Những điều bạn cần biết về hội chứng đau cơ

Hội chứng đau cơ (myofascial pain syndrome) là một hội chứng thuộc rối loạn đau mạn tính. Khi tình trạng này xảy ra, tác động lên các điểm nhạy cảm của cơ khiến cơ bị đau. Hầu hết mọi người ai cũng đã từng bị đau do căng cơ, tuy nhiên, bệnh nhân với hội chứng đau cơ có biểu hiện đau kéo dài, và đôi khi là ngày càng nặng lên. Vậy nguyên nhân nào gây ra cơn đau cơ này? Liệu có phương pháp nào để điều trị không? Hãy để ThS.BS Vũ Thành Đô trả lời giúp bạn những câu hỏi này nhé.

1. Tổng quan

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.

Tình trạng đau cơ thường xảy ra khi cơ bị co liên tục. Những hành động lặp đi lặp lại trong công việc hay thói quen có thể gây ra tình trạng đau cơ này. Bệnh nhân có hội chứng đau cơ có cảm giác đau dai dẳng, khác với đau cơ do căng cơ thông thường. Các phương pháp điều trị hiện nay như vật lý trị liệu có thể giúp giảm bớt cơn đau đáng kể.

2. Biểu hiện của hội chứng đau cơ

Các biểu hiện của tình trạng này có thể là:

  • Cảm giác đau sâu trong một cơ nhất định.
  • Cơn đau dai dẳng không dứt, hoặc ngày càng đau nhiều hơn.
  • Xuất hiện nút thắt cơ (một điểm kích thích cảm giác đau trong cơ).
  • Mất ngủ do cơn đau.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Hãy đi khám khi bạn cảm thấy cơn đau của mình kéo dài, không dứt. Đối với người bình thường, hầu như ai cũng từng bị đau do căng cơ. Do đó, nếu cơn đau chỉ nhẹ và hết sau một thời gian, bạn không nhất thiết phải đi khám. Nhưng nếu cơn đau vẫn tiếp diễn dù bạn có nghỉ ngơi, xoa bóp hay thư giãn cơ, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.

>> Xem thêm: Đau nửa đầu có tiền triệu có điều trị được không?

3. Hội chứng đau cơ là do nguyên nhân gì?

Khi cơ bị tổn thương hay hoạt động quá nhiều, những vùng nhạy cảm sẽ xuất hiện trên sợi cơ. Những vùng, hay điểm nhạy cảm này còn được gọi là nút thắt cơ. Khi các nút thắt này xuất hiện, chúng sẽ tạo ra một cảm giác đau và mỏi dọc theo sợi cơ và tác động lên toàn bộ cơ. Khi cơn đau cơ này trở nên dai dẳng, thì tình trạng này được gọi là hội chứng đau cơ.

Các nút thắt cơ gây ra cảm giác đau.

Vậy những yếu tố nào gây ra tình trạng này?

Hội chứng đau cơ bị gây ra bởi các yếu tố kích thích, như sự căng cứng của cơ. Sự cứng cơ làm khởi phát của các nút thắt cơ, tạo nên cơn đau. Tương tự như vậy, các yếu tố khác tương tự như sự cứng cơ cũng có thể làm xuất hiện cơn đau. Có thể kể đến như:

  • Chấn thương cơ. Một chấn thương cơ cấp tính hay tình trạng căng cơ kéo dài đều có thể làm xuất hiện những nút thắt cơ. Ví dụ như những vùng cơ bị căng dãn quá mức hoặc bị rách có thể trở thành những nút thắt cơ. Chúng tạo ra cảm giác đau. Những hành động lặp đi lặp lại hay tư thế sai cũng có thể làm xuất hiện những nút thắt cơ này.
  • Sự căng thẳng và lo lắng. Những người thường xuyên căng thẳng sẽ có nhiều khả năng xuất hiện các nút thắt cơ hơn. Một giả thuyết giải thích điều này là những người hay bị stress có thể thường xuyên gồng, nghiến chặt cơ hơn. Những hành động này khi lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến đau cơ.

>> Xem thêm: Chấn thương gân cơ đùi sau có nguy hiểm không?

4. Tình trạng này có thể gây ra biến chứng gì?

Các biến chứng liên quan đến hội chứng đau cơ gồm:

  • Mất ngủ. Cảm giác đau có thể sẽ khiến bạn khó ngủ. Bệnh nhân có thể khó tìm được một tư thế thoải mái để ngủ. Đôi khi, khi đã ngủ, nếu có cử động, các cử động này có thể kích thích vào nút thắt cơ làm cơn đau xuất hiện trở lại.
  • Hội chứng đau cơ xơ hóa. Nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng hội chứng đau cơ xơ hóa có thể xuất hiện ở những bệnh nhân có hội chứng đau cơ. Hội chứng đau cơ xơ hóa là một tình trạng mạn tính với cảm giác đau lan tỏa. Có thể nói rằng não bộ của bệnh nhân với hội chứng đau cơ xơ hóa nhạy cảm với với đau hơn. Điều này có nghĩa là họ dễ cảm thấy đau hơn bình thường.

Cơn đau cơ có thể khiến bạn mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc.

5. Chẩn đoán hội chứng đau cơ như thế nào?

Để chẩn đoán hội chứng này, việc khám kỹ cơ bị đau là rất quan trọng. Bác sĩ sẽ dùng tay để đè vào vùng bị đau, và cảm nhận vùng bị căng cứng của cơ. Nhiều nghiệm pháp khám sẽ được thực hiện để khảo sát đáp ứng của cơ và vùng bị đau. Bạn cũng có thể xuất hiện giật cơ lúc khám.

Đau cơ có khá nhiều nguyên nhân. Bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một số xét nghiệm và thủ thuật để loại trừ các nguyên nhân gây đau cơ khác.

6. Phương pháp điều trị

Các phương pháp điều trị chính của tình trạng này bao gồm dùng thuốc giảm đau, tiêm thuốc vào nút thắt cơ và tập vật lý trị liệu. Các phương pháp này được xem là có hiệu quả khá tương đương nhau. Tuy nhiên, vật lý trị liệu luôn là một yếu tố quan trọng trong liệu trình điều trị. Bạn và bác sĩ của mình sẽ cần trao đổi thật kỹ để lựa chọn phương pháp phù hợp. Đôi khi các phương pháp điều trị này cũng được kết hợp với nhau để tăng hiệu quả giảm đau.

6.1. Điều trị dùng thuốc

Các loại thuốc có thể giúp điều trị hội chứng đau cơ bao gồm:      

  • Thuốc giảm đau. Các thuốc giảm đau không kê toa có thể được mua tại các hiệu thuốc. Đối với một số trường hợp nhẹ, việc sử dụng thuốc này đã là đủ để giảm đau. Các thuốc thường được sử dụng như ibuprofen, naproxen. Nếu các thuốc này chưa đủ để giảm đau, bác sĩ có thể kê cho bạn loại thuốc giảm đau mạnh hơn. Thuốc có thể ở dưới dạng viên uống hoặc miếng dán.
  • Thuốc chống trầm cảm. Nhiều loại thuốc chống trầm cảm có thể được dùng để giảm đau. Loại thuốc thường được lựa chọn là amitriptyline. Thuốc này vừa có công dụng giảm đau, vừa giúp cải thiện giấc ngủ.
  • Thuốc an thần. Clonazepam có thể được dùng để điều trị rối loạn lo âu và mất ngủ do hội chứng đau cơ gây ra. Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn thận khi sử dụng loại thuốc này vì chúng có thể gây nghiện.

6.2. Vật lý trị liệu

Việc tập vật lý trị liệu sẽ giúp giảm đau dần và được thực hiện dựa theo kế hoạch. Các kế hoạch tập luyện sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào biểu hiện của bệnh nhân. Các bài tập có thể là:

  • Tập co giãn cơ. Việc tập co giãn một cách nhẹ nhàng sẽ giúp giảm bớt cơn đau. Nếu cơ bạn bị kích thích và đau khi tập, thuốc xịt gây tê có thể được sử dụng.
  • Luyện tập sửa tư thế. Điều chỉnh tư thế đúng giúp ích khá nhiều, đặc biệt là với các cơ vùng cổ. Các bài tập tăng cường các cơ xung quanh vùng có nút thắt cơ có thể giúp tránh cơn đau xuất hiện do một cơ duy nhất phải hoạt động quá mức. Việc chia đều lực ra nhiều cơ giúp giảm tải và phân bố đều áp lực.
  • Mát xa, xoa bóp. Các động tác xoa bóp cơ giúp giảm đau cơ khá tốt. Việc này giúp giảm co thắt, giảm cứng cơ, giúp cơ dễ thả lỏng hơn.
  • Chườm ấm. Việc chườm ấm giúp giảm co cứng cơ và giảm đau.
  • Dùng sóng siêu âm. Sóng siêu âm giúp tăng lượng máu đến cơ và làm ấm, giúp cơ nhanh hồi phục.
hoi-chung-dau-co

Tập vật lý trị liệu rất có ích trong điều trị hội chứng đau cơ.

6.3. Tiêm thuốc vào các nút thắt cơ

Tiêm thuốc làm tê hay steroid vào các nút thắt cơ có thể làm giảm cơn đau. Đối với một số trường hợp, việc châm cứu cũng giúp ích khá nhiều trong việc giảm đau và thư giãn cơ.

Một vài lời khuyên dành cho bệnh nhân

  • Hãy thường xuyên vận động thể lực. Luyện tập nhẹ nhàng, vừa phải sẽ giúp bạn phản ứng tốt hơn khi có cơn đau. Hãy xin lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia để có chế độ tập luyện phù hợp với bạn.
  • Tập thư giãn. Hạn chế các yếu tố gây căng thẳng. Tập ngồi thiền cũng có thể giúp ích rất nhiều cho việc thư giãn.
  • Chăm sóc cơ thể tốt: ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc.

Lời kết

Hội chứng đau cơ là một tình trạng đau cơ mạn tính, gây ra bởi các nút thắt trong cơ. Các nút thắt cơ này có thể xuất hiện khi cơ bị tổn thương hay do vận động, co dãn quá mức. Hiện nay, có nhiều phương pháp được áp dụng để điều trị hội chứng này. Trong đó, vật lý trị liệu là một phương pháp có vai trò quan trọng. Mỗi khi bị đau cơ, hãy thử làm theo những gợi ý mà ThS.BS Vũ Thành Đô vừa cung cấp cho bạn nhé. Chúc bạn luôn khỏe.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *