Chấn thương cột sống thắt lưng là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống. Nó có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Chính vì thế, chúng ta cần hiểu rõ về nó để phòng ngừa cũng như biết cách sơ cứu nếu gặp trường hợp tương tự. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Hứa Minh Luân sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh lý chấn thương cột sống thắt lưng, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị cũng như chăm sóc sau phẫu thuật.
Những nguyên nhân gây chấn thương cột sống thắt lưng
Cột sống giữ vai trò quan trọng đối với cơ thể. Nó giúp nâng đỡ cơ thể, giữ tư thế đứng thẳng. Do đó nó luôn luôn chịu một áp lực lớn và dễ bị chấn thương. Dưới đây là một số nguyên nhân gây chấn thương cột sống thường gặp:1 2
- Tai nạn giao thông: Đây là nguyên nhân thường gặp hàng đầu và tỉ lệ ngày càng gia tăng.
- Tai nạn lao động: Cơ chế thường gặp là do ngã từ trên cao xuống gây tổn thương cột sống thắt lưng.
- Do tai nạn sinh hoạt: Thường gặp ở những người cao tuổi do té ngã.
- Tai nạn trong thể thao: Thường xảy ra ở các môn thể thao hoạt động mạnh như đá bóng, đua xe đạp, đua xe mô tô hay các môn võ,…
- Ngoài ra còn có các nguyên nhân ít gặp hơn như do đạn bắn, bị đánh,…
Trên đây là những nguyên nhân thường gặp gây chấn thương cột sống thắt lưng. Chúng có thể gây tổn thương ở các mức độ khác nhau như di lệch, chấn thương tuỷ, chèn ép cột sống, vỡ hay có thể gãy cột sống.1
Cách nhận biết khi chấn thương cột sống thắt lưng
Các dấu hiệu nhận biết khi bị chấn thương cột sống thắt lưng tuỳ thuộc vào mức độ và việc có tổn thương tuỷ sống hay không.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Chấn thương cột sống thắt lưng không tổn thương tuỷ sống1 2
- Đau khu trú ở vị trí đốt sống bị tổn thương. Cảm giác đau tăng lên khi đi lại và vận động, giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Do đó nó khiến người bệnh hạn chế vận động.
- Cột sống bị biến dạng, có thể cong vẹo hay gồ ra ngoài.
- Tại vị trí tổn thương có thể bầm tím, sưng nề,…
Chấn thương cột sống thắt lưng có tổn thương tuỷ sống1 2
Khi bị tổn thương tuỷ người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác, mất cảm giác ở phía dưới vùng tuỷ sống bị tổn thương, yếu hoặc liệt hai chi dưới, rối loạn đại tiểu tiện. Lâu ngày có thể gây teo hai chi dưới.
Biến chứng sau chấn thương cột sống
Các biến chứng của chấn thương cột sống tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Chúng ảnh hưởng đến khả năng vận động, cảm giác khiến người bệnh có thể phải ngồi xe lăn suốt đời. Ngoài ra chúng có thể ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh như:2
- Chức năng hô hấp.
- Chức năng tim mạch.
- Khả năng trao đổi chất của cơ thể.
- Chức năng của bàng quang và ruột.
Chấn thương cột sống nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế được các biến chứng. Chính vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có biểu hiện của chấn thương.
Chẩn đoán chấn thương cột sống thắt lưng
Việc chẩn đoán chấn thương cột sống thắt lưng phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng cũng như các cận lâm sàng.2
Triệu chứng lâm sàng
Khi bệnh nhân vào viện, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, tiền sử, cơ chế chấn thương cũng như thăm khám để tìm các triệu chứng của bệnh. Các bác sĩ sẽ kiểm tra cẩn thận về chức năng vận động và cảm giác của người bệnh. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán.
Xét nghiệm cận lâm sàng
X-Quang cột sống thắt lưng
Đây là xét nghiệm thường quy giúp bác sĩ xác định được cột sống bị chèn ép, thoái hoá, bị gãy hay có khối u không.
Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan
CT-Scan giúp bác sĩ xác định rõ hơn so với x-quang. Chúng sử dụng các lát cắt để xác định các xương gãy, đĩa đệm, và các vấn đề khác. Càng ngày CT-Scan càng được áp dụng rộng rãi hơn do tính chính xác cũng như tính phổ biến của nó.
Chụp cộng hưởng từ MRI
MRI giúp xác định có tổn thương tuỷ sống hay không. Đây là cận lâm sàng chính xác nhất để đánh giá hình ảnh tuỷ sống và các mô mềm khác. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có máy chụp MRI.
Cách điều trị chấn thương cột sống thắt lưng
Điều trị cấp cứu2
Khi bị chấn thương cột sống thắt lưng điều đầu tiên cần làm là phải bất động, tránh di lệch nơi cột sống bị tổn thương. Tuyệt đối cần phải tránh xoay hay lật người bệnh bởi vì nếu di chuyển sẽ khiến cho tình trạng tổn thương nặng thêm thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Tiếp theo bạn cần phải cố định cột sống bị tổn thương. Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên một tấm ván cứng. Sau đó buộc cố định bệnh nhân vào tấm ván đó. Không được khiêng, vác, hay cõng bệnh nhân trên vai.
Sau khi đã tiến hành sơ cứu ban đầu. Bạn cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở khám chữa bệnh gần nhất. Trong quá trình đưa bệnh nhân đến bệnh viện bạn nên cẩn thận tránh gây xóc và phải có người theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình vận chuyển.
Điều trị chấn thương cột sống thắt lưng lâu dài1 2
Mục tiêu điều trị trong giai đoạn này là giảm triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh, cải thiện các chức năng thần kinh. Nếu có thể thì các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để phục hồi tình trạng cho người bệnh.
Giảm đau
Thuốc giảm đau được áp dụng khi chấn thương cột sống không kèm theo tổn thương thần kinh. Chúng giúp người bệnh giảm đau đớn tức thời. Tuy nhiên cần phải cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng và cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Điều trị bảo tồn
Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp chấn thương cột sống thắt lưng nhẹ, ít ảnh hưởng đến chức năng thần kinh. Phương pháp phối hợp điều trị thuốc và vật lý trị liệu với mong muốn phục hồi được tổn thương, cũng như các chức năng thần kinh cho người bệnh.
Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị sau cùng được áp dụng cho các trường hợp chấn thương nặng, và khi không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Chúng giúp cải thiện được tình trạng tổn thương, phục hồi các chức năng vận động và thần kinh. Tuy nhiên nó sẽ không phục hồi được hoàn toàn như ban đầu. Khi tiến hành phẫu thuật cũng gặp một số rủi ro như:
- Nguy cơ nhiễm trùng.
- Biến chứng sau phẫu thuật.
- Thời gian phục hồi lâu.
- Có trường hợp cơ thể không thích ứng với dị vật ghép vào gây ra tình trạng thải ghép.
Điều trị sau phẫu thuật chấn thương cột sống thắt lưng
Mục đích chính trong điều trị giai đoạn này là giúp bệnh nhân phục hồi được chức năng vận động và thần kinh. Cũng như giảm đau cho người bệnh và tránh tình trạng nhiễm trùng vết mổ.
Hỗ trợ người bệnh trong quá trình vận động, có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như xe lăn hay nạng… Nếu bệnh nhân chưa thể di chuyển thì cần phải thường xuyên xoay trở người bệnh mỗi 2 giờ để tránh tình trạng loét tì đè.
Tiến hành cho bệnh nhân ăn uống các thức ăn dễ tiêu hoá và cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để phục hồi chức năng tiêu hoá. Ngoài ra cần hỗ trợ người bệnh trong quá trình tiểu tiện cũng như đại tiện.
Nếu người bệnh cảm thấy khó chịu và đau nhiều thì có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.2
Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho các bạn những thông tin về vấn đề chấn thương cột sống thắt lưng, cách xử trí cũng như điều trị và chăm sóc sau phẫu thuật.