Đau khớp gối là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khiến bạn phải đi khám bác sĩ. Đau gối ảnh hưởng lên mọi độ tuổi. Nguyên nhân có thể do chấn thương hay bệnh lý. Đau gối có thể diễn tiến mạn tính, dai dẳng. Điều này làm giảm hiệu quả công việc, giảm chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, hãy cùng YouMed tìm hiểu nguyên nhân của đau khớp gối, từ đó có chiến lược điều trị hiệu quả nhé!
1. Đau đầu gối có phải là thoái hóa khớp gối không?
1.1 Triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Đau khớp gối là than phiền thường gặp nhất khi bạn bị thoái hóa khớp gối. Đây là triệu chứng dai dẳng khiến bạn phải đi khám bác sĩ. Cơn đau thường diễn tiến từ từ. Khởi đầu, bạn thường đau vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Ngoài ra, nó còn xảy ra khi thay đổi thời tiết, khi hoạt động mạnh, leo cầu thang, đứng lâu một chỗ,…
Ngoài ra, thoái hóa khớp gối còn nhiều triệu chứng khác.
- Cứng khớp: Thường xảy ra vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian không vận động.
- Giảm tầm cử động khớp gối: Bạn gặp khó khăn khi gấp hoặc duỗi gối.
- Sưng hoặc da vùng gối ấm hơn: Do mô mềm xung quanh khớp bị viêm.
- Tiếng lắc rắc khi cử động khớp.
- Biến dạng khớp gối: Thường xảy ra ở giai đoạn muộn.
>>>Có thể bạn quan tâm: Trước khi đi khám bệnh khi nghi ngờ mắc bệnh thoái hóa khớp gối, bạn cần chuẩn bị một số thông tin. Cụ thể sẽ được thông tin chi tiết trong bài viết: “Chuẩn bị gì trước khi đi khám thoái hóa khớp gối?“
1.2 Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối?
Hiện nay, người ta vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây thoái hóa khớp gối. Có nhiều giả thuyết đã được đặt ra.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Tuổi: Tuổi càng cao, khả năng bị thoái hóa khớp càng nhiều.
- Giới: Nữ thường gặp hơn nam.
- Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp gối.
- Di truyền
- Nghề nghiệp: Những hoạt động gây áp lực lên khớp gối nhiều, lặp đi lặp lại. Ví dụ: ngồi xổm, mang vác nặng, leo cầu thang nhiều….
- Bệnh lý: Viêm khớp dạng thấp, gout.
2. Viêm đa khớp dạng thấp
2.1 Triệu chứng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp
2.1.1. Triệu chứng tại khớp
- Đau: Đây là triệu chứng dễ nhận biết nhất. Nguyên nhân do viêm làm khớp trở nên nhạy cảm và căng hơn.
- Cứng khớp: Điển hình nhất là cứng khớp vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Nó kéo dài ít nhất 45 phút sau khi bắt động cử động khớp.
- Sưng khớp: Viêm khớp làm tăng tích tụ dịch trong khớp.
- Nóng: Vùng da khớp có thể ấm hơn vùng da xung quanh. Lưu ý, vùng da khớp bị bệnh không bị đỏ.
- Khớp thường bị nhất là khớp cổ tay, khớp giữa bàn và ngón tay, khớp liên đốt gần. Các khớp bị thường đối xứng nhau. Về lâu dài, các khớp sẽ bị biến dạng.
2.1.2. Triệu chứng toàn thân
- Sốt nhẹ, mệt mỏi
- Chán ăn, sụt cân
- Đau nhức mỏi cơ toàn thân
2.1.3. Triệu chứng các cơ quan khác
- Nốt thấp: Những nốt (hạt, cục) nổi lên khỏi bề mặt da, chắc, không đau, dính vào nền xương ở dưới. Chúng thường có ở khớp khuỷu, gót chân, gối.
- Triệu chứng giảm tiết dịch: Khô mắt, khô miệng, dịch nước bọt giảm, sưng to tuyến mang tai… Vì vậy, khi ăn những thức ăn khô, bạn sẽ thấy khó nuốt.
- Triệu chứng ở tim: Tim đập nhanh, loạn nhịp.
2.2 Nguyên nhân của bệnh viêm đa khớp dạng thấp
Nguyên nhân bệnh phong thấp cho đến ngày nay chưa được biết rõ. Tuy nhiên, yếu tố di truyền và yếu tố môi trường có thể có liên quan.
Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể. Nhưng vì một rối loạn nào đó, chúng lại tấn công lớp màng bao quanh khớp. Điều này dẫn đến viêm khớp, phá hủy khớp.
Một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh phong thấp đã được xác nhận, bao gồm:
- Nữ giới
- Gia đình có người bị phong thấp
- Lớn tuổi
- Hút thuốc lá
- Tiếp xúc với silic
3. Gout
Gout là tình trạng viêm khớp do các tinh thể urate lắng đọng ở khớp. Gout thường xảy ra ở các ngón chân cái. Tuy nhiên, khớp gối cũng có thể bị tác động.
3.1 Triệu chứng của bệnh gout là gì?
Trái ngược với thoái hóa khớp gối, triệu chứng của gout thường đột ngột và vào ban đêm.
3.1.1. Đau dữ dội
Bệnh thường ảnh hưởng đến ngón chân cái. Tuy nhiên bệnh có thể xảy ra ở bất kì khớp nào. Các khớp thường bị như mắt cá chân, gối, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay.
3.1.2. Khó chịu kéo dài
Sau khi cơn đau giảm, cảm giác khó chịu ở khớp có thể kéo vài vài ngày đến vài tuần.
3.1.3. Sưng, nóng, đỏ, đau
Do phản ứng viêm tại khớp.
3.1.4. Cử động khớp khó khăn
Khi gout tiến triển, bạn có thể không cử động các khớp như bình thường.
3.2. Nguyên nhân của bệnh gout là gì?
Gout xảy ra khi các tinh thể urate tích tụ trong khớp của bạn. Dẫn đến viêm và đau khớp dữ dội. Tinh thể urate có thể hình thành khi nồng độ axit uric trong máu cao.
Những thực phẩm làm tăng nồng độ acid uric trong máu như:
- Hải sản
- Nội tạng động vật
- Thịt đỏ
- Rượu bia
- Nước ngọt (đường fructose)
Ngoài ra, khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc thận thải quá ít axit uric cũng gây nên bệnh.
>>Có thể bạn quan tâm: Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình bị bệnh gout, thì việc hiểu được nguyên tắc ăn uống cho người bị gout là hết sức cần thiết. Vậy thì hãy tham khảo bài viết “Người bệnh Gout nên ăn gì và kiêng ăn gì” để có thêm những thông tin bổ ích.
Trên đây là một số bệnh thường gặp dẫn đến đau khớp gối. Nếu bị đau khớp gối, bạn cần đi khám bác sĩ để được khám và làm các xét nghiệm. Từ đó, tìm ra được nguyên nhân thì mới điều trị bệnh hiệu quả được. Tuyệt đối không áp dụng những biện pháp điều trị không rõ nguồn gốc. Bởi, chúng có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu có thắc mắc gì về bài viết, hãy để lại bình luận ở dưới. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân