Nhiều người mắc tiểu đường nhận thức được các biến chứng trên gan, thận và bàn chân nhưng thường bỏ qua các biến chứng xương khớp, dẫn đến đau đớn, cứng khớp, và thậm chí là tàn phế. Sau khoảng 5 năm mắc tiểu đường type 1 hoặc type 2, gần 50% bệnh nhân có thể gặp vấn đề về xương khớp tại vai, bàn tay, khớp gối hoặc bàn chân. Điều đáng lưu ý là những biến chứng này thường bị nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến tuổi tác, dẫn đến điều trị không chính xác và ít hiệu quả. Hãy cùng Preflex tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.
1. Tiểu đường ảnh hưởng đến xương khớp như thế nào?
Ở người tiểu đường, sự rối loạn chuyển hóa đường không chỉ làm tăng lượng đường trong máu mà còn gây ra các rối loạn khác liên quan đến chất đạm và chất béo. Những rối loạn này tạo ra các chất thải độc hại, gây tổn thương cho thần kinh và mạch máu cung cấp cho khớp xương. Hơn nữa, chúng còn dẫn đến sự lắng đọng collagen tại các khớp, gây ra sẹo xơ ở tay và làm giảm khả năng vận động.
Mức đường trong máu cao cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm khớp. Thêm vào đó, tình trạng thừa cân ở người tiểu đường làm tăng áp lực lên các khớp, dẫn đến nguy cơ cao hơn về gãy xương và thoái hóa khớp.
2. Dấu hiệu nhận diện biến chứng xương khớp do tiểu đường
Người bệnh có thể phân biệt biến chứng xương khớp do tiểu đường với các bệnh khác qua các dấu hiệu sau:
-
- Cứng khớp vai: Gặp khó khăn khi thực hiện các động tác xoay vai, dang rộng hay giơ tay lên cao. Đôi khi, bệnh nhân cảm thấy đau âm ỉ nhưng không kèm theo triệu chứng sưng hay đau lan rộng.
- Khó co duỗi bàn tay (hội chứng bàn tay cứng): Da tay trở nên dày và cứng, làm khó khăn trong việc áp sát hai lòng bàn tay vào nhau hoặc gấp, duỗi tay hết mức.
- Ngón tay co cứng: Ngón tay có thể cong như động tác bóp cò súng và khó duỗi thẳng mà không cần trợ giúp. Một số người bị co quặp ngón tay như bàn chân chim (hội chứng Dupuytren), khác biệt so với các bệnh xương khớp khác thường gây sưng, nóng, đỏ đau ở ngón tay.
- Cứng khớp gối: Tình trạng này thường gây cảm giác nặng nề như đeo đá ở chân. Bệnh nhân có thể phải dùng tay để nâng chân khi di chuyển mà không có tiếng lục cục như ở các bệnh xương khớp tuổi tác.
- Sưng đỏ và biến dạng bàn chân (Bàn chân Charcot): Các vết sưng đỏ xuất hiện rải rác trên bàn chân, khác với viêm khớp chỉ sưng đỏ tại các khớp. Lâu dần, bàn chân có thể biến dạng thành hình võng, ngón chân quặp lại.
3. Cách phòng ngừa và cải thiện biến chứng xương khớp
Biến chứng xương khớp do tiểu đường có thể gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày và có thể dẫn đến tàn phế nếu không điều trị đúng cách. Dưới đây là các biện pháp giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng này:
3.1. Tập luyện đúng cách
Một số bài tập nhẹ nhàng, ít tạo áp lực lên các khớp xương sẽ có ích cho người tiểu đường bị biến chứng xương khớp.
Nếu có biến chứng ở bàn chân thì không nên đi bộ, thay vào đó nên tập đạp xe đạp trên không (nằm ngửa, giơ cao hai chân và thực hiện động tác như đang đạp xe), tập hít thở… Với người bị đông cứng khớp vai cần tập các động tác cử động vai lên xuống, xoay vai nhẹ nhàng. Nếu bàn tay bị co cứng thì bài tập nắm, duỗi bàn tay là phù hợp nhất.
3.2. Chăm sóc bàn chân hàng ngày
Giữ bàn chân sạch sẽ và chọn tất mềm mại. Thường xuyên kiểm tra chân để phát hiện sớm các tổn thương nhỏ như nốt chai hoặc trầy xước. Lựa chọn giày dép phù hợp hoặc giày chuyên dụng nếu bàn chân đã bị biến dạng.
3.3. Sử dụng thuốc giảm đau viêm
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, glucosamin, hoặc canxi để giảm đau. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và có thể gây tác dụng phụ nếu sử dụng lâu dài.
3.4. Duy trì lối sống lành mạnh
Một chế độ ăn uống hợp lý, bao gồm nhiều rau xanh, ít tinh bột và thực phẩm giàu canxi như sữa ít đường, cá, đậu phụ và rau lá xanh sẫm, sẽ giúp duy trì sức khỏe xương khớp và ngăn ngừa loãng xương. Đồng thời, giảm cân nếu cần để giảm nguy cơ viêm khớp.