Bệnh gai cột sống thường được biết đến với triệu chứng đau nhức vùng lưng hoặc cột. Tuy nhiên nhiều người còn khá thờ ơ và chủ quan về bệnh. Chỉ khi triệu chứng đau vượt quá mức chịu đựng họ mới đến khám tại bệnh viện. Vậy bệnh gai cột sống có nguy hiểm không. Mức độ ảnh hưởng của bệnh này như thế nào và biến chứng ra sao nếu không sớm điều trị.
Bệnh gai cột sống có nguy hiểm không?
Triệu chứng sớm nhất của gai cột sống là đau vùng thắt lưng, cột sống hoặc tê vùng cánh tay. Các triệu chứng ban đầu khá nhẹ, có thể chịu được. Phần lớn mọi người thường bỏ qua hay lầm tưởng là các dấu hiệu đau nhức cơ thông thường.
Khi không được điều trị, bệnh diễn tiến nặng hơn. Triệu chứng đau xuất hiện nhiều hơn nhất là khi có các vận động liên quan đến vùng cổ hay thắt lưng. Mức độ đau ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cản trở trong sinh hoạt và giảm khả năng lao động.
Thậm chí lúc này nếu không sớm can thiệp, bệnh gai cột sống có thể gây ra nhiều biến chứng. Dưới đây là một số biến chứng của bệnh gai cột sống.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Chăm sóc cơ xương khớp, tải ngay ứng dụng YouMed.
1. Tổn thương thần kinh toạ
Các gai cột sống ban đầu gây đau nhức do gai chèn ép vào các mô cơ lân cận. Lúc này bệnh nhân đau nhức và khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Mức độ đau này vẫn chưa nghiêm trọng và nên sớm được điều trị.
Khi diễn tiến nặng hơn, gai xương có hiện tượng chèn ép vào các dây thần kinh gây đau nhức nhiều hơn. Dây thần kinh liên sườn và dây thần kinh tọa là 2 đoạn thần kinh thường bị tổn thương nhiều nhất.
Đau dây thần kinh tọa với đặc điểm người bệnh đau nhức từ vùng hông xuống đến chân, đau làm hạn chế vận động. Khi đó bệnh nhân đi lại khó khăn, giảm vận động làm teo các cơ ở bắp chân.
2. Tổn thương thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn khi bị chèn ép làm người bệnh đau nhức vùng ngực. Triệu chứng này làm nhiều người nhầm lẫn với các bệnh thuộc hệ hô hấp hoặc tim mạch.
3. Rối loạn tiểu tiện
Rối loạn tiểu tiện là biến chứng khá nặng nề của bệnh gai cột sống. Rối loạn tiểu tiện là khi bệnh nhân đại tiện hoặc tiểu tiện không tự chủ được, hiện tượng són phân, tiểu rỉ.
Trong quá trình thoái hoá tạo gai cột sống, các ống tuỷ sống bị thu hẹp lại tạo điều kiện hình thành gai cột sống. Khi ống tuỷ thu hẹp kết hợp với gai cột sống chèn ép vào thần kinh gây rối loạn tiểu tiện. Khi có dấu hiệu này, bệnh nhân cần phải được can thiệp điều trị sớm để tránh các di chứng về sau.
Như vậy chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi bệnh gai cột sống có nguy hiểm không. Những biến chứng về thần kinh của gai cột sống rất nguy hiểm. Thậm chí nếu có thể không hồi phục trở lại như ban đầu. Vì vậy người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Nguyên tắc điều trị gai cột sống
Đối với gai cột sống không có triệu chứng thì chưa cần thiết phải điều trị. Chúng ta có thể chung sống hòa bình với gai cột sống nếu chúng không gây bất kỳ sự khó chịu nào.
Khi gai cột sống gây đau nhức có thể đã chèn ép vào các dây thần kinh xuất phát từ cột sống hoặc các mô cơ xung quanh. Vì vậy cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Nếu triệu chứng nhẹ không điều trị, lâu ngày có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như đã nêu trên.
Do đó khi người bệnh cảm giác đau hay tê vùng vai gáy, cánh tay, đau lưng, đau có lan xuống bàn chân, cẳng chân,… nên sớm đến các bệnh viện chuyên khoa để được khám và điều trị bệnh.
Trong điều trị gai cột sống, điều trị bảo tồn là phương pháp được ưu tiên lựa chọn.
Điều trị bảo tồn cho người bệnh bao gồm:
- Thuốc giảm đau.
- Vật lý trị liệu.
- Châm cứu.
- Thay đổi dinh dưỡng và lối sống.
Tuy nhiên người bệnh không nên tự mua thuốc giảm đau hoặc tự tập luyện. Mọi vấn đề về thuốc và các bài tập thể dục hỗ trợ nên theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Dùng thuốc và vận động không đúng khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Một số người bệnh chịu tác dụng phụ của thuốc giảm đau nếu dùng không đúng cách.
Một số biện pháp phòng ngừa đau lưng trong bệnh gai cột sống
Để giảm được triệu chứng đau lưng trong bệnh gai cột sống, ngoài sử dụng thuốc điều trị và vật lý trị liệu, người cũng cần phải thay đổi một số tư thế chưa đúng trong sinh hoạt hằng ngày. Giữ cho cơ thể ở tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động hằng ngày là biện pháp tốt nhất để giảm đau và sớm phục hồi chức năng cột sống.
Đứng
Ở tư thế đứng hoặc đi, người bệnh cần đứng thẳng và cân đối hai bên. Mục đích là để trọng lượng cơ thể chia đều ở hai bên chân, không bị lệch về một phía. Nên giữ nguyên độ cong sinh lý bình thường của cơ thể, nhất là đoạn thắt lưng ( vị trí thường gặp của gai cột sống) bằng cách đứng thẳng lưng, không ưỡn bụng,
Hạn chế sử dụng các loại giày cao gót vì thay đổi tư thế cân bằng, lực dồn vào cột sống nhiều hơn gây đau. Nên hạn chế các động tác cúi làm gấp cột sống. Một số bệnh nhân sẽ rất đau khi thực hiện động tác này.
Ngồi
Tư thế ngồi chuẩn là tạo thành các góc vuông. Bao gồm hai bàn chân đặt trên màn nhà, khớp cổ chân, khớp gối và khớp háng vuông góc. Khi ngồi nên chọn ghế vừa tầm để hai bàn chân có thể đặt trên sàn nhà.
Không nên ngồi cong lưng hay cúi người ra phía trước. Lưng thẳng và tựa đều vào thành ghế phía sau để trọng lựa cơ thể dồn đều ở hai bên mông và chân.
Những người bị gai cột sống, nhất là đoạn gai cột sống thắt lưng không nên ngồi xổm vì làm thay đổi đường cong sinh lý và sự chịu lực của cơ thể lên cột sống lưng.
Qua bài viết chúng ta đã biết được bệnh gai cột sống có nguy hiểm không. Can thiệp điều trị sớm gai cột sống ngay khi vừa có triệu chứng là cách tốt nhất giúp bệnh nhân tránh được biến chứng và nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường.