Chăm sóc bệnh nhân sau thay khớp háng

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần có thể được chọn lựa nếu những bệnh lý tại khớp háng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, gây ra tình trạng đau dai dẳng, cản trở sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Chăm sóc sau phẫu thuật là một trong những vấn đề quan trọng và cần được thực hành tốt để giúp người bệnh sớm lấy lại chức năng và quay trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Qua bài viết, hãy cùng Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hoa hiểu rõ hơn về cách chăm sóc bệnh nhân sau thay khớp háng.

Vì sao cần cẩn thận sau phẫu thuật thay khớp háng?

Trong quá trình thay khớp háng, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ và thay thế phần khớp háng bị hư hỏng bằng phần khớp háng nhân tạo được làm từ kim loại, nhựa cứng và vật liệu ceramic. Phẫu thuật cũng đi kèm một số nguy cơ nhất định:1

Hình thành cục máu đông

Sau phẫu thuật, các cục máu đông có thể hình thành tại các tĩnh mạch ở chân. Nếu chúng bị vỡ ra và di chuyển, có thể dẫn đến nguy cơ thuyên tắc động mạch phổi.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng có thể xảy ra ở vị trí vết mổ, hoặc có thể ở mô sâu hơn như tại vùng khớp háng mới của bệnh nhân.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Gãy xương

Trong quá trình phẫu thuật, có thể xảy ra gãy xương tại các phần khác của khớp háng gần vị trí được thay thế.

Trật khớp

Một số tư thế sai của bệnh nhân có thể làm cho chỏm xương đùi mới trật khỏi vị trí đúng của nó, thường xảy ra trong tháng đầu sau phẫu thuật.

Thay đổi chiều dài chân

Các phương pháp và kỹ thuật thực hiện thay khớp háng luôn chú trọng để tránh vấn đề này, tuy nhiên đôi khi sự chênh lệch chiều dài hai chân vẫn xảy ra sau phẫu thuật do sự co rút các cơ và mô mềm quanh khớp.

Lỏng lẻo khớp

Thường xảy ra với tỉ lệ thấp do tình trạng phần khớp nhân tạo không được cố định vững chắc vào xương. Gây ra tình trạng đau và cảm giác không vững ở khớp háng.

Tổn thương thần kinh

Đôi khi xảy ra do thần kinh tại vị trí phẫu thuật bị tổn thương, gây triệu chứng tê, đau và yếu cơ.

Thay khớp háng toàn phần

Thay khớp háng toàn phần

Phẫu thuật thay khớp háng là một phẫu thuật quan trọng, người bệnh không chỉ cần chuẩn bị thể chất tốt trước phẫu thuật, mà còn cần được chăm sóc cẩn thận và tuân thủ những lưu ý sau phẫu thuật. Điều này nhằm giảm thiểu những nguy cơ kể trên, cùng với mục tiêu lành thương và lấy lại được chức năng khớp háng một cách tốt nhất.

Chuẩn bị các hoạt động sau khi thay khớp háng

Giai đoạn nằm tại viện2

Sau phẫu thuật thay khớp háng, bệnh nhân cần tiếp tục nằm viện trong khoảng vài ngày, thời gian cụ thể phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của mỗi người bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi để phát hiện sớm các biến chứng của cuộc mổ, cũng như để đạt được một số mục tiêu căn bản trước khi xuất viện, như sau:

  • Kiểm soát được tình trạng đau.
  • Có thể di chuyển vào và ra khỏi giường.
  • Có thể ăn, uống và sử dụng được nhà vệ sinh.
  • Có thể đi lại với dụng cụ hỗ trợ như gậy, nạng, hoặc khung tập đi trên bề mặt phẳng và bước lên, xuống các bậc thang.
  • Có khả năng thực hiện được các bài tập cho quá trình phục hồi tại nhà.
  • Người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân hiểu và tuân thủ nguyên tắc sau xuất viện để ngăn ngừa chấn thương và đảm bảo quá trình lành thương và phục hồi.

Các dụng cụ hỗ trợ di chuyển

Các dụng cụ hỗ trợ di chuyển

Giai đoạn sau xuất viện2

Người bệnh sẽ cần người chăm sóc và hỗ trợ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trong khoảng từ vài ngày đến vài tuần sau xuất viện.

Những lưu ý về không gian và vật dụng trong nhà

  • Sắp xếp lại đồ đạc, tạo không gian trống rộng rãi để người bệnh có thể dễ dàng hơn trong việc di chuyển với dụng cụ trợ giúp như gậy, nạng, khung tập đi,…
  • Có thể tạm thời thay đổi phòng (ví dụ chuyển phòng khách tầng trệt thành phòng ngủ của người bệnh) để giảm thiểu việc sử dụng cầu thang.
  • Đặt các vật dụng thường xuyên sử dụng như: điện thoại, laptop, bộ sạc, thiết bị điều khiển, kính mắt, ly uống nước, thuốc,… trong tầm với để bệnh nhân không cần phải với tay lên hoặc cúi xuống để lấy.
  • Loại bỏ các vật dụng có thể khiến người bệnh trượt chân như tấm thảm, dây,… buộc và cố định chắc chắn dây điện xung quanh chu vi phòng.
  • Bố trí một chiếc ghế tốt cho bệnh nhân dùng, chiếc ghế này nên chắc chắn, không quá đàn hồi, và có chiều cao cao hơn các loại ghế thông thường. Điều này sẽ an toàn và mang đến sự thoải mái hơn cho bệnh nhân hơn là các loại ghế thấp và mềm.
  • Trong phòng tắm: lắp đặt thêm ghế ngồi tắm, thanh vịn và bệ ngồi toilet.
  • Có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp trong việc sinh hoạt như dùng thanh kẹp, dụng cụ gắp để tránh việc phải cúi xuống quá nhiều.

Chăm sóc vết mổ

  • Giữ cho vết mổ được sạch sẽ và khô ráo.
  • Người chăm sóc bệnh nhân cần nắm rõ và thực hiện đúng các bước mặc quần áo của bệnh nhân sau khi được hướng dẫn.
  • Cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian người bệnh được tắm.
  • Nếu vết mổ xuất hiện tình trạng sưng đỏ, hoặc chảy dịch, cần liên hệ với y tế vì đây có thể là dấu hiệu tình trạng nhiễm trùng.

Sưng chân

Sau phẫu thuật, chân bệnh nhân có thể bị sưng chân ở mức độ trung bình đến nặng trong vài tuần đầu sau phẫu thuật. Để giảm sưng, người bệnh nên kê cao chân khi nằm, và có thể chườm đá để giảm tình trạng này. Mang vớ nén cũng là một phương pháp hiệu quả hỗ trợ tình trạng sưng phù chân. Tuy nhiên khi nhận thấy tình trạng sưng chân tăng lên đột ngột, hãy liên hệ với y tế để nhận biết sớm và loại trừ tình trạng tắc nghẽn do cục máu đông.

Thuốc

  • Uống thuốc theo toa và chỉ dẫn của bác sĩ khi xuất viện.
  • Đảm bảo có sự trao đổi và thống nhất với bác sĩ về việc sử dụng thuốc của bệnh nhân, ngay cả các loại thuốc không kê toa và vitamin.

Chế độ ăn

  • Sau khi xuất viện, người bệnh có thể quay lại chế độ ăn bình thường.
  • Có thể cần bổ sung sắt và vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc chống đông máu kháng vitamin K, người bệnh sẽ được hướng dẫn tránh bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin K như: bông cải xanh, súp lơ, gan, các loại đậu,…
  • Uống đủ nước và không sử dụng rượu bia.
  • Theo dõi và kiểm soát cân nặng để tránh gây tăng tải lực cho khớp.

Quay trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày

Ở giai đoạn hồi phục tại nhà, người bệnh nên duy trì các hoạt động phù hợp trên nguyên tắc không quá nhiều và không quá sớm. Tình trạng và mức độ hoạt động của bệnh nhân sẽ cải thiện dần theo thời gian. Sau đây là một số lưu ý trong quá trình sinh hoạt hàng ngày của người bệnh:2

Chống chân chịu lực

Việc chịu lực của chân cần được tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân cần sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi đi lại như nạng, gậy, khung tập đi trong vài tuần sau thay khớp háng, trước khi có thể chịu lực toàn phần. Thời gian này sẽ phụ thuộc vào loại phẫu thuật thay khớp háng của bệnh nhân và quá trình theo dõi của bác sĩ.

Hoạt động tình dục

Tùy vào tình trạng của mình mà người bệnh có thể tiếp tục hoạt động tình dục trong vòng vài tuần sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian sớm nhất có thể quay lại hoạt động tình dục một cách an toàn.

Tư thế ngủ

Tư thế ngủ thường được khuyến cáo sau phẫu thuật thay khớp háng là ngủ với một chiếc gối kẹp giữa hai chân và nằm nghiêng về bên không phẫu thuật

Tư thế ngủ sau phẫu thuật thay khớp háng

Tư thế ngủ sau phẫu thuật thay khớp háng

Quay trở lại công việc

Tùy loại công việc và mức độ phục hồi mà mỗi người sẽ có thời gian khác nhau để có thể quay lại công việc. Những bệnh nhân phục hồi tốt và cường độ công việc nhẹ nhàng có thể quay lại làm việc sau vài ngày chăm sóc và phục hồi tại nhà, cũng có những bệnh nhân tốn vài tuần mới có thể quay trở lại làm việc.

Thể dục thể thao

Tiếp tục thực hiện các bài tập do chuyên gia vật lý trị liệu chỉ định. Khi hồi phục đến một giai đoạn nhất định, bác sĩ sẽ đánh giá liệu người bệnh có thể quay lại các hoạt động thể thao trước kia được hay chưa. Một số lưu ý khi quay lại tham gia các hoạt động thể thao.

  • Đi bộ: người bệnh không bị giới hạn trong việc đi bộ. Tuy nhiên ngoài đi bộ, vẫn nên tiếp tục các bài tập do chuyên gia vật lí trị liệu chỉ định.
  • Bơi lội: là một môn thể thao tốt cho bệnh nhân, ít gây ảnh hưởng đến khớp háng.

Cần lưu ý và cẩn trọng đối với những môn thể thao tác động mạnh đến khớp háng như: chạy bộ, quần vợt, bóng rổ,…

Các tư thế nên tránh vận động sau phẫu thuật thay khớp háng

Sau phẫu thuật thay khớp háng, để giúp phòng tránh trật khớp háng cũng như tạo thuận lợi cho quá trình lành thương và hồi phục, người bệnh nên tránh một số tư thế sau trong vận động sinh hoạt hàng ngày:

Khi ngồi

  • Không ngồi bắt chéo chân.
  • Không ngồi chồm hổm.
  • Không ngồi với tư thế khớp gối cao hơn khớp háng.
  • Không cúi người về phía trước khi ngồi.

Khi nằm

  • Không nằm bắt chéo chân
  • Không nằm nghiêng về bên chân lành

Khi đứng

  • Không gập người về phía trước, hay cúi người xuống thấp
  • Không xoay bàn chân ra ngoài hoặc vào trong, khác với hướng cơ thể

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng là quá trình quan trọng, yêu cầu sự cẩn trọng và kiên trì, hợp tác của bệnh nhân và người chăm sóc trực tiếp. Mức độ và tốc độ phục hồi của mỗi bệnh nhân sau thay khớp háng phụ thuộc một phần không nhỏ vào quá trình này. Kết hợp giữa quá trình chăm sóc và chương trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng, sớm lấy lại chức năng, cũng như quay lại các hoạt động sinh hoạt một cách hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *