Bạn đã biết gì về đau xơ cơ?

Đau xơ cơ là một tình trạng đau và cứng các mô mềm như cơ, gân và dây chằng. Bệnh khiến cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động công việc học tập hằng ngày. Bệnh chưa có thuốc điều trị khỏi, nhưng sự kết hợp của nhiều phương thức điều trị giúp giảm triệu chứng. Đưa người bệnh trở về trạng thái tốt nhất.

1. Đau xơ cơ là gì?

Là tình trạng gây đau khắp cơ thể, khó ngủ, mệt mỏi và suy giảm về cảm xúc và tinh thần. Những người bị đau xơ cơ nhạy cảm với cơn đau hơn những người bình thường. Là do quá trình nhận diện đau bị bất thường. Đau xơ cơ ảnh hưởng đến khoảng 4 triệu người Mỹ, chiếm 2% dân số trưởng thành. Nguyên nhân của đau xơ cơ chưa rõ, nhưng nó có thể được điều trị và quản lý hiệu quả.

2. Triệu chứng của đau xơ cơ

Đau xơ cơ có nhiều triệu chứng với mức độ thay đổi khác nhau ở mỗi người. Nhưng các triệu chứng chính là:

  • Đau khắp người, liên tục, dù rằng đôi lúc có thể thuyên giảm. Cảm giác đau nóng rát, đau nhói. Những người đau xơ cơ thường rất nhạy cảm đau – tình trạng đau hơn mức bình thường. Hoặc dị cảm đau – khi không có kích thích nhưng vẫn đau. Ví dụ như cảm giác tê tê, cảm giác kiến bò ở tay chân. .

  • Mệt mỏi. Mức độ có thể thay đỏi, từ cảm giác rất nhẹ cho đến kiệt sức như khi bạn bị cúm vậy. Cảm giác mệt mỏi này ngốn mọi năng lượng còn sót lại và khiến bạn chẳng muốn làm gì cả.

  • Ngủ không ngon, không sâu giấc. Chính vì thế cho dù bạn ngủ cả đêm nhưng sáng hôm sau vẫn cảm thấy rất mệt và buồn ngủ.

  • Giảm khả năng ghi nhớ và tập trung.

đau xơ cơ

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Các triệu chứng khác có thể gặp như:

  • Cứng. Bạn phải mất một khoảng thời gian dài để thay đổi tư thế của bàn tay, ngón tay hay chân. Sự cử động khiến cơ bị co thắt.

  • Trầm cảm và lo âu.

  • Chóng mặt

  • Cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh. Điều này là do cơ thể bạn không thể điều hòa nhiệt độ cơ thể cho phù hợp.

  • Các vấn đề về tiêu hóa: đau bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy…

>> Xem thêm: Làm gì khi đau khớp háng?

3. Tại sao tôi bị đau xơ cơ?

Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết, nhưng có khả năng một số yếu tố sau đây có liên quan.

3.1. Tín hiệu đau bất thường

Một trong những giả thuyết chính là người bị đau cơ xơ đã có những thay đổi trong quá trình xử lí dẫn truyền tín hiệu từ hệ thần kinh trung ương đến khắp cơ thể.  Điều này giải thích tại sao họ lại có cảm giác đau liên tục và cực kì nhạy cảm với đau.

3.2. Mất cân bằng các chất hóa học

Các tín hiệu thần kinh được truyền đi nhờ các chất dẫn truyền thần kinh. Serotonin, noradrenaline và dopamine là những chất đó. Chúng tham gia dẫn truyền cảm giác đau. Và nồng độ chúng thấp bất thường trong ở não của người đau xơ cơ.

Các chất này có liên quan đến cảm xúc, ngủ, tập trung chú ý, sự phản ứng với stress. Điều này có thể giải thích tại sao, trong đau xơ cơ người bệnh thường có những triệu chứng này.

đau xơ cơ

3.3. Các vấn đề về giấc ngủ

Giấc ngủ bị xáo trộn có thể là nguyên nhân gây đau cơ xơ, thay vì chỉ là một triệu chứng. Đau cơ xơ ngăn bạn ngủ sâu và gây ra sự mệt mỏi cực độ. Ngủ kém cũng có thể bị đau ở mức độ cao hơn, cho thấy giấc ngủ thực sự góp phần vào triệu chứng của đau xơ cơ.

>> Xem thêm: Đau khớp gối là biểu hiện của bệnh gì?

3.4. Một số yếu tố kích hoạt

Đau cơ xơ thường được kích hoạt bởi một stress, có thể là thể chất hoặc tinh thần. Bao gồm:

  • Một chấn thương
  • Nhiễm virus
  • Sinh con
  • Phẫu thuật
  • Chia tay người yêu
  • Bị lạm dụng, bạo hành
  • Người thân yêu qua đời…

Tuy nhiên, cũng có trường hợp, bệnh bị kích hoạt mà không có yếu tố khởi phát rõ ràng. Một số bệnh lý toàn thân có liên quan đến cơ xương khớp, cũng liên quan đến đau xơ cơ. Ví dụ:

  • Viêm xương khớp – tổn thương khớp gây đau và cứng khớp
  • Lupus phát ban hệ thống – hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh ở khắp cơ thể.
  • Viêm khớp dạng thấp – hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh ở khớp, gây đau và sưng
  • Viêm cột sống dính khớp – đau và sưng ở các bộ phận của cột sống
  • Rối loạn khớp thái dương hàm – một tình trạng có thể gây đau ở hàm, má, tai và thái dương.

4. Biến chứng của đau xơ cơ

đau xơ cơ

Bệnh có thể gây đau, tàn tật và giảm chất lượng cuộc sống.

Những cơn đau, thể trạng mệt mỏi và mất ngủ khiến bạn ra vô bệnh viện nhiều lần.

Tỉ lệ trầm cảm cao hơn. Gấp 3 lần so với người lớn không bị đau xơ cơ. Do đó tầm soát và điều trị trầm cảm trên những đối tượng này là vô cùng quan trọng.

Tỉ lệ tử vong cao hơn do tự tử và chấn thương.

Tỉ lệ cao mắc các bệnh về khớp cao hơn người không mắc đau xơ cơ.

5. Làm thế nào để chẩn đoán đau xơ cơ?

Nếu bạn có các triệu chứng nêu trên, kéo dài, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Để chẩn đoán đau xơ cơ, các bác sĩ cần thu thập thông tin từ hỏi bệnh và khám. Bạn đau ở nhiều vị trí khác nhau, kéo dài trên 3 tháng. Tùy mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày mà có thể yêu cầu số vị trí đau khác nhau.

Điều quan trọng nữa, là phải loại trừ các bệnh lí khác nặng nề, nguy hiểm hơn. Như: viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng, lupus ban đỏ hệ thống…

Các xét nghiệm là công cụ hữu ích góp phần chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý trên. Chụp X quang, lấy máu, nước tiểu có thể là những xét nghiệm bạn được yêu cầu thực hiện.

>> Xem thêm: Đau khớp vai: Triệu chứng có đáng lo ngại?

6. Đau xơ cơ điều trị như thế nào?

Hiện tại chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Vậy nên mục tiêu của điểu trị đau xơ cơ sẽ là giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một đội ngũ để điều trị tối ưu cho nhóm bệnh nhân này, sẽ bao gồm:

  • Bác sĩ cơ xương khớp.

  • Bác sĩ thần kinh

  • Bác sĩ tâm thần

  • Chuyên viên tâm lý.

Tuy nhiên tùy vào hoàn cảnh mỗi người, bạn có thể lựa chọn cho mình đội ngũ điều trị cho phù hợp.

Đau cơ xơ có rất nhiều triệu chứng, nhưng không có phương pháp điều trị duy nhất nào có hiệu quả cho tất cả. Và mỗi người khác nhau cũng sẽ có những đáp ứng khác nhau với từng loại thuốc. Nhưng nói chung điều trị cơ bản là sự kết hợp giữa thuốc và thay đổi lối sống.

6.1. Thuốc

Có nhiều loại thuốc khác nhau để bác sĩ lựa chọn để giảm đau cho bạn. Có thể kể đến như thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ, thuốc chống động kinh, thuốc chống loạn thần….

Thuốc thì có rất nhiều loại, mỗi loại có một ưu thế hay bất lợi riêng. Và không phải thuốc cũng phù hợp cho tất cả mọi người. Vì thế rất cần ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trong việc lựa chọn thuốc nào là tốt nhất cho bạn.

>> Xem thêm: Giảm đau trong các bệnh cơ xương khớp

6.2. Không dùng thuốc

đau xơ cơ

Bất kì một bệnh lý nào cũng cần có sự tự quản lý và thay đổi lối sống ở người bệnh. Đặc biệt trong các bệnh lý mạn tính. Tập thể dục, thư giãn, thay đổi nhận thức hành vi, mát xa, châm cứu…là những biện pháp không dùng thuốc rất hữu ích cho người bệnh đau xơ cơ.

Ngoài ra, do rối loạn lo âu và trầm cảm rất thường gặp trên những đối tượng này. Và những rối loạn này có ảnh hưởng đến đáp ứng và diễn tiến điều trị của đau xơ cơ. Nên việc điều trị trầm cảm và lo âu là rất cần thiết.

7. Giải pháp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bị đau xơ cơ

Như đã nói ở trên thay đổi lối sống là một liều thuốc rất hữu ích để giảm các triệu chứng. Khiến cho cuộc sống của bạn dễ thở và đáng yêu hơn nhiều.

7.1. Tập thể dục

Vì mệt mỏi kiệt sức và đau là hai trong số các triệu chứng chính của bệnh. Nên có thể khiến bạn e ngại việc tập tành. Nhưng hãy nghĩ đến một chương trình tập thể dục phù hợp với tình trạng của bạn có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.

7.2. Bài tập có nhịp điệu (aerobic)

Đó là bất kỳ loại bài tập nào có nhịp điệu, cường độ vừa phải làm tăng nhịp tim và nhịp thở. Ví dụ: đi bộ, đạp xe, bơi lội…

đau xơ cơ

Nghiên cứu cho thấy các bài tập thể dục nhịp điệu nên được đưa vào kế hoạch tập thể dục hằng ngày. Ngay cả khi bạn không thể hoàn thành chúng ở cường độ cao. Các bài tập này làm bạn tăng sức chịu đựng, vì thế giúp bạn hoạt động tốt hơn mỗi ngày.

7.3. Bài tập sức đề kháng và tăng cường sức mạnh

Ví dụ như nâng tạ. Những bài tập này làm tăng sức mạnh cơ bắp, giảm mệt mỏi, tăng vui vẻ.

7.4. Cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi

Đau xơ cơ cần thiết phải hoạt động tập thể dục. Nhưng điều quan trọng bạn không nên làm quá sức hoặc đẩy bản thân vượt quá giới hạn. Theo thời gian, thời gian hoạt động của bạn có thể tăng dần nhưng luôn nhớ phải cân bằng với thời gian nghỉ ngơi. Lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi bất cứ khi nào bạn cần.

Tránh bất kỳ hoạt động nào quá sức vì nó có thể làm cho các triệu chứng nặng thêm. Và nhớ, thay vì cố gắng tập nhiều trong một khoảng thời gian ngắn, bạn nên duy trì đều đặn

7.5. Thư giãn

Các kỹ thuật thư giãn làm giảm căng thẳng. Từ đó làm giảm triệu chứng đau, giảm nguy cơ mắc trầm cảm.

Có rất nhiều cách để bạn thư giãn. Đọc sách, nghe nhạc, kĩ thuật hít thở sâu, ngồi thiền… Đơn giản là giữ cho đầu óc không nghĩ về những thứ khiến mình căng thẳng. Cố gắng tìm thời gian mỗi ngày để bạn thư giãn. Thư giãn trước khi ngủ cũng có thể giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm.

7.6. Nói chuyện với các chuyên gia tâm lý, có thể cần thiết giúp bạn tìm ra cách để đối mặt với căng thẳng

đau xơ cơ

7.7. Tạo dựng thói quen ngủ tốt hơn

Đau cơ xơ có thể làm cho khó ngủ hoặc thậm chí là mất ngủ. Trước khi tìm đến sự hỗ trợ của thuốc ngủ, bạn nên vệ sinh giấc ngủ của mình trước. Bằng cách:

  • Thư giãn trước khi đi ngủ
  • Tạo thói quen đi ngủ, chẳng hạn như tắm và uống nước ấm, sữa mỗi tối, ngủ đúng giờ
  • Tránh chất caffeine, nicotine và rượu trước khi đi ngủ
  • Tránh ăn quá nhiều vào đêm khuya
  • Nhiệt độ, ánh sáng phòng phù hợp
  • Im lặng
  • Tránh kiểm tra thời gian suốt đêm
  • Thức dậy đúng giờ mỗi sáng

Đau xơ cơ có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày. Làm tăng tỉ lệ mắc trầm cảm, tăng tỉ lệ tử vong do tự sát. Vì thế trong chương trình quản lý bệnh đau xơ cơ, việc tầm soát, phát hiện và điều trị trầm cảm là vô cùng cần thiết.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *