Đau xương đốt bàn chân là một bệnh thường gặp ở những người chạy và nhảy nhiều. Bệnh gây đau vùng ụ ngón chân và có thể ảnh hưởng đến thói quen hoạt động thể thao. Để biết cách phòng ngừa và điều trị chứng này, bạn hãy tham khảo bài viết sau của YouMed nhé!
1. Đau xương đốt bàn chân là gì?
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Đau xương đốt bàn chân là tình trạng đau và viêm vùng ụ ngón chân ở lòng bàn chân. Chứng này xuất hiện do những hoạt động như chạy và nhảy. Ngoài ra, dị tật bàn chân và giày quá chật hoặc quá lỏng cũng là nguyên nhân của đau xương đốt bàn chân.
Mặc dù nhìn chung không quá nghiêm trọng, chứng đau này có thể khiến người bệnh không thể chơi thể thao. May mắn là có những phương pháp điều trị tại nhà giúp giảm triệu chứng. Người bệnh có thể tự chườm đá và nghỉ ngơi khi bị đau. Mang giày dép thích hợp, có tính năng hấp thụ lực và hỗ trợ nâng đỡ vòm chân có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu khả năng rơi vào tình trạng này.
2. Đau xương đốt bàn chân gây ra những triệu chứng gì?
Người bệnh có thể gặp những triệu chứng như:
- Đau nhói, đau nhức hoặc đau kiểu bỏng rát ở ụ ngón chân (phần ở lòng bàn chân, ngay sau các ngón chân)
- Cảm giác đau trầm trọng hơn khi đứng, chạy, gập chân hoặc đi bộ. Đau càng nhiều hơn khi đi bằng chân trần trên bề mặt cứng và giảm khi nghỉ ngơi.
- Đau nhói hoặc đau buốt, tê hoặc ngứa ở các ngón chân
- Cảm giác như có một viên sỏi trong giày
Đau ở vùng ụ ngón chân
3. Nguyên nhân gây đau
Một số yếu tố sau liên quan đến chứng này:
- Hoạt động cường độ cao. Những người chạy cự ly dài có nguy cơ bị đau xương đốt bàn chân. Nguyên nhân là vì phần trước bàn chân là nơi chủ yếu hấp thụ lực khi chạy. Ngoài chạy, bất kỳ môn thể thao nào va chạm nhiều đều có nguy cơ, đặc biệt mang giày không vừa vặn hoặc bị mòn.
- Một số hình dạng bàn chân. Vòm bàn chân cao có thể tạo thêm áp lực lên xương đốt bàn chân. Nếu có ngón chân thứ 2 dài hơn ngón cái, lực có thể chuyển sang xương đốt bàn 2 và tăng nguy cơ bị đau.
- Biến dạng bàn chân. Mang giày quá nhỏ hoặc giày cao gót có thể khiến bàn chân bị lệch. Ngón chân hình búa hoặc tình trạng sưng đau khớp nối ngón cái với bàn chân cũng có thể gây đau vùng ụ ngón chân.
Những yếu tố sau cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị đau xương đốt bàn chân:
- Thừa cân. Khi di chuyển, phần trước bàn chân chịu phần lớn trọng lượng cơ thể. Do đó, cân nặng tăng lên đồng nghĩa với áp lực lên xương đốt bàn chân tăng lên. Giảm cân có thể giúp giảm tình trạng này.
- Mang giày không phù hợp. Giày cao gót khiến trọng lượng cơ thể dồn ra phía trước bàn chân. Đặc điểm này khiến giày cao gót trở thành nguyên nhân phổ biến gây đau xương đốt bàn chân ở phụ nữ. Những đôi giày có mũi giày chật hoặc thiếu miếng đệm hỗ trợ cũng có thể gây ra đau vùng ụ ngón chân.
- Gãy xương do mỏi. Những vết rạn nhỏ ở xương đốt bàn chân hoặc xương ngón chân gây đau đớn và thay đổi cách đặt chân. Tình trạng này khiến nguy cơ đau xương đốt bàn chân tăng lên.
- U dây thần kinh Morton. Bệnh này gây ra sự tăng sinh mô sợi xung quanh dây thần kinh, thường là ở vùng giữa xương đốt bàn chân thứ ba và thứ tư. Việc tăng sinh gây ra các triệu chứng tương tự đau xương đốt bàn chân và cũng góp phần tăng áp lực lên xương đốt bàn chân.
4. Những ai dễ bị đau xương đốt bàn chân?
Bất kỳ ai đều có thể bị chứng này. Tuy nhiên, những yếu tố sau làm nguy cơ đau chân tăng lên:
- Tham gia các môn thể thao có chạy và nhảy nhiều
- Mang giày cao gót, giày không vừa vặn hoặc giày cleat (giày có gai dùng trong bóng đá)
- Thừa cân hoặc béo phì
- Các bất thường ở bàn chân như ngón chân hình búa hay vết chai dưới chân
- Bị viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gout
Những người tham gia chạy, nhảy nhiều có nguy cơ cao bị đau xương đốt bàn chân
5. Tình trạng này có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, cơn đau có thể lan ra những nơi khác của bàn chân và các bộ phận khác trên cơ thể. Chẳng hạn bệnh nhân có thể bị đau ở cả chân còn lại hoặc đau lưng, hông vì động tác đi khập khiễng để cảm thấy bớt đau chân.
6. Chẩn đoán và điều trị đau xương đốt bàn chân như thế nào?
Nhiều bệnh lý khác nhau có thể gây ra triệu chứng tương tự như đau xương đốt bàn chân. Để xác định chính xác nguyên nhân gây đau, bác sĩ sẽ khám bàn chân người bệnh ở tư thế ngồi và đứng. Đồng thời, những thông tin về lối sống và thói quen vận động của người bệnh cũng quan trọng trong chẩn đoán. Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang để xác định hoặc loại trừ gãy xương do mỏi cũng như những bất thường khác ở chân.
Điều trị bảo tồn phù hợp với hầu hết người bệnh. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, đổi sang giày phù hợp hoặc sử dụng miếng đệm chân là đủ để giảm triệu chứng đau.
Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, chỉ điều trị bảo tồn là không đủ, chẳng hạn như khi biện pháp bảo tồn không giúp giảm đau hoặc bệnh nhân có các bệnh như ngón chân hình búa. Khi đó, bác sĩ có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật để chỉnh lại xương.
7. Lời khuyên của bác sĩ về lối sống tại nhà
Người bệnh có thể thử những cách sau để giảm đau:
- Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi giúp bảo vệ bàn chân khỏi bị tổn thương thêm. Khi đi bộ hoặc khi đứng, người bệnh có thể nâng cao chân lên. Ngoài ra, có thể cần phải ngừng môn thể thao đang tập một thời gian để chân hồi phục. Người bệnh vẫn có thể tập những bài tập ít tác động lên vị trí đau như đạp xe hay bơi lội.
- Chườm đá. Chườm túi đá lên vùng bị đau nhiều lần trong ngày, mỗi lần từ 15-20 phút. Người bệnh nên bọc túi đá trong một chiếc khăn mỏng rồi mới chườm để bảo vệ da.
- Thuốc giảm đau. Người bệnh có thể dùng ibuprofen, naproxen sodium hoặc aspirin để giảm đau và viêm.
- Mang giày phù hợp. Tránh đi giày quá chật hoặc quá lỏng và hạn chế mang giày cao gót. Nên mang giày phù hợp với từng môn thể thao.
- Sử dụng miếng đệm mũi chân. Những miếng đệm này đỡ phần ụ ngón chân, giúp giảm bớt lực cho vùng bị đau.
- Miếng lót giày hỗ trợ vòm bàn chân. Nếu đế lót sẵn trong giày không mang lại tác dụng, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng miếng lót hỗ trợ vòm bàn chân. Miếng lót này giúp giảm thiểu áp lực lên xương đốt bàn chân và cải thiện chức năng bàn chân.
Sử dụng miếng đệm vùng ụ ngón chân giúp giảm đau
Tạm kết
Đau xương đốt bàn chân có thể gây đau vùng ụ ngón chân. Mặc dù không nghiêm trọng, chứng này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đa phần trường hợp hồi phục với những biện pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau kéo dài vài ngày hoặc không giảm dù đổi giày hay nghỉ ngơi, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị.
Bác sĩ Phan Văn Giáo