Gai xương đầu gối là một bệnh lý ít người biết đến. Nó có thể gây đau dữ dội và ảnh hưởng nhiều đến khả năng di chuyển cũng như sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Vậy dấu hiệu nhận biết bệnh lý này là gì? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Hứa Minh Luân sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về bệnh lý này để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nó. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé
Gai xương đầu gối là gì?
Gai xương đầu gối, hay còn được gọi là gai khớp gối, là tình trạng các xương vùng đầu gối phát triển bất thường hình thành nên các gai nhỏ trên bề mặt xương. Đa số các trường hợp gai xương đầu gối ít đau. Tuy nhiên, nếu gai xương ảnh hưởng đến các dây thần kinh xung quanh hoặc chèn ép vào các mô, thì sẽ khiến cho người bệnh đau dữ dội và hạn chế khả năng vận động cũng như sinh hoạt hằng ngày.1 2
Hậu quả khi bị gai xương đầu gối
Đa số các trường hợp gai xương đầu gối ít gây đau và không gây nguy hiểm nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên cũng có trường hợp gai xương khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các hậu quả thường gặp:1 2
- Nếu không điều trị, lâu ngày, gai xương sẽ phát triển lớn dần, chèn ép các mô và dây chằng xung quanh khiến bệnh nhân đau dữ dội.
- Gai xương chèn ép làm tổn thương các dây thần kinh gây nên hiện tượng tê bì, mất cảm giác ở đầu gối. Có trường hợp các tổn thương thần kinh ở đầu gối vĩnh viễn.
- Ngoài ra các mạch máu xung quanh cũng có khả năng bị ảnh hưởng khiến tình trạng lưu thông máu không được tốt.
Dấu hiệu gai xương đầu gối điển hình
Tuỳ theo mức độ phát triển của gai xương mà bệnh nhân có thể có triệu chứng hoặc không. Dưới đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh lý gai xương đầu gối.2
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Đau vùng khớp gối
Đau vùng khớp gối là một dấu hiệu thường gặp điển hình của bệnh lý này. Người bệnh có thể đau dữ dội ở vùng đầu gối mà không kiểm soát được. Cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh vận động nhiều, co duỗi chân, leo cầu thang hay đứng dậy… Đau nhiều khiến cho bệnh nhân không dám vận động nhiều mà chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ. Lâu ngày có thể gây ra tình trạng loét tì đè.
Sưng vùng đầu gối
Khi các gai xương phát triển lớn và nhiều sẽ dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối. Điều này dẫn đến khớp gối bị sưng tấy, phù nề gây khó khăn trong việc di chuyển của bệnh nhân.
Cứng khớp
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng gai xương là do tình trạng lượng canxi tập trung nhiều ở vùng khớp gối. Khi lượng canxi tập trung nhiều sẽ gây ra tình trạng cứng khớp. Đặt biệt là vào các buổi sáng sớm.
Tê bì, mất cảm giác vùng gối
Khi các gai xương phát triển to chèn ép lên các dây thần kinh sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy tê bì và mất cảm giác vùng đầu gối. Có trường hợp các dây thần kinh vùng khớp gối bị tổn thương vĩnh viễn không hồi phục được.
Nguyên nhân hình thành gai xương đầu gối
Thực ra không có nguyên nhân điển hình gây nên tình trạng này. Các nguyên nhân có thể do tình trạng bệnh lý, chấn thương hoặc vận động vùng khớp gối quá nhiều,…2 3
Thoái hoá khớp gối
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên tình trạng gai xương vùng đầu gối. Tình trạng thoái hoá khớp gối xảy ra là do viêm xương vùng khớp gối lâu ngày dẫn đến phá vỡ các sụn vùng đầu xương. Ở những khu vực bị tổn thương sẽ hình thành nên các gai xương.
Chấn thương vùng đầu gối
Các tai nạn chấn thương vùng đầu gối dẫn đến lượng canxi tập trung nhiều vùng bị tổn thương. Từ đó hình thành nên các gai xương.
Gây áp lực nhiều lên khớp gối
Những người thường xuyên vận động vùng khớp gối như các vận động viên bóng rổ hay các cầu thủ bóng đá… sẽ dễ gây tổn thương vùng khớp gối dẫn đến hình thành gai xương.
Tuổi tác
Khi tuổi tác ngày càng cao thì quá trình lão hoá sẽ diễn ra. Khi đó, xương khớp cũng bắt đầu suy giảm và thoái hoá. Lâu ngày sẽ hình thành nên các gai xương.
Ngoài các nguyên nhân trên thì có một vài yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ bệnh như: mang thai, thay đổi nội tiết tố, béo phì…
Phương pháp điều trị gai xương đầu gối
Nếu người bệnh không đau thì có thể không cần điều trị. Nếu đau nhẹ thì có thể sử dụng thuốc và tập vận động để khắc phục dần.Còn nếu đau nhiều, các bác sĩ sẽ xem xét khả năng phẫu thuật.
Điều trị nội khoa
Mục tiêu trong điều trị này là giảm đau, kháng viêm và phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân. Cụ thể bao gồm:1 2
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc giảm đau, kháng viêm và các loại thuốc giãn cơ. Ngoài ra bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiêm cortisone vào khớp gối.4 5
- Nghỉ ngơi: Người bệnh cần tránh vận động nhiều liên quan đến khớp gối. Vì có thể sẽ gây cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân nên dành thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý. Điều nay giúp cho khớp gối có thời gian phục hồi tốt hơn.
- Tập vật lý trị liệu: Các động tác tập được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa. Chúng giúp hỗ trợ giảm đau cho bệnh nhân cũng như phục hồi được các chức năng của khớp gối.
Phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị nội khoa không đạt được hiệu quả thì phẫu thuật sẽ được các bác sĩ xem xét chỉ định. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay gồm:6
- Phẫu thuật nội soi khớp gối: Giúp loại bỏ các gai xương. Ngoài ra còn giúp giảm đau và phục hồi được các chức năng của khớp gối. Phương pháp này ít xâm lấn và không gây đau nhiều cho người bệnh.
- Phẫu thuật thay khớp gối: Đây là phương pháp ít được dùng. Trừ các trường hợp nghiêm trọng ảnh hưởng nguy hiểm cho người bệnh thì có thể cần phải thay khớp để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa gai xương đầu gối
Gai xương đầu gối ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chính vì thế chúng ta cần phải phòng ngừa để tránh mắc bệnh. Dưới đây là một vài việc bạn cần làm để phòng ngừa bệnh:1 2
- Hạn chế các hoạt động nặng liên quan đến vùng khớp gối. Duy trì vận động cơ thể, tập thể dục đều đặn hợp lý để tăng cường sức khoẻ cho khớp gối.
- Tránh tăng cân quá mức. Duy trì trọng lượng cơ thể một cách vừa phải bằng việc ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục thể thao phù hợp.
- Không nên ngồi quá lâu một chỗ. Giữ tư thế ngồi đúng tránh đè ép nhiều lên khớp gối.
- Tránh các chấn thương ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp gối như gãy xương hay trật khớp gối…
Xem thêm: 8 bài tập yoga chữa đau khớp gối tại nhà đơn giản nhất
Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh lý gai xương đầu gối. Đây là một bệnh lý có thể không gây triệu chứng trong thời gian đầu. Nhưng nếu tình trạng kéo dài và không được điều trị. Nó có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, cũng như sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Chính vì thế mọi người không nên chủ quan mà nên hiểu rõ về căn bệnh này, nhằm chủ động hơn trong việc phát hiện và điều trị, kiểm soát tốt ngay từ đầu.