Hội chứng đau khu vực còn có tên gọi khác là hội chứng đau cục bộ. Đây là một tình trạng đau mạn tính ảnh hưởng chủ yếu đến tay hoặc chân, hoặc cả hai. Bệnh lý này rất hiếm khi ảnh hưởng đến những cơ quan khác trong cơ thể. Vậy những ai là đối tượng dễ mắc phải hội chứng này? Làm sao để đừng bị bệnh? Tất cả sẽ được Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn giải đáp qua bài viết sau đây.
Vì sao một người lại mắc phải hội chứng đau khu vực?
Cho đến nay, nguyên nhân của hội chứng đau khu vực (CRPS – Complex regional pain syndrome) vẫn chưa hoàn toàn được xác định. Nhiều giả thuyết cho rằng hội chứng này gây ra bởi một chấn thương nào đó. Hoặc có thể là do sự bất thường của hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên.
>> Đau xơ cơ là một tình trạng đau và cứng các mô mềm như cơ, gân và dây chằng. Bệnh khiến cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động công việc học tập hằng ngày. Bệnh chưa có thuốc điều trị khỏi, nhưng sự kết hợp của nhiều phương thức điều trị giúp giảm triệu chứng. Vậy bạn đã hiểu rõ về đau xơ cơ? Cùng YouMed tìm hiểu thêm tại đây: Bạn đã biết gì về đau xơ cơ?
CRPS gồm có hai tuýp, với các dấu hiệu và triệu chứng giống nhau, nhưng các nguyên nhân gây ra bệnh thì lại khác nhau:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Cơ Xương Khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
- Tuýp 1: Còn được gọi là loạn trương lực giao cảm phản xạ. Loại này xảy ra sau khi chúng ta bị chấn thương hoặc bị bệnh. Tuy nhiên nó không gây tổn thương trực tiếp các dây thần kinh ở chi bị ảnh hưởng. Khoảng 90% những người bị CRPS nằm ở nhóm này.
- Tuýp 2: Còn được gọi là đau cơ. Loại này có các triệu chứng tương tự như loại 1. Nhưng CRPS tuýp 2 xảy ra sau một chấn thương thần kinh riêng biệt và đặc hiệu.
Những ai dễ mắc hội chứng đau khu vực?
Những đối tượng sau đây dễ mắc hội chứng đau khu vực:
- Người đã từng bị các bệnh lý tim mạch như: bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch máu, suy tim,…
- Tiền sử bị tai biến mạch máu não (đột quỵ não cấp).
- Đã từng bị chấn thương, đặc biệt là chấn thương sọ não, gãy xương.
- Những người mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn,…
- Từng bị các bệnh lý tâm thần như: lo âu, stress, trầm cảm, tâm thần phân liệt,…
- Người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá.
Những biện pháp nào giúp làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đau khu vực?
Một số biện pháp sau đây có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc CRPS:
- Bổ sung vitamin C sau khi bị gãy xương: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tăng cường vitamin C sau khi bị gãy xương có nguy cơ mắc CRPS thấp hơn so với những người không dùng vitamin C.
- Vận động sớm sau khi bị đột quỵ: Các nghiên cứu cho kết quả: Những người ra khỏi giường và đi bộ xung quanh sớm sau khi đột quỵ sẽ giảm nguy cơ bị CRPS.
- Từ bỏ lối sống ít vận động. Siêng năng tập thể dục hàng ngày.
- Tham gia các môn thể thao như: Cầu lông, quần vợt, chạy bộ, bóng đá, bóng chuyền, fitness,…
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin nhóm B như: thịt, cá, sữa, ngũ cốc,…
Biến chứng của hội chứng đau cục bộ là gì?
Nếu hội chứng đau khu vực không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng như sau:
- Teo cơ: Da và cơ của người bệnh có thể trở nên dần yếu đi và teo lại. Nó trông rất mất thẩm mỹ. Người bệnh sẽ gặp khó khăn khi di chuyển vì đau hoặc co cứng cơ.
- Co cứng cơ: Người bệnh rất dễ bị co cơ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng ngón tay, ngón chân co quắp lại, cản trở sinh hoạt hàng ngày.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh sẽ cần gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm khi:
- Những cơn đau xuất hiện liên tục và nghiêm trọng ảnh hưởng đến tay hoặc chân.
- Cơn đau gây khó khăn cho việc cầm nắm, di chuyển.
Mục đích của việc điều trị bệnh sớm là hạn chế những biến chứng có thể xảy ra. Đồng thời, chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sẽ được cải thiện rõ nét hơn. Bạn sẽ không phải chịu khổ sở vì những cơn đau thắt hành hạ liên tục.
Có nên tự uống thuốc giảm đau để điều trị bệnh?
Thói quen của người dân là tự mua thuốc giảm đau (chẳng hạn Paracetamol) để uống mỗi khi bị đau nhức. Tuy nhiên, điều này là không nên. Bạn cần phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nên uống thuốc đúng liều và ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã được kiểm soát.
Nếu lạm dụng các loại thuốc giảm đau, bạn có thể gặp phải những hậu quả sau đây:
Đối với thuốc Paracetamol giảm đau
- Tổn thương gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan.
- Chán ăn, vàng da, vàng mắt.
- Ngộ độc Paracetamol khi dùng quá liều.
Đối với nhóm thuốc Corticoide
- Viêm loét dạ dày, tá tràng.
- Loãng xương, hạ canxi máu.
- Hạ kali máu dẫn đến dễ bị vọp bẻ, chướng bụng.
- Khó ngủ.
- Làm tình trạng bệnh tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.
- Rối loạn tâm thần.
- Chậm lành vết thương.
- Đục thủy tinh thể.
- Bị hội chứng Cushing: tay chân teo cơ, mỡ tập trung ở mặt, gáy, vai, bụng, ngực, mông.
- Suy và teo tuyến thượng thận.
Đối với nhóm thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs
- Tổn thương tim, tổn thương thận.
- Khởi phát cơn hen suyễn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Tăng nguy cơ suy tim ở người cao tuổi.
- Tăng huyết áp ở người đang có huyết áp cao.
Trên đây là một số thông tin giải đáp những câu hỏi xoay quanh “Hội chứng đau khu vực”. Hy vọng qua những thông tin Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn đã cung cấp, các bạn sẽ có cho mình một cái nhìn tổng quan về Hội chứng đau khu vực!