Vùng hông là nơi xương đùi kết nối với ổ khớp của xương chậu. Nó được gọi là khớp ổ chảo – chỏm cầu vì phần trên chỏm xương đùi khớp với ổ khớp của xương chậu, giống như một quả bóng vừa khít với găng tay. Để biết thêm thông tin cơ bản về tình trạng hẹp khớp háng, hãy tìm hiểu cùng ThS.BS Vũ Thành Đô trong bài viết dưới đây.
1. Hẹp khớp háng là gì?
Thông thường, chỏm xương đùi sẽ hoạt động trơn tru trong ổ khớp. Nhưng khi chỏm xương đùi hoặc ổ khớp có vấn đề sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của cấu trúc này. Chấn thương do gập hông lặp đi lặp lại gây tổn thương phần sụn của ổ khớp, dẫn tới hẹp khớp háng hoặc hẹp ổ khớp chỏm đùi. Đây được cho là nguyên nhân chính gây ra thoái hóa khớp háng sớm, đặc biệt là ở những người dưới 40 tuổi.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
2. Triệu chứng
Bạn có thể bị hẹp khớp háng nhiều năm nhưng không biết, bởi vì nó thường không gây đau trong giai đoạn đầu.
Khi hẹp khớp háng gây ra triệu chứng, đây được gọi là hội chứng hẹp khớp háng. Triệu chứng chính là đau ở vùng háng. Đặc biệt, triệu chứng đau tăng khi đi bộ hoặc gập đùi và giảm mức độ vận động của hông.
Lúc đầu, bạn có thể chỉ cảm thấy đau khi vận động hông quá mức. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, bạn có thể cảm thấy đau với những hoạt động như đi bộ lên cao hoặc ngồi lâu. Cơn đau xuất hiện vào ban đêm hoặc khi đi bộ trên mặt phẳng cho thấy phần sụn của chỏm và ổ khớp đã bắt đầu bị phá vỡ và mòn đi. Đây là tình trạng thoái hóa khớp.
3. Nguyên nhân nào gây hẹp khớp háng?
Có hai nguyên nhân chính gây hẹp khớp háng:
- Biến dạng vùng chỏm xương đùi. Nếu đầu xương đùi không có hình dạng bình thường thì phần bất thường của đầu xương có thể bị kẹt trong ổ khớp. Điều này có thể xảy ra khi thực hiện các hoạt động như đi xe đạp hoặc buộc dây giày.
- Biến dạng của ổ khớp. Nếu vành trước của ổ khớp nhô ra quá xa, vùng xương đùi bên dưới đầu xương (hay còn gọi là cổ xương đùi) có thể bị va vào vành khi gập hông.
Trong một số trường hợp, cả ổ khớp và chỏm xương đùi đều có vấn đề. Các vấn đề khác có thể gây hẹp khớp háng, chẳng hạn như:
- Bệnh Legg-Calve-Perthes. Đây là một căn bệnh mà phần chỏm xương đùi không được cung cấp đủ máu và khiến xương chết đi.
- Chứng trượt chỏm xương đùi. Đó là tình trạng chỏm xương đùi trượt khỏi hành xương ở thanh thiếu niên. Bệnh thường phổ biến hơn ở trẻ em bị béo phì.
- Tật đùi cong vào. Đây là một tình trạng bất thường ở trẻ em. Tình trạng này xảy ra khi xương đùi và chỏm xương không có cùng tốc độ phát triển dẫn đến sự sai lệch giữa hai thành phần. Hậu quả của sự sai lệch là sẽ gây biến dạng khớp háng của trẻ.
4. Xét nghiệm và chẩn đoán hẹp khớp háng
Nếu bạn có triệu chứng của hẹp khớp háng, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng bạn mô tả, quá trình thăm khám và kết quả xét nghiệm hình ảnh. Những xét nghiệm mà bạn có thể phải làm là:
- Chụp X-Quang. Một xét nghiệm tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong. X-Quang có thể cho thấy những bất thường về hình dạng của chỏm xương hoặc phần xương thừa xung quanh vành ổ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI). Xét nghiệm sẽ dùng nam châm, sóng từ và máy tính để tạo nên hình ảnh chi tiết của các mô bên trong cơ thể. MRI có thể cho thấy hình ảnh sụn bị sờn hoặc rách.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT). Một kỹ thuật sử dụng tia X và máy tính để tạo ra nhiều hình ảnh bên trong cơ thể. Chụp CT hoặc MRI có thể giúp bác sĩ quyết định xem bạn có cần phẫu thuật hay không.
5. Điều trị hẹp khớp háng như thế nào?
Điều trị hẹp khớp háng nên được bắt đầu bằng các cách sau:
- Tránh vận động phần hông bị ảnh hưởng.
- Điều chỉnh các hoạt động của cơ thể để tránh di chuyển khớp và gây đau.
- Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để tăng cường sức cơ vùng hông.
- Sử dụng thuốc kháng viêm và thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phẫu thuật
Nếu những phương pháp này không hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào vấn đề gây hẹp khớp háng và mức độ tổn thương của sụn.
Thông thường, phẫu thuật điều trị hẹp khớp háng có thể được thực hiện bằng cách nội soi khớp. Kỹ thuật này sẽ đưa một ống soi sáng và các dụng cụ vào vùng hông thông qua một vết rạch nhỏ thay vì rạch một đường dài. Nội soi khớp thường là một cuộc phẫu thuật mà bệnh nhân có thể về ngay trong ngày.
Nếu phẫu thuật càng sớm thì cơ hội hồi phục hoàn toàn sẽ càng lớn. Kể cả khi sụn đã bị hư hỏng thì phẫu thuật vẫn có thể giúp giảm đau và cải thiện mức độ vận động.
Tuy nhiên, nếu sụn bị tổn thương nghiêm trọng, thay khớp háng có thể là phương pháp điều trị duy nhất giúp bệnh nhân giảm đau và cải thiện chức năng.
Hiện nay các bác sĩ vẫn đang nghiên cứu những phương pháp điều trị đầy hứa hẹn. Một phương pháp trong đó là tiêm máu của bạn vào khớp để kích thích sự tăng trưởng của sụn.
Qua bài viết trên, ThS.BS Vũ Thành Đô mong gửi tới bạn đọc những thông tin hữu ích. Nếu có những triệu chứng bất thường, hãy đến khám bác sĩ để kịp thời chẩn đoán và điều trị. Điều đó sẽ làm tăng kết quả điều trị thành công và cải thiện chất lượng cuộc sống.