Bệnh Osgood-Schlatter còn được gọi là bệnh viêm lồi củ trước xương chày. Bệnh có thể gây sưng đau tại vị trí ngay dưới đầu gối. Người mắc bệnh này thường là trẻ em và thanh thiếu niên đang trong thời kỳ phát triển mạnh. Để biết thêm những thông tin cơ bản về căn bệnh này hãy đi tìm hiểu cùng ThS.BS Vũ Thành Đô trong bài viết sau đây.
Tổng quan về bệnh Osgood-Schlatter
Bệnh Osgood-Schlatter thường xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt là khi tham gia các môn thể thao có liên quan đến những hoạt động chạy, nhảy. Chẳng hạn như đá banh, bóng rổ,…
Trong quá khứ, bệnh Osgood-Schlatter thường gặp ở các bé trai. Tuy nhiên, do sự tham gia của các bé gái vào những môn thể thao vận động ngày càng nhiều hơn nên tỉ lệ nam và nữ mắc bệnh này dần trở nên bằng nhau.
Bệnh Osgood-Schlatter xảy ra ở bé trai từ 12 đến 14 tuổi và bé gái từ 10 đến 13 tuổi.1 Sự khác biệt này đến từ việc dậy thì của bé gái sớm hơn so với bé trai. Bệnh thường tự khỏi sau khi xương của trẻ ngừng phát triển.2
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
Các triệu chứng báo hiệu của bệnh Osgood-Schlatter
Đau và sưng đầu gối tại vị trí ngay dưới xương bánh chè, là những dấu hiệu chính của bệnh Osgood-Schlatter. Đau thường tăng hơn khi vận động, chẳng hạn như khi chạy, quỳ xuống hay nhảy lên. Triệu chứng này sẽ giảm bớt nếu được nghỉ ngơi.
Bệnh thường chỉ xảy ra ở một đầu gối, nhưng nó vẫn có thể ảnh hưởng cả hai đầu gối. Cảm giác khó chịu này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng và có thể tái phát cho đến khi bé ngừng phát triển.
Các nguyên nhân gây nên căn bệnh này
Trong quá trình tham gia các hoạt động liên quan đến chạy nhảy, cơ đùi của bé (cơ tứ đầu đùi) sẽ kéo căng sợi gân. Sợi gân này có chức năng liên kết xương bánh chè với sụn tiếp hợp ngay trên xương chày.
Những hoạt động mạnh lặp đi lặp lại có thể khiến sợi gân liên tục kéo sụn tiếp hợp và gây ra triệu chứng sưng, đau liên quan đến bệnh Osgood-Schlatter.
Yếu tố nguy cơ nào khiến trẻ dễ bị bệnh Osgood-Schlatter?
Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh Osgood-Schlatter là:
- Độ tuổi. Bệnh xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của độ tuổi dậy thì. Khoảng tuổi xuất hiện bệnh sẽ khác nhau tùy vào giới tính. Điều này được giải thích là bởi vì bé gái sẽ dậy thì sớm hơn bé trai. Bệnh thường khởi phát ở bé trai từ 12 đến 14 tuổi và bé gái từ 10 đến 13 tuổi.
- Giới tính. Ngày xưa, bệnh thường gặp nhiều ở bé trai nhưng hiện nay bệnh cũng dần phổ biến ở các bé gái.
- Tham gia các môn thể thao vận động. Bệnh thường xuất hiện ở những trẻ có chơi các môn thể thao vận động.
Bệnh Osgood-Schlatter sẽ gây những biến chứng gì?
Các biến chứng của bệnh thường không xảy ra. Nếu có, chúng có thể gây đau mãn tính hoặc gây sưng tại chỗ.
Ngay cả sau khi các triệu chứng đã khỏi, một vết sưng trên xương có thể vẫn sẽ nằm tại vị trí đó. Vết sưng này có thể tồn tại suốt cuộc đời, nhưng may thay, nó thường không gây ảnh hưởng đến chức năng của đầu gối.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây kéo cả sụn tiếp hợp ra khỏi xương chày.
Xem thêm: Đau xương đốt bàn chân và những lưu ý khi điều trị!
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu triệu chứng đau tại đầu gối cản trở trẻ thực hiện các hoạt động hàng ngày. Trong trường hợp đầu gối trở nên sưng to và đỏ hoặc kèm với sốt, bạn cần cố định vùng khối của trẻ và đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
Làm thế nào để chẩn đoán được bệnh Osgood-Schlatter?
Trong khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra liệu đầu gối của bé có bị đau, sưng hay đỏ. Chụp X-Quang có thể cần thiết để quan sát các xương ở vùng gối và chân. Ngoài ra, nó còn giúp bác sĩ kiểm tra kỹ hơn khu vực nơi gân bám vào xương chày.
Điều trị bệnh Osgood-Schlatter
Bệnh Osgood-Schlatter thường tự khỏi mà không cần điều trị. Một số triệu chứng thường tự biến mất sau khi trẻ ngừng phát triển.
1. Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc naproxen sodium (Aleve) có thể làm giảm nhẹ triệu chứng.1
2. Vật lý trị liệu
Chuyên gia về vật lý trị liệu có thể dạy cho bé các bài tập để kéo dãn cơ tứ đầu đùi. Điều này có thể làm giảm sức căng tại vùng gân bám vào xương chày. Các bài tập tăng cường sức mạnh của cơ tứ đầu đùi và chân có thể giúp ổn định được khớp gối.
3. Phẫu thuật
Trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu cơn đau gây suy nhược và không giảm sau giai đoạn phát triển thì phẫu thuật để loại bỏ một phần xương phát triển quá mức có thể được cân nhắc.
Thay đổi lối sống và chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân
Một số mẹo sau đây có thể giúp bé giảm đau chân:
- Tránh vận động khớp gối. Hạn chế thực hiện các hoạt động làm nặng thêm tình trạng bệnh. Chẳng hạn như quỳ gối, chạy, nhảy. Thay vào đó, hãy chuyển sang các hoạt động khác không gây ảnh hưởng đến đầu gối cho đến khi các triệu chứng giảm dần.
- Chườm đá vùng bị sưng đau.
- Kéo dãn cơ vùng chân theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.
- Bảo vệ đầu gối. Khi trẻ tham gia vào các hoạt động thể thao, hãy cho bé đeo một miếng đệm ở đầu gối bị ảnh hưởng.
Qua bài viết trên, ThS.BS Vũ Thành Đô mong gửi đến bạn đọc những thông tin cần thiết và có thể giúp ích cho bạn. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có những triệu chứng bất thường để mau chóng tìm ra được nguyên nhân và tiến hành điều trị. Điều trị sớm sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bé.