Cần biết gì về bệnh lý mạn tính thoái hóa cột sống cổ?

Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng bệnh lý thoái hóa hệ thống xương cột sống. Ban đầu là sự hao mòn khớp ở các diện đốt sống, đĩa đệm, bao hoạt dịch, dây chằng… Dần dần về sau, xuất hiện hiện tượng thoái hóa các đốt sống, gây đau vùng cổ, tăng vận động. Đây là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm có thể gặp ở bất kỳ đoạn nào. Hầu hết mọi người không có triệu chứng khi thoái hóa cột sống. Khi các triệu chứng xảy ra, phương pháp điều trị không phẫu thuật thường có hiệu quả.

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Thoái hóa cột sống cổ là một tình trạng liên quan đến những thay đổi về xương, đĩa đệm và khớp ở vùng cổ. Những thay đổi này được gây ra bởi tiến trình thoái hóa. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự thoái hóa này như: công việc, lao động, hoạt động, tuổi tác… Các đĩa đệm của cột sống cổ dần dần bị phá vỡ, mất dịch và trở nên cứng hơn.

Đoạn C5 – C6 – C7 của đốt sống cổ là thường gặp nhất. Hơn 85% những người trên 60 tuổi bị ảnh hưởng bởi bệnh thoái hóa đốt sống cổ.

Sự thoái hóa của đĩa đệm và các sụn khác, sự tăng trưởng bất thường hình thành gai xương. Gai xương có thể gây ra hẹp ống sống hoặc nơi dây thần kinh cột sống đi ra. Thoái hóa cột sống cổ thường gây đau cổ và cứng khớp. 

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính thường gặp

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính thường gặp

Yếu tố nguy cơ gây thoái hóa đốt sống cổ

  • Hút thuốc lá.
  • Di truyền: Một số nghiên cứu cho rằng thoái hóa cột sống cổ cũng có thể do ảnh hưởng của di truyền. Thực tế, một số người có xu hướng di truyền có sụn khớp bị hao mòn hơn, sụp vỡ hơn.
  • Chấn thương ở cổ: Nếu khớp bị tổn thương, chẳng hạn như rách sụn và / hoặc nang khớp bảo vệ. Khi đó, khớp có thể bị viêm nhiều hơn và sụn có thể bị mòn sớm hơn. Chấn thương khớp có thể xảy ra theo nhiều cách khác nhau: bị ngã, chơi thể thao…
  • Nghề nghiệp: Chẳng hạn như khi thể dục dụng cụ hoặc các vận động viên tập luyện nhiều vùng cổ. Hoặc phải chuyển động nhiều động tác lặp đi lặp lại vùng cổ, nâng vật nặng… Khi đó có thể gây stress nhiều hơn lên vùng cột sống cổ.
  • Thừa cân: Những người thừa cân có xu hướng thoái hóa xương khớp sớm hơn, bao gồm cả cột sống cổ. Trọng lượng nhiều hơn có nghĩa là đặt áp lực nhiều hơn trên các khớp. Có ý kiến cho rằng những người thừa cân có thể thoái hóa cột sống nghiêm trọng hơn.
  • Sai tư thế: Đứng, ngồi, nằm không đúng tư thế cũng có thể dẫn đến thoái hóa cột sống cổ.  

Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ

Nguyên nhân chính là sự hao mòn các cấu trúc của cột sống cổ xảy ra theo thời gian. Theo tuổi tác, các đĩa đệm bắt đầu khô do mất nước tự nhiên, khiến chúng bị xẹp. 

Những thay đổi này có thể bao gồm:

  • Đĩa đệm mất nước: Các đĩa đệm hoạt động như lớp đệm giữa các đốt sống của cột sống. Ở tuổi 40, hầu hết các đĩa đệm cột sống của mọi người bắt đầu khô và co lại. Điều này làm tăng diện tích tiếp xúc nhiều hơn giữa xương với các đốt sống.
  • Thoát vị đĩa đệm: Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến bên ngoài của đĩa đệm. Khi đĩa đệm suy yếu, xuất hiện vết nứt, dẫn đến thoát vị. Thoát vị đĩa đệm đôi khi có thể chèn ép vào tủy sống và rễ thần kinh.
  • Xương: Cột sống khi thoát vị đĩa đệm sẽ hình thành thêm xương để củng cố gọi là gai xương. Những gai xương này đôi khi cũng có thể chèn ép tủy sống và rễ thần kinh.
  • Xơ cứng dây chằng: Dây chằng cột sống có thể cứng theo tuổi tác, làm cho cổ kém linh hoạt.

Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ

Các triệu chứng thoái hóa cột sống cổ thường thay đổi. Có thể là một sự khó chịu nhẹ, không thường xuyên đến một cơn đau dữ dội làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.  

Khi thoái hóa cột sống cổ có triệu chứng, nó thường đặc trưng bởi cơn đau:

  • Cổ cứng.
  • Cơn đau tăng dần và có thể trở nên nặng hơn theo thời gian.
  • Đau lan dọc theo bả vai, cánh tay.
  • Làm gián đoạn giấc ngủ vào giữa đêm.
  • Gây đau đầu, đặc biệt là ở phía sau đầu.
  • Không có khả năng quay đầu hoặc xoay cổ hoàn toàn, đôi khi cản trở việc lái xe.

Các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ có xu hướng cải thiện khi nghỉ ngơi. Thông thường triệu chứng sẽ nghiêm trọng nhất vào buổi sáng và trở lại tồi tệ vào cuối ngày. Khi thoái hóa cột sống cổ, có thể gặp tất cả các triệu chứng hoặc chỉ một trong số đó. 

Triệu chứng nặng

Gai xương đoạn cổ là một dấu hiệu phổ biến của thoái hóa cột sống cổ. Sự phát triển quá mức của gai xương có thể ảnh hưởng đến thần kinh cột sống, gây tê bì. Khi gai xương đoạn cổ chèn ép vào đoạn thần kinh đi ra từ cột sống có thể gây đau. tê bì dọc cánh tay.

Nếu sự thoái hóa gây chèn ép tủy sống có thể dẫn đến rối loạn chức năng tủy sống. Triệu chứng bao gồm:

  • Đau nhói, tê và / hoặc yếu ở cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân.
  • Thiếu sự phối hợp trong cử động và đi lại khó khăn.
  • Phản xạ bất thường.
  • Các vấn đề với các kỹ năng vận động tinh.
  • Tăng trương lực cơ.
  • Mất kiểm soát bàng quang và ruột (tiêu tiểu không tự chủ).

Người thoái hóa cột sống cổ có thể gặp rắc rối với việc đi lại, cài nút áo hoặc kiểm soát chức năng bàng quang và ruột. Thoái hóa cột sống cổ có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc và thực hiện các hoạt động thường ngày.

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây chèn ép dây thần kinh và ống sống

Thoái hóa cột sống cổ có thể gây chèn ép dây thần kinh và ống sống

Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ

Bác sĩ sẽ hỏi kĩ về các triệu chứng và tiền căn. 

Khám lâm sàng

  • Quan sát dáng đi.
  • Phạm vi chuyển động cổ của bạn.
  • Phản xạ và sức cơ để kiểm tra chèn ép lên dây thần kinh cột sống hoặc tủy sống.

Khám cận lâm sàng

Không có một xét nghiệm nào có thể được sử dụng để chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ. Thay vào đó, bác sĩ sẽ thu thập nhiều thông tin liên quan để đưa ra chẩn đoán.

Chẩn đoán hình ảnh:

  • X-quang cổ: X-quang cổ cho thấy những bất thường, chẳng hạn như gai xương, sự thoái hóa đốt sống cổ. Nó cũng hỗ trợ loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp và nghiêm trọng hơn gây đau cổ và cứng khớp, chẳng hạn như khối u, nhiễm trùng hoặc gãy xương.
  • Chụp CT: Chụp CT có thể cung cấp hình ảnh chi tiết hơn, đặc biệt là xương.
  • MRI: MRI tốt hơn trong việc hiển thị mô mềm và hữu ích nếu nghi ngờ chèn ép dây thần kinh.

Xét nghiệm chức năng thần kinh:

  • Điện cơ: Đo hoạt động điện khi dây thần kinh truyền điện đến cơ khi cơ đang co thắt và nghỉ ngơi.

Điều trị thoái hóa cột sống cổ

Các lựa chọn điều trị thoái hóa cột sống cổ thường phụ thuộc vào:

  • Độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
  • Mức độ thường xuyên của các triệu chứng làm ảnh hưởng các hoạt động sống hàng ngày.

Thông thường, các lựa chọn điều trị không phẫu thuật sẽ đủ để kiểm soát thoái hóa cột sống cổ. Mục tiêu của điều trị là giảm đau, giúp bạn duy trì các hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, quan trọng là ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho tủy sống và dây thần kinh.

1. Điều trị không phẫu thuật

Thuốc

  • Kháng viêm, giảm đau: sử dụng thuốc chống viêm NSAID hoặc các sản phẩm không gây nghiện khác để giảm đau do viêm
  • Giãn cơ: có thể giúp giảm co thắt cơ ở cổ.
  • Chống động kinh: có thể làm giảm cơn đau của các dây thần kinh bị tổn thương.
  • Chống trầm cảm: một số loại thuốc đã được chứng minh giảm đau cổ do thoái hóa đốt sống cổ. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Ngoài ra, bạn có thể được tiêm thuốc (corticosteroid và gây tê cục bộ) vào các khớp của cột sống hoặc khu vực xung quanh cột sống.

Nghỉ ngơi

Nên nghỉ ngơi khi hiện diện các triệu chứng trở nặng. Hạn chế cử động cổ trong một thời gian ngắn cũng giúp các triệu chứng thuyên giảm. Giảm hoặc loại bỏ một số hoạt động có thể ngăn chặn tình trạng bùng phát triệu chứng nặng. Ví dụ, một tư thế bơi lội có thể gây vặn xoắn cổ nhiều hơn các tư thế khác. Mỗi người sẽ có các hoạt động gây gia tăng các triệu chứng khác nhau, cần biết để hạn chế.

Lối sống năng động

Tập thể dục vừa phải là tốt cho các khớp, bao gồm cả khớp vùng cổ. Kết hợp tập thể dục vào thói quen hàng ngày giúp giảm đau lâu dài, tăng tốc độ phục hồi. Đi bộ là một cách tốt để tăng hoạt động hàng ngày và tăng cường endorphin một cách tự nhiên.

Vật lý trị liệu

Nhà vật lý trị liệu có thể tạo ra một chương trình tập luyện theo nhu cầu cụ thể của bệnh nhân. Các bài tập sẽ giúp kéo giãn và tăng cường cơ bắp vùng cổ, vai. Một số người bệnh cải thiện từ việc sử dụng lực kéo. Phương pháp này giúp giảm sự chèn ép của rễ thần kinh.

Tập vật lý trị liệu hỗ trợ giảm cơn đau do thoái hóa cột sống cổ

Tập vật lý trị liệu hỗ trợ giảm cơn đau do thoái hóa cột sống cổ

Biện pháp khác

  • Massage các vùng bị ảnh hưởng.
  • Đeo đai cố định vùng thoái hóa để hạn chế cử động và hỗ trợ cột sống. Tuy nhiên, chỉ nên đeo trong thời gian ngắn vì có thể làm suy yếu các cơ cổ.
  • Chườm ấm, chườm lạnh.

Đây không phải là một danh sách đầy đủ các lựa chọn điều trị. Thông thường người bệnh sẽ kiểm soát các triệu chứng bằng cách kết hợp nhiều loại điều trị.

2. Điều trị phẫu thuật

Thoái hóa cột sống cổ thường mãn tính, triệu chứng hiếm khi tiến triển đủ để yêu cầu phẫu thuật. Phẫu thuật được lựa chọn điều trị trong trường hợp:

  • Cơn đau trở nên tồi tệ hơn, cản trở hoạt động hằng ngày. Mất chức năng nghiêm trọng như mất dần cảm giác, chèn ép dẫn đến tàn tật…
  • Các phương pháp điều trị khác nhau không hiệu quả trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tuần

Mục tiêu của phẫu thuật nhằm:

  • Loại bỏ sự chèn ép lên tủy sống và dây thần kinh. 
  • Tăng sự ổn định của cột sống

Phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Loại bỏ một đĩa đệm thoát vị hoặc xương
  • Lấy bỏ một phần của đốt sống
  • Hợp nhất một đoạn cổ bằng cách ghép xương và phần cứng

Thoái hóa cột sống cổ là một bệnh lý thường gặp. Triệu chứng bệnh có thể diễn tiến khác nhau tùy thuộc vào từng người và các hoạt động của họ. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về bệnh. Hiểu biết về bệnh chính là giúp ích cho bản thân và những người xung quanh. Youmed hy vọng đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *