Khuỷu tay chơi gôn: Nỗi lo của các vận động viên!

Khuỷu tay chơi gôn là tình trạng đau gân cơ cẳng tay ở phần lồi xương phía trong khuỷu tay. Đau có thể lan xuống cẳng tay và cổ tay. Khuỷu tay chơi gôn không chỉ gặp ở những người chơi gôn mà còn ở các môn thể thao sử dụng cổ tay hoặc nắm chặt tay liên tục, chẳng hạn như quần vợt. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh lý này? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích nhất.

1. Triệu chứng nhận biết khuỷu tay chơi gôn là gì?

  • Đau và ấn đau. Thường ở mặt trong của khuỷu tay. Thỉnh thoảng đau lan xuống mặt trong cẳng tay. Cử động thì đau nhiều hơn.
  • Cứng khớp. Khuỷu tay có thể bị cứng và đau khi nắm tay lại.
  • Yếu bàn tay và cổ tay.
  • Tê hoặc ngứa ran. Có thể lan đến ngón út và ngón áp út.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Triệu chứng đau của khuỷu tay chơi gôn có thể xuất hiện đột ngột hay từ từ. Đau nhiều hơn khi cử động, chẳng hạn như vung gậy đánh gôn.

Người bị khuỷu tay chơi gôn sẽ cảm giác đau hơn khi vận động mạnh

Người bị khuỷu tay chơi gôn sẽ cảm giác đau hơn khi vận động mạnh

2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh khuỷu tay chơi gôn?

Khuỷu tay chơi gôn, còn được gọi là viêm lồi cầu trong xương cánh tay, do tổn thương cơ và gân chi phối cử động của cổ tay và ngón tay. Tổn thương thường liên quan đến các căng thẳng quá mức hoặc lặp đi lặp lại lên gân cơ khi cử động cổ tay và ngón tay. Nâng, ném hoặc đánh không đúng cách, cũng như không khởi động đủ trước khi tập hoặc điều kiện tập luyện kém có thể gây nên khuỷu tay chơi gôn.

Ngoài gôn, các hoạt động và nghề nghiệp khác cũng có thể dẫn đến bệnh khuỷu tay chơi gôn. Bao gồm:

  • Môn thể thao dùng vợt. Đánh tennis không đúng kỹ thuật, đặc biệt là đánh trái tay, có thể gây tổn thương gân. Đánh xoáy nhiều và sử dụng vợt quá nhỏ hoặc nặng cũng có thể gây chấn thương.
  • Môn thể thao ném. Ném bóng không đúng kỹ thuật trong bóng chày có thể là nguyên nhân. Bóng đá, bắn cung và ném lao cũng có thể gây bệnh khuỷu tay chơi gôn.
  • Cử tạ. Nâng tạ không đúng kỹ thuật, chẳng hạn như cong cổ tay khi tập bắp tay, có thể gây quá tải cho gân cơ khuỷu tay.
  • Nghề nghiệp hoạt động mạnh, lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như xây dựng, sửa ống nước và làm mộc.

Để gây nên khuỷu tay chơi gôn, các hoạt động cần được thực hiện nhiều hơn một giờ mỗi ngày trong nhiều ngày.

3. Yếu tố nguy cơ của khuỷu tay chơi gôn là gì?

  • Tuổi trên 40.
  • Thực hiện hoạt động lặp đi lặp lại ít nhất 2 giờ mỗi ngày.
  • Béo phì.
  • Hút thuốc lá.

Người béo phì có nguy cơ cao hơn mắc triệu chứng này

Người béo phì có nguy cơ cao hơn mắc triệu chứng này

4. Chẩn đoán khuỷu tay chơi gôn như thế nào?

Khuỷu tay chơi gôn thường được chẩn đoán dựa trên tiền căn bệnh lý và khám lâm sàng. Để đánh giá đau và cứng khớp, cần phải ấn vào điểm đau hoặc cử động khuỷu tay, cổ tay và ngón tay.

Chụp X-quang giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây đau khuỷu tay, như gãy xương hoặc viêm khớp. Các xét nghiệm hình ảnh toàn diện như MRI hiếm khi được dùng.

5. Điều trị bệnh khuỷu tay chơi gôn như thế nào?

Điều trị trước hết bằng việc tránh các hoạt động gây đau. Có thể chườm đá để giảm đau.

Thuốc

Các thuốc giảm đau có thể dùng là ibuprofen, naproxen sodium hoặc acetaminophen.

Tiêm corticoid thường không được sử dụng vì không cho thấy hiệu quả lâu dài. Phương pháp điều trị mới hơn là dùng huyết tương giàu tiểu cầu. Rút một lượng ít máu và tiêm vào vùng gân một lượng tiểu cầu và yếu tố kháng viêm đậm đặc. Phương pháp này cần được nghiên cứu thêm.

Trị liệu

  • Nghỉ ngơi. Ngưng chơi gôn hoặc các môn thể thao khác cho đến khi hết đau. Nếu tập luyện trở lại quá sớm có thể làm bệnh trở nên nặng hơn.
  • Chườm đá vùng bị đau. Chườm túi đá lên khuỷu tay trong 15 đến 20 phút một lần, 3 đến 4 lần một ngày trong vài ngày. Để bảo vệ da, nên quấn túi đá trong một cái khăn mỏng. Dùng đá để mát-xa mặt trong khuỷu tay 5 phút một lần, 2 đến 3 lần một ngày.
  • Đeo nẹp. Đeo nẹp chịu lực giúp giảm căng cơ và gân.
  • Kéo dãn và củng cố gân cơ. Nâng cao sức mạng gân cơ từ từ bằng các bài tập củng cố. Vật lý trị liệu cũng có thể có ích.

Khi hết đau, hãy tập cử động tay trong các môn thể thao bạn đã chơi từ trước. Tập lại cách cầm vợt và đánh vợt đúng.

>> Tìm hiểu thêm: 5 bài tập dành cho người bị hội chứng khuỷu tay quần vợt.

Chườm đá để giảm bớt cảm giác đau

Chườm đá để giảm bớt cảm giác đau

Phẫu thuật

Phẫu thuật hiếm khi cần làm. Nếu triệu chứng không cải thiện với điều trị bảo tồn trong 6 đến 12 tháng, có thể cần đến phẫu thuật. Thủ thuật mới gọi là TENEX có ưu điểm ít xâm lấn, loại bỏ mô tổn thương dưới hướng dẫn của siêu âm. Cần được nghiên cứu thêm để đánh giá hiệu quả.

Hầu hết các triệu chứng sẽ giảm khi nghỉ ngơi, chườm đá, dùng thuốc. Tùy thuộc vào độ nặng của bệnh, đau có thể kéo dài đến nhiều tháng hoặc nhiều năm, ngay cả khi đã làm theo các hướng dẫn tập luyện. Đôi khi triệu chứng đau tái phát hoặc trở thành mạn tính.

6. Phòng ngừa khuỷu tay chơi gôn bằng cách nào?

  • Tăng cường cơ cẳng tay. Nâng tạ nhẹ hoặc bóp bóng. Các bài tập đơn giản có thể giúp cơ hấp thụ được năng lượng khi có các căng thẳng đột ngột.
  • Duỗi cơ trước khi hoạt động. Đi bộ một vài phút để làm ấm cơ. Sau đó kéo duỗi nhẹ trước khi bắt đầu tập luyện.
  • Điều chỉnh tư thế. Yêu cầu huấn luyện viên điều chỉnh tư thế đúng để tránh gây quá tải lên cơ.
  • Sử dụng đúng công cụ. Thay thế gậy đánh gôn sắt bằng gậy đánh gôn nhẹ hơn. Nếu chơi môn thể thao dùng vợt, hãy chọn loại vợt vừa tay nhất. Vợt có cán nhỏ hoặc đầu nặng có thể làm tăng nguy cơ đau khuỷu tay.
  • Nâng đúng cách. Khi nâng bất cứ vật gì, kể cả vật không nặng, giữ cổ tay thật chắc để làm giảm lực lên khuỷu tay.
  • Biết khi nào cần nghỉ ngơi. Tránh sử dụng khuỷu tay quá mức. Nghỉ ngơi khi có dấu hiệu đầu tiên của đau khuỷu tay.

Hãy duy trì tư thế đúng để hạn chế nguy cơ bị khuỷu tay chơi gôn

Hãy duy trì tư thế đúng để hạn chế nguy cơ bị khuỷu tay chơi gôn

Khuỷu tay chơi gôn có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau. Triệu chứng không thuyên giảm trong thời gian dài có thể cần đến phẫu thuật. Nếu khuỷu tay bạn bị viêm, không thể gập duỗi được, biến dạng hoặc nghi ngờ gãy xương, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *