Trật khuỷu tay thường xảy ra khi xương tại vị trí khớp bị trật khỏi vị trí đó. Tình trạng này thường xảy ra do bạn đưa tay duỗi ra khi té ngã xuống mặt đất. Để biết thêm những thông tin cơ bản về loại chấn thương này, hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu ngay nhé!
1. Tổng quan về trật khuỷu tay
Ở người lớn, khuỷu tay là vị trí trật khớp phổ biến thứ hai, đứng sau trật khớp vai. Đối với trẻ em, trật khuỷu tay là loại trật khớp phổ biến nhất.
Trẻ mới biết đi có thể bị trật khuỷu tay, đôi khi còn được gọi là khuỷu tay của cô giữ trẻ, nếu khuỷu tay được nâng lên hoặc vung bằng cẳng tay (tương tự như động tác đánh golf).
Nếu bạn hoặc con bạn bị trật khớp khuỷu tay, hãy đến cơ sở chăm sóc y tế ngay lập tức để chữa trị. Trật khớp khuỷu tay có thể gây ra một số biến chứng nếu không chữa trị kịp thời. Chẳng hạn như chèn ép mạch máu nuôi hoặc dây thần kinh chi phối cho vùng cẳng tay và bàn tay.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Thông thường, một trường hợp trật khớp khuỷu tay có thể được nắn lại vị trí ban đầu mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu khuỷu tay của bạn bị gãy, bạn có thể cần phải phẫu thuật.
2. Những triệu chứng của trật khớp khuỷu
Những dấu hiệu và triệu chứng của trật khớp khuỷu bao gồm:
- Cực kỳ đau đớn
- Biến dạng khớp có thể nhìn thấy được
Trẻ mới biết đi bị trật khớp khuỷu kiểu cô giữ trẻ chỉ bị đau khi di chuyển khuỷu tay trật. Một đứa trẻ thường tránh sử dụng cánh tay và giữ cho nó hơi uốn cong, sát vào cơ thể.
Đôi khi, khuỷu tay chỉ bị trật khớp bán phần. Trật khớp bán phần có thể gây bầm tím và đau. Triệu chứng xuất hiện tại vị trí dây chằng bị kéo căng hoặc bị rách.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Hãy đi đến cơ sở chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn hoặc bé bị trật khớp khuỷu như đau đớn tột cùng, biến dạng khớp khuỷu.
3. Nguyên nhân nào gây ra trật khuỷu tay?
Đối với người lớn, các nguyên nhân phổ biến nhất khiến khớp bị trật bao gồm:
- Té ngã. Dang bàn tay ra khi té ngã có thể sẽ khiến bạn đè lên tay đó và làm bật xương cánh tay ra khỏi vị trí bình thường ứng với khớp.
- Tai nạn xe cộ. Tác động của tai nạn có thể xảy ra khi xe cơ giới va chạm và khiến bạn bị trật khớp khuỷu.
Đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên, té ngã đè lên cánh tay đang ở tư thế dang ra cũng là một nguyên nhân phổ biến gây trật khớp khuỷu.
Ở trẻ mới biết đi, chấn thương thường xảy ra khi có một lực kéo tác động vào khi tay đang dang ra. Các nguyên nhân gây ra những chấn thương như vậy thường là:
- Nâng tay không đúng cách. Cố gắng nâng hoặc vung cánh tay ở trẻ nhỏ có thể khiến khớp khuỷu bị tổn thương
- Đột ngột kéo tay. Đứa trẻ đột nhiên bước xuống lề đường hoặc cầu thang khi bạn đang nắm tay của bé có thể tạo ra lực kéo, dẫn đến trật khớp.
4. Những yếu tố nguy cơ gây trật khuỷu tay
- Độ tuổi. Khuỷu tay của trẻ nhỏ linh hoạt hơn nhiều so với người trưởng thành. Chính vì thể khuỷu tay ở trẻ nhỏ sẽ dễ bị trật khớp hơn.
- Di truyền. Một số người được sinh ra có dây chằng khuỷu tay lỏng lẻo hơn so với mọi người. Vì vậy, họ sẽ có nguy cơ bị trật khớp khuỷu cao hơn.
- Tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Có nhiều trường hợp bị trật khớp khuỷu tay liên quan đến vận động trong thể thao. Những môn thể thao đòi hỏi phải chịu đựng trọng lượng bằng cánh tay, chẳng hạn như bài tập thể dục trên sân, đặc biệt có nguy cơ bị trật khớp khuỷu tay.
5. Trật khuỷu tay gây ra những biến chứng gì?
Một số biến chứng có thể gặp là:
- Gãy xương. Tác động lực làm trật khớp khuỷu tay cũng có thể gây ra gãy xương ở khu vực đó.
- Chèn ép thần kinh. Hiếm khi các dây thần kinh di chuyển qua khuỷu tay có thể bị chèn ép hoặc gián đoạn giữa các xương bị trật. Dây thần kinh bị chèn ép có thể gây ra triệu chứng tê ở cánh tay và bàn tay.
- Chèn ép động mạch. Hiếm khi các mạch máu nuôi cho cánh tay và bàn tay có thể bị chèn ép. Thiếu máu nuôi có thể gây ra triệu chứng đau dữ dội. Thậm chí có thể gây tổn thương mô tại cánh tay và bàn tay vĩnh viễn.
- Gãy xương do giật. Khi trật khớp khuỷu, một dây chằng bị căng sẽ kéo theo một phần xương từ điểm bám của nó. Loại tổn thương này thường phổ biến ở trẻ em.
- Viêm xương khớp. Khớp bị trật có thể có nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp cao hơn trong tương lai.
6. Phòng ngừa trật khớp khuỷu
Để tránh bị trật khớp khuỷu ở trẻ nhỏ, cần tránh nâng hoặc lắc trẻ bằng chính tay của trẻ.
7. Chẩn đoán trật khớp khuỷu
Bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra cẩn thận khớp bị tổn thương. Đồng thời, họ cũng sẽ kiểm tra cánh tay và bàn tay nếu chúng bị lạnh hoặc tê – Đó là những dấu hiệu cho thấy động mạch hoặc dây thần kinh bị chèn ép. Bạn có thể cần chụp X-Quang để kiểm tra tổn thương gãy xương kín kèm theo.
8. Điều trị trật khớp khuỷu bằng cách nào?
Một số trường hợp trật khớp khuỷu có thể tự quay trở lại vị trí bình thường ban đầu. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp cần một bác sĩ để đưa xương trở lại vị trí phù hợp.
8.1 Sử dụng thuốc
Trước khi đưa về vị trí phù hợp, bạn hoặc con bạn sẽ được cho thuốc để làm giảm đau và dãn cơ.
8.2 Các phương pháp trị liệu
Sau khi xương khớp trở về vị trí bình thường, bạn hoặc con bạn có thể cần phải đeo nẹp trong vài tuần. Bạn cũng có thể cần phải thực hiện các bài tập vật lý trị liệu. Các bài tập này sẽ giúp bạn cải thiện phạm vi chuyển động và sức mạnh của khớp.
8.3 Phẫu thuật
Bạn có thể cần phải phẫu thuật nếu:
- Bất kỳ xương trật nào bị gãy
- Dây chằng bị rách cần được nối lại
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu cần phải điều trị
Trật khớp khuỷu tay là một tình trạng chấn thương nghiêm trọng. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị trật khuỷu tay. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.