Chấn thương gân cơ đùi sau có nguy hiểm không?

Chấn thương gân cơ đùi sau (gân cơ hamstring) thường xảy ra trong các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, tennis. Động tác liên quan trực tiếp đến chấn thương này là chạy và dừng đột ngột.

1. Chấn thương gân cơ đùi sau là gì?

Nhóm cơ hamstring gồm 3 cơ: cơ nhị đầu đùi, cơ bán gân, cơ bán màng. Chấn thương gân cơ đùi sau xảy ra khi một trong các cơ đùi sau bị căng hoặc kéo quá mức.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Khi gặp phải chấn thương này, bạn có thể tự áp dụng các biện pháp như nghỉ ngơi, chườm đá và thuốc giảm đau để giảm sưng và đau. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể cần đến phẫu thuật để hồi phục về mặt giải phẫu của gân hoặc cơ đùi sau.

2. Triệu chứng

Chấn thương gân cơ hamstring thường gây ra một cơn đau đột ngột và dữ dội ở mặt sau đùi. Đôi lúc, có thể cảm thấy được tiếng “bật” hoặc có cảm giác bị xé rách sau chấn thương. Sưng và đau thường bắt đầu ngay trong những giờ đầu tiên. Đôi lúc sẽ xuất hiện bầm tím mặt sau của đùi và khoeo. Cảm thấy yếu cơ hoặc không có khả năng dồn trọng lượng lên chân bị thương.

Chân bị bầm do chấn thương

Chân bị bầm do chấn thương

3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Các chấn thương gân cơ hamstring nhẹ có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong những trường hợp sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có những điều trị kịp thời:

  • Không thể chịu lực trên chân bị chấn thương.
  • Bị đau dữ dội khi đi bộ dù chỉ trong vài bước.

4. Nguyên nhân

Cơ đùi sau là một nhóm gồm ba cơ chạy dọc theo mặt sau đùi từ hông đến ngay dưới đầu gối. Những cơ này giúp ta có thể duỗi đùi và gấp gối. Khi một cơ bất kỳ trong nhóm cơ này bị kéo căng quá mức có thể dẫn đến chấn thương.

Nhóm cơ đùi sau (nhóm cơ hamstring)

Nhóm cơ đùi sau (nhóm cơ hamstring)

5. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ chấn thương gân cơ đùi sau bao gồm:

  • Tham gia thể thao. Các môn thể thao đòi hỏi phải chạy đột ngột như bóng đá, tennis. Các hoạt động khác như khiêu vũ có thể đòi hỏi sự kéo căng cực độ của cơ.
  • Tiền sử từng chấn thương gân cơ đùi sau. Khi đã từng bị chấn thương gân cơ hamstring, bạn có nhiều khả năng bị lại chấn thương này. Đặc biệt nếu bạn vẫn cố gắng tiếp tục tất cả các hoạt động của mình ở mức cường độ khi chưa chấn thương khi cơ chưa kịp hồi phục.
  • Mất cân bằng cơ. Sự mất cân bằng cơ có thể dẫn đến chấn thương gân cơ đùi sau. Khi các cơ dọc theo phía trước đùi (cơ tứ đầu đùi) trở nên mạnh mẽ và phát triển hơn so với cơ đùi sau, bạn có thể dễ bị tổn thương nhóm cơ hamstring.

>> Tìm hiểu thêm về một bệnh lý khác ở đùi: Làm thế nào để điều trị đau đùi dị cảm?

6. Biến chứng

Sau chấn thương, bạn không thể hoạt động gắng sức như trước khi cơ chưa được phục hồi hoàn toàn. Nếu vẫn cố gắng duy trì các hoạt động với cường độ đó, nguy cơ tái chấn thương có thể xảy ra.

7. Phòng ngừa

Các bài tập kéo giãn và tăng sức mạnh cơ có thể giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương. Cố gắng không sử dụng các cơ quá mức trong lúc chơi thể thao.

Nếu nghề nghiệp của bạn liên quan đến thể lực, các bài tập điều hòa thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa thương tích.

8. Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ khám kiểm tra vị trí sưng và các điểm đau dọc theo mặt sau của đùi. Vị trí và cường độ cơn đau có thể giúp xác định mức độ và tính chất của chấn thương.

Thực hiện các động tác chân ở các tư thế khác nhau có thể giúp xác định cơ hay gân nào bị tổn thương.

Các xét nghiệm cần thiết

Xét nghiệm hình ảnh

  • Trong chấn thương gân cơ đùi sau nghiêm trọng, cơ có thể bị rách hoặc thậm chí tách ra khỏi vị trí bình thường bám trên xương. Đôi khi, một mảnh xương nhỏ bị kéo ra cùng với cơ khi sự tách rời này xảy ra. X-quang có thể kiểm tra gãy xương đi kèm.
  •  Siêu âm và MRI có thể cho ta hình ảnh gân cơ bị rách.

Xét nghiệm hình ảnh giúp chẩn đoán chính xác hơn chấn thương gân cơ đùi sau

Xét nghiệm hình ảnh giúp chẩn đoán chính xác hơn chấn thương gân cơ đùi sau

9. Điều trị

Mục tiêu ban đầu của điều trị là giảm đau và sưng. Để thực hiện điều này có thể thực hiện các phương pháp sau:

  • Nghỉ ngơi. Tạm ngưng hoàn toàn các hoạt động gắng sức để tổn thương có thời gian hồi phục.
  • Sử dụng gậy hoặc nạng để tránh dồn toàn bộ trọng lượng lên chân bị thương.
  • Chườm túi nước đá nhiều lần trong ngày để giảm đau và giảm sưng.
  • Quấn vùng bị thương bằng băng nén để giảm thiểu sưng.
  • Nâng cao chân trên mức tim khi nghỉ ngơi để giảm sưng.
  • Uống thuốc giảm đau như ibuprofen (Advil, Motrin IB…) hoặc acetaminophen (Tylenol…) để giảm đau và viêm.

Vật lý trị liệu

Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn cho bạn cách thực hiện các bài tập cụ thể được thiết kế để cải thiện tính linh hoạt và tăng cường sức cơ gân hamstring.

Phẫu thuật

Nếu cơ bị kéo ra khỏi vị trí bám bình thường trên xương, cần phải phẫu thuật để điều chỉnh lại. Trong trình trạng cơ, gân bị rách nghiêm trọng cũng cần phẫu thuật để tái tạo, phục hồi.

Chấn thương gân cơ đùi sau là một trong những chấn thương gân cơ thường gặp. Mức độ của chấn thương có thể khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng. Kiểm soát các động tác và sức cơ hợp lý khi chơi thể thao là cần thiết cho việc phòng ngừa. Nếu bạn gặp phải chấn thương này và các biện pháp tự áp dụng tại nhà không hiệu quả, hãy đi khám bác sĩ để nhận được can thiệp và điều trị thích hợp kịp thời.

Bác sĩ Đoàn Thị Thu Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *