Đau khớp gối: Nguyên nhân và lời khuyên dành cho người bị đau khớp gối

Đau khớp gối có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ngày nay đau khớp gối đang có xu hướng trẻ hóa. Tuy vậy, những người trẻ tuổi còn rất chủ quan vì cho rằng đó là bệnh của người già. Đau khớp gối nếu không phát hiện và điều trị sớm, có thể để lại nhiều hậu quả xấu, thậm chí gây tàn tật.

Tại sao bạn lại bị đau khớp gối?

Khớp gối là một trong những khớp lớn và quan trọng nhất cơ thể vì nó có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Nguyên nhân gây đau khớp gối rất đa dạng, có thể kể đến các nguyên nhân như sau:

  • Khớp gối bị thoái hóa do tuổi cao;
  • Tư thế lao động sai trong thời gian dài. Những công việc đòi hỏi áp lực nhiều trên đầu gối như xây dựng, làm nông, trồng trọt, vận động viên làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.
  • Béo phì làm khớp gối luôn bị áp lực bởi cân nặng của cơ thể;
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi, vitamin D lâu dài;
  • Chấn thương (giãn, rách dây chằng, căng hoặc rách gân, viêm gân bánh chè, tổn thương, rách sụn);
  • Viêm khớp gối do nhiễm khuẩn. Đôi khi khớp gối có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến sưng, đau và đỏ. Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể gây ra sốt toàn thân. 
  • Mắc bệnh gout (gút). Gút này xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp gây đau nhức. Đau gối do gút thường chỉ xuất hiện ở một bên gối.

Khi khớp gối bị thoái hóa, lớp sụn bị bào mòn gần hoàn toàn. Nó không còn che phủ được đầu xương, làm cho hai đầu xương liên tục cọ xát vào nhau mỗi khi cử động. Mỗi lần cọ xát như vậy sẽ gây đau, nhất là những lúc đi lại nhiều, lúc cố gắng xách vật nặng hoặc khi leo cầu thang, hoặc ngồi xổm. Càng ngày lớp sụn càng bị bào mòn nhiều hơn gây biến dạng khớp gối, teo cơ.
đau khớp gối

Khớp gối đóng vai trò thiết yếu trong việc chuyển động của cơ thể

Làm sao để tìm ra nguyên nhân gây đau khớp gối?

Đau khớp gối có các mức độ khác nhau tùy theo nguyên nhân. Ở thanh thiếu niên, đau khớp gối thường do chấn thương. Hoặc có thể xuất phát từ bệnh viêm thấp khớp. Với trường hợp do bệnh thấp khớp, người bệnh ngoài đau khớp còn có thể có nhiều triệu chứng khác như: sốt, sưng, nóng, xuất hiện ban đỏ.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Với người cao tuổi, đau khớp gối do thoái hóa có biểu hiện như sau:

  • Đau nhức thường xuyên, đau ở cả hai khớp gối.
  • Cứng khớp, cử động tại khớp đau bị giới hạn. Phát ra tiếng kêu ở khớp lục cục ở khớp khi di chuyển.
  • Cứng khớp vào buổi sáng khi ngủ dậy, đặt chân xuống sàn nhà. Triệu chứng đau khiến nhiều khi người bệnh không ra được khỏi giường và hạn chế đi lại.

đau khớp gối

Khớp gối còn có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể

Để tìm được chính xác nguyên nhân đau khớp gối, ngoài việc thăm khám qua triệu chứng bệnh, người bệnh cần chụp X-quang, chụp CT, hoặc chụp MRI khớp gối để đánh giá tình trạng của khớp. Một số trường hợp cần được siêu âm và chọc hút dịch khớp gối để thăm dò.

Đau khớp gối để lâu có tác hại gì?

Tình trạng đau dai dẳng kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh. Việc khớp bị cứng, đau và khó khăn khi gập duỗi làm bệnh nhân trằn trọc, khó ngủ. Từ đó làm cho người bệnh mệt mỏi, suy nhược.

Để chuẩn đoán chính xác nhất các cơn đau đầu gối, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa

Đau khớp gối cho dù là nguyên nhân gì đều có thể để lại di chứng nếu không được điều trị. Hậu quả lâu dài là biến dạng khớp gối (vẹo vào trong) làm việc đi lại khó khăn, teo cơ ở gối gây tàn phế (liệt).

Điều trị đau khớp gối như thế nào?

Nguyên tắc điều trị bệnh đau khớp là cần làm giảm đau và tìm ra đúng nguyên nhân. Tốt nhất là người bệnh cần đến khám chuyên khoa cơ-xương-khớp. Không nên chỉ tự mua thuốc giảm đau để uống qua ngày, mà cần tìm ra nguyên nhân để điều trị tốt.

Trường hợp đau do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị

Không nên tự ý bôi dầu, bóp cao hoặc điều trị bởi những người không có chuyên môn về y học. Việc điều trị đau khớp gối có thể bao gồm dùng thuốc uống, tiêm thuốc vào khớp gối, tập vật lý trị liệu.

Lời khuyên về lối sống dành cho người bị đau khớp gối

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, người bị đau khớp gối cần có một lối sống và chế độ ăn uống hợp lý:

  • Hạn chế ăn quá mặn. Vì ăn nhiều muối có thể gây tích trữ nước và phù, tạo áp lực lên khớp gối..
  • Hạn chế bia rượu, chất kích thích vì có thể gây co cứng cơ khớp gối.
  • Bổ sung một chế độ ăn đầy đủ canxi (tôm cua, cá nhỏ để ăn cả xương), vitamin D (phơi nắng lúc sáng sớm, ăn nhiều trứng, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa…). Xem thêm: 3 vitamin quan trọng cho xương khớp để biết thêm về chế độ dinh dưỡng cho người đau khớp gối.
  • Ăn nhiều rau xanh nhất là các loại rau có màu xanh đậm, ăn nhiều hoa quả tươi. Tuy nhiên, lưu ý không nên ăn nhiều rau củ họ cà trong giai đoạn đang bị đau khớp gối do viêm khớp.

Để giảm đau ở đầu gối người bệnh nên ăn uống theo một chế độ dinh dưỡng hợp lý
  • Không nên chạy, nhảy, hạn chế lên xuống cầu thang khi khớp gối chưa bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên cũng không nên chỉ nằm một chỗ mà cần vận động nhẹ nhàng hàng ngày tùy vào sức mình. Các bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp khớp gối mau bình phục hơn.
  • Tránh ngồi một chỗ quá lâu, không ngồi xổm.
  • Nếu bị béo phì cần giảm cân, cải thiện cân nặng hợp lý để làm giảm áp lực lên đầu gối.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *