Giật cổ là một động tác gập và ngửa cổ nhanh và mạnh theo chiều trước sau. Chuyển động giật cổ có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Chấn thương giật cổ thường gặp nhất trong tai nạn xe hơi. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về cơ chế của tổn thương này và cách điều trị thích hợp nhé.
1. Tổng quan về chấn thương do giật cổ
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Tình trạng giật cổ có thể gây ảnh hưởng đến cơ cổ, chấn thương đầu và đôi khi gây các biểu hiện thần kinh. Loại chấn thương này thường gặp nhất trong tai nạn xe hơi. Khi xe đột ngột dừng lại, người bị giữ lại bởi đai an toàn, còn đầu thì bị giật mạnh ra trước. Ngoài ra, chấn thương này còn có thể gặp trong khi chơi thể thao, té ngã hay khi bị bạo hành.
Hầu hết các trường hợp nhẹ đều có thể hồi phục sau vài tuần. Tuy nhiên, một số bệnh nhân gặp vấn đề về đau cổ mạn tính hoặc gặp biến chứng lâu dài. Do đó, việc đi khám sau chấn thương để được đánh giá là rất quan trọng.
2. Các triệu chứng của chấn thương do giật cổ
Các biểu hiện của tổn thương có thể xuất hiện trong vòng vài ngày sau chấn thương. Bạn có thể gặp các triệu chứng sau:
- Đau cổ, cứng cổ
- Đau cổ mỗi khi cử động, xoay cổ
- Không xoay cổ được
- Đau đầu, thường cảm giác đau ở nền sọ
- Cảm giác đau hay khó chịu ở vai, phía trên lưng hay cánh tay
- Cảm giác tê bì ở cánh tay
- Mệt mỏi
- Choáng váng
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn gặp:
- Nhìn mờ
- Ù tai
- Khó ngủ, rối loạn giấc ngủ
- Bứt rứt, khó chịu
- Kém tập trung
- Gặp vấn đề về trí nhớ
- Trầm cảm
Khi nào bạn nên đi khám?
Hãy đi khám ngay khi bạn bị chấn thương cổ do bất kỳ nguyên nhân gì. Đốt sống cổ khi bị gãy có thể gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tủy sống. Đi khám sớm để bác sĩ có thể loại trừ các tình trạng và biến chứng nguy hiểm.
3. Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Cơ chế của tổn thương do giật cổ là do đầu bị di động mạnh và nhanh theo chiều trước sau. Chuyển động này có thể gây tổn thương xương cột sống cổ, đĩa đệm, dây chằng, cơ, thần kinh và các mô khác vùng cổ.
Cơ chế chấn thương do chuyển động theo chiều trước sau
Nguyên nhân gây chấn thương giật cổ thường gặp là:
- Tai nạn giao thông. Các phương tiện giao thông va chạm là nguyên nhân thường gặp nhất gây giật cổ.
- Bị bạo hành. Nạn nhân có thể bị chấn thương giật cổ nếu bị đấm hay giật lắc. Ở trẻ nhỏ, biểu hiện giật cổ có thể xuất hiện trong hội chứng rung lắc trẻ em.
- Va chạm khi chơi thể thao. Các môn thể thao có nguy cơ va chạm đều có thể gây giật cổ.
4. Giật cổ có thể gây ra những biến chứng nào?
Hầu hết các trường hợp giật cổ đều khá nhẹ và có thể tự bình phục sau khoảng vài tuần, không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp đau cổ kéo dài hàng tháng đến vài năm sau chấn thương.
Rất khó để dự đoán liệu một chấn thương giật cổ có để lại di chứng hay không. Nhìn chung, những người bị đau cổ nhiều và ngay sau chấn thương thường có nguy cơ di chứng cao hơn. Hơn nữa, những biểu hiện dưới đây cũng có thể gợi ý nguy cơ di chứng:
- Đau cổ nhiều
- Giới hạn vận động cổ sau chấn thương
- Cơn đau lan đến cánh tay
Các yếu tố nguy cơ dưới đây có liên quan đến tiên lượng xấu:
- Đã từng có chấn thương giật cổ trước đây
- Tuổi cao
- Đang có đau lưng hoặc đau cổ trước khi bị chấn thương
- Chấn thương ở tốc độ cao
5. Chẩn đoán chấn thương do giật cổ ra sao?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về sự kiện chấn thương của bạn. Bạn có thể sẽ phải mô tả mức độ nghiêm trọng và tần suất của các triệu chứng. Các ảnh hưởng của chấn thương cổ lên hoạt động thường ngày hay công việc cũng nên được lưu ý.
5.1 Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ khám vùng chấn thương. Bạn sẽ cần phải xoay đầu, cử động cổ và cánh tay. Những động tác này giúp đánh giá:
- Tầm chuyển động của cổ và vai. Xem bạn có bị giới hạn vận động hay không.
- Mức vận động gây đau hay làm tăng cơn đau.
- Vùng bị đau ở cổ, vai và lưng.
- Phản xạ, sức cơ và cảm giác của các chi.
Bác sĩ sẽ khám vùng cổ, vai và lưng
5.2 Xét nghiệm hình ảnh học
Nếu bạn chỉ bị giật cổ đơn thuần, các tổn thương sẽ không xuất hiện trên phim. Tuy nhiên, các xét nghiệm hình ảnh rất quan trọng để loại trừ các tình trạng chấn thương nghiêm trọng. Bạn có thể được làm các xét nghiệm sau:
- Chụp X quang. Có thể nhìn thấy gãy xương, trật khớp hay viêm khớp trên phim. Bạn có thể cần chụp phim ở nhiều tư thế để quan sát tổn thương đầy đủ.
- CT scan. Các lớp cắt chụp sẽ có độ chính xác cao hơn và giúp đánh giá tổn thương tốt hơn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Ngoài xác định tổn thương xương, phim MRI còn giúp xác định tổn thương mô mềm, tủy sống và dây chằng.
6. Phương pháp điều trị
Mục tiêu của điều trị giật cổ là:
- Kiểm soát và làm giảm cơn đau
- Phục hồi lại khả năng cử động bình thường của cổ
- Quay trở lại cuộc sống thường ngày mà không có di chứng
Liệu trình điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của cổ. Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê toa và chăm sóc tại nhà. Những trường hợp khác có thể được dùng thuốc kê toa, điều trị đau chuyên biệt hoặc phẫu thuật.
6.1 Điều trị giảm đau
Tùy thuộc vào mức độ đau, các biện pháp sau có thể được lựa chọn để giảm đau:
- Nghỉ ngơi. Bạn nên nghỉ ngơi khoảng một vài ngày sau chấn thương. Tuy nhiên, không nên nằm bất động hay nghỉ quá lâu, điều này sẽ làm chậm quá trình hồi phục.
- Chườm ấm hoặc chườm lạnh. Bạn có thể thử chườm ấm hoặc lạnh khoảng 15 phút mỗi 3 giờ. Phương pháp này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa. Bạn có thể dùng các loại thuốc như acetaminophen hay ibuprofen để giảm đau. Lưu ý rằng các thuốc này chỉ giúp giảm đau các cơn đau nhẹ và trung bình. Nếu không thấy bớt, hay đi khám nhé.
- Thuốc giảm đau kê toa. Bác sĩ có thể kê cho bạn loại thuốc giảm đau mạnh hơn. Thuốc chống trầm cảm cũng có thể được sử dụng để giảm đau do thần kinh.
- Thư giãn cơ. Có một số loại thuốc giúp thư giãn cơ tạm thời và có hiệu quả giảm đau. Ngoài ra, các loại thuốc này có thể gây buồn ngủ. Do đó, bạn có thể sử dụng chúng nếu như cơn đau khiến bạn khó ngủ.
- Thuốc tiêm. Tiêm lidocain, một loại thuốc gây tê, vào cơ có thể giúp giảm đau tạm thời và nhanh chóng. Thuốc tiêm thường được sử dụng trước khi tập vật lý trị liệu.
Bạn có thể chườm lạnh để giảm đau
6.2 Bài tập tại nhà điều trị chấn thương do giật cổ
Bạn có thể được học các động tác để luyện tập tại nhà. Các bài tập này chủ yếu giúp giãn cơ và hồi phục lại chuyển động của cổ. Bác sĩ cũng khuyến cáo bạn nên tắm nước ấm hoặc xông hơi nhẹ vùng đau trước khi tập.
Các bài tập bao gồm:
- Xoay cổ qua lại
- Nghiêng đầu sang hai bên
- Cúi gập đầu, để sát cằm vào lồng ngực
- Xoay vai
6.3 Vật lý trị liệu
Nếu các triệu chứng của bạn còn kéo dài sau một thời gian điều trị, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn tập vật lý trị liệu. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách để tăng sức cơ, cải thiện tư thế và phục hồi lại cử động của cổ.
Tập vật lý trị liệu
Trong một số trường hợp, kích thích điện thần kinh xuyên qua da có thể được dùng để giảm đau và cải thiện sức cơ.
6.4 Đeo nẹp cổ mềm
Đeo nẹp cổ là một trong những biện pháp thông dụng để giữ cổ và đầu thẳng. Nẹp cổ có thể được sử dụng sớm sau chấn thương để cố định cổ, giảm đau và giúp bệnh nhân dễ ngủ hơn. Bạn cũng nên lưu ý rằng việc dùng nẹp cổ lâu dài có thể gây yếu cơ cổ và làm chậm quá trình hồi phục.
Nẹp cổ mềm giúp giữ tư thế cổ thẳng
6.5 Một số biện pháp điều trị thay thế cho chấn thương do giật cổ
Bạn có thể tham khảo và sử dụng một số biện pháp như:
- Châm cứu
- Trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic care)
- Mát xa
- Trị liệu tâm thể như yoga
Các biện pháp này chưa có nhiều nghiên cứu để chứng minh tính hiệu quả của chúng. Do đó các biện pháp này thường tùy thuộc vào mong muốn của người bệnh.
7. Tạm kết
Chấn thương do giật cổ là một dạng chấn thương khá thường gặp. Bạn có thể bị chấn thương này khi có tai nạn giao thông, té ngã hay chơi thể thao. Tuy hầu hết các trường hợp đều có thể hồi phục trong vòng một vài tuần, chấn thương cổ lại tiềm tàng nhiều nguy cơ thương tổn nghiêm trọng. Do đó, khi bị chấn thương vùng cổ, hãy đi khám ngay để được kiểm tra nhé. Chúc bạn luôn khỏe.