Hội chứng khuỷu tay quần vợt hay còn gọi là hội chứng Tennis elbow. Đây là tình trạng viêm lồi cầu ngoài của xương cánh tay liên quan đến tình trạng sử dụng quá mức. Hội chứng này thường xảy ra ở tay thuận. Cơn đau do hội chứng này có thể gây nên khó khăn trong công việc, sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này kéo dài sẽ gây giảm chất lượng cuộc sống của bạn. Việc trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị hội chứng khuỷu tay quần vợt là vô cùng quan trọng. Vì vậy, hãy cùng Youmed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!
1. Hội chứng khuỷu tay quần vợt là gì?
Gân là một phần trung gian giữa cơ và xương, giúp cơ bám chắc vào xương. Từ đó, khi cơ co, xương sẽ di chuyển, tạo ra hoạt động của con người
Lồi cầu ngoài xương cánh tay là vùng xương có thể dễ dàng sờ thấy trên da. Nằm ở mặt ngoài vùng khuỷu. Đây là nơi bám của các gân cơ duỗi cổ tay. Đúng như tên gọi, nhiệm vụ của chúng là duỗi cổ tay.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Hội chứng khuỷu tay quần vợt là tình trạng đau do viêm tại điểm bám lồi cầu ngoài của nhóm gân cơ duỗi cổ tay. Thường là do những chuyển động lặp đi lặp lại của cổ tay và cánh tay. Bạn thường cảm thấy đau khi bạn duỗi thẳng cánh tay của bạn.
Mặc dù tên gọi của nó, những người chơi quần vợt không phải là người duy nhất bị hội chứng này. Những người chơi cầu lông, golf, bowling, phụ nữ làm công việc nội trợ như xách đồ nặng, giặt giũ… cũng thường gặp hội chứng này.
>> Xem thêm: Giảm đau trong các bệnh cơ xương khớp
2. Nguyên nhân của hội chứng khuỷu tay quần vợt là gì?
Như đã nói, các gân vùng cẳng tay gắn các cơ duỗi vùng cẳng tay vào lồi cầu ngoài của vùng khuỷu tay. Những chuyển động lặp đi lặp lại nhiều lần đặt nhiều áp lực lên nhóm gân cơ duỗi này. Điều này gây ra những vết rách rất nhỏ ở tại điểm bám của gân cơ duỗi. Những vết rách này dẫn đến tình trạng viêm và đau.
Những hoạt động khiến cho cổ tay xoắn vặn lặp đi lặp lại sẽ liên quan đến hội chứng này. Những hoạt động này có thể bao gồm:
- Những người chơi quần vợt, hoặc những môn thể thao vùng vợt. Ví dụ: cầu lông…
- Bơi lội
- Đánh golf
- Xoay chìa khóa
- Vẽ
- Thường xuyên sử dụng tuốc nơ vít, búa hoặc máy tính
3. Những triệu chứng của hội chứng khuỷu tay quần vợt là gì?
Triệu chứng của hội chứng khuỷu tay quần vợt khá đa dạng. Nó còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương của bạn. Nhìn chung, đau là triệu chứng thường gặp nhất. Tuy nhiên, bạn cũng có thể trải qua một số triệu chứng khác. Một số đặc điểm các triệu chứng mà bạn gặp phải đó là:
- Đau vùng khuỷu tay: Mức độ đau cũng rất thay đổi. Khởi đầu, cơn đau có thể nhẹ. Sau đó, cơn đau có thể tăng dần đến mức nặng. Đau có thể từ vùng ngoài khuỷu tay lan xuống vùng cẳng tay và cổ tay.
- Ban đầu chỉ đau khi thực hiện một số động tác như gấp duỗi khuỷu, sấp, ngửa cẳng tay, hoặc xách vật nặng. Trường hợp nặng hơn, đau thường xuyên kể cả lúc không chơi thể thao. Đau không thể cầm vật nặng, vắt quần áo, mở nắp chai hoặc khi lái xe.
- Cảm giác yếu khi cầm nắm vật gì đó
- Sưng, nóng, đỏ vùng da trên lồi cầu ngoài
>> Xem thêm: Thể dục với bệnh nhân cơ xương khớp
4. Chẩn đoán hội chứng khuỷu tay quần vợt bằng cách nào?
Hội chứng khuỷu tay quần vợt thường được chẩn đoán bằng khám lâm sàng. Bác sĩ của bạn sẽ hỏi bạn những thông tin về bệnh sử. Bao gồm:
- Nghề nghiệp của bạn
- Môn thể thao bạn tham gia
- Các triệu chứng khởi phát và tiến triển như thế nào
Sau đó, họ sẽ thực hiện một số cách khám đặc trưng để đưa ra chẩn đoán. Bác sĩ sẽ ấn lên vùng ngoài khuỷu tay (nơi bám của gân) để kiểm tra mức độ đau của bạn. Khi khuỷu tay duỗi thẳng và cổ tay gấp về phía lòng bàn tay, bạn sẽ cảm thấy đau dọc mặt ngoài khuỷu tay khi bạn duỗi thẳng cổ tay.
Bác sĩ cũng đề nghị thực hiện một số xét nghiệm. Ví dụ như: chụp X – quang, cộng hưởng từ. Mục đích để loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây đau cánh tay. Vì vậy, những xét nghiệm này không cần thiết để đưa ra chẩn đoán bệnh.
>> Xem thêm: Làm cách nào để giảm đau nhức xương khớp khi trời trở lạnh?
5. Hội chứng khuỷu tay quần vợt được điều trị như thế nào?
Điều trị bao gồm điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật. Khoảng 80 – 95% trường hợp có thể điều trị thành công mà không cần phẫu thuật. Bác sĩ của bạn sẽ khám và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho bạn.
6. Điều trị không phẫu thuật: không dùng thuốc
6.1. Nghỉ ngơi
Bước đầu tiên trong quá trình hồi phục của bạn là để cho cánh tay của bạn nghỉ ngơi trong một vài tuần. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn mang nẹp. Bởi vì nẹp sẽ giúp bất động những gân cơ bị tổn thương.
6.2. Chườm đá
Đá lạnh đặt lên vùng khuỷu tay giúp giảm viêm và giảm đau. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da. Vì nó có thể gây bỏng lạnh cho da. Hay cho đá lạnh vào một cái khăn ẩm. Sau đó hãy chườm lên da. Thực hiện khoảng 3 lần/ngày. Mỗi lần khoảng 20 phút.
6.3. Vật lí trị liệu
Một chuyên gia vật lí trị liệu sẽ kê đơn một số bài tập cho bạn. Mục đích để làm mạnh cơ vùng cẳng tay và cải thiện quá trình lành thương. Những bài tập này có thể là: bài tập cánh tay, mát xa đá, kĩ thuật kích thích cơ…
7. Điều trị không phẫu thuật: dùng thuốc
7.1. Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Những thuốc kháng viêm không steroid có thể giúp giảm đau và sưng. Ví dụ: aspirin, ibuprofen… Lưu ý, hãy dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhé!
7.2. Tiêm steroid
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể quyết định tiêm corticosteroid cho ban. Thuốc này được tiêm trực tiếp vào vùng cơ bị tổn thương hoặc vùng gân bám vào xương ở khuỷu tay. Điều này có thể giúp giảm đau cho bạn.
7.3. Trị liệu bằng sóng xung kích
Đây là một phương pháp điều trj bằng cách đưa những sóng âm vào khuỷu tay để cải thiện quá trình lành thương của cơ thể.
7.4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Đây là phương pháp điều trị khá mới và có nhiều hứa hẹn. Phương pháp này giúp giảm viêm và đau, kích thích quá hình phục hồi nhanh hơn.
Thật vậy, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu từ cơ thể của bạn. Sau đó, máu được điều chế dưới sự giám sát chặt chẽ. Sau khi các thành phần của máu được tách riêng, bác sĩ sẽ lấy phần huyết tương giàu tiều cầu với liệu lượng phù hợp nhất. Tiêm trực tiếp huyết tương giàu tiểu cầu vào vùng bị tổn thương
8. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật có thể cần thiết nếu các triệu chứng không cải thiện sau khoảng 1 năm điều trị. Bạn và bác sĩ của bạn có thể quyết dịnh xem liệu phẫu thuật có cần thiết để cải thiện tình trạng của bạn hay không.
Phẫu thuật có thể thực hiện qua nội soi hoặc mổ mở. Cả hai phương pháp đều nhằm mục đích loại bỏ những mô chết và gắn những gân cơ khỏe mạnh lên xương.
Sau phẫu thuật, cánh tay của bạn có thể cần đến nẹp để bất động cánh tay. Điều này được thực hiện nhằm khôi phục sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp.
Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật có tỉ lệ thành công khá cao, lên đến 80 – 90% trường hợp.
9. Quá trình phục hồi hội chứng khuỷu tay quần vợt diễn ra như thế nào?
Dĩ nhiên, những gì bạn thực sự muốn biết là khi nào bạn có thể hoạt động bình thường trở lại? Điều này phụ thuộc vào cơ địa mỗi người và mức độ tổn thương của bạn. Mỗi cá nhân sẽ có quá trình lành thường ở các mức độ khác nhau.
Dù bạn làm gì, hay nhớ đừng nóng vội. Nếu bạn cố gắng hoạt động trước khi khuỷu tay bạn lành thương, bạn có thể làm nó tồi tệ hơn.
Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn trước khi quay lại mức độ hoạt động bình thường. Bạn có thể sẵn sàng trở lại hoạt động bình thường trước đây nếu:
- Nắm chặt đồ vật hoặc xách vật nặng mà không thấy đau nữa
- Khuỷu tay bị đau lấy lại được sức mạnh như khuỷu tay còn lại của bạn
- Khuỷu tay của bạn không còn bị sưng nữa
- Bạn có thể gấp hoặc di chuyển khuỷu tay mà không thấy bất kì trở ngại nào
10. Ngăn ngừa hội chứng khuỷu tay quần vợt bằng cách nào?
Chìa khóa để ngăn ngừa hội chứng khuỷu tay quần vợt là tránh quá sử dụng. Hãy ngừng ngay nếu bạn cảm thấy đau vùng khuỷu tay khi hoạt động.
Có một vài phương pháp để ngăn ngừa hội chứng khuỷu tay quần vợt. Bao gồm:
- Đảm bảo sử dụng đúng thiết bị và kĩ thuật phù hợp cho từng môn thể thao hoặc công việc của bạn
- Kéo dãn hoặc làm nóng cơ thể trước khi chơi thể thao hoặc vận động
- Thực hiện các bài tập duy trì sức mạnh và tính linh động của vùng cẳng tay
- Chườm đá vùng khuỷu tay sau những hoạt động thể chất cường độ cao
- Để khuỷu tay của bạn nghỉ ngơi nếu cơn đau đến từ động tác duỗi cánh tay của bạn
Bạn hãy cố gắng thực hiện những phương pháp này và tránh làm căng cơ vùng khuỷu tay. Điều này làm giảm nguy cơ bị hội chứng khuỷu tay quần vợt, cũng như ngăn ngừa hội chứng này tái phát.
Tóm lại, hội chứng khuỷu tay quần vợt không phải là hiếm gặp. Triệu chứng nổi bật của hội chứng này đau mặt ngoài khuỷu tay. Mức độ đau phụ thuộc vào tình trạng của mỗi cá nhân. Điều trị hội chứng này bằng phương pháp không phẫu thuật hoặc không phẫu thuật. Tỉ lệ điều trị thành công khá cao. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị hội chứng khuỷu tay quần vợt. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. Youmed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân