng. Mức độ đau thay đổi theo từng cá nhân.
Một số ít trường hợp gãy cổ xương đùi người bệnh vẫn có thể đi lại sau chấn thương. Điều này rất nguy hiểm vì bạn có thể sẽ chủ quan. Bạn sẽ không đến khám và tiếp tục sinh hoạt bình thường. Điều này khiến cho các mảnh gãy cắm chặt hơn vào nhau, dẫn đến liền xương lệch trục, chèn ép các mạch máu gây hoại tử chỏm xương đùi.
Ngoài ra, khi gãy cổ xương đùi, chân của bạn có thể bị ngắn hơn so với chân lành. Hoặc bạn sẽ thấy chân bị xoay ra ngoài với bàn chân và gối hướng ra bên ngoài.
5. Các biến chứng của gãy cổ xương đùi
5.1 Biến chứng sớm
Các biến chứng có thể xảy ra ngay thời điểm gãy xương đó là:
- Sốc: sốc do mất máu, do đau, do tắc mạch do mỡ.
- Trầm trọng hơn các bệnh lí nền: đợt suy tim mất bù, đợt cấp bệnh phổi mạn tính…
Các biến chứng liên quan bất động nằm lâu, như:
- Huyết khối tĩnh mạch
- Loét tì đè
- Nhiễm trùng: viêm phổi, nhiễm trùng tiểu
- Teo cơ
- Suy dinh dưỡng
5.2 Những di chứng của gãy cổ xương đùi
Hoại tử chỏm xương đùi, cứng khớp háng, co rút teo cơ, bàn chân xoay ngoài…
Những di chứng này gây đau, biến dạng chân. Dẫn đến hạn chế sinh hoạt, lao động. Người bệnh phải phụ thuộc sự chăm sóc của người khác, dễ dẫn đến tự ti, trầm cảm.
6. Chẩn đoán gãy cổ xương đùi bằng cách nào?
Bác sĩ thường chẩn đoán gãy cổ xương đùi dựa trên bệnh sử, triệu chứn và những dấu hiệu về vị trí khớp háng và chân của bạn.
Để khai thác bệnh sử, bác sĩ sẽ hỏi bạn một vài thông tin như:
- Hoàn cảnh chấn thương xảy ra như thế nào? Thời gian, không gian, có ai chứng kiến không? Đã sơ cứu, điều trị gì chưa?
- Các tính chất đau. Đau xuất hiện khi nào? Mức độ đau? Điều gì làm cơn đau tăng lên hay giảm xuống hay không?
- Các bệnh lí nền đi kèm. Chẳng hạn như loãng xương, ung thư xương…
- Có chấn thương khớp háng trước đây chưa?
- Tiền căn bệnh lý gia đình như thế nào?
Bác sĩ cũng tiến hành thăm khám lâm sàng. Họ sẽ xác đinh lại các tính chất đau, kiếm tra mức độ vận động hay biến dạng của khớp háng.
Sau khi thăm khám xong, bác sĩ sẽ chỉ định bạn đi chụp phim X – quang. Mục đích để xác nhận chẩn đoán gãy xương và xác định xem phần xương nào bị gãy.
Một số đường gãy nhỏ hoặc gãy không hoàn toàn có thể không phát hiện trên phim X – quang. Đôi lúc gãy xương của bạn không nhìn thấy trên X-quang nhưng bạn vẫn có triệu chứng nghi ngờ gãy xương. Khi đó, bác sĩ có thể đề nghị làm thêm những chẩn đoán hình ảnh khác để có cái nhìn chi tiết hơn. Ví dụ như chụp CT scan, cộng hưởng tư (MRI)…
7. Điều trị gãy cổ xương đùi như thế nào?
Những phương pháp điều trị gãy cổ xương đùi có thể là thuốc, điều trị bào tổn, phẫu thuật, phục hồi chức năng.
7.1 Thuốc
Thuốc giảm đau giúp làm dịu các cơn đau, thường cho trong thời gian ngắn. Có thể là những thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), hoặc những thuốc giảm đau cần kê đơn của bác sĩ, như các opioid.
Bác sĩ cũng có thể kê các thuốc biophosphonate và những thuốc loãng xương khác. Mục đích để tăng mật độ khoáng chất cho xương, làm tăng sự vững chắc cho xương. Những thuốc này giảm giảm nguy cơ cho những gãy xương háng khác, tùy thuộc vào độ tuổi của bạn.
Các thuốc chống đông máu được dùng để đề phòng huyết khối tĩnh mạch chi dưới đối với trường hợp đa chấn thương hoặc có nguy cơ.
7.2 Điều trị bảo tồn
Một số phương pháp điều trị bảo tồn như bó bột, kéo liên tục, nẹp chống xoay.
7.3 Phẫu thuật
Phẫu thuật cấp cứu thường được khuyến cáo cho những gãy xương háng để giảm đau và phục hồi khả năng vận động càng sớm càng tốt. Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau được sử dụng để điều trị gãy cổ xương đùi. Lựa chọn loại nào là phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của gãy xương, độ tuổi và điều kiện y tế sẵn có.
Việc gãy xương của bạn có gây tổn thương mạch máu hay không cũng góp phần xác định loại phẫu thuật nào được thực hiện.
- Cố định trong
Phương pháp này sử dụng những đinh hay vít kim loại để giữ xương của bạn lại với nhau. Điều này giúp ổ xương gãy lành. Những dụng cụ kim loại này được chèn vào xương của bạn hoặc gắn vào một tấm kim loại chạy dọc xương đùi của bạn.
- Thay khớp háng một phần
Đây là phương pháp loại bỏ đi chỏm và cổ xương đùi. Sau đó thay thế chúng bằng một bộ phận giả bằng kim loại.
- Thay khớp háng toàn phần
Thay khớp háng toàn phần là thay cả đầu trên xương đùi và ổ cối khớp háng.
7.4 Phục hồi chức năng
Song song với các biện pháp trên, bạn cũng cần được điều trị phục hồi chức năng. Phục hồi chức năng đóng vai trò thiết yếu trong chương trình điều trị. Mục đích:
- Giảm đau, giảm phù nề
- Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch
- Gia tăng sức mạnh các nhóm cơ vùng háng, vùng mông
- Khôi phục sự vận động của khớp háng
- Khôi phục dáng đi
- Lấy lại hoạt động sống bình thường cho bạn.
Tập đi lại với kĩ thuật viên vật lí trị liệu sau phẫu thuật thay khớp háng
8. Phòng ngừa gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi
Để phòng ngừa gãy cổ xương đùi, người cao tuổi có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Duy trì vận động thể chất. Mức độ vận động phù hợp với năng lực, độ tuổi.
- Chế độ ăn uống lành mạnh. Duy trì dinh dưỡng đủ canxi và vitamin.
- Loại bỏ các nguy cơ gây ngã ở nhà như sàn trơn…
- Điều trị các rối loạn về thị giác
- Phát hiện, phòng và điều trị loãng xương sớm
- Hướng dẫn cho người già cách đề phòng ngã trong sinh hoạt hằng ngày
Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kì thắc mắc hay lo lắng gì, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn. Tuyệt đối không tự ý điều trị!
>> Xem thêm: Gãy xương cổ chân
Tóm lại, gãy cổ xương đùi thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt có mật độ xương thấp. Gãy cổ xương đùi thường có tiên lượng xấu vì gây nhiều biến chứng. Cách tốt nhất là áp dụng những biện pháp phòng ngừa gãy cổ xương đùi xảy ra. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về gãy cổ xương đùi nhằm giải tỏa bớt lo âu của bạn đọc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân