Co thắt cơ: Khi nào cần dùng thuốc giảm đau?

Co thắt cơ là tình trạng cơ đột nhiên trở nên căng cứng không thể kiểm soát. Tình trạng này xảy ra khi cơ bị căng liên tục trong thời gian dài, mất nước đồng thời có rối loạn cân bằng điện giải. Thông thường, co thắt cơ diễn ra đột ngột, trong thời gian ngắn và gây đau đớn cho bệnh nhân. Vậy cần làm gì để có thể khắc phục được tình trạng này? Hãy cùng YouMed theo dõi vấn đề được phân tích trong bài viết dưới đây nhé!

Co thắt cơ, khi nào cần dùng thuốc giảm đau

Khi nào cần dùng thuốc khi đau do co thắt cơ

Khi nào cần dùng thuốc khi đau do co thắt cơ
  • Khi bị co thắt cơ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau cùng với thuốc giảm đau cơ để giúp cải thiện triệu chứng.
  • Thực tế, thuốc giảm đau về cơ bản không giúp giãn cơ mà chỉ giúp cải thiện triệu chứng đau do tình trạng  căng cơ quá mức.
  • Tuy nhiên, không phải chỉ định thuốc giảm đau nào cũng hiệu quả. Tùy thuộc vào mức độ đau của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau khác nhau phù hợp với từng người.
  • Thuốc giảm đau dùng cho giãn cơ được chia thành 3 nhóm chính, cụ thể
    + Paracetamol.
    + Nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs).
    + Các thuốc giảm đau gây nghiện (Opioids).
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp các thuốc giảm đau từ các nhóm khác nhau để tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ của từng loại.

Các loại thuốc giảm đau thường gặp

Thuốc giảm đau do co cơ

Thuốc giảm đau do co cơ

Paracetamol

  • Đây là thuốc giảm đau cơ cơ bản được sử dụng trong trường hợp người bệnh đau ở mức độ từ nhẹ đến vừa.
  • Thuốc paracetamol được đánh giá là khá an toàn và ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc giảm đau khác. Tuy nhiên cần lưu ý không được tự ý tăng liều paracetamol mà không hỏi ý kiến bác sỹ/dược sĩ trước khi dùng.
  • Cần nhớ rằng, quá liều paracetamol có thể dẫn đến tổn thương gan không hồi phục.

Các thuốc kháng viêm không chứa steroids (NSAIDs)

  • NSAIDs là thuốc kháng viêm không steroid bao gồm Gofen, Mobic, Arcoxia,…
  • Thuốc được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân đau ở mức độ từ vừa đến nặng.
  • Không những vậy, thuốc NSAIDs ngoài tác dụng giảm đau còn có thêm tác dụng chống viêm. Lưu ý NSAIDs có tác dụng giảm đau mạnh hơn paracetamol,. Tuy nhiên, thuốc lại gây ra nhiều tác dụng phụ hơn trên tim mạch và tiêu hóa.
  • Do đó, cần cung cấp đầy đủ thông tin bệnh sử liên quan đến đường tiêu hóa và tim mạch cho bác sĩ trước khi sử dụng các thuốc NSAIDs là một việc vô cùng quan trọng

Các thuốc giảm đau gây nghiện

Các thuốc giảm đau gây nghiện bao gồm Tramadol, Codein, Oxycontin. Thuốc thường ít được sử dụng với mục đích giảm đau do co thắt cơ. Thông thường thuốc chỉ được sử dụng trong trường hợp người bệnh đau ở mức độ từ nặng đến rất nặng.

Đây là nhóm thuốc có tác dụng giảm đau mạnh nhất trong 3 nhóm. Tuy nhiên, thuốc được chỉ định sử dụng bị hạn chế vì gây ra nhiều tác dụng phụ

  • Buồn nôn
  • Tình trạng táo bón
  • Nghiêm trọng nhất là gây nghiện.
  • Đặc biệt khi sử dụng chung với thuốc giãn cơ, các thuốc giảm đau gây nghiện. Sẽ góp phần làm tăng nguy cơ suy giảm hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
  • Do đó, chỉ sử dụng opioids trong những trường hợp thực sự cần thiết và dùng thuốc dưới sự theo dõi thường xuyên từ bác sỹ/ dược sĩ.

Trong trường hợp bệnh nhân bất tỉnh, có biểu hiện suy hô hấp do sử dụng opioids, cần gọi ngay cho bác sĩ

Ngoài việc sử dụng thuốc, những phương pháp sau có thể giúp giảm đau do tình trạng co thắt cơ, cụ thể

  • Duỗi cơ và massage nhẹ nhàng
    + Việc duỗi phần cơ bị co thắt và massage nhẹ nhàng giúp bó cơ được thư giãn
    + Từ đó, sẽ giúp giảm đau và nhanh phục hồi từ tình trạng co thắt cơ
  • Có thể thực hiện chườm nóng hoặc chườm lạnh
    + Đầu tiên, dùng khăn ấm hoặc cao dán ở vị trí co thắt hoặc tắm nước nóng. Nó có thể giúp cải thiện tình trạng co thắt cơ.
  • Bên cạnh đó, chườm đá ở vị trí co cơ cũng có thể giúp giảm tình trạng đau.

Tóm lại, khi dùng thuốc giãn cơ cần lưu ý đến các tác dụng phụ mà thuốc gây ra. Không những vậy, khi dùng thuốc cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Người dùng cần tuân thủ đúng liều lượng cũng như thời gian dùng. Hãy luôn theo dõi sức khỏe của bản thân và gọi cho bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường nhé!

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *