Viêm co rút khớp vai còn được gọi là viêm cứng khớp vai hay viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Bệnh thường có biểu hiện cứng và đau khớp vai. Các triệu chứng thường diễn tiến dần xấu đi theo thời gian, thường là khoảng từ một đến ba năm.
Nguy cơ của viêm cứng khớp vai tăng lên nếu bạn không thể di chuyển cánh tay do phải hồi phục sau một chấn thương hoặc thủ thuật. Điều trị trong bệnh này bao gồm vật lý trị liệu, tiêm corticosteroid và có thể phẫu thuật nếu những phương pháp khác không giúp cải thiện.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Triệu chứng viêm co rút khớp vai là gì?
Viêm co rút khớp vai thường tiến triển chậm và được phân chia thành ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn trong đó có thể kéo dài vài tháng.
- Giai đoạn đau khớp vai: bất kỳ cử động nào của vai đều gây ra đau đớn và phạm vi vận động bắt đầu bị hạn chế.
- Giai đoạn khớp vai đông cứng: đau có thể bắt đầu giảm trong giai đoạn này. Tuy nhiên, vai của bạn trở nên cứng hơn và sử dụng khớp vai ngày càng khó khăn.
- Giai đoạn tan đông: phạm vi vận động của vai bắt đầu cải thiện.
Với một số bệnh nhân, đau vai trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Khi đó, cơn đau có thể gián đoạn giấc ngủ nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân viêm co rút khớp vai là gì?
Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm co rút khớp vai như:
Tuổi tác và giới tính:
Những người từ 40 trở lên gia tăng nguy cơ bị bệnh này. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng sẽ mắc viêm co rút khớp vai hơn nam giới.
Bất động hoặc giảm cử động
Những người phải bất động vai kéo dài có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bất động có thể do các nguyên nhân như:
- Chấn thương chóp xoay
- Gãy tay
- Đột quỵ
- Hồi phục sau phẫu thuật
- Bệnh nội khoa khác
Những người mắc một số bệnh nội khoa nhất định có khả năng mắc viêm co rút khớp vai cao hơn. Những bệnh làm tăng nguy cơ bao gồm:
- Đái tháo đường
- Cường giáp
- Suy giáp
- Bệnh tim mạch
- Lao
- Bệnh Parkinson
Cách phòng ngừa viêm co rút khớp vai
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm co rút khớp vai là do phải bất động vai để phục hồi sau một chấn thương vai, gãy tay hay đột quỵ. Nếu bạn bị chấn thương gây khó khăn cho việc vận động vai, hãy hỏi bác sĩ về những bài tập bạn có thể làm để duy trì phạm vi vận động khớp vai.
Chẩn đoán viêm co rút khớp vai như thế nào?
Khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chuyển động khớp vai theo một vài tư thế. Việc này nhằm kiểm tra xem bạn có đau hay giới hạn vận động không (vận động chủ động). Sau đó, có thể bạn cần thư giãn cơ để bác sĩ tự di chuyển cánh tay của bạn (vận động thụ động). Viêm co rút khớp vai ảnh hưởng cả hai loại vận động này.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm vào vai bạn một loại thuốc gây tê. Việc này giúp xác định tầm vận động chủ động và thụ động của bạn.
Viêm co rút khớp vai có thể chỉ cần dựa vào triệu chứng và khám lâm sàng để chẩn đoán. Nếu cần, bác sĩ có thể đề xuất hình ảnh học (như X-quang hay MRI) để loại trừ các bệnh khác.
Điều trị trong viêm co rút khớp vai
Hầu hết điều trị trong viêm co rút khớp vai bao gồm kiểm soát đau và phục hồi tầm vận động nhiều nhất có thể. Sau đây là một số phương pháp giúp điều trị viêm co rút khớp vai:
Thuốc men
Những thuốc giảm đau có thể mua mà không cần kê đơn (như aspirin và ibuprofen) có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Trong những trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và kháng viêm mạnh hơn để giảm triệu chứng.
Vật lý trị liệu
Nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn những bài tập liên quan đến các tầm vận động khớp vai khác nhau. Những bài tập này giúp hồi phục khả năng vận động của khớp vai nhiều nhất có thể. Vì thế bạn cần tuân thủ những bài tập luyện để nâng cao khả năng hồi phục sau này.
Phẫu thuật và các can thiệp khác
Hầu hết viêm co rút khớp vai có thể tự diễn tiến tốt trong vòng 12 đến 18 tháng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng liên tục và kéo dài hơn, có thể bác sĩ sẽ:
- Tiêm steroid: tiêm corticosteroids vào khớp vai của bạn có thể giúp giảm đau và cải thiện khả năng hoạt động. Can thiệp này sẽ hiệu quả hơn nếu được dùng trong những giai đoạn sớm.
- Tiêm nước vô khuẩn: tiêm vào trong bao khớp giúp kéo căng mô và di chuyển khớp dễ dàng hơn.
- Kéo dãn khớp vai: trong thủ thật này, bạn được gây mê nên sẽ bất tỉnh và không cảm thấy đau. Sau đó, bác sĩ sẽ di chuyển khớp vai của bạn theo các hướng khác nhau giúp nới lỏng các mô bị thắt chặt.
- Phẫu thuật: phẫu thuật hiếm khi được sử dụng trong viêm co rút khớp vai. Nhưng nếu không có phương pháp nào giúp cải thiện, có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thật. Việc phẫu thuật nhằm loại bỏ mô sẹo và kết dính bên trong khớp vai. Bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ được chiếu sáng vào bên trong khớp thông qua một vết cắt nhỏ để thao tác.
Lối sống và một số hướng dẫn tại nhà khi bị viêm co rút khớp vai
Cố gắng sử dụng vai của bạn càng nhiều càng tốt trong mức độ đau và mức độ giới hạn chuyển động cho phép. Ngoài ra, chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vai có thể giúp giảm đau phần nào.
Viêm co rút khớp vai có thể tự diễn tiến tốt. Tuy nhiên nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đi khám bac sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị nếu để rút ngắn thời gian và tăng khả năng hồi phục. Rất mong những thông tin YouMed cung cấp sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm co rút khớp vai.
Bác sĩ Vũ Thành Độ
>> Xem thêm:
Viêm gân xương bánh chè và những điều bạn cần biết
Bệnh viêm tủy xương và những điều bạn cần lưu ý